Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Lễ hội Ánh sáng ở Ấn Độ


Nếu đến Ấn Độ vào thời gian giữa cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hằng năm, có thể bạn sẽ được tham gia vào Lễ hội Diwali (hay còn gọi là Lễ hội Ánh sáng - Festival of Lights).

Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Ấn, được ví như Tết Nguyên đán ở Việt Nam hay lễ Giáng sinh của phương Tây. Theo lịch Hindu, hằng năm, vào ngày 12 của tháng 7 lịch âm Hindu, người dân bắt đầu đón lễ hội. Trước hết là Lễ hội Đốt quỷ (Dusshera celebration) và sau khoảng nửa tháng sẽ đến lễ Diwali. Khu Anand Niketan (thành phố New Dehli) là nơi có người Việt sinh sống và đây cũng là khu giàu có nên khâu tổ chức được chú trọng và bài bản hơn. Khởi điểm của lễ hội này bắt nguồn từ một lễ hội của 3 tôn giáo (Hindu, Sikh và Jain), nhưng do tín đồ của đạo Hindu chiếm đa số nên lễ hội nhanh chóng trở thành lễ hội truyền thống của người Ấn (và cả những nước có người theo đạo Hindu). Lễ hội diễn ra trong 5 ngày chính, mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng, như: ngày may mắn để mua dụng cụ và vàng bạc; ngày tiêu diệt cái ác: ngày để  thắp đèn trong nhà và ngoài đường để nghênh đón sự thịnh vượng và hạnh phúc; ngày chồng tặng quà vợ…
 Đây cũng là dịp cho trẻ em tha hồ đốt pháo
Đây cũng là dịp cho trẻ em tha hồ đốt pháo - Ảnh: Sowri
Theo truyền thuyết, chàng Ram dũng mãnh vượt qua bao đối thủ để cưới được nàng Sita xinh đẹp, nhưng quỷ Ravan vì say mê Sita nên cướp vợ của Ram. Chàng Ram quyết tâm cứu vợ và trong cuộc chiến cam go cả về trí lẫn sức, chàng Ram khó bề tiêu diệt được quỷ Ravan, vì mỗi khi chặt đầu quỷ thì 10 cái đầu khác lại mọc ra. Nhưng may mắn thay, chàng Ram được em trai của quỷ Ravan chỉ “gót Achille” của anh mình là ở rốn, nếu đâm trúng vào rốn thì sẽ tiêu diệt được. Sau khi giết được quỷ, Ram dùng lửa để đốt quỷ Ravan (nên mới có tên là Lễ hội Đốt quỷ). Vào ngày lễ đốt quỷ, trẻ em ăn mặc tươm tất và đến các gia đình giàu có để xin tiền hoặc bánh ngọt. Những chàng trai trong làng được phân công chuẩn bị việc trang trí các con quỷ bằng hình nộm sao cho bắt mắt nhất, rồi chuẩn bị pháo hoa. Tùy từng nơi và ý tưởng của mỗi người mà con quỷ to nhỏ khác nhau (trung bình cao từ 15-20 mét). Khoảng 5 giờ chiều lễ hội bắt đầu, nhưng mọi người, nhất là trẻ em tụ tập từ rất sớm. Một người được hóa trang cầm chảo (có lửa) đi quanh để cầu an. Mọi người bỏ tiền vào chảo (phần không có lửa) - tùy vào lòng hảo tâm. Sau đó một đoàn được hóa trang từ chàng Ram đến con quỷ và các nhân vật khác rồi diễu hành trong khu làng và kéo đến trung tâm - nơi tiến hành buổi lễ. Một vở kịch được dựng lại dựa theo truyền thuyết trên, sau đó kéo đến nơi 3 hình nộm quỷ để chạy nhảy và hò hét. Tiếp đến là màn đốt và bắn pháo hoa. Cuối cùng những người được nể trọng trong làng dùng cung bắn vào hình nộm quỷ và người ta bắt đầu đốt quỷ. Theo truyền thuyết, sau nửa tháng, Ram sung sướng đưa vợ trở về và lễ Diwali là để chào mừng ngày này, nên người ta còn gọi Diwali là lễ hội của sự chiến thắng cái ác.
Ở Ấn không cấm đốt pháo nên trong dịp này mọi nhà đốt pháo rất nhiều. Đây cũng là điểm nổi bật nhất của lễ hội. Hầu như nhà nào cũng chuẩn bị cho mình một dây pháo ấn tượng nhất và sự giàu nghèo của mỗi gia đình có thể đánh giá bằng dây pháo to hay nhỏ.
Ý nghĩa quan trọng của lễ hội, theo triết lý Hindu, là ngoài thắp sáng đèn nến bên ngoài phải ý thức được “ánh sáng bên trong” - là bản tính chân thật, trường tồn… của mỗi cá nhân để chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, hầu mang lại an vui, hòa bình. Cũng trong dịp lễ này, những gia đình tụ họp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà. Người ta diện quần áo mới, đi đến đền để cúng thần, dâng lên những lời cầu nguyện, sau đó họ về nhà vui vầy những bữa tiệc thịnh soạn, thăm viếng và chúc phúc láng giềng. Nhiều lúc, người dân đổ ra đường nhảy múa theo tiếng trống ầm ĩ. Hoa được xâu lại thành chuỗi để trang trí trong nhà và ở các cửa hàng, công ty.
Chính vì vậy, du lịch đến Ấn Độ vào thời gian này, du khách sẽ được trải nghiệm và thưởng thức những nét đặc sắc nhất về văn hóa của người Ấn…
Lê Hân

Không có nhận xét nào: