Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Hang Đá Bê Lem - Nhà Thờ Giáng Sinh

.
Grotto of Bethlehem - The Church of Nativity
Grotto of Bethlehem - The Church of Nativity
Tọa lạc cách thành phố Jerusalem 8 km về hướng Nam, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới có sinh hoạt liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ tư đến nay

.

Tọa lạc cách thành phố Jerusalem 8 km về hướng Nam, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới có sinh hoạt liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ tư đến nay.

1

Nhà thờ được xây cất ngay trên hang đá Bê lem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bê lem được tìm thấy trong quyển sách của ông Justin Martyr viết vào khoảng năm 160. 
Năm 327 thánh nữ Helène, mẹ của hoàng đế Constantin I cho xây cất nhà thờ Giáng Sinh. 
Năm 529 nhà thờ bị đốt cháy trong cuộc nổi dậy của người Samaritan. 
Năm 565 hoàng đế Justinian I cho xây dựng lại và tồn tại đến nay.
Khi Bê lem bị người Ba Tư xâm chiếm vào năm 614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy hình ba vị Vua phương Đông với trang phục của dân Ba Tư. 
Trong các lần chiến tranh với Hồi giáo, nhà thờ đã ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại và mặt tiền không có vẽ là nhà thờ.  Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh không có chút gì uy nghi cao cả.

Có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh đã giữ được tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay 2000 năm!
1

Khu nhà thờ Giáng Sinh nhìn từ quảng trường Máng Cỏ (Manger Square) 

1

Phải lại gần hơn mới thấy cổng vào nhà thờ

1

Và phải cúi mình xuống mới vào được 

1

Chánh điện bên trong nhà thờ - Trên nền nhà là nơi khai quật... 

1

các nhà khảo cổ đã tìm được nền nhà thờ cũ từ năm 327 

1

Tới gần bàn thờ - chú ý phía bên phải nơi có người đứng là cổng xuống hang đá Bê Lem 

1

Bên trái bàn thờ có hình Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng với nến cháy lung linh 

1

Và khi tắt nến 

1

Cổng bước vào hang đá Bê Lem 

1

Hành lang nhỏ dẫn tới hang đá Bê Lem 

1

Bước xuống các bậc thang là nơi Con Chúa Ra Đời

Bên phải: nơi Chúa sinh ra – Bên trái: máng cỏ 

1

Máng cỏ nơi Chúa nằm sau khi sinh ra 

1

1

Nơi Chúa Giêsu sinh ra được đánh dấu với ngôi sao 14 cánh 

1

Các chữ vòng quanh bên trong ngôi sao: Hicde Virgine Maria Jesus Christus Natus Est
Có nghĩa là: Nơi đây Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Đức Giêsu Kitô

1

Chính diện hang đá Bê Lem 

1

Các hàng cột bên trong nhà thờ 

1

Xen kẻ các bình đèn 

1

Theo kiểu Chính Thống Giáo 

1

Tạm biệt hang đá Bê Lem 

1

Tạm biệt nhà thờ Giáng Sinh 

1

Phía trước Nhà Thờ Giáng Sinh là Quảng Trường Máng Cỏ với đền thờ Hồi giáo.

.

Tác giả bài viết: Quang Hiền
Nguồn tin: Diễn Đàn Điện Tử

Hành hương Bethlehem xưa và nay
Bethlehem ở phía sau bức tường cao 8 mét

Hành hương Bethlehem xưa và nay


Doanh nhân Sài Gòn
Khi ánh dương còn nhập nhoạng, chúng tôi bước ra khỏi chiếc Boeing 777-200ER của Hãng El Al Israel (bay từ Hông Kông đến Sân bay Quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv, Israel). Như hàng triệu du khách hằng năm từ khắp nơi đổ về Bethehem (người Việt quen gọi là Bê-lem) hành hương, viếng Nhà thờ Giáng sinh ở Quảng trường Máng Cỏ, chúng tôi cũng chỉ có một cách duy nhất để đến được nơi đó.
Trước hết là đến Tel Aviv bằng máy bay, rồi đi xe đến thành cổ Jerusalem. Sau đó mới di chuyển đến gần biên giới, đổi từ xe thùng hiệu Mercedes đời mới sang xe thùng hiệu Volkswagen đời xưa. Kế đó là vượt qua hai, ba hàng rào, kiểm tra an ninh, bức tường cao 8 mét rồi mới tiến vào được Bờ Tây, lãnh thổ của Palestine. Bethlehem, nơi Con Thiên Chúa giáng sinh làm người cách nay hơn 2.000 năm, nay ở Bờ Tây.
Chợt nghĩ, vào những ngày xa xưa ấy, ông Thánh Giu-se và Đức bà Maria khi từ Galilee về Bethlehem thuộc miền Judea phía Nam để khai báo hộ khẩu theo lệnh điều tra dân số của Hoàng đế La Mã Cesar Augustus nào có máy bay, tàu lửa, xe hơi để di chuyển. Thậm chí, theo các nhà nghiên cứu, họ còn không có điều kiện để đi ngựa vì ngựa là phương tiện vận tải đắt tiền, không hề phổ biến trong xã hội thời ấy. Có thể họ ngồi trên lưng lừa nhưng có nhiều khả năng hơn cả là họ đã đi bộ. Cần nhớ là khi ấy Đức bà đã rất nặng nề, cận ngày sinh nở.
Đối với du khách đến từ phương xa, toàn cảnh Bethlehem hôm nay, tuy cách Jerusalem chỉ vài cây số, nhưng vẫn chỉ là những cánh đồng nhiều đá, nhiều sỏi, trông có vẻ khô cằn. Và sau khi loại bỏ những dấu hiệu của thời hiện đại như đường nhựa, cột điện, cửa hàng với bảng hiệu... thì cuộc sống nơi đây dường như không khác gì lắm với thời Chúa Giê-su giáng trần. Nhưng đối với người dân địa phương, đây là vùng đất lành, màu mỡ đã sản sinh thật nhiều cây ô-liu, cây nho, cây chanh, cây cam, cây chà là và những loại cây cho hạt khác từ hàng ngàn năm qua.
Ở quanh Bethlehem vẫn còn những ngôi làng sống chủ yếu bằng nghề nông. Thời xưa, người Do Thái tại đây trò chuyện với nhau bằng tiếng Aram, chỉ có những gia đình khá giả, quý tộc mới sử dụng thêm tiếng Hy Lạp vì đây là ngôn ngữ của giới La Mã thống trị. Chắc chắn số người có học thức theo như cách chúng ta hiểu ngày nay là rất ít. Bọn trẻ chăn cừu trên cánh đồng gần nơi Chúa sinh ra, chắc cũng đã hét mừng bằng tiếng Aram khi được các thiên thần báo cho tin vui Đấng cứu thế đã đến.
Nơi Chúa sinh ra làm người, Bethlehem - Ảnh: P.Ng.Dũng
Thăm Nhà thờ Chúa Giáng sinh, cúi rạp mình xuống đặt nụ hôn lên ngôi sao đánh dấu nơi Chúa hài đồng đã nằm những giờ phút đầu tiên trong thân xác con người, bạn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện vô vàn những chiếc đèn dầu treo khắp nơi. Và câu chuyện ba vua cũng trở lại trong ký ức vì lần mò đi đâu trong đêm ai cũng cần có ánh sáng soi chiếu. Năm xưa, các vị này đi theo ánh sáng của ngôi sao David đến tận Bethlehem.
Thực ra ba nhân vật từ phương Đông tìm đến thăm Chúa hài đồng chẳng phải là những vị vua của các miền Saba, Sheba, Tarsus. Đúng ra họ là những nhà thông thái, nhà chiêm tinh và nhà y khoa. Và cũng có thể chẳng phải chỉ có ba vị với tên là Balthazar, Gaspard và Melchior mà là 12 vị. Khi sống trên ngọn núi Vauls ở Persia (tức Ba Tư, tức Iran ngày nay), nhóm này đã trông đợi từ rất lâu một tin vui lớn được chỉ báo qua sự xuất hiện của một vì sao mới. Điều này được viết trong cuốn sách của Seth mà tác giả được cho là Thánh John Chrysostom (tức Thánh Yoan Kim Khẩu) hồi thế kỷ IV sau Công nguyên.
Cũng có thể họ chẳng phải là những nhà thông thái đến từ Persia với những hộp quà đựng vàng, mộc dược và nhũ hương. Theo một tài liệu cổ khoảng 1.700 năm tuổi mới tìm thấy trong kho tàng ở Tòa thánh Vatican, họ là con cháu của Seth, người con trai thứ ba của ông Adam và bà Eva và họ đến từ tận nước "Shir". Và theo những văn bản cổ xưa khác, "Shir" chính là... Trung Quốc! Theo các nhà nghiên cứu, từ ngàn xưa đã có một con đường, gọi là Con đường Spices, xuyên qua sa mạc, núi đồi nối kết Bethlehem với Trung Quốc.
Chỉ có ba nhà chiêm tinh hay nhiều hơn, họ đến từ Ba Tư hay từ Trung Quốc? Sẽ chẳng bao giờ rõ được nhưng có điều chắc chắn là Thánh Giu-se và Đức bà Maria đã phải đi bộ những chặng đường thật dài ngày này qua tháng nọ. Khác hẳn chúng ta ngày nay từ nước này sang nước khác dùng máy bay, xe hơi đi thật nhanh lẹ, dễ dàng đến hành hương Đất Thánh Israel để lần theo bước chân của Chúa Giê-su năm xưa. Giới chức năng Tel Aviv cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2015 đã có 1,4 triệu khách hàng hương từ mọi nơi tìm đến Bethlehem. 
Cảnh đồi đá khô cằn, hiu quạnh
Thời hiện đại ngày nay, đi đâu cũng có máy móc phục vụ nhanh lẹ, thử hỏi có bao nhiêu khách hành hương nhớ rằng, ngày xưa, Chúa Giê-su, chào đời tại Bethlehem, miền Judea phương Nam, nhưng lớn lên ở Nazareth, miền Galilee phương Bắc và trong suốt ba năm liền đã liên tục đi rao giảng từ miền Bắc ngang qua miền Trung Samari xuống đến tận miền Nam và đến cả những địa danh nay thuộc Nam Lebanon.
Một vài nhà nghiên cứu, chỉ dựa vào những ghi chép trong bốn cuốnKinh Thánh Tân Ước, đã đưa ra được con số 4.800 km. Đây là tổng chiều dài hành trình Ngài đã đi bộ trong ba năm giảng đạo. Còn trong cả quãng thời gian khoảng trên 30 năm sống kiếp người, Ngài đã đi bộ trên 33.600 km. Đi bộ trong hoang mạc trong thời tiết nóng bức mùa Hè và cả trong khí trời giá lạnh mùa Đông.
Trời thật nóng và trời thật lạnh, du khách hàng hương hôm nay vẫn có thể cảm nhận được. Và chắc chắn họ cũng ngỡ ngàng khi đứng trước cảnh đồi cát bạt ngàn, vườn đá rộng khắp, lác đác vài ba túp lều của người chăn cừu, chăn dê. Xa xa, xuất hiện một cụ già ngồi trên lưng con lạc đà chậm chạp từng bước một. Khách hành hương chăng? Không phải, ông ta quanh năm trực nơi đây, đón khách hành hương chụp ảnh với lạc đà và cho ông vài ba đồng shekel. Hẳn bạn phải thắc mắc câu hỏi "làm sao mà sống nổi nơi này?".
Ấy thế mà từ lâu lắm rồi, vùng đất thánh này vẫn thu hút đám đông khách hành hương. Thời Trung cổ ở các nước phương Tây, giới quý tộc, giới khá giả thường rủ nhau hành hương đến Palestine vì sau chặng đường dài, cầu nguyện ở nơi thánh thiêng sẽ giúp xóa được tội lỗi đã phạm hoặc trị được những căn bệnh khó chữa. Và cũng có những người giàu có thuê người nghèo đi hành hương chuộc tội thay cho mình!
Vượt đường xa (gần 5.000km nếu từ Anh đến Bethlehem, Jerusalem), vượt biển cả, đến nơi rồi trở về với vài kỷ vật mua được nơi Đất Thánh, thường là một huy hiệu bằng kim loại, khách hành hương trở thành nhân vật nổi tiếng ở địa phương.
Hồi ấy, họ nào có máy bay, xe lửa, xe hơi. Cũng chẳng có khách sạn với phòng gắn máy điều hòa không khí, nhà hàng với vô vàn món ăn thơm ngon. Nhưng người xưa lẫn người nay đều một lòng ao ước trong đời một lần đến được Đất Thánh, một lần được tận mắt trông thấy "Bê-lem, Judea, vùng đất đã có diễm phúc được nhìn thấy Chúa sinh ra làm người".

P. NGUYỄN DŨNG

Đi thăm hang cỏ Bethlehem
TTCT - Trong ánh đèn vàng lan tỏa từ các chụp đèn cổ kính thả xuống từ trần nhà, không khí bên trong nhà thờ Nativity Church thật trang nghiêm. Mọi người xếp hàng nối đuôi nhau trong sự thinh lặng chờ đợi đến lượt của mình viếng thăm máng cỏ nơi ngày xưa Chúa Giêsu ra đời.
Những nét vẽ tuyệt đẹp - Ảnh: N.C.L
Tôi mua tour từ Jerusalem (Israel) để qua Bethlehem, phần đất do người Palestine quản lý. Bethlehem chỉ cách Jerusalem khoảng 15km đường chim bay và được Israel phong tỏa bằng “bức tường khốn khổ”. Chỉ những tài xế người Israel gốc Palestine của các công ty du lịch mới được cấp giấy phép đặc biệt qua lại giữa biên giới nơi đây. Anh Amzi là người tài xế đồng hành cùng với tôi.
Nazareth - vùng đất Thánh
Amzi dặn tôi: “Khi đến biên giới, cứ ngồi trên xe mặc cho quân đội kiểm tra và trình hộ chiếu nếu họ yêu cầu. Không được sử dụng bất cứ máy ảnh hay máy quay phim trong khu vực này”. Có lẽ Amzi qua lại khá nhiều trên cung đường này nên xe lướt qua trạm kiểm tra khá nhanh sau một vài câu chào hỏi.
Amzi hỏi tôi có biết nhiều điển tích trong Kinh thánh cũng như sự tích Chúa ra đời không. Tôi đáp: “Tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ các điều anh vừa nói và đó là lý do tôi đến đây!”. Amzi cười lớn và hứa sẽ thêm cho tôi một điểm viếng thăm mới trong lịch trình, nhà thờ nằm trong khu vườn Shepherd ở thị trấn Beit Sahour - nơi thiên sứ Gabrien báo mộng Chúa sẽ chào đời...
Những gốc cây ôliu to đã hơn 2.000 năm tuổi tỏa bóng mát khắp cả lối đi trong khu vườn huyền thoại. Vùng đất thánh thành Nazareth ngày xưa nay là một trong những thị trấn cổ nhất thế giới. Có khoảng năm nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ 2 cho đến thế kỷ 7 bên trong khu vườn khi xác định nơi đây các thiên thần báo mộng Chúa ra đời.
Thánh đường Hồi giáo Umar được xây dựng từ năm 1860 - Ảnh: N.C.L
Bên ngoài nhà thờ Nativity Church - Ảnh: N.C.L
Thời gian đã lướt qua, những nhà thờ được xây dựng trong lòng núi đá hay nhà thờ Chính Thống giáo Hi Lạp chỉ còn sót lại một vài cây cột chỏng chơ cùng với vết tích một vài tảng đá được khảm bằng ngôn ngữ Hebrew những câu Kinh thánh. Trên những đồi trọc lấm tấm màu xanh cỏ dại, tiếng kêu be be của đàn cừu lại cất lên khi những người chăn cừu lùa chúng qua những đồi khác.
Tôi theo chân Amzi vào bên trong nhà thờ La Mã còn giữ nguyên mái vòm được xây dựng từ thế kỷ 5. Những người mộ đạo thường gọi đây là nhà thờ của các thiên thần, điều đập vào mắt tôi là rất nhiều tượng thiên thần được điêu khắc bên trong và ngoài nhà thờ. Tiếng chuông ngân nga trầm ấm vang lên từ trên nóc nhà thờ cho tôi cảm giác mùa Giáng sinh ấm cúng an lành đang đến thật gần.
Nhìn những bức tranh được vẽ sống động trong nhà thờ có thể mường tượng ra được câu chuyện về Chúa Giêsu ra đời trong một đêm đông lạnh lẽo như thế nào. Từ hình ảnh thiên thần Gabrien, đến anh thợ mộc Giuse Joseph và người con gái Maria lúc đó, tất cả đều hết sức sinh động trong từng nét vẽ.
Dòng sông Jordan - nơi Chúa tắm rửa tội lần thứ nhất - Ảnh: N.C.L
Bethlehem - Chúa sinh ra đời
Trên đường quay trở lại Bethlehem, cách thị trấn Beit Sahour khoảng 2km, Amzi lại huyên thuyên kể cho tôi nghe về hang động với máng cỏ nằm bên trong một nhà thờ cổ kính nơi Chúa ra đời, về vị vua tàn ác xứ Judae là Herod…
Tôi len qua cánh cửa đá hẹp bước vào thánh đường. Bên trong đoàn người xếp thành bốn hàng dài nối đuôi nhau. Tất cả đều chờ đợi đến lượt của mình viếng thăm hang động với máng cỏ ngày xưa. Một vài chỗ trên lối lên cung thánh đã xuống cấp và nứt nẻ, lộ ra sàn nhà được xây dựng trong quá khứ.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 339 sau khi Constantine Đại đế và hoàng thái hậu Helena đến thăm nơi Chúa ra đời vào năm 327. Nhà thờ bị cháy rụi sau đó bởi cuộc nổi dậy Samaritan vào đầu thế kỷ 6 và được hoàng đế Byzantine phục hồi vào năm 565.
Nhà thờ thiên thần bên trong khu vườn - Ảnh: N.C.L
Ánh sáng vàng được lan tỏa từ các chụp đèn treo trên trần khiến không khí nơi đây thêm phần trang nghiêm. Không ai nói gì với nhau và cứ từng bước một nhích dần. Bất chợt dàn đồng ca vang lên bài thánh ca, tôi thấy lòng nhẹ nhõm lạ lùng.
Amzi hỏi tôi đã cầu nguyện gì khi thăm viếng nơi Chúa chào đời. Tôi đáp: “Hòa bình!” và cầu mong điều đó xảy ra cho cả người dân Israel lẫn Palestine nơi đây.
NGUYỄN CHÍ LINH

Không có nhận xét nào: