Thức ăn Nhật Bản không giống phần lớn các nước Châu Á khác về nguyên liệu, cách chế biến, hương vị, và trên hết là trong cách trình bày. Nó phản ánh tính cách và văn hóa của người Nhật.
Các món ăn Nhật thường không sử dụng nhiều chất đạm có nguồn gốc từ gạo, mì. Nguồn đạm chủ yếu là từ cá và đậu tương, gia vị thường nhẹ nhàng tinh tế, chủ yếu sử dụng đường và nuớc tương. Trong trình bày, thức ăn luôn tạo ra sự đẹp mắt và có tính nghệ thuật cao, tạo cảm giác thư giãn và kích thích thèm ăn. Người Nhật thường dùng nhiều loại đĩa bát với đủ mọi hình dáng, màu sắc khác nhau.
Ảnh: www.ptthlamson.net
Lương thực
Trong ẩm thực Nhật bản, gạo cũng là lương thực chính như ẩm thực Việt. Các món cơm của Nhật rất phong phú, trong đó có món Sushi. Sushi là một món ăn truyền thống của Nhật Bản, có nguồn gốc từ thời xưa, khi việc vận chuyển cá từ biển về rất chậm, vì vậy, các ngư dân phải nghĩ cách để không làm lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Họ làm sạch cá, ướp muối, nén chúng giữa hai lớp gạo, đặt một tảng đá nặng lên trên, vài tuần sau thay tảng đá bằng vật nhẹ hơn. Khoảng hai đến ba tháng sau, khi cá và gạo lên men thì món ăn đã hoàn tất. Ngày nay việc chuẩn bị món Sushi trở nên đơn giản hơn rất nhiều và thời gian cũng được rút ngắn, sự cầu kỳ trong cách thực hiện đã được cải tiến nhiều. Món Sushi ngày nay không chỉ là món ăn truyền thống của Nhật mà đã trở thành món yêu thích của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sushi - Ảnh: www.pref.osaka.jp
Sushi được làm từ cơm kết hợp với hải sản tươi sống hoặc chín, với rau và với một số gia vị, đặc biệt là với wasabi nếu là món sushi hải sản. Sushi có nhiều loại, nhiều dạng khác nhau và thường là loại cơm lên men chua, được nêm gia vị giấm, muối, đường. Để dùng hàng ngày, người ta làm món Chi- rashizushi là cơm trộn với nhiều loại nguyên liệu hỗn hợp như trứng, tôm, cá, nấm… Loại sushi cuộn khá phổ biến, gọi là makizushi, trong đó cơm được cuốn tròn, bên ngoài là lớp rong biển sấy khô, bên trong thường là các loại rau cải hoặc trái bơ, trứng… Sushi còn có dạng cơm nắm với một miếng cá hoặc tôm sống, cơm gọi là Nigirizushi. Temaki zushi là dạng cơm cuộn bằng rong biển hình phễu, thường được cuộn và ăn ngay, không cắt khoanh.
Mỳ Soba - Ảnh: www.trekjapan.com
Tuy Sushi là món ăn nổi tiếng của Nhật, nhưng người Nhật lại thích ăn mì hơn. Họ có rất nhiều loại mì khác nhau, từ loại Udon to dày đến loại Soba nhỏ xíu. Udon và Soba có thể ăn nóng hoặc còn được ăn nguội, đặc biệt với loại mì Soba. Món Soba lạnh là mì luộc chín, chấm với nuớc tương, củ cải trắng bào và mù tạc với vài cọng hành. Mì Soba lạnh được trình bày với nori xắt sợi và ăn với củ Yam bào mịn. Yam trong tiếng Nhật có nghĩa là “khoai tây núi”, cũng là một loại thức ăn nổi tiếng trong ẩm thực Nhật bản. Yam rất thường xuất hiện trong bữa ăn, dùng ăn sống hoặc được nướng trong lò hay hấp lên.
Các món ăn Nhật thường sử dụng một loại củ chứa tinh bột có độ giòn, dai rất đặc biệt và được ưa chuộng là Konyakku. Người ta cho là nó xuất xứ từ Indonesia, và ngày nay được trồng tại một số vùng ở Nhật Bản. Konyakku được ăn sống, luộc hay làm thành bột và chế biến. Mặc dù giá khá cao nhưng nó rất được ưa thích, sử dụng trong nhiều món ăn như món Oden.
Sashimi - Ảnh: phunumoi.com
Hải sản Nhật Bản là một đảo quốc được bao bọc bởi dòng biển ấm và sông ngòi dày đặc. Hải sản thu được hằng năm rất dồi dào. Điều này có ảnh hưởng lớn đến thói quen ăn uống của người Nhật bản. Người Nhật thích món hải sản sống, là sashimi, một món đắt tiền được dùng như món khai vị. Sashimi có thể là các loại cá sống, tôm sống, bạch tuộc… thường dùng chung với wasabi, một loại mù tạc có vị hăng nồng của Nhật Bản, và những lát gừng thái mỏng, ngâm chua. Một món khác cũng rất thông dụng là món sushi. Những con cá nuớng trên khay kim loại gọi là teppan. Cá khô và ướp bonito (katsuo-bushi) thường dùng trong món xúp miso (tương đậu nành sệt) và cá lạng thành miếng mỏng dùng để trình bày cho món ăn. Món Nhật có các loại tôm nổi tiếng như tôm pan-da hay tôm anh đào (sakura) vì màu sắc hồng nhạt của nó. Ngoài ra, rong biển là nguồn cung cấp chính các chất khoáng và nguyên tố vi lượng như iốt trong thực đơn hằng ngày của người Nhật. Rong biển dùng cuộn với cơm, nấu canh, làm món salad hay có loại dùng riêng để nấu nước dùng. Lươn cũng là nguyên liệu được ưa chuộng của người Nhật. Món Kabayaki (lươn nướng) là món ăn được người Nhật ưa thích. Người ta chế biến bằng cách hấp chín lươn sau đó đem nướng vàng và đặt trên nắm cơm.
Kabayaki - Ảnh: www.flickr.com
Thịt gia súc
Bên cạnh nguyên liệu hải sản, người Nhật cũng sử dụng các loại thịt gia súc như thịt heo, bò, hươu, ngựa… Thịt heo được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc qua Triều Tiên. Những món ăn chế biến từ thịt heo ngon nhất thường tập trung ở miền Nam Nhật bản, ví dụ món tonkatsu. Mặc dù vậy, thịt heo không xuất hiện trong thực đơn chính của Nhật Bản như thịt bò. Người Nhật dùng thịt bò làm những món đặc biệt như món Sukiyaki, món lẩu Shabu Shabu. Sukiyaki là món ăn chế biến với những miếng thịt bò nướng, dùng với đậu hủ, nấm. Món Shabu Shabu với những miếng thịt bò ngon xắt mỏng nhúng vào nước lẩu nấu từ rong biển. Loại thịt bò nổi tiếng của Nhật là bò Ko bê. Những con bò được nuôi với chế độ ăn đặc biệt và được xoa bóp làm cho mỡ tản đều trong bắp thịt. Khi nấu chín, những hạt mỡ nằm rải rác khắp miếng thịt làm cho thịt bò mềm và ngon đặc biệt. Thịt bò Kô bê có lẽ là thứ thịt bò đắt nhất thế giới và được xuất khẩu sang nhiều nước phát triển khác, trong đó có Mỹ.
Sukiyaki - Ảnh: www.tajima-beef.jp
Người Nhật cũng ăn thịt hươu và thịt ngựa. Người ta cho là loại hươu ngon nhất ở Nhật là hươu ở Hokkaido. Ở đây, loài hươu ăn những loại cỏ có tính thảo dược làm cho thịt có vị ngon đặc biệt. Ngoài ra, giống như người Đức hay người Pháp, người Nhật cũng thích hương vị và sớ thịt khác lạ của món thịt ngựa. Thỉnh thoảng họ còn ăn thịt ngựa sống như là món sashimi. Thay vì sashimi cá, tôm hay bạch tuộc thì là sashimi thịt ngựa.
Lẩu Shabu Shabu - Ảnh: eatbma.blogspot.com
Các loại thực phẩm khác
Rau củ của Nhật Bản gần giống như các nước khác; bao gồm các loại rau ăn lá, loại lấy trái và loại lấy rễ. Rau ăn lá như rau chân vịt, lá cây hoa cúc. Trái có cà tím, loại lấy rễ có nhiều loại xa lạ với các nước khác như fuki (khoai môn), dai- kon (một loại củ cải). Daikon xắt mỏng được coi là món ăn độc đáo của người Nhật, được ngâm chua hay để trang trí đĩa thức ăn.
Chawa-mushi - Ảnh: commons.wikimedia.org
Người Nhật còn có nhiều món ăn chế biến với trứng. Họ có cách riêng trong chế biến trứng, như món TamagoYaki là món trứng chiên dùng trong gia đình. Món Chawa-mushi, có nghĩa là “món trứng hấp trong thố sứ” là món trứng trộn với gia vị, nước dùng gà rồi đem hấp trong thố. Trong các thành phố, các okonomiya (cửa hiệu trứng ốp lết) cung cấp cho khách ăn một thực đơn hoa cả mắt về các món ốp lết.
Súp Miso - Ảnh: www.yeedesign.com
Tofu (đậu phụ, tàu hủ) là món ăn được phổ biến rộng rãi khắp nước Nhật. Đậu phụ có nhiều loại: mềm mượt, mềm vừa, cứng, được ăn nguội hoặc ăn nóng. Đậu phụ cũng có thể được chế biến như món nước uống hay thức ăn, như món ăn với cơm hoặc món ăn tráng miệng. Bữa ăn của người Nhật sẽ không thành bữa ăn nếu không có món đậu phụ. Món xúp Miso nổi tiếng của Nhật Bản nấu với tương đặc Miso không thể thiếu thành phần đậu phụ trong đó.
Gia vị
Món ăn Nhật Bản không thể thiếu các loại gia vị dùng chế biến tạo nên hương vị riêng. Có thể kể một số gia vị thông dụng trong ẩm thực Nhật Bản như sau:
Dashi: hỗn hợp bột rong biển trộn với bột cá cơm, được dùng làm bột nêm.
Mirin: loại rượu nếp, ít chất cồn, vị ngọt, thường dùng để pha vào các loại xốt. Có hai loại Mirin là Hon và Shin. Cả hai loại này đều có nồng độ cồn dưới 1%. Mirin giúp làm tăng hương vị và khiến món ăn có màu sắc đẹp hơn.
Tương đặc Miso: làm từ đậu nành lên men, là món chủ yếu trong chế biến món ăn Nhật, được coi là protein thực vật.
Giấm gạo: Là loại giấm được làm lên men từ gạo hoặc từ rượu nếp. Giấm gạo có mùi nhẹ và vị chua dịu, hơi ngọt, không màu hoặc hơi vàng.
Rượu Sakê - Ảnh: forum.vysan.net
Rượu gạo Sakê: để nấu làm món ăn hoặc uống riêng, vị ngọt, ít cồn.
Tương ớt Hàn Quốc: Có vị rất cay do đó cần cẩn thận liều lượng khi dùng.Gia vị Sansho: loại gia vị dùng trong các món Nhật hương vị Trung Hoa, rất độc đáo, thường dùng để rắc vào các món thịt.
Wasabi: vị cay nồng, ở dạng bột hoặc sệt. Loại gia vị này có mùi hăng và cay làm át đi mùi tanh của cá sống, màu xanh lá của nó góp phần không nhỏ vào việc trang trí cho món ăn thêm phần đẹp mắt. Hỗn hợp gia vị: gồm rong nori, mè rang, muối. Để rắc vào món cơm, nui, mì, miến, xà lách, trứng…Gia vị Shichimi Togarashi: gồm 7 thành phần, thường ăn kèm với xúp và mì. Nước tương đậu nành (Tamari): gần giống xì dầu của người Hoa nhưng mùi vị nhẹ hơn, làm bằng phương pháp lên men tự nhiên.
Gừng muối: dùng trang trí các món thịt, cá, cơm, cay dịu, mùi thơm đặc biệt.
Rong biển Nori - Ảnh: www.jonolavsakvarium.com
Rong biển Nori: được ép thành miếng mỏng, dùng cho vào xúp hay cuốn bên ngoài cơm sushi, cá, tôm… làm tăng tính thẩm mỹ cho món ăn và rất bổ dưỡng.
Muối mè: trắng hoặc đen được rang chín làm gia vị. Ngày nay cả thế giới đều ưa thích loại muối mè rất đa dạng của Nhật Bản.
Củ cải: dùng ăn kèm hoặc ngâm giấm, ngâm tương. Có nhiều loại được bày bán dưới dạng chế biến sẵn.
Xốt cà chua Tonkatsu: loại xốt cay của Nhật, giống như xốt Worcestershire và mù tạc, thường ăn với thịt heo Tonkatsu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét