Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Thú vị với tiếng Việt ở xứ người


Khi du lịch ở các nước Đông Nam Á, bạn đừng tự ti vì vốn tiếng Anh của mình ít ỏi hay không biết mô tê đường xá, phong tục. Bạn cứ đi, cứ khám phá, khi nào bí, dùng “ngôn ngữ body”, hay nói… tiếng Việt, không chừng họ cũng hiểu!

“Nhà dệ sinh”

Đến thăm chùa Wat Traimit, còn gọi là chùa Vàng ở khu Chinatown tạiBangkokThái Lan, bạn sẽ ấn tượng khi ở khu vệ sinh của ngôi chùa này ngoài ký hiệu tiếng Thái và tiếng Anh, còn thêm dòng chữ Việt “đi tiểu” kèm theo mũi tên chỉ đường.

Nhiều du khách Việt khi nhìn dòng chữ này đã bật cười vui vẻ và có cảm tình sâu sắc với cách phục vụ ở ngôi chùa này.

Hay dọc đường từ cửa khẩu Mộc Bài sang Campuchia, khi qua các bến phà, hay các hàng quán dọc đường, du khách Việt thấy vui khi nhìn thấy dòng chữ “quảng cáo” nhà vệ sinh dù không đúng chính tả là mấy: “nhà dệ sinh”.
tiengViet_xunguoi1.jpg
“Nhà dệ sinh” trên đất Campuchia - (Ảnh: Hải Nam)
Trang trọng hơn, các khách sạn nổi tiếng ở Phnom Penh, Campuchia - nơi có các sòng bài lớn, còn dành hẳn các pa nô quảng cáo chỉ có tiếng Việt và tiếngTrung Quốc. Thế mới biết, du khách Việt đến đây đông và được phục vụ tận tình như thế nào.

Du lịch luôn kèm với mua sắm. Khá nhiều du khách đến Singapore, Thái Lan chỉ để săn hàng giảm giá. Tôi có dịp đến khu trung tâm mua sắm khá nổi tiếng MBK (MahBoon Krong) ở Bangkok. Thú thực, tính tôi vốn “keo”. Sau khi mua vài món hàng giảm giá, tôi ghé vào một cửa hàng mắt kiếng.

Nhìn sơ qua đủ biết chất lượng mắt kiếng ở đây cũng bình dân như hàng “chợ Lớn” ở Việt Nam, giá cũng bằng giá khu mắt kiếng đường Trương Định, Q.3. Tôi không có ý định mua nhưng cũng tò mò chọn một cái vừa ý, đeo thử.

Hai cô gái bán hàng, chân dài, váy ngắn liền la lên “đẹp, đẹp, đẹp” khiến tôi… choáng váng. Chưa hết, hai cô còn “bồi” thêm: “Đẹp đẹp, mua đi, rẻ rẻ”. Tuy tiếng “đẹp” của hai cô gái còn lơ lớ, chưa tròn vành, nhưng tôi trả cho hai cô số tiền tròn trịa đúng như cái giá ghi trên mắt kiếng mà không hề cò kè như bản tính “keo” vốn có!

Hát Ca dao em và tôi giữa lòng Siem Reap

Trong một chuyến du lịch tại Siem Reap (Campuchia) với nhiều chàng trai độc thân, về đêm, cả bọn rủ nhau khám phá Siem Reap xem còn gì “thú vị”.

Ngoắc một chiếc tuk tuk trước khách sạn, anh lái xe bập bõm được vài từ tiếng Việt nên cũng “có giá” với khách Việt. Thấy khách đã ổn định trên xe, anh tài xế hỏi “Đi đâu?”, một anh trong đoàn nhanh nhảu bảo: “Chơi, chơi, biết không?”, tài xế nhanh nhảu: “Biết, biết, biết”. Thế là “đi”.

Vòng vèo qua các con hẻm nhỏ trong thành phố. Ngoài vẻ xa hoa của các khách sạn, resort ở mặt tiền đường, các con hẻm ở Siem Reap cũng không khác gì các con hẻm ở Tp.HCM. Khi vài thành viên trong đoàn bắt đầu lo lắng thì chiếc tuk tuk đỗ xịch trước một căn nhà trong khu phố giăng đầy đèn màu và bảng hiệu karaoke.
tiengViet_xunguoi2.jpg
Pa nô quảng cáo bằng tiếng Việt giăng khắp sảnh khách sạn Nagaworld, Phnom Penh, Campuchia - (Ảnh: Đoàn Xuân Hải)
Một người trong đoàn cự nự tài xế: “Trời ơi, biết gì tiếng Campuchia mà đưa đến quán karaoke hát ông?”. Anh tài xế không biết hiểu gì không mà chỉ cười cười rồi ra hiệu cho cả bọn vào quán.

Bước vào quán, nhân viên tiếp tân cúi chào bằng vài thứ tiếng khác nhau: Trung Quốc, Hàn Quốc và cả tiếng Việt. Khi chúng tôi đáp lại bằng tiếng Việt thì nhân viên tiếp tân nói bằng tiếng Việt hết sức sành sỏi. Chúng tôi nhắc lại “nỗi lòng” không biết tiếng Campuchia thì nhân viên tiếp tân nhanh nhảu: “Yên tâm, có tiếng Việt”. Nói xong, nhân viên đưa cả bọn vào phòng, bật máy.

Nhìn dòng chữ “Karaoke Arirang xin kính chào quý khách!”, chúng tôi cười rần rần, phấn khởi hơn khi nhân viên mang cả danh sách nhạc bằng tiếng Việt vào.

Chúng tôi ngồi đấy, giữa lòng thành phố du lịch nổi tiếng nhất của đất nước Chùa Tháp, uống bia Angkor và hát “Ca dao em và tôi...”. Lắm lúc, chúng tôi cứ tưởng mình đang ngồi đâu đó giữa phố karaoke Sư Vạn Hạnh nối dài, Q.10 của Việt Nam.

Sau khi hát xong, anh bạn trong đoàn cao hứng khen cô nhân viên đang khui bia “Em đẹp quá!”, ngay lập tức cô ta đáp lại “X...ạ...o!” khiến cả bọn cười nghiêng ngả.

Bước ra khỏi quán, trên đường về, tôi thấy thấm thía câu “thế giới phẳng”, và cũng vui vui khi mình là du khách Việt - lượng du khách đông đảo, đang mang lại nguồn thu dồi dào cho ngành du lịch các nước Đông Nam Á và được phục vụ đúng như phương châm chốn thương trường: “Khách hàng là thượng đế!”.
Theo Thanh Đông
iHay

Không có nhận xét nào: