Là thành phố cổ nhất của Malaysia, Melaka (hay còn gọi là Malacca) là một điểm đến du lịch rất thu hút khách vào mỗi dịp cuối tuần. Sau ít phút du ngoạn trên sông, du khách sẽ được dạo quanh các con phố nhỏ, thăm khu nhà thờ bỏ hoang và pháo đài cổ.
Cách thủ đô Kuala Lumpur 150km về phía nam, Melaka có diện tích khoảng 1.658km2. Là thành phố cổ nhất của Malaysia, Melaka đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2008. Tới đây du khách sẽ được đi thuyền chạy dọc trên dòng sông cùng tên thành phố trước khi tới khu phố cổ kính.
Dòng sông Melaka vắt ngang chia hai nửa Đông – Tây thành phố. Nơi đây từng là một cảng sông quan trọng trong khu vực. Phía Đông là khu trung tâm mang dáng dấp khu phố kiểu châu Âu ẩn mình dưới chân tượng Thánh Paul. Những dãy phố cổ cao hai, ba tầng sơn màu đỏ hay màu cam điểm xuyết những khung cửa xanh lá mạ theo kiến trúc Hà Lan uốn cong dọc hai bờ sông với đường lát gạch. Đây đó là những bức tranh tường nhiều màu sắc như những câu chuyện kể bằng hình.
Trong khi đó, phía Tây là khu phố Tàu buôn bán sầm uất đầy màu sắc. Khu phố này được coi là điển hình về quy mô, kiến trúc và tính chất cổ xưa. Du khách đến đây có thể mua lụa tơ tằm, đồ trang sức, đồng hồ, giày, dép...
Khác với những vùng biển sôi động ở Malaysia, Melaka tĩnh lặng, thanh bình với những nếp nhà một tầng tường trắng mái đỏ giữa um tùm cây lá: xoài măng cụt, sầu riêng... và đặc biệt rất nhiều cây râm bụt vừa làm hàng rào vừa làm cảnh.
Trung tâm Melaka như một bảo tàng lịch sử khổng lồ lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và văn hóa xưa cũ với sắc màu hồng thắm. Tòa thị chính, nhà thờ Thiên chúa giáo, những tòa lâu đài, khu biệt thự đều sơn màu hồng đỏ. Nổi bật là những ngôi nhà thờ có kiến trúc đặc trưng của người Hà Lan xây dựng từ thế kỷ 17.
Melaka là một thành phố đa ngôn ngữ với những người Hoa,
người Ấn, người Bồ Đào Nha và những người Âu, Á...
Trên đỉnh đồi vẫn còn chứng tích của nhà thờ Thánh Paul được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1521. Nhà thờ không còn nóc nhưng vẫn còn sàn và những bức tường vững chắc làm từ những khối đá vuông lớn màu đỏ.
Dưới chân đồi là pháo đài cổ do người Hà Lan xây dựng đứng sừng sững, uy nghi. Tòa nhà Bảo tàng dân tộc học mang đậm phong cách Hà Lan vốn là công thự của các thống đốc Hà Lan.
Melaka có đặc điểm xuất hiện nhiều chiếc xe lôi 3 bánh có tên Trishaw, như một giàn hoa di động với hoa lá, lông ngỗng sặc sỡ. Chỉ với 20 ringgit (tương đương 140.000 VNĐ) du khách sẽ được tài xế chở vòng quanh thành phố khoảng 30 phút và giới thiệu về các di tích lịch sử như một người hướng dẫn viên.
Người Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của Alfonso de Albuquerque đã đến chinh phục Malacca đầu tiên và đặt ách thực dân suốt 130 năm (từ năm 1511). Liền sau đó, người Hà Lan thế chân thống trị mảnh đất này 154 năm. Từ năm 1824 cho đến khi Malaysia giành quyền độc lập (năm 1957) đây là thuộc địa của Anh, Trong chiến tranh thế giới II còn có sự xuất hiện của Nhật Bản với 3 năm chiếm đóng. Chiếc cối xay gió bên dòng sông Melaka này chỉ mang tính chất trang trí, do người Malaysia dựng lên như để nhớ lại một thời bị người Hà Lan chiếm đóng.
Melaka có nhiều món ăn vặt phục vụ khách du lịch với giá khá rẻ. 3 ringgit cho một xiên trứng gà nướng hoặc rán kiểu ốp la, hay những chiếc bánh nướng nóng hổi chỉ với 2 ringgit (14.000 VNĐ) một chiếc
Đường phố nhỏ hẹp và yên bình. Khi đi bộ, du khách có thể cảm nhận con đường nào cũng có những nét quyến rũ riêng. Nơi đây từ lâu được ví giống như phố cổ Hội An (Quảng Nam) của Việt Nam.
Theo: Hoàng Hà / vnexpress.net
Melaka cổ kính - Hồng Thành của Malaysia
Melaka là thủ phủ cổ kính nhất của Malaysia và là trung tâm của lịch sử Malaccan. Có rất nhiều di sản tại đây vẫn còn được bảo tồn nhắc du khách nhớ đến sự hiện diện của người Hà Lan, Bồ
Đào Nha, Anh và Nhật Bản.
.
Đào Nha, Anh và Nhật Bản.
.
Ngày nay, Melaka được UNESCO công nhận là một trong những di sản thế giới và là một điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch tại Malaysia.
Những điểm thú vị nhất ở Melaka đều tập trung ở trung tâm thành phố. Những con đường như Jonker Walk hay Jalan Hang Jebat nổi tiếng với những góc phổ cổ kính và cả những quán ăn ngon thoả mãn tất cả những cái bụng “ồn ào” nhất. Những quán café hay những cửa hàng hiện đại nổi bật như nét chấm phá cho con phố. Kiểu kiến trúc Peranakan chính là điểm nhấn chính ở khu Jonker Walk này. Còn gì thú vị bằng việc ngồi ăn tối bên những bàn ăn đặt ngay dưới lòng đường, tay cầm chai bia nhâm nhi trong khi ngắm người qua kẻ lại.
Du lịch Melaka phụ thuộc phần lớn vào những di sản văn hóa mà họ bảo tồn được. Tại nơi đây, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm rất nhiều bảo tàng ấn tượng ở khu vực Bandar Hilir. Pháo đài Famosa và đồi St.Paul cũng nằm ở nơi đây. Các dấu vết còn sót lại sau hơn 500 năm lịch sử làm say đắm mắt nhìn của người lữ khách.
Bảo tàng Melaka Sultanate Palace nằm dưới chân đồi St.Paul. Dù đây không hẳn là một tòa lâu đài đúng nghĩa nhưng hiện tại nơi đây đang bảo tồn những kiệt tác văn hóa Malacca. Leo đến đỉnh đồi, bạn sẽ khám phá nhà thờ St.Paul - một công trình di sản khác của Melaka.
Pháo đài A’Famosa là một trong những công trình lưu nét kiến trúc phương Tây ở châu Á, do đô đốc người Bồ Đào Nha Afonso de Albuquerque xây, bởi ông tin rằng Melaka sẽ là cảng biển nối kết giữa Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Nơi này từng là một quần thể kiến trúc rộng lớn nhưng tất cả đã dần biến mất theo khói bụi thời gian, hiện tại chỉ còn sót lại phần nhỏ của cổng ra vào.
Ở phía đông nam của thành Malacca, khách du lịch có thể tìm thấy nghĩa trang dành cho người Trung Hoa lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Những ngôi mộ có từ thời Minh vẫn được bảo tồn ở Melaka như một bằng chứng cho sự hình thành và phát triển của người Mã gốc Hoa tại bán đảo này.
Một trong những điểm cổ kính nhất ở Malacca là nhà thờ Hồi giáo Kampung Keling được xây dựng bởi những thương lái người Hồi Giáo Ấn Độ vào thế kỷ thứ 18 mang ảnh hưởng của đảo Sumatra. Kampung Keling toạ lạc tại Jalan Tukang Emas, còn được biết đến như “con đường hài hòa” (harmony street) vì sự tồn tại của 3 ngôi đền lâu đời nhất tại Malaysia. Đó là Kampung Keling của người Hồi Giáo, Sri Poyatha Moorthi của người Hindu Giáo và Chen Hoon Teng của người Hoa.
Melaka còn mang đến cho du khách những bờ biển cát trắng với hai hòn đảo chính là Pulau Besar và Pulau Upeh - thiên đường của những con người yêu thiên nhiên. Pulau Upeh cũng được xem như là ngôi nhà của loài rùa quý hiếm Hawksbill.
Melaka được du khách khắp nơi trên thế giới tìm đến bởi chính những nét độc đáo của riêng nơi này mà không đâu có được. Tìm đến với Melaka, bất cứ ai cũng đều xuýt xoa vì những di sản văn hóa vẫn còn bảo tồn đến tận ngày nay.
Tư liệu: Du Lịch Việt
Theo Infonet
Melaka không còn yên tĩnh
Dòng sông Melaka chia phố cổ thành hai nửa.
Dẫn anh bạn đi phượt một vòng quanh các danh thắng ở Kuala Lumpur dưới cái nắng oi ả, ngột ngạt, độ ẩm cao của tháng 4 không kiếm được một lời cảm ơn từ bạn. Thay vào đó, anh bạn buông: “Malaysia chả có gì hết, thế mà gọi là châu Á đích thực”.
Nhưng vẫn còn thứ để xem
Đúng là khung cảnh Kuala Lumpur không có gì quá đặc sắc, đường sá thì đặc nghẹt xe hơi, đồ ăn đường phố đắt mà không hợp khẩu vị, tìm được một tài xế taxi tử tế là thách thức. Nhưng riêng Kuala Lumpur năm 2013 qua đón 9,2 triệu du khách nước ngoài và họ tiêu ở đây 7,8 tỉ USD, theo khảo sát của hãng thẻ tín dụng MasterCard. Nếu tính về khả năng “móc túi” người nước ngoài, với 7,8 tỉ USD, Kuala Lumpur là thành phố xếp hạng 13 thế giới, trên cả các thành phố nổi tiếng như Los Angeles (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), Rome (Ý).
Tính cả nước, Malaysia năm rồi đón hơn 25 triệu du khách nước ngoài, liên tiếp xếp trong tốp 10 các nước đón nhiều du khách quốc tế trong vài năm qua. Chiến thuật giội bom khẩu hiệu “Truly Asia” (Châu Á đích thực) của họ suốt 15 năm qua trên nhiều kênh quảng bá thật hiệu quả. Việt Nam với vịnh Hạ Long và các di sản thế giới khác chẳng ăn thua vào đâu. Năm 2013, số khách nước ngoài đến Việt Nam còn thua riêng Kuala Lumpur đến 2 triệu người.
Để chứng minh Malaysia vẫn còn thứ để xem, lại dẫn bạn phượt ngồi xe buýt gần hai giờ đồng hồ tới Melaka (còn gọi là Malacca), thành cổ có gốc tích từ thế kỷ 13 được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bên cạnh George Town, một thành phố di sản khác nằm gần biên giới với Thái Lan, và phần nào đó là Kota Kinabalu nằm dưới chân ngọn Kinabalu mái nhà của Đông Nam Á, ít ra Melaka còn có nhiều thứ đáng để chiêm ngưỡng.
Các công trình kiến trúc là sự pha trộn giữa các nền văn hoá Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và bản địa, gợi tới sự hoà hợp giữa các tôn giáo Phật, Lão, Khổng, Hồi, Hindu, Công giáo vẫn còn đó. Nhà thờ phế tích St. Paul trên đỉnh đồi cao nhất nhìn ra bờ vịnh Melaka vẫn thách thức thời gian. Dòng sông Melaka chia phố cổ thành hai nửa vẫn đưa nước trôi qua những chân cầu bình dị.
Tràn ngập du khách Trung Quốc
Nhưng cái không khí yên bình của ba năm trước ở Melaka dường như đang mất dần. Cái cảm giác nhìn vào đâu, như những mái nhà cong, bậu cửa sổ, bể cạn trồng hoa súng trước hàng hiên... cũng thấy căng đầy tinh thần nghệ thuật như ba năm trước trong tôi không còn nữa bởi dòng người tràn ngập phố cổ. Cái cảm giác mình là “công dân thế giới” giữa đủ mọi loại màu tóc, màu da khi tối đến ngồi ở Ringo Classic Café cũng bị tước đoạt. Vì trong ngập tràn dòng người này, đến hơn 90% là du khách từ Trung Quốc.
Hard Rock Café lừng danh trên 50 nước mới mở thêm một cửa hàng ở đầu khu phố đi bộ Jonker Walk, trái tim của Melaka, không được sôi động như những Hard Rock Café tôi đã từng đi qua. Các tụ điểm ẩm thực có âm nhạc như Bistro Year 1673 đã không còn thuê các nhóm nhạc Philippines nữa, thay vào đó là nhạc đĩa với ca sĩ lớn tuổi người bản địa khều khào hát các bản tình ca tiếng Anh, tiếng Pháp vốn nguyên gốc mượt mà. Ở Ringo Classic Café, ông chủ quán đơn độc ôm đàn diễn, tiếng hát của ông đôi lúc bị át bởi âm thanh “tua xảo chén” (bao nhiêu tiền) ngoài đường.
Dòng người Trung Quốc không bận tâm nhiều đến việc hưởng thụ những thứ đó. Họ bận tâm hơn đến việc sao cho có bàn ở nhà hàng cơm gà viên Formosa đầu phố Jonker Walk. Cứ đến giờ ăn sáng, trưa, tối, trước nhà hàng ăn nào, kể cả nhà hàng bên ngoài xa khu phố di sản cũng dài dằng dặc dòng người xếp hàng chờ đến lượt có bàn ăn.
Theo thống kê của tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc, năm 2013 có 1,087 tỉ lượt người ra nước ngoài du lịch. Người Trung Quốc chiếm gần 1/10 số đó, cụ thể là 97 triệu lượt người (năm 2004 chỉ có 29 triệu) và tiêu hết khoảng 102 tỉ USD.
Bạn phượt và tôi chờ đến gần một giờ đồng hồ buổi sáng để đổi lấy 5 phút ăn tô mì thịt băm với giá chẳng mềm 10 ringgit (khoảng 65.000 đồng). Trong thời gian vừa chờ lấy chỗ, vừa đợi nhà hàng làm với tốc độ rùa bò, bạn phượt tán gẫu: “Mình mà mở nhà hàng phở Việt Nam ở đây thì thắng lớn”. Hỏi quản lý nhà nghỉ Cheng Ho Guest House mặt bằng giá thuê nhà thế nào, anh ta trả lời căn hơn 200m2 ở giữa phố cổ như nơi anh làm có giá thuê tháng khoảng 8.000 ringgit (52 triệu đồng). Nhẩm tính, thế là rẻ. Chưa rõ các bạn láng giềng phía bắc có ác cảm gì với phở hay không nhưng xét về mặt thời gian, người Việt làm nhanh hơn chắc. Nếu không phở thì xoay qua mì thịt băm. Trên những đôi đầu gối mềm nhũn vì chờ đợi, cái dạ dày cồn cào chấp nhận hết.
Jonker Walk trước không cho bán hàng giữa đường vào buổi tối, nhưng nay chấp nhận hết. Xen giữa các xe đẩy bán đồ ăn vặt, đồ lưu niệm, có cả các “mặt hàng thông minh” dành cho “người tiêu dùng thông minh” mà ta hay xem quảng cáo trên một số kênh sóng truyền hình: vòi sen tắm có than hoạt tính ở tay cầm để lọc nước ngay tắp lự, miếng chà lông trên quần áo, máy massage cầm tay... Chẳng biết có phải khi đi du lịch khiến người ta thoáng với ví tiền hơn nên tiền được ném ra rào rào để đổi lấy những món “made in China” từ chính quê nhà họ.
Theo thống kê của tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc, năm 2013 có 1,087 tỉ lượt người ra nước ngoài du lịch. Người Trung Quốc chiếm gần 1/10 số đó, cụ thể là 97 triệu lượt người (năm 2004 chỉ có 29 triệu) và tiêu hết khoảng 102 tỉ USD. Du lịch nước ngoài đang trở thành một trong những thứ để khẳng định đẳng cấp ở xã hội Trung Quốc nên đi đâu, nhất là quanh Đông Nam Á, khó có thể tránh nổi cảm giác bị lấn át bởi âm thanh “tua xảo chén”.
Cũng có nhiều phàn nàn về hành vi của họ như nói to, hay nhổ nước bọt, xả rác, cường độ ăn buffet sáng ở các khách sạn... ở nhiều nơi. Nhưng không như ở Thái Lan, nơi tiếp 60% người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch lần đầu, người Trung Quốc đến Melaka đa phần đã từng ra nước ngoài rồi nên họ cư xử cũng được. Nếu bạn chưa đến Melaka thì nó vẫn là nơi đáng đến để chiêm ngưỡng và để... luyện thêm tiếng Trung.
bài và ảnh Đinh Hiệp - TGTT
• Hiện các hãng hàng không giá rẻ như Air Asia, Jetstar, Cebu Pacific, Tiger Airways đều có tuyến đi từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Kuala Lumpur. Giá vé khứ hồi có lúc chỉ dưới 100 USD.
• Từ sân bay giá rẻ LCCT ở Kuala Lumpur có thể bắt xe buýt chạy thẳng đến Melaka quãng đường dài 115km mất 1g30 với giá 20 ringgit (130.000 đồng).
• Nếu chơi ở Kuala Lumpur trước rồi mới đến Melaka thì tới ga tàu Kuala Lumpur Sentral đón tàu đến bến xe Tasik Selatan (giá 1 ringgit) rồi từ đây đi xe buýt đến Melaka mất 2g15 với giá 10 ringgit.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét