Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

'Mẹ - Tổ Quốc' trên đồi Mamaev


Ý tưởng dựng một Tượng đài thật lớn ở Thành phố Anh hùng này để tưởng nhớ cuộc chiến đấu vĩ đại xuất hiện gần như ngay sau khi kết thúc trận đánh

Tên gọi đồi Mamaev, theo truyền thuyết, liên quan tới tên của thủ lĩnh Tartar - Khan Mamai. Trên đỉnh đồi hồi đó luôn có những đội lính canh. Trên chóp là một kỵ sĩ đứng quan sát xung quanh một cách sắc sảo, để không lọt một mối đe dọa nào. Đội canh phòng do chính khan Mamai thành lập từ gần một trăm chiến binh trung thành nhất, được tuyển lựa từ đội vệ binh riêng của mình. Khan Mamai biết rằng một đội lính canh tinh nhuệ có thể kiểm soat cả vùng sông Volga và sẽ chặn đứng những cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào thủ đô của vương quốc Sarai- Berke.

Nhưng vị trí tuyệt vời này không phải chỉ là chuyện ngày xưa. Đồi Mamaev, chiếm lĩnh phần chính của thành phố Volgagrad, trên bản đồ quân sự nó được đánh dấu là Cao điểm 102,0, là mắt xích chủ yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ của mặt trận Stalingrad. Chính nó đã trở thành vị trí then chốt trong cuộc chiến đấu chiếm giữ hai bờ sông. Ở đây, vào những tháng cuối năm 1942 đã diễn ra những trận đánh ác liệt. Sườn đồi bị bom đạn cày nát, đất đai trộn đầy những mảnh kim loại. Mảnh đất này phải chịu đựng sự mất mát hy sinh vô cùng to lớn về người. Chính tại khu đồi Mamaev ngày 2/3/1943 đã kết thúc trận chiến Stalingrad.

Ý tưởng dựng một Tượng đài thật lớn ở Thành phố Anh hùng này để tưởng nhớ cuộc chiến đấu vĩ đại xuất hiện gần như ngay sau khi kết thúc trận đánh. Quy mô to lớn và sự phức tạp trong bố cục của cả Quần thể Tượng đài đòi hỏi rất nhiều thời gian để thực hiện. Quần thể Tượng đài các Anh hùng của Trận chiến Stalingrad bắt đầu được xây dựng tháng 5/1959 và kết thúc vào ngày 15/10/1967 trong một lễ khánh thành trọng thể. Chính hình thức Quần thể- Tượng đài, đỉnh cao của nghệ thuật dựng tượng, đã cho phép tập thể tác giả truyền đạt đầy đủ hơn khí phách anh hùng của nhân dân, thể hiện bằng những hình tượng nghệ thuật cụ thể thông qua những tác phẩm điêu khắc khác nhau, bằng sự hóa hợp điêu khắc với thiên nhiên hùng vĩ. (Từ lúc khánh thành đến nay nhóm tượng đài chính đã được trùng tu 2 lần vào năm 1972 và 1986).

Đồi Mamaev luôn để lại một ấn tượng sâu sắc cho bất kỳ người khách viếng thăm nào. Ngoài bức tượng chính - “Mẹ-Tổ Quốc kêu gọi”, còn có Con đường với hai hàng dương cao vút, những Bức tường-đổ nát, Quảng trường “Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, Phòng “Vinh quang Chiến sĩ”. Ngày nay tổ hợp lịch sử-tưởng niệm“Những Anh hùng của Trận chiến Stalingrad” là một trong những nơi tham quan nhiều nhất ở Nga. Nó hoạt động quanh năm, không có ngày nghỉ, vào thăm tự do.
Tượng đài “Mẹ-Tổ quốc”
Công trình của nhà điêu khắc E. V. Vucheticha và kỹ sư N. V. Nikitin mang hình dáng người phụ nữ cao lớn đang tiến lên phía trước với thanh kiếm giơ cao. Đầu của pho tượng thể hiện hình tượng Tổ quốc đang kêu gọi những người con của mình chiến đấu chống kẻ thù.

Về khía cạnh nghệ thuật, tượng đài được mô phỏng hình dáng của tượng Nữ thần Chiến thắng Nike trong Thần thoại Hi Lạp cổ.
Tượng đài đồ sộ này có chiều cao 85 m, nặng 8 000 tấn (tượng Thần Tự do của Mỹ cao 46 m). Từ chân đồi Mamaev tới chân tượng đài được xếp 200 bậc đá granit. Bản thân quả đồi là một ngôi mộ chung khổng lồ, ở đó yên nghỉ 34 nghìn chiến sĩ - những người con bảo vệ thành Stalingrad.




Tượng đài "Mẹ - Tổ Quốc" về đêm

Tượng đài "Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng"
Theo Izvestia

Không có nhận xét nào: