Người Nhật gọi trung tâm bách hóa là Hyakkaten, có nghĩa là nơi bán trăm món hàng. Nó thể hiện sự đa dạng của hàng hóa tại đây. Hiện nay, trên khắp nước Nhật có khoảng 250 trung tâm bách hóa đang hoạt động.
Trung tâm bách hóa Takashimaya tọa lạc ở khu mua sắm Nihombashi mở cửa hoạt động từ năm 1933. Không chỉ nổi tiếng là nơi mua sắm sang trọng và tiện lợi, năm 2009, công trình kiến trúc này còn được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia của Nhật Bản.
Bên trong tòa nhà Takashimaya, trần nhà cao được chống đỡ bởi những hàng cột lớn ốp đá hoa cương. Không gian thoáng đãng cùng lối trang trí cầu kỳ tạo cảm giác nơi đây giống một cung điện hơn là một trung tâm mua sắm.
Nếu quan sát kỹ trần nhà, chúng ta dễ dàng bắt gặp kiểu hoa văn hình hoa cúc trên mỗi cạnh của những ô vuông. Cách trang trí này là sự tái hiện phong cách kiến trúc dùng cho trần nhà gỗ truyền thống ở Nhật.
Cột của tòa nhà Takashimaya cũng có những nét rất riêng. Đầu cột, nơi tiếp giáp với trần nhà, được thiết kế mô phỏng kiểu cột gỗ lắp ghép với trần nhà bằng lỗ mộng.
Trung tâm bách hóa Takashimaya là di sản cấp quốc gia của Nhật
Khu tầng trệt của trung tâm bách hóa này
Trung tâm bách hóa Takashimaya là sự dung hòa giữa kiến trúc truyền thống phương Đông và kiến trúc hiện đại phương Tây. Điều đó là có dụng ý, bởi sự giao thoa của các nền văn hóa này sẽ tạo cảm giác gần gũi, thoải mái cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Cách bố trí các quầy hàng ở Takashimaya cũng rất đặc biệt. Đầu tiên là ở tầng trệt, hàng hoá bày bán ở đây chủ yếu là vật dụng cá nhân như khăn tay, nón, ví cầm tay, mỹ phẩm, đồ trang sức. Người ta cho rằng, tầng trệt là bộ mặt của trung tâm bách hóa, vì vậy cách bày trí phải thật bắt mắt để thu hút khách hàng. Ngoài ra, sản phẩm cũng thuộc dạng cao cấp, xuất xứ từ các hãng sản xuất danh tiếng trên thế giới.
Một điểm đáng chú ý nữa tại khu vực tầng trệt của Takashimaya là hệ thống thang máy. Đây là loại thang máy cổ nhưng được thiết kế sang trọng, có nữ nhân viên xinh đẹp phụ trách điều khiển thang máy. Hiện nay, chỉ một số ít trung tâm bách hóa ở Nhật Bản vẫn còn sử dụng kiểu thang máy này. Đối với Takashimaya, đây là một đặc trưng.
Khu vực thang máy theo phong cách cổ điển nhưng sang trọng
Các quầy hàng ở tầng 2 trở lên chủ yếu bày bán quần áo và vật dụng gia đình. Trang phục dành cho nữ giới chiếm số lượng nhiều nhất. Khu vực tầng 3 và tầng 4 của trung tâm bách hóa Takashimaya là nơi tập trung các mặt hàng thời trang nữ, có khoảng 200 nhãn hàng trong và ngoài nước được bày bán ở đây.
Một số nhà sản xuất trang bị hệ thống thử quần áo hiện đại tạo sự tiện lợi cho khách hàng. Khách hàng có thể điều chỉnh máy chụp hình lắp đặt sẵn trong phòng thử đồ để chụp lại hình ảnh của họ trong trang phục mới. Sau đó, bức ảnh này được chuyển về máy vi tính để xử lý. Nhân viên bán hàng sẽ giúp vị khách chọn lựa trang phục phù hợp.
Một số nhà sản xuất trang bị hệ thống thử quần áo hiện đại tạo sự tiện lợi cho khách hàng. Khách hàng có thể điều chỉnh máy chụp hình lắp đặt sẵn trong phòng thử đồ để chụp lại hình ảnh của họ trong trang phục mới. Sau đó, bức ảnh này được chuyển về máy vi tính để xử lý. Nhân viên bán hàng sẽ giúp vị khách chọn lựa trang phục phù hợp.
Trên máy vi tính, màu sắc của trang phục mà khách hàng đang mặc trong bức ảnh được thay đổi liên tục cùng với cảnh nền phía sau. Dựa vào đó, khách hàng có thể chọn chiếc áo có màu hợp với mình mà không cần mất thời gian thử đi thử lại nhiều lần.
Tiếp tục lên các tầng trên là nơi kinh doanh quần áo trẻ con, dụng cụ thể thao, đồ nam giới, vật dụng nhà bếp và đồ dùng gia đình hàng ngày. Tại khu vực tầng 5, gian hàng quần áo nam giới liên thông với khu triển lãm. Ở đó, khách hàng có thể chiêm ngưỡng những bức tranh của các họa sĩ trong và ngoài nước hay tìm hiểu về nghệ thuật gốm sứ thủ công.
Người Nhật gọi trung tâm bách hóa là Hyakkaten, có nghĩa là nơi bán trăm món hàng. Nó thể hiện sự đa dạng của hàng hóa tại đây. Nhưng ngoài hàng hóa, các hyakkaten ở Nhật còn có cả dịch vụ nhà hàng. Thực đơn của nhà hàng rất phong phú từ món ăn truyền thống của Nhật, món Trung Quốc đến các món phương Tây. Vì vậy, thực khách không phải bận tâm về sự khác biệt khẩu vị cho dù họ đến từ nước ngoài.
Nếu không có thời gian thưởng thức bữa ăn tại nhà hàng, khách mua sắm tại trung tâm bách hóa có thể xuống khu vực bán đồ ăn sẵn ở tầng hầm. Chất lượng của những món ăn ở đây không thua kém những món ăn ở các cửa hàng ăn nổi tiếng.
Nhà hàng và khu vực bán đồ ăn sẵn tại các trung tâm bách hóa ở Nhật có một đặc điểm chung về mặt phân bố. Đó là, nhà hàng luôn được bố trí ở tầng trên cùng của tòa nhà, nơi khách hàng có thể nạp năng lượng để chuẩn bị cho nhiều tiếng đồng hồ đi tham quan mua sắm sau đó. Cách thiết kế này được ví như dòng chảy của vòi nước hoa sen phủ xuống khắp các tầng bên dưới. Trong khi đó, khu vực bán đồ ăn sẵn lại nằm ở tầng hầm của trung tâm bách hóa. Từ đây, khách hàng sẽ lên các tầng trên nếu có nhu cầu, vì vậy, khu vực bán đồ ăn sẵn tượng trưng cho cột phun nước.
Cách phân chia không gian mua sắm đặc biệt này đã tạo nên nét đặc trưng của các trung tâm bách hóa Nhật Bản. Nó giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nơi mà họ cần đến, từ đó, họ cảm nhận được sự thuận tiện và thoải mái đúng như câu “Khách hàng là thượng đế”.
Trung tâm bách hóa đầu tiên ra đời tại Nhật Bản vào năm 1904. Nó được phát triển từ một cửa hàng chuyên kinh doanh vải may quần áo có từ thời Edo.
Đầu thế kỷ 20 cũng là lúc Nhật Bản bước vào cuộc cách mạng công nghiệp, chính quyền Minh Trị chủ trương hiện đại hóa đất nước sau thời gian dài bế quan toả cảng dưới thời Mạc phủ. Lúc bấy giờ, không chỉ công nghiệp mà thương nghiệp cũng phát triển mạnh mẽ, các ngành nghề truyền thống thời Edo dần thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Kết quả là các cửa hàng vải, chủ yếu là vải dùng để may áo kimono, được cải tạo để trở thành trung tâm mua sắm mang phong cách Âu Mỹ. Theo đó, khách hàng đến các trung tâm bách hóa thỏa sức lựa chọn những món hàng mà họ ưng ý, trên đó có niêm yết giá sẵn mà không sợ bị mua nhầm hay mất thời gian kỳ kèo trả giá.
Dù thế nào đi nữa, người Nhật vẫn thích đi mua sắm ở các trung tâm bách hóa
Chính vì sự tiện lợi và thân thiện của kiểu kinh doanh mới nên nhanh chóng sau đó, nhiều cửa hàng vải ở các thành phố lớn của Nhật Bản lần lượt được thay thế bằng trung tâm bách hóa.
Vào những năm 1920, mạng lưới đường sắt được mở rộng trên khắp Nhật Bản đã thúc đẩy thương mại phát triển. Việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, dễ dàng và rộng khắp đã tạo điều kiện cho các trung tâm bách hóa lớn mạnh. Lúc bấy giờ, mua sắm tại trung tâm bách hóa trở thành một trong những sở thích của đại bộ phận dân chúng. Người dân đến đây không chỉ bởi lượng hàng hóa phong phú, yên tâm về giá cả mà còn bởi chất lượng của các mặt hàng.
Không dừng lại ở việc hấp dẫn khách hàng đơn lẻ, các trung tâm bách hóa đã nghĩ ra sáng kiến thu hút đối tượng khách hàng là gia đình và nhóm bạn bè. Thế là dịch vụ ăn uống được đưa vào hoạt động thông qua hình thức nhà ăn lớn, tiền thân của nhà hàng tại các trung tâm bách hóa hiện nay. Thực đơn có cả món Nhật và món phương Tây.
Không dừng lại ở đó, một số trung tâm bách hóa còn đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em ở khu vực sân thượng của tòa nhà.
Trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, nhiều trung tâm bách hóa ở Nhật Bản bị bom đạn phá hủy. Sau chiến tranh, nước Nhật bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, diện mạo của các thành phố lớn dần được khôi phục. Xây dựng lại trung tâm bách hóa là một trong những ưu tiên vào thời kỳ này. Chẳng bao lâu sau, hàng loạt trung tâm bách hóa trên khắp nước Nhật hoạt động trở lại, chúng tiếp tục vai trò là điểm mua sắm ưa thích của dân chúng.
Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, đến nay, trung tâm bách hóa vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân xứ sở này. Chất lượng hàng hóa mang đẳng cấp quốc tế cùng phong cách phục vụ ân cần của đội ngũ nhân viên chính là yếu tố mang lại sức sống mãnh liệt cho các trung tâm bách hóa.
Vào thời điểm cuối năm, các trung tâm bách hóa thường áp dụng chương trình giảm giá đặc biệt, nhiều mặt hàng giảm đến hơn 50%. Đây là dịp để khách hàng tha hồ tận hưởng mùa mua sắm khuyến mãi, và cũng là lúc các trung tâm bách hóa thu về nguồn lợi khổng lồ.
Xuất phát từ nhu cầu của xã hội, các trung tâm bách hóa liên tục cải tiến để phù hợp với một xã hội năng động và hiện đại. Những năm gần đây, hình thức kinh doanh này trải qua một giai đoạn khó khăn khi ngày càng có nhiều dịch vụ mua sắm để khách hàng lựa chọn. Thị phần của trung tâm bách hóa đang chia sẻ cho các siêu thị mới mọc lên bề thế ở khu vực ngoại ô, nơi có bãi đậu xe rộng lớn. Trong khi đó, ở khu vực trung tâm thành phố, khách hàng trẻ tuổi bị cuốn hút bởi những cửa hàng của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, một số trung tâm bách hóa không tránh khỏi qui luật đào thải. So với con số 350 trung tâm bách hóa trên cả nước vào thời hưng thịnh thì hiện nay chỉ còn lại khoảng 250 trung tâm đang hoạt động.
Như thế không có nghĩa là người Nhật không còn mặn mà với trung tâm bách hóa. Thói quen mua sắm truyền thống này vẫn được nhiều Nhật ưa chuộng. Bên cạnh số đông trung tâm bách hóa nhắm đến đối tượng khách hàng là nữ giới thì cũng có mộtg số trung tâm bách hóa chuyên kinh doanh mặt hàng thời trang nam.
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến vai trò của đội ngũ nhân viên làm việc tại các trung tâm bách hóa. Sự nhã nhặn và cung cách phục vụ khách hàng nhiệt tình của họ được cả thế giới biết đến.
Trung tâm bách hóa thường mở cửa hoạt động vào lúc 9h30 phút sáng hàng ngày, trước đó 30 phút, tất cả các nhân viên phải có mặt để chuẩn bị mọi thứ. Nhiều người tự hỏi “Phải chăng tư thế gập người kèm theo những câu mời chào thể hiện sự kính trọng dành cho khách hàng của đội ngũ nhân viên phục vụ đã góp phần mang lại danh tiếng cho các trung tâm bách hóa?.” Điều này hoàn toàn đúng, bởi lẽ, thể hiện sự tôn trọng người khác cũng đồng nghĩa với việc mình sẽ được đối xử lại một cách tương tự. Và hơn thế, trong lĩnh vực dịch vụ, thái độ nhã nhặn với khách hàng là một trong những chìa khóa mang lại sự thành công.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét