Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Nhà tù như khách sạn 5 sao ở Trung Quốc


(Dân Việt) - Những nhân vật “tai to mặt lớn” ở Trung Quốc (TQ) vẫn có nhiều đặc quyền ngay cả khi ở trong tù. Như Cốc Khai Lai, phu nhân của Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản TQ bị thất sủng Bạc Hy Lai chẳng hạn.

Sau khi lãnh án tử hình (hoãn thi hành án 2 năm) về tội mưu sát doanh nhân người Anh Neil Heywood , bà Cốc đã được đưa đến một nhà tù có khá nhiều tiện nghi.
Nhà tù đặc biệt
Cổng nhà tù Yancheng ở Tô Châu
Nằm giữa các ngọn đồi, cách Bắc Kinh một giờ xe hơi về hướng bắc, nhà tù Qincheng từ một phần tư thế kỷ qua đã được dùng để giam giữ những nhân vật chính trị nổi tiếng bị thanh trừng sau đấu đá nội bộ, bị bắt về tội tham nhũng hay các nhà báo dám chỉ trích chính phủ rồi lãnh đạo các phong trào đòi dân chủ...
Dai Qing, một nhà báo và con gái nuôi của một vị tướng cách mạng, đã từng trải qua 6 tháng trong nhà tù Qincheng sau khi tham gia “sự kiện Thiên An môn” vào năm 1989 mặc dù bà chưa hề bị chính thức cáo buộc, cho biết: “Qincheng từng nhốt những tù nhân chính trị nổi tiếng nhất của TQ”.
Khi cánh cửa sắt phòng giam mở ra đón bà, Dai Qing “ngạc nhiên một cách hài lòng,” bà hồi tưởng lại trong một bài viết hồi những năm 1990. “Phòng giam tôi khá rộng, vào khoảng 20m2. Phòng mới được sơn lại, có phòng tắm và toilet riêng, và trong khi giường là tấm phản gỗ kê trên 2 ghế dài, trên đó có 2 tấm mền bông và đầy đủ gối, nệm”.
Những can phạm bị nhốt trước đây từng kêu ca họ bị đối xử tệ và lúc nào cũng bị canh chừng. Họ cũng than phiền về thực phẩm và cô độc. Nhưng Qincheng vẫn lộng lẫy xa hoa theo tiêu chuẩn các nhà tù TQ, nơi các phòng chật cứng hàng chục tù nhân, nhiều giờ liền lao động khổ sai, và thường xuyên bị bọn nhốt cùng phòng hoặc bảo vệ đánh đập.
Ba lần nâng cấp
Trong khuôn viên Yancheng
Mang bí danh “Dự án số 157” và được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô, Qincheng mở cửa năm 1960 để thay cho nhà tù đã đổ nát dùng giam giữ các tù nhân chính trị và chỉ huy quân sự của chính phủ Quốc dân đảng bị lật đổ trong nội chiến từ 1945 - 1949. Để rọi tia sáng tích cực vào chế độ mới, Qincheng được thiết kế với những tiện nghi như nhà cầu có xối nước, bệnh xá và các cơ sở tập thể hình mà khi ấy hầu hết người dân TQ khó với tới.
Bên trong tòa kiến trúc 3 tầng hình chữ U này, khu vực có tên 204 là khu tốt nhất, trang bị thảm trải sàn, giường nệm và nước nóng. Thức ăn cho phạm nhân ở khu 204 có thể so sánh với thứ cung cấp cho bộ trưởng đương chức.
Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông mở làn sóng thanh trừng trong cuộc Cách mạng văn hóa hồi cuối thập niên 1960, Qincheng bị quá tải, các điều kiện sinh hoạt thay đổi, tra tấn - điều mà trước đó không xuất hiện ở Qincheng diễn ra phổ biến.
Ngô Pháp Hiến, một vị tướng không quân bị thanh trừng bởi âm mưu đảo chính, bị giam trong căn phòng biệt giam 1x3m ở Qincheng thời đó. Ông viết lại trong hồi ký: “Không có bàn hoặc ghế. Quần áo và đồ dùng để ăn của tôi vứt bừa trên sàn, và rệp bò vào lúc nhúc”. Mỗi tháng một lần ông được hớt tóc cạo râu và chia nhau đồ bấm móng tay cùng với các phạm nhân khác. Thực đơn là bánh mì làm bằng bột bắp tồi và canh cải bắp khiến ông suy dinh dưỡng.
Khi trào lưu chính trị đến khúc quanh sau đó một thập niên, vợ góa của Mao chủ tịch, Giang Thanh, được đưa vào Qincheng vào năm 1982. Khi đó, Qincheng đã được sửa sang lại đẹp đẽ. Harry Wu, một nhà hoạt động nhân quyền có trụ sở tại Mỹ mới đây xuất bản cuốn sách về Qincheng, nói Giang được ở trong một “căn” lớn, có 2 phòng ngủ với phòng tắm riêng.
Giữa thập kỷ 1990, Qincheng lại được nâng cấp thêm nữa. Bao Tong, một cựu quan chức cấp cao, người đã bị giam 7 năm trong nhà tù Qincheng vì đã phản đối cuộc đàn áp các cuộc biểu tình Thiên An môn, cho biết năm 1996, khi ông Bao quay trở lại nhà tù Qincheng sau thời gian điều trị tại một bệnh viện thuộc nhà tù, căn phòng giam của ông đã rộng hơn và tiện nghi hơn rất nhiều với một ghế sofa, giường tấm ván với chăn đệm mới.
Ông cho biết, căn phòng thực sự rất đẹp như phòng cưới vậy và ông cảm thấy thật sự rất kinh ngạc vì nó khác hẳn so với trước đó.
Quầy bar trong nhà tù Yancheng
Trong số những tù nhân ở Qincheng những năm gần đây là Trần Hi Đồng, Bí thư đảng của Bắc Kinh, và Trần Lương Vũ, Bí thư đảng của Thượng Hải. Hai người này bị thanh trừng trong vụ bê bối tham ô.
Trần Hy Đồng, mất chức năm 1995, từng tuyệt thực để phản đối thực phẩm quá tệ, theo cuốn sách mới đây của Yao Jianfu, một học giả đã nghỉ hưu từng phỏng vấn Trần. Yao nói Trần được cung cấp một radio để nghe đài VOA và cập nhật với thế giới bên ngoài.
Còn Trần Lương Vũ, mất chức năm 2006, có cuộc sống hằng ngày khá an nhàn trong tù với việc tập thể dục, đọc sách báo và xem TV, theo giới truyền thông Hong Kong. Các bài viết còn nói ông ta mặc đồ vét theo kiểu Tây phương dù đang ngồi tù.
Nhà tù như khách sạn năm sao
Gần đây, có nhiều quan chức cao cấp "rớt đài" do tham nhũng khiến nhà nước TQ phải mở thêm một nhà tù hiện đại nữa có tên Yancheng ở thành phố Tô Châu. Yancheng xem ra còn tiện nghi và hiện đại hơn Qincheng nhiều, với phong cách kiến trúc châu Âu, có quầy bar, văn phòng, hội trường, 6 sân chơi bóng rổ, sông nhân tạo, công viên.
Những phòng giam tại đây tương tự với các phòng khách sạn, có tường giữa phòng ngủ với phòng tắm bằng kính, có cả ban công để tập thể dục hoặc phơi đồ. Ngoài 4 bữa ăn mỗi ngày, được gọi điện thoại về nhà bất kỳ lúc nào, các phạm nhân có thể đóng thêm tiền để có thể hưởng những dịch vụ khác.
Theo tờ Daily Chilli, dư luận tỏ ra bức xúc trước những dịch vụ cao cấp dành cho các quan tham. "Sao các vị quan có thể không tham nhũng được? Đến nhà tù còn có dịch vụ năm sao. Đó chính là cách khuyến khích nạn tham nhũng", một người dân cho biết.
Theo Thế giới & Hội nhập

Không có nhận xét nào: