Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Thanh bình nơi đất Phật


Bắt đầu từ nền văn minh Hindu giáo, Sri Lanka nhanh chóng chuyển qua Phật Giáo, bởi Phật Giáo đã du nhập theo con đường giao thương giữa Sri Lanka và các quốc gia lân cận thông qua cảng biển Galle. Người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh bắt đầu chiếm lấy Sri Lanka để làm hòn đảo chiến lược về mặt thương cảng trong thế kỷ 16, nhưng sự pha lẫn Á - Âu đó không làm mất đi một Sri Lanka mang đậm nét văn hóa của người Nam Á. Điều đó làm ẩm thực Sri Lanka cũng mang tính đặc trưng rất riêng của vùng miền Nam Á.

Thanh bình nơi đất Phật
ảnh minh họa
Nằm trên Ấn Độ Dương và có hình dáng như một viên ngọc trai, Sri Lanka được biết đến như một quốc gia có nền văn minh lâu đời về Phật Giáo. Du lịch Sri Lanka chủ yếu phát triển ở những dịch vụ văn hóa, hành hương, nghỉ dưỡng và sinh thái.


Cà ry Sri Lanka 


Giống như các quốc gia khác trong khu vực châu Á, Sri Lanka cũng có nguồn gốc từ nền văn minh lúa nước, nên cơm là lương thực chính trong các bữa ăn. Thông thường, người Sri Lanka không ăn cơm trắng kèm với các món khác như người Việt, mà họ phải trộn với một món ăn khác đậm tính “quốc hồn - quốc túy” là cà ry.

Cà ry Sri Lanka có rất nhiều loại. Ở đảo quốc này, khi có được bất cứ vật liệu gì, người ta cũng có thể chế biến ra một loại cà ry dùng trong bữa ăn, cho dù có đạm hay không có đạm. Những người giàu thường sử dụng gà, cá, bò, heo và thịt trừu làm nguồn đạm chính trong việc chế biến các loại cà ry. Tầng lớp bình dân thì lại ưa chuộng các loại cá khô mặn được nhập từ Maldives hoặc từ các thành phố biển khác ở Sri Lanka để chế biến. Còn thành phần khó khăn hơn thì sử dụng rau củ hoặc trái cây để chế biến ra món cà ry.

Nếu lần đầu tiên đến đây, một điều chắc chắn là bạn không thể nếm qua được món cà ry bởi hương vị cay nồng xông lên đến tận mũi. Còn một khi đã quen với “hương vị” mới lạ này, bạn sẽ thấy cảm giác “nhớ nhung” khi vắng nó trong các bữa ăn. Một chút nước cốt dừa béo ngậy, một chút thơm tho và cay nồng của các loại gia vị như : gừng, lá sả, củ hành tím, tỏi và ớt khô, tiêu đen… tạo thành một hương vị rất riêng của cà ry Sri Lanka.

Người Sri Lanka sử dụng bánh mì thay cho cơm trong bữa ăn sáng và khẩu phần ăn sáng căn bản nhất là bánh mì cùng với cà ry. Chiếc bánh mì ở Sri Lanka rất đặc biệt bởi nó không dài mà có hình tròn, nhìn xa trông như những chiếc bánh tiêu. Có hai cách để chế biến ra loại bánh mì này tùy thuộc vào khu phố mà bạn đang ở giàu hay nghèo. Đối với những quán bình dân, họ ngắt những thanh bột mì đã thấm dẻo và vo tròn thành một cục. Để cục bột đó lên bàn tay, một âm thanh “bẹp” vang lên khi tay trên vỗ vào tay dưới. Một chiếc bánh tiêu hình tròn đã ra đời. Những quán sang trọng hơn thì cũng vo tròn viên bột nhưng dùng một thanh thép hình trụ để cán bánh và áp chảo không dầu trên bếp ga. Hãy thử qua những chiếc bánh mì này khi có cơ hội đến đây bởi nó có một hương vị rất đặc thù : bánh dẻo, mềm và thơm đặc trưng mùi bột mì.

Phong phú các loại trái cây 

Là hòn đảo nằm trên Ấn Độ Dương, lại có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên trái cây tại đây rất phong phú và đa dạng. Sự hoạt động của các ngọn núi lửa bên trong hòn đảo mang đến cho các thành phố nằm trong lục địa vùng đất Bazan màu mỡ. Xuôi theo quốc lộ để lên các thành phố cao nguyên của Sri Lanka từ thủ đô Colombo là những trang trại trồng cây ăn trái xanh ngắt nối tiếp nhau và nằm nhấp nhô giữa các quả đồi.

Những quầy bán trái cây có tính tự phát của các chủ trang trại mang đến sự thú vị cho du khách khi khám phá hương vị trái cây Sri Lanka với giá vô cùng dễ chịu. Hương vị vừa chua vừa ngọt thanh của những trái xoài, hay vị ngọt và béo khang khác của những quả chuối, bơ, đu đủ, táo, khóm… mang lại cảm giác khó quên khi tận hưởng chúng giữa không khí trong veo của đại ngàn.

Ảnh hưởng nhiều bởi người Ả Rập trong việc giao thương từ các cảng biển, cũng như thấm nhuần tư tưởng về Phật Giáo, nên thức uống có cồn hầu như rất ít được tìm thấy ở Sri Lanka. Loại rượu mang tên Arrack chính là “quốc tửu” của người Sri Lanka. Loại rượu này được lên men từ hoa dừa, có hương vị rất đặc biệt chỉ được mang ra phục vụ trong những dịp lễ đặc biệt như cưới, hỏi, hay lễ đầu năm.

Sri Lanka là quốc gia quá nổi tiếng trong việc xuất khẩu chè (trà) trên thế giới, nên hầu hết người lớn tuổi Sri Lanka uống trà như là thức uống để giải khát. Vào những ngày hè, để giải nhiệt cho cơ thể, người Sri Lanka thường dùng các loại nước ép trái cây hay những quả dừa tươi. Đối với người trẻ hơn, món uống truyền thống của họ là Faluda. Đây là một loại thức uống rất giống sương sa hột lựu tại Việt Nam. Với việc mở cửa kinh tế và du lịch sau khi chấm dứt nội chiến, những người trẻ lại có cách khác để thay thế món Faluda truyền thống là ăn kem.

Mang đậm văn hóa Nam Á và ít bị ảnh hưởng văn hóa phương Tây, nên ở Sri Lanka rất ít tìm thấy các cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng trên thế giới.


.
(theo Tạpchí Món Ngon Việt Nam )

Không có nhận xét nào: