Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Ngang dọc Hàn Quốc bằng xe buýt


TTO - Lịch trình của chúng tôi bắt đầu từ sân bay quốc tế Incheon, xuôi hướng nam đến thành phố Daejeon, rồi cắt ngang đông tây về cố đô Gyeongju, sau cùng lại vòng lên phía bắc về thủ đô Seoul.
Xe buýt chạy 100-120 km/giờ, nên nếu gọi cưỡi ngựa xem hoa vẫn còn thư thả chán.
Các điểm hỗ trợ thông tin du lịch rất phổ biến ở những nơi công cộng như sân bay, nhà ga, trung tâm - Ảnh: H.H.M.
Ngày thứ nhất, Incheon
Nằm cách thủ đô Seoul gần 30km về phía tây, Incheon là thành phố trực thuộc trung ương, nơi có cảng biển và sân bay quốc tế hiện đại bậc nhất khu vực Đông Bắc Á cũng như những cây cầu vượt biển khổng lồ luôn khiến mọi du khách ngỡ ngàng, thán phục.
Từ Incheon, mạng lưới giao thông tỏa khắp cả nước. Hệ thống đường rộng rãi chỉ dành cho ôtô có tốc độ trung bình lên tới 120km/giờ. Xe máy phải đi đường riêng. Còn nếu chọn đường sắt cao tốc, bạn chỉ mất một giờ để di chuyển 300km giữa hai thành phố.
Những cánh đồng lúa vàng ở Hàn Quốc - Ảnh: Đ.Anh
Quốc lộ dành riêng cho ôtô, xe máy không được vào - Ảnh: H.H.M.
Nhắc tới Hàn Quốc, chắc bạn sẽ nghĩ tới những diễn viên xinh đẹp, món kim chi, võ taekwondo, hay những thương hiệu mang tầm thế giới Hyundai, Samsung… Thế nhưng tôi đã có góc nhìn về một Hàn Quốc khác hẳn, với ruộng đồng vàng rực, những góc chợ nhộn nhịp, những con người mà cuộc sống khiến ta tưởng đang ở chính quê nhà.
Đến Hàn Quốc, khi muốn tìm thông tin du lịch, bạn hãy đến các điểm TIC (Tourist Information Center). Ngoài sách hướng dẫn, bản đồ miễn phí, các cô gái ở cửa số 5 và số 10 trong sân bay Incheon rất nhiệt tình giải đáp, tặng tôi những tấm bưu thiếp và không quên dặn đi dặn lại nếu người được tặng mang bưu thiếp này trở lại đây (Hàn Quốc), TIC sẽ gửi tặng bưu thiếp cảm ơn tới cả chủ nhân lẫn người tặng.
Những ngày sau đó, qua nhiều thành phố khác, chúng tôi đều dễ dàng nhận ra các điểm TIC ở bến xe, ga tàu hay các khu du lịch lớn. Ngoài ra, cuốn Hướng dẫn du lịch Hàn Quốc (Korea travel guide) và các tấm bản đồ khu vực đến thật sự giúp ích rất nhiều.
Mùa thu, con đường quốc lộ ánh lên màu vàng rực của những cánh đồng lúa chín. Những thửa ruộng lúc trải rộng, lúc bám theo sườn núi như bậc thang, gợi cảm giác bình yên như ngày mùa ở đồng bằng Bắc bộ. Do mùa đông tuyết lạnh, người nông dân xứ Hàn chỉ trồng một vụ mỗi năm. Anh Lee, người đi cùng đoàn, kể lượng người làm nông nghiệp hiện ngày càng giảm, nông dân có độ tuổi trung bình ngày càng cao, từ 50-60 tuổi là thường.
Sau ba giờ, chúng tôi đã có mặt ở thành phố Daejeon.
Ngày thứ 2, Daejeon
Về cơ bản, Daejeon là thành phố của công nghiệp và nghiên cứu khoa học, cũng là nơi tập trung các bộ chỉ huy quân sự khác nhau. Từng là một ngôi làng nhỏ, nhờ vị trí địa l‎ý và giao thông thuận lợi, cùng quy hoạch giảm dân cho Seoul, Daejeon đã phát triển nhanh chóng và trở thành thành phố lớn thứ 5 của Hàn Quốc.
Đập Daecheong Dam ở thành phố Daejeon - Ảnh: H.H.M.
Tượng đá harubang - Ảnh: H.H.M.
Tại đây, lần đầu tiên tôi bắt gặp những bức tượng đá Dol Harubang, để rồi sau này còn thấy ở rất nhiều thành phố khác. Những bức tượng làm từ đá nguyên khối với cái mũi to, dài, miệng hơi mỉm cười. Hai tay đặt lệch nhau cùng chiếc mũ quen thuộc. Anh Lee giải thích ngoài ‎ý nghĩa là thần phù hộ mắn sinh, nếu thấy bức tượng có tay trái để ở trên thì đó là quan võ, còn nếu tay phải ở trên thì đó là quan văn. Vậy nên một bộ luôn gồm hai bức với tay đặt đối xứng.
Đập Daecheong Dam là một điểm đến rất được ưa chuộng ở phía bắc thành phố. Tổ hợp đập chắn và đê này được xây dựng trên sông Geum để chống lũ lụt, cung cấp nước và phục vụ cho nhà máy thủy điện. Cảnh hồ xanh mát, khuôn viên rộng lớn, cùng khu trung tâm văn hóa dưới nước trong công viên gần đó khiến Daecheong Dam chật kín du khách và cư dân trong vùng đến nghỉ ngơi, giải trí.
Ngày thứ 4, Gyeongju
Vạch nối ngang trên bản đồ đưa mọi người từ Daejeon đến Gyeongju, kinh đô cũ Khánh Châu.
Tháp Thích Già trong Phật Quốc tự - Ảnh: H.H.M.
Chiêm tinh đài - hình ảnh biểu tượng của thành phố Gyeongju - Ảnh: H.H.M.
Học sinh tham quan ngoại khóa tại cố đô Gyeongju - Ảnh: H.H.M.
Trong chiến dịch Visit Korea Year 2010-2012, tổ chức du lịch Hàn Quốc KTO cung cấp xe buýt miễn phí từ thủ đô tới Gyeongju và các thành phố khác như Jeonju, Busan, Pyeongchang... Bạn chỉ cần có hộ chiếu nước ngoài là đủ điều kiện tham gia. Xe buýt chạy 400km từ cố đô về Seoul mất khoảng 5 giờ. Con đường mùa thu với những cây hồng ngâm vàng trĩu quả.
Gyeongju nổi tiếng bởi vô số các công trình, di tích, di sản văn hóa có từ triều đại Tân La còn được gìn giữ đến tận bây giờ, từ những di sản thế giới như Thạch Quật am, Phật Quốc tự, Đại Lăng uyển, làng Yangdong… cho tới hàng loạt địa điểm khác như Chiêm tinh đài, hồ Anapji… Có thể nói mỗi bước chân ở đây đều đặt lên một phần lịch sử. Không phải tự nhiên mà thành phố này được gọi là “bảo tàng không có những bức tường”.
Giá vé tham quan ở Gyeongju so với thu nhập của người dân có thể nói tương đối rẻ. Trung bình 3.000-5.000 won, so với giá một bữa ăn vào khoảng 20.000-30.000 won. Thế nhưng, nếu muốn ghé qua tất cả các điểm du lịch ở đây, du khách phải cân nhắc túi tiền của mình.
Ở mọi nơi, bạn sẽ luôn gặp cảnh các em học sinh đủ mọi cấp học, hoặc nối thành hàng dài, hoặc đi từng đoàn bám theo thầy cô, hoặc chăm chú ngồi lắng nghe lời người hướng dẫn. Đây là một phần trong môn học ngoại khóa ở trường, một cách lồng ghép lịch sử, văn hóa vào bài giảng rất hứng thú với học sinh.
Ngày thứ 6, thủ đô Seoul
Một góc đường phố Seoul - Ảnh: H.H.M.
Món cháo gà nhân sâm samgyetang - Ảnh: H.H.M.
Những ngày ở Seoul là khoảng thời gian thú vị vì chúng tôi có một ngày nghỉ. Đủ thời gian để lang thang đường phố và hòa mình vào những góc chợ ngập màu sắc, hương vị.
Về một góc độ nào đó, người dân Hàn Quốc và Việt Nam khá tương đồng diện mạo: từ màu tóc, làn da, cho tới vóc dáng. Đã có lúc anh bạn trong đoàn bảo: để 5 người mình cùng 5 bạn Hàn mặc trang phục lẫn lộn rồi cùng vào chợ, nếu không nói gì thì có lẽ chả ai phân biệt được đâu.
Sự tương đồng còn cả trong cuộc sống thường nhật, như cách dùng đũa chén khi ăn, hay như mức giá tiêu dùng, từ vài ngàn đến vài chục ngàn won tựa như vài chục ngàn đồng. Dù đang mua hàng ở DongdaeMun hay ngắm nghía và kỳ kèo mặc cả ở NamdaeMun bạn cũng dễ dàng cảm nhận được sự quen thuộc ở đây.
Khi đã thấy đủ với các bữa ăn trong nhà hàng, bạn hãy thử những món ăn nhẹ nhàng, ngon mà giá cả lại phải chăng ở Seoul. Những xiên thịt nướng trong các quầy hàng trên phố có giá vài ngàn won. Món cháo gà nhân sâm samgyetang (gà non nguyên con nhồi gạo và hầm với sâm, jujube, tỏi và gừng) bổ dưỡng khoảng 12.000 won. Hoặc tô cháo bò với củ cải muối gợi nhớ một thời gian khó của xứ Hàn.
HOÀNG HÀ MAI

Không có nhận xét nào: