CHƯƠNG X
TINH THẦN ĐỘC LẬP ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIA NÃ ĐẠI,
TRUNG VÀ NAM MỸ
TRUNG VÀ NAM MỸ
“Tôi thề trước…linh hồn tổ tiên, thề với danh dự và quê hương rằng ngày nào mà chưa đập tan được xiềng xích áp bức, thì tôi nhất định không thể ngồi yên khoanh tay bình thản được”. Người nói những lời lẽ quan trọng này không phải là một dân thuộc địa Anh tự hứa để ủng hộ cách mạng Hoa Kỳ, mà là của một nhà ái quốc của thuộc địa Venezuela ở Nam Mỹ. Như các bạn đã biết, cuộc cách mạng của 13 thuộc địa ở Hoa Kỳ chỉ là một trong những tiếng súng làm rung chuyển và tách rời Tân thế giới ra khỏi Cựu thế giới. Hậu quả của những tiếng súng này là nhiều Tân quốc gia được thành lập tại Tây bán cầu. Năm 1825, các thuộc địa Tây Ban Nha phải dùng đến lưỡi kiếm đẫm máu để cắt đứt liên hệ với mẫu quốc. Ba Tây không còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha nữa, mà đã trở thành một quốc gia độc lập. Trong tất cả các quốc gia Âu châu thiết lập đế quốc ở Mỹ châu, chỉ có Anh quốc là còn giữ được một thuộc địa rộng lớn là Gia Nã Đại. Nhưng dù sao thì Gia Nã Đại cũng không tranh đấu đòi độc lập mà chỉ đòi cho được hưởng quyền tự trị.
Điều quan trọng đối với người Hoa Kỳ là nên biết một vài điều về các quốc gia láng giềng cùng ở Tây bán cầu này. Chương này sẽ bàn về những gì xảy ra ở Gia Nã Đại cũng như ở Trung và Nam Mỹ vào thời kỳ sau cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Chương này cũng sẽ nói về việc Gia Nã Đại đã tiến hành cuộc cách mạng “hòa bình” như thế nào, và các thuộc địa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã giành được độc lập ra làm sao. Để có thể theo dõi những điểm quan trọng trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu những câu hỏi dưới đây:
1. Cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến Gia Nã Đại như thế nào?
2. Gia Nã Đại đã giành được chính quyền tự trị qua cuộc cách mạng hòa bình như thế nào?
3. Các thuộc địa Tây Ban Nha đã giành được độc lập ra sao?
4. Ba Tây đã được độc lập như thế nào?
------------------------------
PHẦN MỘT
CUỘC CÁCH MẠNG HOA KỲ ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN
GIA NÃ ĐẠI NHƯ THẾ NÀO?
Trước khi chúng ta có thể hiểu được cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến Gia Nã Đại như thế nào, chúng ta hãy nhớ lại vào năm 1763. Đây là năm Anh quốc đã đánh bại đối phương để chiếm được Tân Pháp.
- Chính phủ Anh cố gắng thâu phục lòng tin tưởng của dân chúng ở Tân Pháp
Dân chúng ở Tân Pháp vào năm 1763 nêu lên nhiều thắc mắc: “Bây giờ thì những gì đang và sẽ xảy ra cho chúng ta?” Nhà cầm quyền mới sẽ bắt chúng ta không được sử dụng ngôn ngữ của chúng ta nữa? Họ cũng không cho chúng ta được hành đạo theo tôn giáo của chúng ta nữa? Mặc dầu theo các điều khoản trong thỏa hiệp đầu hàng là dân chúng ở vùng Tân Pháp vẫn có quyền duy trì ngôn ngữ và tôn giáo của họ, nhưng có nhiều mối lo ngại cho rằng thỏa hiệp này sẽ không được thi hành. Dân thuộc địa Pháp tự hỏi “Liệu rằng đất đai trong làng xóm của chúng ta có bị cướp đoạt để phân phối cho người Anh không?”
Dân thuộc địa người Pháp cảm thấy thoải mái khi hay tin rằng chính phủ Anh không có ý định buộc người Pháp nói tiếng Anh và cũng không có ý định bắt buộc họ sống theo tập quán của người Anh. Như chúng ta đã biết, vào lúc này, các thuộc địa mới bắt đầu nói đến tự do, định nghĩa về các quyền lợi (căn bản). Anh quốc biết rằng nếu dân định cư người Pháp cho rằng tân chính quyền sai quấy thì họ sẽ sẵn sàng nghe theo những lời lẽ nguy hiểm của những dân thuộc địa Anh ở phía Nam. Cho nên Anh quốc vẫn tiếp tục duy trì hình thức chính quyền mà dân thuộc địa đã từng quen thuộc. Chính phủ Anh cũng hứa rằng dân thuộc địa người Pháp vẫn có quyền thờ phượng theo giáo hội Công giáo, và vẫn được duy trì đất đai của họ. Anh quốc hy vọng rằng bằng cách đối xử tử tế, Anh quốc sẽ chiếm được lòng tin và lòng trung thành của dân Gia Nã Đại gốc Pháp.
- Cuộc xâm lăng của người Hoa Kỳ vào Gia Nã Đại thất bại
Anh quốc hoàn toàn có lý khi nghĩ rằng xáo trộn ở 13 thuộc địa rất có thể ảnh hưởng đến Gia Nã Đại [2]. Sau khi các thuộc địa Anh tại Mỹ chiến đấu chống lại mẫu quốc chẳng được bao lâu thì Ethan Allen và một lực lượng mang danh hiệu là Green Mountain Boys mở một cuộc tấn công bất ngờ vào quân Anh. Như các bạn đã biết, lực lượng này chiếm những đồn ải của quân Anh tại Grown Point và Ticonderoga ở bên hồ Champlain. Việc tấn chiếm hai đồn này một cách can đảm đã mở đường sang Gia Nã Đại. Biết rõ rằng Anh quốc sẽ sử dụng Gia Nã Đại để tấn công các thuộc địa, cho nên Hội Nghị Lục Địa quyết định phải hành động mau lẹ. Quân lực Hoa Kỳ được gửi đi để đánh sang Gia Nã Đại, và chiếm được Montreal trong nhiều tháng, nhưng lại không chiếm được thủ đô Quebec. Khi tăng viện của quân Anh tiến tới sông Saint Laurence thì quân Mỹ phải rút khỏi Gia Nã Đại.
- Các thuộc địa Mỹ châu không được người Pháp ở Gia Nã Đại ủng hộ
Các nhà lãnh đạo các thuộc địa biết rằng người Gia Nã Đại gốc Pháp không ưa người Anh, cho nên Hội Nghị Lục Địa gửi một phái đoàn đi Montreal để thuyết phục người Gia Nã Đại gốc Pháp trợ giúp các thuộc địa. Cùng đi với phái đoàn có cả ông Benjamin Franklin, một nhân vật nổi tiếng về tài thuyết phục. Nhưng nhân dân Montreal cũng không thích gì người Mỹ. Họ không ưa quân sĩ thô bạo lỗ mãng của thuộc địa chiếm đóng thành phố của họ. Họ căm giận bọn lính tráng bắt họ phải bán thực phẩm và các phẩm vật khác để lấy một thứ tiền giấy vô giá trị. Thực ra, nhân dân Montreal càng thấy quân sĩ lục địa (quân Mỹ), họ lại càng không hăng hái tham gia phong trào tranh đấu giành độc lập. Sứ mạng cầu viện của phái đoàn thất bại, và những hy vọng mong được Gia Nã Đại trợ giúp cũng tan biến như mây khói.
Từ đó hai lãnh thổ Anh ở Bắc Mỹ đi theo hai chiều hướng khác biệt. Mười ba thuộc địa tranh đấu giành độc lập, trong khi Gia Nã Đại vẫn tiếp tục là lãnh thổ của Anh quốc.
- Những người thuộc địa trung thành (với Anh quốc) đi Nova Scotia
Dù rằng Gia Nã Đại không liên kết với các thuộc địa nhưng cũng bị ảnh hưởng sâu xa bởi cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Như các bạn đã thấy rằng không phải mọi người trong mười ba thuộc địa đều ủng hộ việc tranh đấu giành độc lập tách rời khỏi mẫu quốc. Có lẽ có tới một phần ba dân thuộc địa là những người trung thành đứng về phía Anh quốc. Sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta vẫn còn căm thù những người trung thành này. Một số người trung thành trở lại Anh quốc. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều người ở lại Mỹ châu. Tại sao họ lại không đi đến lãnh thổ của Anh quốc ở về phía Bắc? Chính phủ Anh tại Gia Nã Đại sẵn sàng đón nhận và thu xếp công việc chuyển vận họ. Họ sẽ được cấp phát ruộng đất, dụng cụ và các đồ tiếp liệu hằng ngày để có thể khởi lập lại cuộc đời.
Sau khi thỏa hiệp hòa bình được ký kết vào năm 1783, nhiều người trung thành lũ lượt lên tàu ở Nữu Ước để đi về quê hương mới. Có cả những nhà quý tộc ăn mặc sang trọng mang theo cả nô lệ và tài sản mà họ có thể mang đi được. Cũng có những thương gia, bác sĩ, luật sư, quân nhân, công nhân và nông dân. Đợt di cư của những người trung thành này khiến cho Hoa Kỳ mất đi nhiều người giàu có nhất và học thức nhất.
Ba chục ngàn người tỵ nạn khỏe mạnh không nhà lên tàu thuyền đi Nova Scotia. Đoàn tàu tỵ nạn tiến vào bỏ neo ở Halifax, thành phố thủ đô của Nova Scotia. Bạn hãy tưởng tượng thành phố vốn đã đông đúc từ trước,bây giờ lại phải chứa thêm hàng ngàn người cần phải có lương thực, nhà ở và đất đai cho họ sinh nhai. Chẳng bao lâu, những người trung thành này được cấp phát đất đai, và họ tản mát đi lập các làng định cư và đốn cây ở các vùng đất phì nhiêu để trồng tỉa ở Nova Scotia. Một số người đi New Brunswick, thẳng tới phía Bắc của tiểu bang Maine ngày nay, và tới gần đảo Prince Edward. Không bao lâu, Nova Scotia và các vùng đất phụ cận trở thành thuộc địa của Anh quốc.
- Những người trung thành khác tới Gia Nã Đại bằng đường bộ
Trong thời kỳ cách mạng, nhiều người trung thành (với Anh quốc) từ các vùng phía Tây ở các thuộc địa di chuyển sang Gia Nã Đại. Sau khi chiến tranh chấm dứt, tiểu bang New York có tới chừng 10 ngàn người vượt biên giới chạy sang Gia Nã Đại. Phần lớn những người này định cư ở phía Bắc hồ Ontario và dọc theo thượng lưu sông Saint Laurence ở phía Tây Montreal. Vùng đất này từng là một phần của tỉnh Quebec của người Pháp ngày trước. Những người dân định cư mới này được chính phủ Anh cấp phát đất đai, dụng cụ, và chẳng bao lâu những căn nhà gỗ mọc lên và làng thôn mở rộng tới vùng hoang vu.
- Những người nói tiếng Anh khởi lập Gia Nã Đại thuộc Anh
Hẳn các bạn còn nhớ dân cư ở Tân Pháp rất thưa thớt. Vào lúc người Anh làm chủ vùng lãnh thổ này, dân số ở đây chỉ có chừng 80 ngàn. Các bạn sẽ dễ dàng thấy rằng nhiều ngàn người trung thành từ Hiệp chủng quốc chạy sang làm gia tăng dân số ở đây. Ngoại trừ ở phía Đông tỉnh Quebec ngày xưa ra, người Pháp không còn chiếm đa số dân ở Tân Pháp nữa. Hơn nữa lại có thêm số lớn người nói tiếng Anh tiếp tục đổ xô tới Gia Nã Đại. Nhiều người Hoa Kỳ ở vùng biên cương tiến tới vùng Ngũ đại hồ vào hồi đầu thế kỷ thứ XIX. Cũng có nhiều người từ quần đảo Anh cũng di cư đến nữa. Cho nên chúng ta có thể nói rằng cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã đưa đến việc khởi lập Gia Nã Đại thuộc Anh như ngày nay.
- Dân Gia Nã Đại nói tiếng Anh đòi được hưởng thêm nhiều quyền tự do
Cuộc cách mạng Hoa Kỳ còn ảnh hưởng sang quốc gia láng giềng ở phía Bắc về một phương diện khác. Người Anh ở tỉnh Quebec không hài lòng sống theo luật pháp áp dụng cho những người Gia Nã Đại gốc Pháp. Họ mong mỏi có một loại chính phủ giống như loại chính phủ ở các thuộc địa Mỹ trước kia mà họ có thể tuyển chọn đại diện vào đó. Mặt khác, dân Gia Nã Đại gốc Pháp sinh sống ở phía Đông tỉnh Quebec muốn duy trì ngôn ngữ phong tục tập quán của họ. Họ rất ít chú ý đến việc tham dự vào chính quyền. Anh quốc phải làm thế nào để hài lòng cả dân Gia Nã Đại gốc Pháp lẫn gốc Anh?
Năm 1791, Anh quốc quyết định chia tỉnh Quebec ngày xưa làm hai tỉnh gọi là Thượng Gia Nã Đại và Hạ Gia Nã Đại. Thượng Gia Nã Đại là phần đất phía Tây của tỉnh Quebec ngày xưa, nơi mà nhiều người trung thành đến định cư. Hạ Gia Nã Đại là nơi mà đa số người Pháp sinh sống. Mỗi tỉnh có một chính quyền riêng biệt. Đứng đầu mỗi tỉnh là một vị Thống đốc do Anh quốc bổ nhậm. Mỗi vị Thống đốc lại chọn một số người kỳ mục có uy tín vào Hội đồng chính phủ. Đồng thời, dân trong tỉnh cũng bầu một số người vào một hội đồng khác. Dĩ nhiên là người Anh ở Thượng Gia Nã Đại rất hài lòng với sự xếp đặt này. Đồng thời, Anh quốc cũng hy vọng người Pháp ở Hạ Gia Nã Đại dần dần cũng học hỏi người Anh để tham dự vào chính quyền.
-------------------------
PHẦN HAI
GIA NÃ ĐẠI GIÀNH ĐƯỢC QUYỀN TỰ TRỊ BẰNG MỘT
CUỘC CÁCH MẠNG HÒA BÌNH
Chẳng bao lâu, người Gia Nã Đại trở nên bất mãn với Tân chính phủ của họ, và sau đó là xảy ra sự bất hòa giữa dân chúng Gia Nã Đại và Anh quốc. Thực ra, trong thế kỷ thứ XIX, cuộc bất hòa này đã đưa đến việc cải tiến trong chính phủ. Cách mạng không cần thiết phải có chiến tranh và đổ máu. Có thể tiến tới cách mạng một cách ôn hòa. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu nhân dân Gia Nã Đại đã thực hiện cuộc cách mạng ôn hòa như thế nào để đạt được quyền tự trị.
- Kế hoạch của chính phủ Anh để kềm chế Gia Nã Đại
Các chính phủ của Thượng và Hạ Gia Nã Đại đều không cho dân chúng hưởng quyền tự trị như ở 13 thuộc địa Anh trước kia (Hiệp Chủng Quốc). Những người cầm quyền ở Anh quốc cho rằng những lầm lẫn đắt giá trước kia đã đưa đến việc mất 13 thuộc địa. Cho nên họ không muốn những lầm lẫn này tái diễn ở Gia Nã Đại nữa. Quốc hội Anh sẽ không đánh thuế một thuộc địa nào nữa.
Nhưng các nhà lãnh đạo tại Anh cũng cho rằng “Chúng ta đã mất 13 thuộc địa không phải chỉ vì chúng ta đã đánh thuế ở 13 thuộc địa này, mà còn vì chúng ta đã cho các thuộc địa này quá nhiều tự do để điều hành công việc nội bộ. Chúng ta phải kềm chế thuộc địa còn lại ở Mỹ châu của chúng ta khiến cho thuộc địa này sẽ không còn có cơ hội nào để nổi loạn nữa. Chúng ta sẽ cho phép dân chúng ở đây bầu các hội đồng lập pháp, chúng ta sẽ ban bố cho họ quyền đánh thuế để điều hành chính quyền. Nhưng hội đồng lập pháp sẽ không có đầy đủ quyền hành để làm luật. Vị Thống đốc do Anh quốc bổ nhậm và Hội Đồng quản trị do vị Thống đốc chọn lựa sẽ kiểm soát chính quyền tỉnh hạt. Bằng cách như vậy thì dân chúng Gia Nã Đại sẽ không có khái niệm về quyền tự do và tự trị”.
- Dân Gia Nã Đại đòi hỏi phải cải cách trong chính phủ
Được ít lâu, dân Gia Nã Đại ở các tỉnh đều nhận thức được rằng viên thống đốc và Hội đồng quản trị của ông ta nắm thực quyền kiểm soát chính phủ. Những người cầm quyền ở đây rất ít chú ý tới nguyện vọng của Hội đồng lập pháp. Họ điều hành chính quyền theo ý riêng của họ và tuân hành chỉ thị của mẫu quốc, chứ không phải là theo ý muốn của dân chúng Gia Nã Đại. Nói một cách khác, chính quyền các tỉnh không chịu trách nhiệm với dân chúng Gia Nã Đại. Dần dần dân chúng bắt đầu đòi phải có điều mà họ gọi là chính quyền có trách nhiệm. Họ mong muốn có hội đồng lập pháp do họ bầu lên phải có thực quyền để điều hành mọi công việc trong tỉnh hạt. Họ cũng mong muốn Anh quốc để cho họ có nhiều tự do hơn để điều hành công việc nội bộ của họ.
Tại Hạ Gia Nã Đại, nơi mà người Anh và người Pháp cùng sinh sống trong cộng đồng, dân chúng càng chống đối viên thống đốc và Hội đồng quản trị dữ dội hơn. Người Pháp (dân Gia Nã Đại gốc Pháp) lại sợ rằng chính phủ Anh bắt họ nói tiếng Anh và phải sống theo phong tục tập quán của người Anh, điều mà họ không bao giờ chấp nhận được. Họ là những người Pháp và họ nhất định duy trì ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người Pháp. Vì người Pháp chiếm đa số trong Hội đồng lập pháp, nếu họ không thích kế hoạch của vị thống đốc, họ sẽ không bỏ phiếu để chấp thuận thuế khóa điều hành chính quyền. Một vài vị lãnh tụ nóng nảy kêu gọi nổi loạn.
Mối bất hòa ở Thượng Gia Nã Đại không phải là mối bất hòa giữa người Pháp và người Anh. Thực ra, đó là mối bất hòa giữa những người mong muốn có chính quyền trách nhiệm và những người giàu có có thế lực trong chính quyền muốn duy trì chính quyền như vậy. Khi mối bất hòa càng trở nên dữ dội, các lãnh tụ cải cách kêu gọi dân chúng nổi loạn, nếu những ý nguyện của họ không được thỏa mãn. Người ta đã nói rất nhiều đến việc giành độc lập. Năm 1837 có nhiều biến cố bùng nổ. Dân chúng nổi loạn và có đụng độ giữa những người nổi loạn với nhân viên của chính quyền. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu thì các cuộc nổi loạn này bị quân đội của chính phủ dập tắt.
- Lord Durham đề nghị thay đổi trong chính phủ Gia Nã Đại
Những cuộc nổi loạn và lòng phẫn uất của dân chúng khiến cho chính phủ Anh xúc động mạnh. Tại Anh, những người khôn ngoan nói “Đường lối hiện tại của chúng ta ở Gia Nã Đại đã thất bại. Chúng ta phải làm cái gì khác hơn nếu không thì chúng ta sẽ mất các tỉnh này như chúng ta từng mất 13 thuộc địa trước kia….”. Vì vậy cho nên Anh quốc cho gửi một chính khách tài ba, khôn ngoan là Lord Durham sang Gia Nã Đại để nghiên cứu tình hình, và nếu cần thì đề nghị phải thực hiện những gì cần thiết để cứu vãn tình thế.
Bản tường trình của Lord Durham cho thấy rõ Anh quốc cần phải thay đổi thái độ không những đối với Gia Nã Đại, mà còn đối với tất cả các thuộc địa ở trên thế giới. Ông cảnh cáo rằng Anh quốc phải từ bỏ ý niệm cho rằng các thuộc địa phải tồn tại cho quyền lợi của mẫu quốc. Ông nói rằng các vị đại diện do dân chúng bầu vào Hội đồng Lập pháp phải có nhiều quyền hành hơn. Lord Durham tin tưởng rằng chỉ có một cách duy nhất để giữ các tỉnh Gia Nã Đại ở trong đế quốc Anh là phải ban bố cho dân chúng ở đây đầy đủ những quyền tự do như những người dân ở chính quốc Anh được hưởng. Nói một cách khác là phải có chính phủ có trách nhiệm. Ông cũng đề nghị rằng phải thống nhất hai tỉnh Gia Nã Đại lại dưới quyền điều hành của một chính phủ duy nhất.
- Gia Nã Đại tiếp nhận chính quyền có trách nhiệm
Sau bản tường trình của Lord Durham được ít lâu thì Thượng và Hạ Gia Nã Đại hợp nhất thành một tỉnh dưới quyền cai trị của một vị thống đốc. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm sau đó Anh quốc mới chịu để Gia Nã Đại có chính phủ có trách nhiệm. Sau cùng, vào năm 1846, chính phủ có trách nhiệm được thành lập ở Gia Nã Đại. Viên Thống đốc bổ nhậm đảng viên của đảng nào kiểm soát được Hội đồng Lập pháp vào Hội đồng Quản trị. Và Hội đồng Quản trị này quyết định mọi chính sách của chính phủ. Như vậy, nhân dân Gia Nã Đại đã giành được quyền kiểm soát các công việc của họ ngoại trừ một số các vấn đề như quốc phòng, ngoại thương, và việc ký các thỏa hiệp (với ngoại quốc). Quốc hội Anh vẫn còn nắm quyền kiểm soát các vấn đề này.
Chính phủ có trách nhiệm với dân chúng ở Gia Nã Đại đã thực hiện được mà không cần phải có chiến tranh. Ngay khi dân chúng Gia Nã Đại thỏa mãn được các đòi hỏi thì mọi cuộc bàn luận về việc giành độc lập cũng không còn nữa. Anh quốc cũng tin tưởng rằng dân chúng trong các tỉnh Gia Nã Đại có đủ khả năng để tự trị. Về phần nhân dân Gia Nã Đại thì họ cũng tỏ ra trung thành và quý mến mẫu quốc.
----------------------------
PHẦN BA
CÁC THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA ĐÃ TRANH ĐẤU NHƯ THẾ NÀO ĐỂ GIÀNH ĐỘC LẬP?
Đầu thế kỷ thứ XIX, trước khi Gia Nã Đại có chính quyền có trách nhiệm với dân chúng, cũng có nhiều biến cố sôi sục ở các thuộc địa Tây Ban Nha. Cuộc nổi dậy ở các thuộc địa Tây Ban Nha khiến cho chúng ta nhớ lại một vài khía cạnh của cuộc nổi dậy ở các thuộc địa Anh. Các thuộc địa Anh cũng như các thuộc địa Tây Ban Nha đều bất bình chống lại mẫu quốc chỉ vì những luật lệ điều hành thương mại và thuế khóa. Các thuộc địa Anh cũng như các thuộc địa Tây Ban Nha đều phải chiến đấu và phải trải qua những trận đánh dữ dội đẫm máu mới giành được độc lập.
Tuy nhiên, trong cuộc tranh đấu giành độc lập, các thuộc địa trên đây có nhiều sự khác biệt. Các thuộc địa Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn hơn là các thuộc địa Anh:
1. Mười ba thuộc địa Anh nằm trọn trong một giải đất hẹp dọc theo vùng duyên hải. Trong khi đó lãnh thổ của các thuộc địa Tây Ban Nha chiếm gần hầu hết Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mễ Tây Cơ, và một phần đất mà ngày nay thuộc về Hiệp Chủng Quốc.
2. Trong các thuộc địa Tây Ban Nha, nhiều nơi có các dãy núi cao và các rừng rậm ngăn cách các làng định cư. Các bạn có thể mường tượng sự khó khăn trong việc gửi các thông điệp hay di chuyển quân đội từ nơi này tới nơi khác.
3. Một sự khác biệt nữa là sự khác biệt trong các chính quyền. Dân thuộc địa Anh được hưởng một số quyền tự do, và về nhiều phương diện họ được hưởng quyền tự trị. Nhưng ở các thuộc địa Tây Ban Nha, dân chúng quằn quại dưới ách thống trị sắt máu của hoàng đế Tây Ban Nha. Họ không có một cơ hội nào để được hưởng quyền tự trị. Mặc dầu những khó khăn trên đây, nhân dân các thuộc địa Tây Ban Nha đã giành được độc lập. Chúng ta phải công nhận rằng họ đã hoàn thành được một kỳ công tuyệt vời.
CÁC THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA CÓ NHỮNG LÝ DO ĐỂ NỔI LOẠN
- Dân thuộc địa Tây Ban Nha đã chịu đau khổ như thế nào?
Trong chương III, chúng ta đã biết rằng Tây Ban Nha kiểm soát các công việc mậu dịch ở các thuộc địa rất gắt gao. Càng ngày, những người sinh sống bằng nghề buôn bán càng trở nên căm giận những luật lệ thương mại của chính quyền. Nhưng có lẽ người Creoles (người Tây Ban Nha sinh đẻ ở Tân thế giới) là những người kêu than dữ dội nhất. Các chức vị quan trọng ở chính quyền thuộc địa cũng như ở trong giáo hội đều lọt vào tay người Tây Ban Nha (sinh đẻ ở Tây Ban Nha). Người Tây Ban Nha khinh rẻ những người Creoles như là những người hạ cấp. Thật là dễ hiểu tại sao người Creoles xuất thân từ các gia đình tử tế và có trình độ học vấn cao đã chống lại thái độ của người Tây Ban Nha.
Ngoài ra còn có nhiều nỗi thống khổ phiền muộn khác nữa. Nhiều dân thuộc địa tin rằng đã đến lúc nhân dân có quyền nói lên tiếng nói về phương cách điều hành việc cai trị đất nước. Đối với Tây Ban Nha, những tư tưởng như vậy hình như là nguy hiểm và phải cố gắng ngăn chặn tư tưởng này để khỏi lan rộng ra các thuộc địa. Dân thuộc địa không được phép mua sách báo ngoại trừ trường hợp được chính quyền Tây Ban Nha chấp thuận. Không một ấn phẩm nào về cuộc cách mạng Hoa Kỳ được phép lưu hành ở trong các thuộc địa Tây Ban Nha. Thật ra, nếu không có phép đặc biệt, thì không một dân thuộc địa Tây Ban Nha nào được phép đi sang Hoa Kỳ viếng thăm hay du lịch, vì sợ rằng người ta sẽ đem các tư tưởng độc lập về nói lại ở trong các thuộc địa.
- Các cuộc cách mạng Pháp và Hoa Kỳ ảnh hưởng vào các thuộc địa Tây Ban Nha
Dù rằng có những luật lệ khắt khe như vậy, tin tức từ khắp nơi trên thế giới vẫn có thể lọt vào trong các thuộc địa Tây Ban Nha. Dân chúng ở đây cũng biết rằng hiện thời các thuộc địa của Anh ở Mỹ châu đã được độc lập. Họ cũng được biết về cuộc đại cách mạng bùng nổ và lan tràn khắp nước Pháp vào năm 1789. trong thời kỳ cách mạng, người dân Pháp đã đạp đổ ách thống trị của nhà vua và của bọn quý tộc để thành lập nền Cộng hòa. Tin tức như vậy truyền từ người này sang người khác ở trong các thuộc địa Tây Ban Nha và được nhiều người hăng say bàn cãi. Nếu dân tộc của các quốc gia khác đã đập tan xiềng xích trói buộc họ thì tại sao nhân dân các thuộc địa Tây Ban Nha lại không thể đứng lên làm như vậy? Thanh niên Creoles du học ở Âu châu trở về bắt đầu tích cực tranh đấu cho độc lập. Nhiều hội kín được tổ chức ở nhiều nơi trong các thuộc địa để tiến hành cách mạng chống lại Tây Ban Nha. May mắn cho các thuộc địa là vào đầu thế kỷ thứ XIX, Tây Ban Nha bị lôi cuốn vào các cuộc chiến tranh ở Âu châu cho nên quốc gia này không đủ thời giờ chú ý đến các thuộc địa ở Mỹ châu. Các thuộc địa đã chọn đúng lúc này để quật khởi.
MỄ TÂY CƠ THIẾT LẬP NỀN ĐỘC LẬP
- Linh mục Hidalgo khởi đầu công cuộc trường kỳ tranh đấu cho nền độc lập của Mễ Tây Cơ
“Viva la Independencia” (Độc lập muôn năm). Những từ ngữ trên đây đã gây xúc động mạnh do vị linh mục Miguel Hidalgo, một vị tu sĩ ở trong một làng Mễ Tây Cơ tên là Dolores, hô lên. Hidalgo đã hy sinh suốt đời để giúp đỡ và dạy dỗ dân da đỏ ở Mễ Tây Cơ, những người dân lê kiếp đọa đày dưới ách thống trị của Tây Ban Nha. Ông đã thiết lập kế hoạch bí mật để quật khởi chống lại bọn thống trị Tây Ban Nha ở Mễ Tây Cơ. Linh mục Hidalgo hy vọng rằng nếu Mễ Tây Cơ được độc lập thì sẽ cải thiện được kiếp sống khốn cùng của người da đỏ.
Khẩu hiệu “Tiếng thét của nhân dân Dolores” của Hidalgo đã thúc giục đồng bào da đỏ tiến lên con đường cách mạng. Mặc dầu lúc đầu quân cách mạng chiếm giữ được nhiều thị trấn, nhưng vì quân sĩ da đỏ thiếu huấn luyện nên đã không thể nào chống cự nổi được với quân đội Tây Ban Nha được gửi đến đàn áp. Quân cách mạng bị đánh bại, Hidalgo bị bắt và bị hành hình. Đầu ông được đặt trong chiếc lồng sắt mang đi khắp các đường phố để cảnh cáo những người nào khác có ý định quật khởi chống lại Tây Ban Nha.
Nhưng cách mạng đã không ngừng lại với cái chết của Hidalgo. Hàng ngàn người trốn vào các vùng núi để tiếp tục chiến đấu dưới sự điều khiển của các nhà lãnh đạo mới. Nhiều người mestizos (những người Tây Ban Nha lai da đỏ) lên đường theo loạn quân (cũng có thể gọi là quân cách mạng). Qua nhiều năm trường gian khổ, quân cách mạng tiếp tục chiến đấu, tấn kích bất ngờ vào các thị trấn rồi rút lui vào trong các vùng đồi núi.
- Người Creoles tiếp tục phong trào tranh đấu giành độc lập và đạt được thắng lợi
Nếu chỉ có người da đỏ và người mestizos ở Mễ Tây Cơ chiến đấu không thôi thì cuộc chiến giành độc lập có lẽ đã chẳng bao giờ thành công được. Những người Creoles đã theo dõi cuộc đấu bất cân xứng giữa loạn quân và người Tây Ban Nha, và đã chụp lấy cơ hội để giành quyền kiểm soát chính quyền Mễ Tây Cơ. Họ chuẩn bị tham gia vào loạn quân, và khi công cuộc tranh đấu giành độc lập đã hoàn toàn thắng lợi thì họ chiếm lấy chính quyền cho chính họ.
Một vị sĩ quan trẻ tuổi người Creoles đầy tham vọng tên là Agustin de Iturbide cầm đầu kế hoạch này. Họ đánh lừa các lãnh tụ người da đỏ nhận trợ giúp của họ. Liên kết với lực lượng của người da đỏ, người Creoles đánh chiếm thị trấn Mexico và buộc người Tây Ban Nha phải ra đi. Sau khi Iturbide và quân sĩ của ông tuyên bố Mễ Tây Cơ độc lập vào năm 1821 thì họ không dùng những người da đỏ trong chính quyền nữa.
- Mễ Tây Cơ và Trung Mỹ giành độc lập
Iturbide không quan tâm đến những tư tưởng dân chủ. Ông muốn chính ông và người Creoles kiểm soát chính quyền. Cho nên cuộc cách mạng vào lúc khởi đầu đã được dân da đỏ nhiệt liệt ủng hộ nhưng lại tan đi vào khi Iturbide lên ngôi hoàng đế xứ Mễ Tây Cơ. Tuy nhiên, nhiều người Creoles không ưa ý đồ của hoàng đế cho nên sau đó chừng một năm, Iturbide bị đưa đi đày. Cuối cùng sau 14 năm trường chiến đấu, nền cộng hòa Mễ Tây Cơ được thành lập vào năm 1824. Cũng vào lúc này, các tỉnh ở các thuộc địa khác của Tây Ban Nha, nơi mà ngày nay gọi là Trung Mỹ, cũng tuyên bố độc lập.
BOLIVAR VÀ SAN MARTIN GIẢI PHÓNG NAM MỸ
Trong khi nhân dân Mễ Tây Cơ tiến hành cách mạng chống lại Tây Ban Nha thì ở Nam Mỹ cũng xảy ra nhiều biến cố quan trọng. Nói về nền độc lập của Nam Mỹ là nói về câu chuyện của ba nhà đại lãnh tụ Miranda, Bolivar và San Martin.
- Miranda, người cha đẻ của cách mạng ở Venezuela
Francis Miranda chào đời ở Venezuela, và lớn lên đã hy sinh gần trọn đời cho chính nghĩa tự do của nhân dân Nam Mỹ. Một thời ông đã từng sống ở Âu châu. Và cũng tại Âu châu, ông đã đi thăm nhiều nước để yêu cầu các chính quyền các quốc gia này viện trợ cho ông trong cuộc tranh đấu giành độc lập cho quê hương. Sau khi Hoa Kỳ giành được tự do, ông cũng kêu gọi Hiệp Chủng Quốc viện trợ. Miranda cũng tổ chức những người Creoles đã từng đi du học ở Âu châu về tham gia vào một hội đoàn ái quốc. Những bài diễn văn nảy lửa của ông đã lôi cuốn được nhiều thanh niên lên đường gia nhập tổ chức tranh đấu giành độc lập. Khi trở về Venezuela lãnh đạo phong trào cách mạng chống lại Tây Ban Nha thì Miranda đã già rồi. Ông già Miranda với mái đầu bạc trắng đi trên đường phố Caracas được dân chúng tung hô nhiệt liệt. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó một trận động đất ghê gớm đã tàn phá Caracas và chấm dứt công trình cách mạng của ông. Người Tây Ban Nha bắt giam ông và ông từ giã cõi đời ở trong nơi tù ngục của bọn thống trị Tây Ban Nha.
- Bolivar trở thành nhà lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân Venezuela
Bây giờ thì chúng ta nói tới nhân vật khiến cho nhiều người thích thú nhất trong trang sử vùng đất này. Người dân Nam Mỹ sẽ mãi mãi ghi nhớ và kính mến người thanh niên trẻ tuổi Simon Bolivar. Bolivar đã trở thành một người tiêu biểu cho tự do đối với nhân dân Nam Mỹ giống như George Washington đối với nhân dân Hiệp chủng quốc.
Bolivar là con một gia đình Creoles giàu có thế lực ở Caracas. Ông là một thanh niên chững chạc đẹp trai, có dáng người mảnh khảnh và đôi mắt đen sáng ngời. Giống như những thanh niên Creoles khác, Bolivar được đào luyện thành một quân nhân. Lớn lên, ông kết hôn với một thiếu nữ trẻ đẹp Tây Ban Nha, nhưng hạnh phúc gia đình của ông đã vong yểu vì cái chết đau thương bất ngờ của người vợ kiều diễm. Thấy cuộc sống không còn hứng thú, Bolivar quyết định đi Âu châu. Cũng tại Âu châu, ông gặp Miranda và bị khích động bởi lòng nhiệt thành của vị lão thành yêu nước Miranda. Ông quyết định hy sinh cuộc đời còn lại để giải phóng quê hương yêu dấu. Đó cũng là lời thề của Bolivar mà chúng ta đã ghi ở đầu chương X này. Sau này, khi Miranda qua đời, ông trở thành vị lãnh tụ của các nhà cách mạng ở Venezuela.
- Bolivar giành được độc lập cho nhân dân vùng phía Bắc Nam Mỹ
Bolivar gặp rất ít trở ngại trong việc thu thập một đạo quân cách mạng để chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha. Ông có sức quyến rũ tự nhiên và dễ dàng lôi cuốn người ta theo con đường cách mạng do ông hướng dẫn. Ông thu thập được một đạo quân hai ngàn một trăm chiến binh. Nhiều người trong đoàn quân này đã từng là những người cao bồi bất khuất ở vùng đồng bằng Venezuela. Thấy rằng quân đội Tây Ban Nha còn quá mạnh so với lực lượng của ông, Bolivar quyết định một nước liều. Ông dẫn đoàn quân của ông băng qua dãy núi Andes cao chót vót tiến vào xứ Colombia kế cận. Ông đã làm cho quân Tây Ban Nha ở đó bất ngờ và đánh bại được đạo quân này.
Bấy giờ Bolivar mới tin rằng quân lực của ông đã đủ mạnh để trở lại chiến đấu chống lại quân Tây Ban Nha ở ngay tại Venezuela. Năm 1821, trong một trận ác chiến, quân đội của ông đánh cho quân Tây Ban Nha phải đào tẩu ra khỏi vùng phía Tây quốc gia Venezuela. Không bao lâu, toàn thể vùng phía Bắc Nam Châu Mỹ giải thoát được ách thống trị của người Tây Ban Nha. Bolivar đi đến đâu cũng được hoan hô cuồng nhiệt. Để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của ông, dân chúng đặt cho ông biệt danh “Người giải phóng”. Tuy nhiên, Bolivar còn cảm thấy rằng ông vẫn chưa hoàn thành sứ mạng. Còn nhiều thuộc địa khác vẫn còn đang chiến đấu cho tự do. Ông cho rằng ngày nào mà chưa đánh bại được quân thù chưa chiếm được hết các đồn lũy Tây Ban Nha, và quân Tây Ban Nha chưa bị đánh đuổi ra khỏi Nam Mỹ thì không có phần đất nào của Nam Mỹ được độc lập. Giai đoạn kế tiếp của ông là phải đánh bại đạo quân hùng mạnh của Tây Ban Nha ở Peru.
- San Martin trở thành nhà lãnh đạo ở miền Nam (Nam Mỹ)
Trong sứ mạng mới này, Simon Bolivar được nhà lãnh tụ khác là Jose de San Martin đến cộng tác. San Martin chào đời ở Argentina. Dù là ông đã từng phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha hàng 20 năm trời, nhưng ông vẫn yêu mến quê hương. Sau cuộc quật khởi của nhân dân Argentina lật đổ chính quyền Tây Ban Nha (năm 1810) được ít lâu, San Martin hồi hương tham gia quân đội khởi nghĩa. Dù rằng quê hương ông đã được giải phóng, nhưng, cũng như Bolivar, San Martin cho rằng phải đánh bại quân đội Tây Ban Nha ở toàn thể Nam Mỹ châu.
- San Martin giải phóng Chí Lợi
Chí Lợi và Peru vẫn còn quằn quại dưới ách thống trị của người Tây Ban Nha. San Martin đặt vấn đề là tại sao không vượt dãy núi Andes tới Chí Lợi để giải phóng quốc gia này rồi dùng đường biển tiến vào tấn công Peru? Ông hạ lệnh luyện quân và thu thập các đồ quân nhu, quân cụ và lương thực để thi hành sứ mạng khó khăn này. Sau khi Tây Ban Nha đánh bại cuộc khởi nghĩa của nhân dân Chí Lợi, nhều nhà ái quốc Chí Lợi lên đường gia nhập quân lực của ông. Sau 3 năm chuẩn bị, đạo quân của núi Andes lên đường tiến công. Quân sĩ phải ra công di chuyển các đại pháo và các đồ trang bị qua các ngọn núi cao phủ đầy tuyết. Họ phải dùng các xe trượt tuyết để kéo đại pháo qua các vùng tuyết phủ và băng qua các cầu bắc ngang qua suối. Họ phải dùng cả giày cho lừa nữa. Phải trèo ngược lên ngọn núi cao để tiến xuống Chí Lợi. Cuộc tiến quân này quả là một trong những chiến công quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử. Cuộc tấn công bất ngờ của San Martin đã thành công, và chỉ một năm sau đó, đất nước Chí Lợi được hoàn toàn giải phóng thoát khỏi ách thống trị của người Tây Ban Nha.
- San Martin tiến vào Peru
Sau khi đánh bại được quân Tây Ban Nha ở Chí Lợi, San Martin tính đến việc thi hành giai đoạn 2 của kế hoạch. Năm 1821, ông đem quân đổ bộ vào vùng bờ biển ở phía Bắc thành phố Lima, thủ đô của Peru. Trong khi quân đội Tây Ban Nha lui sâu vào nội địa thì quân đội của ông tiến vào Lima. Nhân dân thủ đô Lima nhiệt liệt chào mừng ông. Ngay sau đó, Peru tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, San Martin cho rằng tự do chỉ thật sự hoàn toàn thắng là khi nào đã hoàn toàn tiêu diệt được lực lượng hùng mạnh của Tây Ban Nha ở Peru. Ông cũng hiểu rõ rằng hiện thời ông chưa có đủ quân để đánh bại được Tây Ban Nha.
- San Martin từ chức nhượng quyền cho Bolivar
Trong khi đó thì Bolivar đem quân tiến vào phía Nam. Được tin này, San Martin thu xếp hợp cùng Bolivar để bàn luận về kế hoạch đánh bại hoàn toàn quân Tây Ban Nha. Không ai biết rõ được những gì xảy ra trong cuộc họp này. Cả hai người cùng đều muốn rằng toàn thể Nam Mỹ phải được độc lập. Nhưng Bolivar là người nhiều tham vọng, thèm khát những vinh quang và tiếng tăm lừng lẫy. Mặt khác, San Martin không có tham vọng để trở nên nổi tiếng. Bolivar đã thuyết phục San Martin giữ quân đội ở Peru và để cho ông hoàn thành sứ mạng hành quân này. Dù sao đi nữa, vào lúc chiến thắng đã ở trong tầm tay, San Martin, con người đã có công rất nhiều cho chính nghĩa độc lập của đất nước giờ đây lại từ giã Peru. Sau đó, ông đi Âu châu và tiêu dao ngày tháng của cuộc đời còn lại ở trên phần đất này.
- Chính quyền Tây Ban Nha ở Nam Mỹ bị chấm dứt
Với hai đạo quân hợp nhất dưới quyền chỉ huy của ông, Bolivar đoạt được chiến công một cách mau lẹ. Năm 1824, ông đánh bại được quân đội hùng mạnh cuối cùng của Tây Ban Nha trong trận đánh Ayacucho. Chiến thắng này không những giải phóng được Peru mà còn hoàn thành nền độc lập cho toàn thể thuộc địa Tây Ban Nha ở Nam Mỹ. Giấc mơ của Miranda, Bolivar và San Martin đã trở thành sự thật.
Sau khi giành được độc lập, các thuộc địa của Tây Ban Nha trước kia, giờ đây trở thành các nước cộng hòa tự do với các tổ chức chính quyền theo khuôn mẫu cơ cấu chính quyền của Hiệp chủng quốc. Dân chúng của mỗi nước cộng hòa tuyển chọn Tổng thống và bầu các đại biểu vào các cơ quan lập pháp. Tuy nhiên, các tân quốc gia cộng hòa này phải đương đầu với biết bao nhiêu là khó khăn. Những người đã có công chiến đấu cho tự do lại không có kinh nghiệm trong việc điều hành chính quyền như ở 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ trước kia. Trước khi hiểu được phương cách tự trị, nhân dân Nam Mỹ phải kéo lê hàng hơn trăm năm, trải qua biết bao nhiêu cơn binh lửa chiến tranh và cách mạng để rồi lại quằn quại dưới ách thống trị của các nhà độc tài.
------------------------------
PHẦN BỐN
BA TÂY ĐÃ GIÀNH ĐƯỢC ĐỘC LẬP NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta chưa nói về chuyện nước Ba Tây, một quốc gia lớn rộng nhất trong các quốc gia Nam Mỹ. Không giống như các nước khác ở Nam Mỹ, Ba Tây được người Bồ Đào Nha khám phá và đến định cư. Ngày nay, dân Ba Tây vẫn còn nói tiếng Bồ Đào Nha. Chúng ta hãy tìm hiểu một cách tổng quát những biến cố xảy ra ở phần đất này.
- Người Bồ Đào Nha đòi chủ quyền và định cư ở Ba Tây
Năm 1500, một nhà hàng hải người Bồ Đào Nha tên là Pedro Cabral từ Bồ Đào Nha theo con đường hàng hải của Da Gama tới Ấn Độ. Chuyện rằng, một trận bão đã thổi giạt chiếc thuyền bé nhỏ của ông tới chỗ phình lớn nhất của Nam Mỹ, nơi gần Châu Phi nhất. Vì phần đất này nằm ở phía Đông đường phân ranh do giáo hoàng vạch ra để phân chia vùng ảnh hưởng cho 2 quốc gia Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Ông đòi cho Bồ Đào Nha làm chủ vùng đất này. Vào lúc Bồ Đào Nha đang làm giàu nhờ việc buôn bán với Ấn Độ nên rất ít chú ý đến phần đất này. Tuy nhiên, cũng có một vài làng định cư được thiết lập ở Ba Tây.
Không bao lâu, người Bồ Đào Nha thấy rằng đất đai ở Ba Tây rất phì nhiêu và rất thuận tiện cho việc trồng mía. Tin này làm cho nhiều người đến đây định cư, và sau đó ít lâu, có nhiều đồn điền sản xuất đường cho phần lớn Âu châu. Ba Tây lúc bấy giờ không có nhiều dân da đỏ như ở Peru hay Mễ Tây Cơ. Họ du nhập nhiều người da đen từ Phi Châu tới để làm việc ở các đồn điền. Xứ Ba Tây được đặt dưới quyền cai trị của một vị thống đốc do hoàng gia bổ nhậm, và được chia làm nhiều quận huyện, mỗi quận huyện được đặt dưới quyền cai trị của một vị quý tộc Bồ Đào Nha.
Đầu thế kỷ thứ XIX, có chừng 3 triệu dân ở Ba Tây. Thành phố thủ đô là Rio de Janeiro có chừng một trăm ngàn dân, và dọc theo vùng bờ biển có nhiều thị trấn. Nhiều mỏ vàng và kim cương được khai thác ở Ba Tây. Tuy nhiên, phần lớn dân chúng tập trung ở các đồn điền rộng lớn với nhiều dặm đường trồng mía cùng những nhà máy sản xuất đường, và nhà cửa của công nhân ở ngay trong đồn điền.
- Ba Tây trở thành quê hương của hoàng đế Bồ Đào Nha
Ba Tây tranh đấu giành độc lập nhưng Ba Tây không phải tranh đấu trường kỳ và đổ máu như các thuộc địa Tây Ban Nha. Năm 1808, vì chiến tranh liên miên tàn phá các quốc gia Âu châu, hoàng gia Bồ Đào Nha đến cư ngụ tại thành phố thủ đô Ba Tây. Chiến tranh đã khiến cho hoàng đế John của nước Bồ Đào Nha và hàng trăm nhà quý tộc Bồ buộc phải vượt đại dương sang Mỹ châu tỵ nạn.
Lúc đầu, dân thuộc địa rất lấy làm hân hoan và hãnh diện được hoàng gia và các nhà quý tộc đến cùng sống trên mảnh đất quê hương của họ. Nhưng không được bao lâu thì người Bồ và người Ba Tây sinh lòng đố kỵ lẫn nhau. Người Bồ vốn quen sống trong cảnh huy hoàng lộng lẫy của triều đình Âu châu, quay ra khinh rẻ giai cấp thượng lưu Ba Tây. Về phía dân bản địa Ba Tây thì căm giận hoàng đế John đã ban bố những chức vụ quan trọng trong chính quyền cho những người Bồ Đào Nha của nhà vua. Cho nên, dù rằng hoàng đế John đã thực hiện được nhiều công việc hữu ích cho Ba Tây, nhưng nhân dân Ba Tây cũng bàn luận đến vấn đề Ba Tây giành độc lập để thoát khỏi ảnh hưởng của Bồ.
- Dom Pedro không chịu rời Ba Tây
Khi chiến tranh ở Âu châu chấm dứt, và đời sống ở Âu châu đã trở lại bình thường thì hoàng đế John cùng với triều đình trở lại Bồ. Nhà vua để lại người con trai còn trẻ là Pedro ở lại thay nhà vua cai trị t. Nhà vua để lại người con trai còn trẻ là Pedro ở lại thay nhà vua cai trị Ba Tây. Hoàng tử Dom Pedro là một người đẹp trai nhưng bướng bỉnh và được nhân dân Ba Tây vô cùng thương mến, vì chính ông rất quan tâm đến các vấn đề xã hội ở Ba Tây. Khi chính phủ Bồ hạ lệnh cho ông phải hồi hương thì ông giận dữ và từ chối. Toán quân Bồ Đào Nha cố gắng buộc ông phải hồi hương nhưng ông đã cưỡng bách được toán quân này phải xuống tàu trở về Âu châu.
- Ba Tây giành được độc lập
Chính phủ Bồ không chịu chấp nhận cho Dom Pedro ở lại Ba Tây. Khi hay tin này Dom Pedro xé cờ Bồ ra khỏi bộ quân phục của ông và la lên rằng “Đã đến lúc phải được độc lập hay là chết!”. Dân chúng Ba Tây cảm thấy vô cùng phấn khởi trước thái độ thách đố của ông với Bồ Đào Nha. Năm 1822, Pedro được phong lên làm hoàng đế Ba Tây với vương hiệu là Pedro I. Cuối năm đó toàn thể quân đội Bồ bị trục xuất ra khỏi Ba Tây và Bồ phải công nhận nền độc lập Ba Tây. Sau này, người con của Pedro I lên làm vua là Pedro II, ông được mọi người kính mến. Trong 50 năm trị vì nước Ba Tây, ông đã thực hiện được biết bao nhiêu công trình tốt đẹp cho dân chúng. Sau này, Ba Tây trở thành một nước cộng hòa, nhưng nhân dân Ba Tây vẫn còn nhớ công ơn của hoàng đế Pedro II.
Chúng ta tạm chấm dứt câu chuyện về tinh thần tự do bắt nguồn từ 13 thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ lan tràn ảnh hưởng sang các quốc gia kế cận ở Gia Nã Đại cũng như các quốc gia Trung và Nam Mỹ. Và chúng ta cũng sẽ tìm hiểu tinh thần thân hữu giữa các quốc gia láng giềng như thế nào trong một chương sau.
--------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
[2] Các bạn thường quen với cái tên Gia Nã Đại. Chúng tôi dùng danh xưng “Bắc Mỹ thuộc Anh”. Thật ra toàn thể vùng này mãi đến năm 1867 mới gọi là “Gia Nã Đại”.
[3] Con số các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện đã thay đổi nhiều lần. Ngày nay, kể cả chủ tịch Tối cao Pháp viện có tất cả là 9 vị thẩm phán.
[4] Đảng của ông Jefferson có tên dài là “Cộng Hòa Dân Chủ”. Sau đó được rút gọn là đảng “Cộng Hòa”. Chúng ta không nên nhầm lẫn với đảng Cộng hòa ngày nay. Thực ra đảng Cộng hòa thời bấy giờ là tiền thân của đảng Dân chủ ngày nay.
[5] Năm 1813, quân Mỹ tràn vào Thượng Gia Nã Đại đốt phá các cong thự trong thành phố thủ đô, nơi mà ngày nay gọi là Toronto. Quân Anh đốt phá điện Capitol và Tòa Bạch Ốc để trả thù.
[6] Chúng ta dùng từ ngữ Đông Bắc tiện hơn là từ ngữ Tân Anh vì các tiểu bang New York, Pennsylvania và New Jersey ở dọc theo duyên hải Đại tây dương ở miền Trung cũng bị ảnh hưởng trong sự phát triển thương mại này.
[7] Chúng ta muốn nói miền Nam cũ là những thuộc địa miền Nam, và là những tiểu bang trong 13 tiểu bang đầu tiên: Maryland, Virginia, North và South Carolina và Georgia.
[8] Năm 1808, Quốc hội thông qua một đạo luật định rằng từ đây sẽ không được du nhập nô lệ vào Hoa Kỳ nữa. Nhưng cũng vào thời kỳ này, số sinh của nô lệ lại gia tăng mau chóng. Dù rằng các tiểu bang miền Bắc đã hủy bỏ chế độ nô lệ, nhưng vẫn không có luật lệ nào cấm mua bán nô lệ cả.
[9] Thành phố Cleaverland được viết lại như thế này “Cleverland”. Không ai biết chắc là làm thế nào và tại sao người ta lại bỏ đi một chữ “a”. Chuyện rằng, một ông chủ tờ báo đã bỏ chữ “a” này đi để làm cho ngắn cái tên này, và cũng là làm cho tựa đề của ông ở trên tờ báo được đẹp hơn.
[10] Chúng ta nên nhớ rằng vào thời kỳ Hoa Kỳ mới lập quốc, vì đất đai rẻ cho nên người ta dễ dàng có đất, vì thế mà những điều kiện bầu cử này cũng không quá khó khăn.
[11] Để ghi nhớ nước Cộng hòa có mang cờ con gấu ngắn ngủi, ngày nay ở California, các cột cờ đều mang hai lá cờ: Cờ Hoa Kỳ ở trên và cờ có hình con gấu ở dưới.
[12] Miền Nam đặt tên lại chiếc tàu Virginia là Merrimac.
[13] Bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ được ban hành vào thời kỳ chiến tranh dưới thời Tổng thống Lincoln. Bản tuyên ngôn này không áp dụng cho những dân nô lệ ở trong các tiều bang nô lệ không ly khai. Năm 1865, bản tu chính án thứ 13 mới mãi mãi xóa bỏ chế độ nô lệ trong toàn thể lãnh thổ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét