Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Rêu trong văn hóa Nhật Bản


Rêu có cấu tạo rất đơn giản và được xem là một ngành nguyên thủy của thực vật trên cạn. Môi trường sống lý tưởng của rêu là những nơi ẩm ướt. Tại Bắc cực, Nam cực và cả trên dãy núi Himalaya, người ta cũng có thể bắt gặp những thảm rêu xanh tốt.
Nhật Bản là quê hương của khoảng 1.700 loài rêu khác nhau. Sugi goke là rêu được trồng nhiều nhất tại các sân vườn. Thân của loài rêu này vững chãi, cứng cáp tựa như cây tuyết tùng thu nhỏ nên tên của chúng cũng có nghĩa là rêu tuyết tùng.
Rêu tuyết tùng
Rêu Suna goke có màu xanh sáng. Đặc trưng của loài rêu này là khi nhìn từ phía trên, hình dáng của chúng trông như những ngôi sao bé xíu.
Rêu Suna có hình dáng như những ngôi sao bé xíu nhìn từ trên cao
Loài rêu mảnh dẻ Kina goke có thân vươn dài, mượt mà nên khi chạm tay vào chúng, chúng ta có cảm giác trơn láng.
Chỉ là loài thực vật nhỏ bé nhưng hình ảnh của rêu đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Nhật. Rêu xuất hiện cả trong bài quốc ca của nước này. Việc mượn hình ảnh của rêu trong thơ ca đã xuất hiện ở Nhật từ thời Heian, thế kỷ thứ 8. Những bài thơ ngắn Tanka ra đời cách đây hơn 1 ngàn năm đã dùng hình ảnh rêu để ca ngợi sức sống mãnh liệt, kiên cường.
Thành phố Nikko thuộc tỉnh Tochigi là vùng trồng rêu thương mại nổi tiếng ở Nhật Bản. Tại đây, có những trang trại chuyên cung cấp rêu với số lượng lớn cho thị trường. Rêu là thực vật bậc cao nhưng vẫn còn mang đặc tính của thực vật bậc thấp, chúng không có hoa và hạt mà sinh sản nhờ các bào tử. Người trồng cần biết rõ những đặc tính sinh trưởng của rêu mới có thể thành công trong nghề này.
Rêu được trồng để bán
Rêu thích nghi tốt với những nơi có nhiều độ ẩm. Điều kiện khí hậu mưa nhiều, độ ẩm lớn và sự dồi dào ánh nắng mặt trời của Nikko là môi trường lý tưởng để rêu sinh trưởng. Ngoài độ ẩm và nước thì ánh nắng mặt trời đóng vai trò quyết định đối với sức khỏe của cây rêu.
Rêu thích hợp với khí hậu ẩm, mưa nhiều và dồi dào ánh sáng mặt trời
Loài rêu có thân, lá nhưng bộ rễ chưa tiến hóa đầy đủ. Thân dưới của rêu có những sợi lông tơ dài nhưng không phải là rễ, chúng được gọi là rễ giả. Nhiệm vụ của rễ giả là giữ cho thân cây đứng vững. Những sợi lông tơ này hoàn toàn không có chức năng hút dưỡng chất như rễ cây. Rêu hấp thu chất dinh dưỡng qua quá trình quang hợp của lá. Chính vì vậy, điều kiện thời tiết thuận lợi của Nikko đã giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất để rêu phát triển.
Tuy cần ánh nắng mặt trời để quang hợp, nhưng rêu thường ẩn mình ở những nơi râm mát, dưới các tán cây. Đặc điểm thời tiết của vùng Nikko có nhiều nắng nhưng nhiệt độ lại thấp, đó là điều kiện thuận lợi cho các trang trại trồng rêu.
Sự đa dạng trong thế giới các loài rêu đã góp phần tạo nên hệ thực vật phong phú của nước Nhật, chúng không chỉ có mặt ở nhiều nơi trong tự nhiên mà còn được dùng để trang trí cho vườn nhà hay các khu vườn Thiền đạo.
Rêu tô điểm thêm nét cổ kính cho những công trình ở Nhật
Chùa Saihoji ở ngoại ô cố đô Kyoto có khu vườn rêu rất đẹp và nổi tiếng đến mức người ta còn gọi nó bằng cái tên Koke-dera tức Chùa rêu. Khu vườn nằm bao bọc xung quanh chùa, trong vườn có hồ nước, nhiều cây cối và đặc biệt là rêu, có đến 120 loài rêu khác nhau, chúng xanh tốt suốt năm.
Khu vườn ra đời vào thế kỷ 14, do nhà làm vườn và cũng là nhà kiến trúc nổi tiếng của Nhật Bản lúc bấy giờ là Muso Kokushi thực hiện. Muso được yêu cầu tu sửa ngôi chùa cũ thành một Thiền viện, bên cạnh đó, ông cũng tạo ra 1 khu vườn Thiền rộng lớn có hồ nước, cùng nhiều đá và sỏi trắng. Tuy nhiên, khu vườn đã trở nên hoang tàn sau 2 lần bị phá hủy do hỏa hoạn trong thời kỳ nội chiến Onin giữa thế kỷ 15 và trận lụt lịch sử vào thời Edo. Khu vườn bị lãng quên trong nhiều thế kỷ, cùng với thời gian, rêu bám đầy trên các bãi đá và tạo thành 1 khu vườn rêu tuyệt đẹp. Từ các biến cố không mong muốn cùng với sự thờ ơ của con người đã vô tình cho ra đời một trong những khu vườn đẹp nhất và nổi tiếng nhất Nhật Bản hiện nay.
Vườn rêu tuyệt đẹp trong chùa Saihoji
Vườn rêu nằm ở phía Đông của chùa Saihoji. Theo Thiền đạo, khu vườn thể hiện cho một thế giới tự nhiên thu nhỏ. Chính giữa khu vườn là hồ nước có tên Hồ Vàng. Xung quanh hồ có 3 gò đất nhỏ đại diện cho 3 hòn đảo. Nước từ Hồ Vàng được dẫn đi khắp khu vườn thông qua hệ thống mương đào, tượng trưng cho các dòng sông. Nguồn nước dồi dào và độ ẩm cao của khu vườn là điều kiện thuận lợi để rêu phát triển mạnh mẽ.
Từ năm 1977, vườn rêu Saihoji đã được mở cửa cho khách tham quan, hiện nay, việc này vẫn còn duy trì nhưng người ta đã đặt ra một số qui định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ các thảm rêu.
Nghệ thuật làm vườn Thiền phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản vào thế kỷ 14. Trong những khu vườn này, đá và sỏi là vật liệu chủ yếu, vì vậy, người ta còn gọi vườn thiền là vườn cảnh khô.
Rêu cũng là một thành phần không thể thiếu trong vườn Thiền. Những mảng rêu xanh mang lại cảm giác tươi mát cho không gian khô khan với đa phần là sỏi và đá của vườn Thiền. Rêu mọc trên đá còn toát lên sức sống tràn trề cho cảnh vật, giúp tăng hiệu quả thưởng ngoạn.
Tại Thiền viện Zuihoin ở Kyoto có khu vườn Thiền bằng đá nổi tiếng Dokuzatei. Cũng giống những vườn Thiền đá khác, vườn Dokuzatei có thảm sỏi tạo thành những đường uốn lượn minh họa cho mặt biển đang gợn sóng. Giữa khu vườn là các khối đá tượng trưng cho núi. Điểm nổi bật của khu vườn này là khối đá cao sừng sững ở trung tâm, tái hiện ngọn núi Horai hùng vĩ.
Khu vườn Thiền bằng đá nổi tiếng Dokuzatei
Một khu vườn Thiền đá khác ở Kyoto cũng thu hút khá đông du khách tham quan – vườn Hojo-teien ở chùa Tofukuji. Lấy ý tưởng về dòng chảy của nước, những đường sỏi uốn lượn của khu vườn được ví như tác phẩm nghệ thuật. Sỏi tượng trưng cho biển, nổi lên giữa biển nước mênh mông là màu xanh của những gò đất đầy rêu tượng trưng cho núi.
Chỉ có rêu, sỏi và đá, nhưng nghệ thuật vườn Thiền Nhật Bản không tạo cảm giác đơn điệu mà trái lại nó gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về thế giới nhân sinh.
Bên cạnh nghệ thuật thiết kế vườn, Nhật Bản còn nổi tiếng với nghệ thuật thu nhỏ cây vào trong chậu hay còn được biết đến với tên gọi Bonsai. Hiện nay, Bonsai không chỉ là thú vui của riêng người dân Nhật Bản mà nó đã lan sang châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.
Trong nghệ thuật Bonsai, hình dáng và tuổi thọ của cây nói lên giá trị của chậu Bonsai. Tuy nhiên, giá trị cũng như vẻ hấp dẫn của Bonsai sẽ được nâng lên rất nhiều nếu có sự góp mặt của rêu. Rêu không có bộ rễ thật sự như các thực vật bậc cao khác nên rễ của nó không lấy chất dinh dưỡng hoặc làm xáo trộn sinh lý của cây bonsai. Ngược lại, nếu trồng rêu trong chậu Bonsai nó sẽ giúp giữ ẩm cho đất, chống xói mòn. Rêu còn có tác dụng mạnh mẽ về mặt nhãn quan, nó khiến chúng ta nghĩ về một gốc bonsai lâu năm. Rêu tạo cho bonsai vẻ tự nhiên, sống động và ấn tượng.
Rêu tạo cảm giác tự nhiên, sống động cho chậu bonsai
Trong thiên nhiên, rêu là nhà ở của nhiều sinh vật nhỏ bé. Gấu nước là sinh vật phổ biến nhất trong vườn rêu, chiều dài cơ thể của chúng không quá 1 mm. Hình thù kỳ lạ với thân mình có nhiều ngấn, mũm mỉm như gấu nên người ta gọi chúng là gấu nước.
Gấu nước là loài sinh vật nổi tiếng với khả năng chịu đựng dẻo dai. Chúng vẫn không chết ngay cả khi bị đun sôi, đông đá, thậm chí bị sấy khô. Khi bị mất nước, chúng chuyển sang trạng thái ngủ, khi đó cơ thể teo lại và hoạt động trao đổi chất tạm dừng. Mùa mưa đến, những giọt nước mát lành tưới lên đám rêu. Khi lá rêu hấp thụ hơi ẩm cũng là lúc gấu nước hồi sinh trở lại sau một thời gian dài toàn thân khô cứng.
Một cư dân khác sống dựa vào rêu mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là loài nhện. Các thảm rêu là nơi có nhiều loài côn trùng trú ẩn nên đây cũng chính là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho lũ nhện. Nhện giăng tơ trên các tán lá rêu để săn mồi, những sinh vật bé tí dễ dàng mắc vào cái bẫy tơ này, chúng dính chặt vào đó và chờ đến lúc bị xơi tái.
Là loài thực vật bé nhỏ nhưng rêu lại có vai trò không hề khiêm tốn trong cuộc sống của người Nhật. Chúng giúp khu vườn thêm xanh, tạo thêm vẻ cổ kính cho chậu cây cảnh, là nơi nương mình của một số loài sinh vật. Và hiện nay, trên thế giới đã có những cuộc nghiên cứu dùng rêu để làm nhiên liệu sinh học thay thế dầu hỏa. Và một ngày nào đó, rêu sẽ làm nên một cuộc cách mạng trên lĩnh vực năng lượng.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào: