Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Shikoku – vùng đất hành hương nổi tiếng


Đảo Shikoku – hòn đảo nhỏ nhất trong số 4 đảo chính của nước Nhật nổi tiếng là vùng đất hành hương. Trong những chuyến đi về vùng đất nhiều truyền thống Phật giáo ấy, các tín đồ sẽ viếng 88 ngôi chùa nằm dọc theo 4 tỉnh Tokushima, Kochi, Ehime và Kagawa.
Hành hương trên đảo Shikoku là sự tái hiện chuyến đi mở đường của Kobo Daishi, hay còn gọi là Kukai, vị cao tăng sống vào thế kỷ thứ 9. Kukai là người sáng lập phái Chân ngôn tông ở Nhật Bản. Cách đây 1.200 năm, vị cao tăng này đã đích thân thực hiện chuyến hành hương trên đảo Shikoku. Ông đi từ vùng đồng bằng, vượt qua rừng rậm, núi non hoang vu để khám phá tự nhiên và sức mạnh huyền bí của bản thân. Chuyến đi đầy gian khổ của Kukai được người đời gọi là Ohenro, tức Con đường dài. Nó là khởi nguồn cho những chuyến hành hương sau này. Toàn bộ lộ trình hành hương ở Shikoku kéo dài 1.200 km, nếu đi bộ, người hành hương phải mất khoảng 50 ngày.
Ngôi chùa đầu tiên trong chuyến hành hương là Ryozenji ở tỉnh Tokushima, từ đây, người hành hương hướng xuống phía nam, đi theo chiều kim đồng hồ dọc theo khắp hòn đảo để viếng 87 ngôi chùa còn lại. Tại mỗi ngôi chùa, người hành hương đều thành tâm khấn vái, đọc kinh và làm lễ theo đúng nghi thức của Phật giáo Chân ngôn tông. Họ cầu nguyện cho bản thân, gia đình và những người xung quanh được khỏe mạnh, bình an.
Ở mỗi điểm dừng chân tại 1 ngôi chùa nào đó, người hành hương trình quyển nhật ký đi đường của họ để nhà chùa đóng dấu. Quyển nhật ký đi đường này giống như lá bùa hộ mệnh mà người hành hương phải luôn giữ bên mình, nó là bằng chứng cho thấy họ đã đi qua những đâu trong suốt cuộc hành trình.
Như đã nói, chuyến hành hương trên đảo Shikoku đi qua 4 tỉnh. Nó tượng trưng cho 4 giai đoạn của con đường khai sáng trong Phật giáo. Từ ngôi chùa thứ nhất đến ngôi chùa thứ 23 nằm trên tỉnh Tokushima thể hiện cho giai đoạn đầu của con đường này. Người hành hương gọi nó là Hosshin, tức Nhận thức.
Ngôi chùa thứ 24 đến 39 nằm trên địa phận của tỉnh Kochi, là đại diện cho giai đoạn thứ 2 có tên gọi Shugyo tức Tu luyện.
Ngôi chùa thứ 24 Hotsumisakiji tọa lạc ở phía nam của mũi đất Muroto, mũi đất nổi tiếng với ngọn hải đăng lớn nhất Nhật Bản. Gần chùa là hang đá Mikurodo chạy sâu vào trong lòng núi. Ngày xưa, nhà sư Kukai đã sử dụng hang đá này làm nơi tu luyện, sống cuộc sống khổ hạnh. Từ trong hang, vị cao tăng có thể nhìn ra biển, ngắm mặt trời để suy ngẫm, tìm sự giác ngộ. Người ta cho rằng trong thời gian tu luyện, Kukai chỉ nhìn trời và biển nên tên của ông được ghép từ chữ Ku là Không và Kai là Hải. Kukai có nghĩa là Không Hải.
Giai đoạn thứ 3 là Bodai tức Khai sáng, kéo dài từ ngôi chùa thứ 40 đến ngôi chùa thứ 65 ở tỉnh Ehime. Chặng đường hành hương này nổi tiếng với nhiều ngôi chùa linh thiêng được xây dựng bên những vách núi đá khổng lồ. Điển hình trong số đó là ngôi chùa thứ 45 – Iwayaji. Chùa Iwayaji tựa mình bên 1 ngọn núi tổ ong, tương truyền, ngọn núi là hiện thân của thần bảo hộ Fudomyoo, vị thần có vẻ mặt hung tợn.
Giai đoạn thứ 4 cũng là chặng cuối cùng của lộ trình hành hương nằm trên tỉnh Kagawa, từ ngôi chùa thứ 66 đến ngôi chùa thứ 88. Nó có tên gọi Nehan, nghĩa là Nhập Niết Bàn.
Người hành hương hoàn tất lộ trình dài 1.200 km đi qua tất cả 88 ngôi chùa sẽ được công nhận là Kechigan. Những người tham gia hành hương trên đảo Shikoku không chỉ xuất phát từ tinh thần mộ đạo mà họ còn muốn thử thách sự bền bỉ và kiên cường của bản thân.
Lộ trìn hành hương dài 1.200 km trên đảo Shikoku qua 88 ngôi chùa
Một bảng chỉ dẫn bên vệ đường dành cho người đi hành hương

Không chỉ có người Nhật mà du khách nước ngoài cũng rất hào hứng với hoạt động này
Những cung đường tuyệt đẹp trên đường hành hương
Người hành hương ghé vào mỗi ngôi chùa mà họ đi qua để xin con dấu
Những người tham gia hành hương không chỉ muốn thể hiện tinh thần mộ đạo
mà còn muốn thử thách ý chí của  bản thân
Mỗi năm, có khoảng 150.000 người tham gia hành hương trên đảo Shikoku. Hiện nay, bên cạnh những người hành hương đi bộ thì cũng không ít người sử dụng xe bus và xe hơi cá nhân. Với cách di chuyển này, họ chỉ mất khoảng 1 tuần để đến 88 ngôi chùa. Tuy nhiên, đa phần người hành hương chọn các phương tiện trên đều là người cao tuổi và nữ giới.
Với những người hành hương không bị ràng buộc bởi điều kiện sức khỏe và thời gian thì họ thử sức bằng chuyến đi bộ dài ngày một mình hoặc đi theo nhóm.
Gần đây, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người hành hương có thể viết nhật ký hàng ngày của chuyến đi trên điện thoại di động và gửi chúng đến bạn bè, người thân để chia sẻ. Người Nhật tin rằng hành hương là 1 trong những cách tốt nhất giúp họ rèn luyện sự dẻo dai cả về thể xác lẫn tinh thần.
Hành hương trên đảo Shikoku bắt nguồn từ chuyến viếng thăm đến 88 ngôi chùa của cao tăng Kukai vào thế kỷ thứ 9. Đến thời Edo, thế kỷ 17, phong trào hành hương theo lộ trình của Kukai lan rộng trong dân chúng. Để đáp ứng nhu cầu hành hương của dân chúng và tạo thuận tiện cho người hành hương, năm 1687, quyển sách hướng dẫn lộ trình hành hương của Kukai trên đảo Shikoku được xuất bản.
Thời Edo là giai đoạn Nhật Bản thái bình sau 200 năm đất nước trải qua thời kỳ nội chiến Sengoku. Người dân tận hưởng cuộc sống an lành bằng những chuyến đi du lịch, hành hương trên khắp cả nước. Kinh tế phát triển hưng thịnh vào thời điểm này cũng là động lực để dân chúng hồ hởi tham gia những chuyến đi dài ngày. Tuy nhiên, với quãng đường dài 1.200 km, chuyến hành hương không hề dễ dàng. Nhiều người đã ngã bệnh hoặc thậm chí bỏ mạng trên đường hành hương.
Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2 khi nền kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng thần tốc, phong trào hành hương 1 lần nữa phát triển mạnh mẽ trong dân chúng. Lúc này, xe bus bắt đầu được đưa vào sử dụng cho những chuyến hành hương đến 88 ngôi chùa trên đảo Shikoku.
Từ những năm 1970, số lượng người hành hương hàng năm không ngừng gia tăng nhờ sự phổ biến của xe bus và xe hơi cá nhân. Các phương tiện giao thông tiện lợi này giúp nhiều tín đồ cao tuổi thực hiện mong muốn có thể là cuối đời của họ. Đó là hành hương về Shikoku.
Những năm 1990 trở lại đây, xu hướng hành hương đi bộ như ngày xưa quay trở lại và lan rộng trong giới trẻ cả nam lẫn nữ giới.
Hiện nay, nhiều người nước ngoài cũng thích thú tham gia hành hương để tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản, và ngay chuyến hành hương trên đảo Shikoku cũng là một phần của nền văn hóa đó.
Cư dân trên đảo Shikoku có truyền thống cho người hành hương tiền hoặc thức ăn. Hành động này được gọi là Osettai. Osettai được thể hiện dưới nhiều hình thức, có thể là đóng những chiếc ghế gỗ cho người hành hương nghỉ chân hay dọn dẹp cây cối gây cản trở lối đi. Có thể người hành hương gặp nhiều trở ngại trong chuyến đi, nhưng với tấm lòng của những người thực hiện Osettai thì khó khăn đó dường như trở nên nhỏ bé.
Với tinh thần không vụ lợi, Osettai là sự thể hiện tính hiếu khách, trọng tình người của người dân đảo Shikoku, quê hương của vị cao tăng Kukai, người đã cống hiến cả đời mình cho Phật giáo, cho sự an lành, hạnh phúc của dân chúng.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào: