Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

(THVL) Búp bê Nhật Bản


Hầu hết các bé gái đều rất thích chơi với búp bê. Đó là lí do các bậc phụ huynh thường chọn búp bê làm quà cho con gái bé bỏng của họ. Và tại Nhật Bản, không chỉ là một món đồ chơi  đơn thuần mà búp bê còn mang nhiều giá trị tâm linh sâu sắc.
Ngày xưa, các thầy tu trong Thần Đạo dùng hình nhân bằng giấy, một dạng búp bê cổ, để làm bùa trừ khử tà ma, bệnh tật. Qua thời gian, hình nhân được cải tiến thành những con búp bê vừa xinh đẹp vừa cầu kỳ. Chúng trở thành món đồ chơi cho trẻ con và tham gia vào cả lĩnh vực trình diễn trên sân khấu. 
Thế giới búp bê Nhật Bản rất phong phú, từ búp bê truyền thống đến hiện đại. Búp bê truyền thống có nhiều loại, trong đó, búp bê mặc trang phục kimono được ưa chuộng nhất vì chúng đẹp và đáng yêu. Ngày xưa, người Nhật sử dụng loại búp bê này như một phần nghi thức không thể thiếu trong lễ cưới.
Búp bê kimono dễ thương được rất nhiều người yêu thích
Người Nhật cũng sáng tạo ra những búp bê dành cho bé trai – búp bê Gogatsu. Chúng được bày trí trên bàn thờ vào ngày Tết Bé trai (5 tháng 5 hàng năm) với ý nghĩa cầu chúc các bé mau lớn, khoẻ mạnh. Nam giới thể hiện cho sức mạnh nên búp bê của bé trai có hình dáng của lực sĩ hoặc chiến binh dũng mãnh.
Búp bê Gogatsu dũng mãnh dành cho các bé trai
Vào ngày Hội búp bê hay Ngày lễ các bé gái Hina matsuri, ngày 3/3 hàng năm, các gia đình có bé gái ở Nhật vẫn giữ tập quán trang trí những con búp bê truyền thống Hina trong nhà. Búp bê Hina là đại diện cho các bé gái.
Khi bày trí các loại búp bê, người ta phải tuân thủ những qui tắc rõ ràng. Ở tầng trên cùng của bàn thờ đặt 2 búp bê hoàng đế, trong đó búp bê Obina đại diện cho Thiên hoàng và Mebina đại diện cho Hoàng hậu của triều đại Heian. Ở tầng dưới liền kề, người ta đặt 3 búp bê nữ phục vụ trong cung đình có tên gọi San-nin kanjo. Tầng thứ 3 từ trên xuống là nơi bày trí dàn nhạc công nam Gonin bayashi gồm 5 búp bê.
Búp bê Hina được bày trí theo những nguyên tắc rõ ràng
Búp bê đại diện cho Thiên hoàng và Hoàng hậu nằm ở tầng trên cùng
Tầng dưới liền kề là vị trí dành cho 3 búp bê phục vụ cung đình
Dàn nhạc công nam Gonin bayashi gồm 5 búp bê nằm ở tầng thứ 3
Bên cạnh búp bê truyền thống, Nhật Bản không thể thiếu các loại búp bê hiện đại. Từ năm 1967 đến nay, thị trường Nhật Bản đã tiêu thụ trên 50 triệu con búp bê.
Nếu không thích loại búp bê đơn lẻ nhàm chán, các bé có thể chọn những bộ đồ chơi búp bê kèm theo đồ vật như quần áo, vật dụng, thú nuôi để tự mình sáng tạo ra một thế giới búp bê sống động.
Gia đình Licca-chan là một trong những bộ đồ chơi búp bê hấp dẫn trẻ em Nhật Bản nhất hiện nay. Búp bê Licca-chan, 11 tuổi được cấu tạo gần giống búp bê Barbie nổi tiếng của Mỹ. Nó có một gia đình đầy đủ gồm người mẹ 33 tuổi, rất xinh đẹp, là một nhà thiết kế thời trang, cha của Licca-chan là một nhạc sĩ người Pháp dễ tính, 36 tuổi, 2 cô em gái sinh đôi 4 tuổi của Licca-chan. Cô bé Licca-chan còn có 3 đứa em sinh ba 1 tuổi.
Gia đình búp bê Licca-chan là một trong những món đồ chơi hấp dẫn trẻ em Nhật Bản
nhất hiện nay
Gần đây, gia đình của Licca-chan có thêm thành viên mới về sống cùng: bà ngoại, 56 tuổi. Với cách ăn mặc hợp thời trang, kiểu tóc hiện đại. Bà ngoại của Licca-chan trẻ hơn rất nhiều so với lứa tuổi 50. Bà là đại diện cho phụ nữ năng động.
Về lịch sử phát triển, các nhà nghiên cứu cho rằng, những con búp bê đầu tiên ở Nhật là hình nộm dùng trong các nghi lễ cầu an, xua đuổi bệnh tật. Các nhà khảo cổ đã khai quật được tại một di tích từng là dòng sông vào thời Nara, thế kỷ thứ 8 di chỉ gồm nhiều mảnh gỗ rời, khi ghép lại chúng tạo ra hình người. Theo giới khoa học, ngày xưa, người ta sử dụng những hình nộm như thế này thả trôi theo dòng sông để cầu nguyện thoát khỏi bệnh tật, tai ương.
Hiện nay, tại nhiều đền thờ Thần Đạo ở Nhật Bản, người ta vẫn còn thấy nghi lễ cầu an thả những mảnh giấy cắt hình người xuống sông suối. Trên mỗi mảnh giấy người ta ghi lời cầu nguyện cho điều xấu, tai ương cuốn theo dòng nước đi xa.
Đến thời Heian, loại búp bê có tên gọi Amagatsu ra đời, cấu tạo khá đơn giản. Khi mặc quần áo cho búp bê, nó trông giống con bù nhìn. Búp bê Amagatsu mở đầu cho bước chuyển tiếp từ hình nhân trong tín ngưỡng sang búp bê đồ chơi.
Búp bê Amagatsu trông giống như một con bù nhìn
Búp bê Hoko được may bằng vải thô màu trắng có độn gòn là thế hệ tiếp theo của búp bê Amagatsu. Búp bê có tay chân ngắn, thân mình dài, đặc biệt, tóc của nó không phải là những nét vẽ mà được trang trí bằng tóc thật.
Lúc bấy giờ, búp bê bằng vải là món đồ chơi phổ biến trong các gia đình quý tộc Heian có bé gái. Mỗi cô bé có thể sở hữu một hoặc nhiều búp bê tùy theo mức độ nuông chiều của cha mẹ chúng.
Đến thời Edo, nghệ thuật trang trí búp bê phát triển mạnh mẽ và là một trong những giai đoạn vàng son của văn hoá búp bê Nhật Bản. Cùng với xu thế đó thì nhiều con búp bê được thiết kế cầu kỳ, đắt tiền cũng ra đời. Chúng là những con búp bê Ichimatsu. Trẻ con ngày xưa rất thích loại búp bê này vì chúng có đường nét rất đẹp trên gương mặt, mắt của búp bê được làm từ thủy tinh.
Búp bê Ichimatsu có gương mặt đẹp, mắt được làm từ thủy tinh
Một loại búp bê khác cũng rất nổi tiếng và được yêu thích vào thời Edo, tên của nó là Bunraku. Búp bê Bunraku được sử dụng trong loại hình sân khấu truyền thống hay còn gọi là kịch rối Bunraku. Búp bê Bunraku có chiều cao khoảng 1,5 mét. Với kích thước to lớn đó nên mỗi con búp bê phải cần đến 3 người điều khiển. 
Búp bê Bunraku được sử dụng trong kịch rối 
Gần đây, thị trường Nhật Bản đã có sự thay đổi, búp bê hiện đại dần lấn át búp bê truyền thống.
Khu Akihabara là nơi kinh doanh búp bê nổi tiếng và nhộn nhịp nhất ở thủ đô Tokyo. Số lượng người mua búp bê tại đây không ngừng gia tăng trong những năm qua. Đến Akihabara, khách hàng như lạc vào thế giới của búp bê, đặc biệt, ở đây chỉ bán những loại búp bê nữ trẻ trung, hiện đại.
Bên cạnh những con búp bê hoàn chỉnh, các bộ phận rời như khuôn mặt hay mắt của búp bê cũng được bày bán. Nhà sản xuất đã tinh ý nắm bắt được sở thích của khách hàng muốn tự do sáng tạo vẻ ngoài của búp bê nên họ sản xuất nhiều bộ phận rời để khách hàng thỏa mãn sở thích đó.
Khu kinh doanh búp bê Akihabara đã có mặt trên thị trường cách đây khoảng 10 năm. Đến nay, sức hút của nó vẫn không hề thay đổi so với thời kỳ đầu.
Từng là vật chỉ dành cho việc cúng tế, qua thời gian, vai trò của búp bê đã có sự thay đổi, giờ đây chúng trở thành món đồ giải trí dành cho trẻ con và cả người lớn. Tuy hình thức bên ngoài của búp bê có thay đổi nhưng về mặt duy tâm, người Nhật không xem búp bê là vật vô tri vô giác. Quan niệm đó đã hình thành nên lối ứng xử tôn trọng đối với những con búp bê cũ rách.
Người Nhật thả hình nộm trôi theo dòng sông để cầu nguyện thoát khỏi bệnh tật, tai ương
Tại thành phố Wakayama thuộc tỉnh Wakayama, có ngôi đền Thần đạo Awashima hơn 1.000 năm tuổi nằm nép mình bên bãi biển. Ngôi đền dành hẳn một gian riêng để làm nơi lưu giữ vô số búp bê của tín đồ trên khắp cả nước mang đến dâng cúng.
Vô số búp bê cũ được mang đến đền Thần đạo Awashima
Vào ngày 3/3 hàng năm, đền Awashima tổ chức lễ tống tiễn búp bê. Tại buổi lễ, người ta chất búp bê cũ lên đầy những chiếc thuyền gỗ nhỏ và thả ra biển. Người Nhật quan niệm rằng, búp bê không chỉ đáng yêu mà chúng cũng có linh hồn và đây là cách để họ tỏ lòng biết ơn đối với búp bê. Chính vì vậy, từ xa xưa, người dân đất nước này có thói quen không vứt bỏ bừa bãi búp bê cũ rách. Thay vào đó, họ mang chúng đến các đền thờ để chờ dịp thả trôi ra biển cả.
Vào ngày 3/3 hằng năm, người ta tổ chức lễ tống tiễn búp bê cũ ra biển
Tại một ngôi làng hẻo lánh của vùng Tsugaru thuộc tỉnh Aomori, búp bê có ý nghĩa tâm linh khác. Người dân ở đây có tập quán thờ búp bê cô dâu và búp bê chú rể bên cạnh di ảnh của con trai hoặc con gái của họ không may mất sớm khi còn trẻ với ý nguyện cầu mong cho của họ có người bầu bạn ở thế giới bên kia.
Búp bê cô dâu – chú rể được thờ bên di ảnh của người chết
Ngoài ra, búp bê mô phỏng hình dáng của người đã khuất là truyền thống ở một số địa phương của Nhật. Quận Iwatsuki thuộc thành phố Saitama là nơi nổi tiếng về sản xuất búp bê dạng này. 
Các nghệ nhân ở đây làm búp bê hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng, điều kiện là khách hàng phải gửi ảnh của người quá cố để các nghệ nhân tái hiện trên búp bê. Một con búp bê được cho là đạt yêu cầu khi khách hàng nhận ngay ra nó là bản sao của người thân của họ. Những con búp bê này có ý nghĩa đặc biệt, xét về khía cạnh tâm linh, chúng được xem là sợi dây liên kết giữa người sống và người chết.
Một số búp bê làm bằng phương pháp thủ công mô phỏng hình dáng người đã khuất
Vào đầu thế kỷ 20, Mỹ ban hành Luật Nhập cư năm 1924 hạn chế người Nhật định cư tại Mỹ. Đạo luật đã gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Người có công hàn gắn tổn thương này là nhà truyền giáo Sidney Gulick – người có nhiều năm sinh sống ở Nhật và hiểu rõ người Nhật rất quý trọng búp bê.
Gulick đề xuất dùng những con búp bê của Mỹ để tặng cho trẻ em Nhật Bản như một món quà thể hiện tình hữu nghị. Đề xuất trên nhận được sự ủng hộ của các tổ chức xã hội và trẻ em Mỹ đã quyên góp khoảng 13.000 con búp bê gửi sang Nhật trong chương trình mang tên “Tình hữu nghị Búp bê”.
Vào năm Showa thứ 2, tức năm 1927, búp bê hữu nghị mắt xanh của Mỹ trở thành phần thưởng quý giá dành tặng cho các học sinh tiểu học có thành tích xuất sắc trên khắp Nhật Bản.
Búp bê Cảm ơn
Như một sự đáp lễ, phía Nhật Bản cũng đã gửi sang Mỹ 58 con búp bê đặc biệt mà họ gọi là “Búp bê Cảm ơn”. Một cuộc trao đổi búp bê giữa hai nước hình thành, đánh dấu sự bình thường hóa quan hệ song phương. Sự ra đời của Búp bê Cảm ơn cũng đồng nghĩa với việc con búp bê Nhật Bản có thêm vai trò mới – vai trò của sứ giả hòa bình hàn gắn những rạn nứt giữa hai dân tộc, hai quốc gia.
Búp bê mang vai trò sứ giả hòa bình hàn gắn những rạn nứt giữa Mỹ và Nhật Bản
Thanh Tâm


Không có nhận xét nào: