Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Rượu Soju

Rượu shochu có thể coi là phiên bản Nhật Bản của rượu soju. Soju đôi khi bị nhầm lẫn với rượu gạo. Từ "rượu gạo" thông thường được dùng để chỉ rượu cheongju, một loại rượu của Hàn Quốc mà tương đương với sake.
Từ năm 1965 đến 1991, để giảm bớt tình trạng thiếu hụt gạo, chính phủ Hàn Quốc đã cấm việc áp dụng những phương pháp chưng cất rượu soju truyền thống từ lúa gạo tinh. Soju từ đấy được sản xuất chính thông qua việc pha loãng ethanol nguyên chất với nước và hương liệu. Phần lớn rượu soju rẻ tiền được sản xuất theo phương pháp này. Soju được sản xuất thông qua việc pha loãng từ ethanol được gọi là soju pha loãng, trong khi soju được sản xuất bằng phương pháp chưng cất từ lúa gạo thì được gọi là soju chưng cất. Chính phủ Hàn Quốc đã quy định nồng độ rượu soju pha loãng phải thấp hơn 35%. Hơn 3 triệu chai đã được tiêu thụ ở Nam Hàn trong năm 2004.
Do tính sẵn có của nguyên liệu và giá thấp so với các loại thức uống có cồn khác, soju đã trở thành một trong số những loại thức uống có cồn phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Tuy vậy, những thức uống khác như bia, whiskey, và rượu vang hiện đang ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.
Cùng với những nhãn hiệu sản xuất hàng loạt; và phổ biến ở Hàn Quốc, cũng có nhiều vùng sản xuất soju nổi tiếng theo cách truyền thống. Rượu soju truyền thống được làm ở Andong là nổi tiếng nhất. Soju thường được uống trong những ly thấp nhỏ và dày.
Jinro là nhà máy sản xuất soju lớn nhất với khoảng 70 triệu thùng được bán ra vào năm 2004. Nhãn hiệu soju phổ biến nhất hiện nay là Chamilsul (nghĩa đen là: "giọt sương thật"), chiếm 1/4 thị phần, nhưng nhãn hiệu Cheo-um-cheo-reom (nghĩa đen là "như lần đầu tiên") của nhà máy Doosan đang tăng dần thị phần.
Lịch sử
Soju được chưng cất lần đầu tiên vào khoảng năm 1300 sau Công Nguyên, vào thời kỳ Mông Cổ chiếm đóng Hàn Quốc. Người Mông Cổ đã chiếm được kỹ thuật chưng cất loại rượu arak của người Ba Tư trong quá trình xâm lược Trung Á và Trung Đông vào khoảng năm 1256 sau Công Nguyên. Sau đó nó được đưa vào Hàn Quốc và những xưởng chưng cất rượu được xây dựng quanh thành phố Kaesong. Hiện nay, quanh vùng Kaesong, soju được gọi là ajak-ju.
Phong tục

  • Người Hàn Quốc uống rượu soju cùng nhau, chứ không uống một mình.
  • Người Hàn Quốc không luôn luôn tự rót vào ly của họ. Họ đợi người khác rót đầy ly cạn của mình. Những người khác thì mong được rót rượu, và họ hăng hái làm như vậy ngay khi họ nhìn thấy một ly cạn.
  • Nếu một ly rượu không uống cạn hoàn toàn, nó sẽ không được rót đầy.
  • Nếu được người bề trên rót rượu, người có cấp bậc thấp hơn phải cầm ly bằng hai tay. Tương tự, khi rót rượu cho người bề trên, người có địa vị thấp hơn phải cầm chai bằng hai tay.
  • Nếu một người lớn tuổi hơn trao một ly cạn (luôn luôn là ly của họ) đến cho bạn, có nghĩa là người đó sắp rót đầy ly và muốn bạn uống. Bạn không phải uống cạn ly, nhưng ít nhất bạn phải làm như bạn đang uống ("nhấp môi" cũng được chấp nhận). Và nếu bạn uống cạn ly, bạn phải trả ly lại cho người đó. Bạn không cần phải trả lại ngay, nhưng giữ ly trong một thời gian dài thì bị xem như khiếm nhã.
  • Người Hàn Quốc nói "một hơi luôn nhé!" nghĩa là "cạn chén."
  • Khi uống rượu trước người lớn tuổi, bạn nên luôn luôn xoay lưng lại và sau đó mới uống. Uống cạn một hơi trước mặt người lớn tuổi biểu hiện thái độ không tôn trọng. 

S.T.

Không có nhận xét nào: