CHƯƠNG VI
NƯỚC PHÁP THẮNG RỒI LẠI THẤT BẠI VÀ MẤT LUÔN CẢ MỘT ĐẾ QUỐC VĨ ĐẠI Ở BẮC MỸ
Giữa mùa Đông năm 1704, một toán người da đỏ từ lãnh thổ Pháp ở Quebec tiến về phía Nam tới tận ranh giới Massachusetts. Vào một đêm, họ lặng lẽ tới làng định cư Deerfiel ở vùng biên cương. Thình lình người da đỏ đột kích vào làng tấn công những người định cư đang ngủ. Họ đốt nhà, giết chóc gây nên một cảnh tượng thật hãi hùng. Ngày hôm sau, mặt trời hiu hắt chiếu xuống cảnh tro tàn còn bốc khói. Những xác đàn ông, đàn bà và trẻ con nằm la liệt. Một số người khác bị người da đỏ mang đi.
Tại sao người da đỏ từ lãnh thổ của người Pháp đến tấn công làng định cư của người Anh? Trong chương này, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao nước Pháp rốt cuộc lại mất thuộc địa rộng lớn ở Tân Thế Giới và để cho Anh làm chủ Bắc Mỹ. Nhưng trước hết chúng ta hãy làm quen với Tân Pháp. Nhiều người Pháp ở Tân Thế Giới là những người đi săn thú rừng rồi đem da thú đến các thương điếm ở vùng biên cương để bán. Để hiểu rõ chương này, chúng ta hãy tìm hiểu những vấn đề dưới đây:
1. Tân Pháp vào thế kỷ thứ XVIII như thế nào?
2. Tại sao người Pháp và người Anh lại đánh nhau ở Bắc Mỹ?
3. Những hậu quả của các cuộc chiến tranh với người Pháp và người da đỏ.
---------------------------------------
A. TÂN PHÁP VÀO THẾ KỶ THỨ XVIII NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta đã hiểu rõ Tây Ban Nha và Anh quốc đã thành lập những làng định cư ở Tân Thế Giới như thế nào, và tại sao những làng định cư này đã phát triển thành những thuộc địa trù phú. Bây giờ chúng ta tìm hiểu các làng định cư của người Pháp ở Tân Thế Giới. Chúng ta nhớ rằng nước Pháp đòi quyền chiếm một vùng rộng lớn đất đai ở Bắc Mỹ. Vùng đất đai này gọi là Tân Pháp, nằm dài băng qua vùng mà ngày nay gọi là Gia Nã Đại chạy dài theo sông Mississippi tới vịnh Mễ Tây Cơ (bản đồ trang 48b cho ta thấy sự rộng lớn của Tân Pháp như thế nào so với lãnh thổ các thuộc địa Anh dọc theo bờ biển Đại Tây dương).
- Các làng định cư ở Tân Pháp thì nhỏ bé và dân số thì ít ỏi
Trong khi người Anh bận rộn thiết lập các làng định cư dọc theo duyên hải Đại Tây Dương Bắc Mỹ thì người Pháp hãy còn đi thám hiểm vào sâu trong nội địa. Kết quả là mặc dầu lãnh thổ Pháp ở Bắc Mỹ rộng lớn nhưng họ chỉ thành lập được một số ít làng định cư. Thật vậy, những làng định cư nhỏ bé dọc theo sông Saint Laurence hình như khuất dạng hẳn giữa những giải rừng bát ngát phủ kín mặt đất. Vào năm 1750, trên toàn thể lãnh thổ Tân Pháp chỉ có chừng 80 ngàn người Pháp, trong khi đó ở các thuộc địa Anh có tới hơn một triệu rưỡi người.
Quebec và Montreal chỉ là những thị trấn trung bình. Quebec được thành lập trên một dốc đá gần bờ sông Saint Laurence và là một thị trấn đầu tiên của người Pháp ở Tân Pháp. Thành lập đồng thời với Jamestown mà sau 20 năm sau Quebec chỉ có chừng trăm dân sinh sống ở đây. Sau đó thành phố này phát triển rất chậm. Montreal khởi đầu là một thương điếm trao đổi da thú ở trong một thị trấn của người da đỏ. Các làng định cư khác của người Pháp hầu hết là những đồn ải nhỏ bé ở hai bên ven sông St. Laurence, các Đại hồ và sông Mississippi. Các đồn này được trấn giữ bởi một số binh sĩ và dùng làm thương điếm trao đổi da thú. Cho nên trong khhi dân định cư người Anh lo thiết lập các thị trấn và phá rừng trồng trọt thì người Pháp vẫn còn tốn thời giờ và công lao để thám hiểm và buôn bán da thú.
- Dân chúng và chính quyền ở Tân Pháp khác hẳn với dân chúng và chính quyền ở các thuộc địa Anh
Dân chúng ở các làng định cư ở Tân Pháp không giống dân thuộc địa Anh về nhiều phương diện. Như chúng ta đã biết, người Anh đến từ Tân thế giới là đi tìm một cuộc đời tốt đẹp hơn cho chính họ và gia đình họ. Phần đông là những người có nhiều nghị lực và tự tin muốn thành công ở quê hương mới này. Trong khi ấy đa số người Pháp là những viên chức chính phủ và binh sĩ tới Mỹ châu là do lệnh của chính phủ gửi đến để họ thành lập thuộc địa Tân Pháp. Đặc biệt là những người Pháp này không chú ý đến việc định cư vĩnh viễn ở Tân thế giới.
Những người Pháp đi khai phá thì lại không được tham dự vào chính quyền như những người dân thuộc địa Anh. Thực ra, ở các làng định cư của người Pháp không có chính phủ tự trị. Vị thống đốc cai trị Tân Pháp do Pháp hoàng bổ nhậm. Dân thuộc địa không có quyền gì để nói lên tiếng nói về việc làm luật cũng như việc chi tiêu ngân khoản cho thuộc địa. Về phương diện tín ngưỡng, vì nước Pháp là một quốc gia công giáo nên tất cả những người định cư đều là tín hữu của giáo hội công giáo.
- Ở Tân Pháp việc buôn bán da thú rất quan trọng
Đa số dân chúng ở Tân Pháp không sống ở thị trấn. Nhiều người là những người buôn da thú. Họ bơi xuống ngược các dòng sông đi sâu vào nội địa để mua da thú của những người đi đánh bẫy. Những da thú này được chuyển về Quebec hay Montreal, rồi từ đó được gửi đi Âu châu để bán với giá cao. Mặc dù việc buôn bán da thú đã mang lại lợi tức rất lớn nhưng chính vì thế mà người dân ở thuộc địa Tân Pháp đã không thiết lập được các làng định cư và phát triển thành quốc gia như dân ở thuộc địa Anh.
Ở Tân Pháp cũng có nông dân trồng trọt nhưng hầu hết các nông trại ở dọc theo sông St. Laurence và vùng dọc theo duyên hải đã được Pháp hoàng ban cấp cho những người Pháp có thế lực dưới hình thức như những trại hay đồn điền rộng lớn mênh mông. Nông dân sinh sống ở nông trại phải dành hầu hết thời giờ mà làm việc cho các ông chủ đất giống như các nông nô làm việc cho các ông lãnh chúa trong thái ấp thời Trung cổ (trang 4). Như vậy các nông trại ở đây không giống như các nông trại ở Anh, nơi mà mỗi người đều có thể làm chủ một số đất đai nếu họ mua được. Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên rằng nhiều người Pháp ở đây (Tân Pháp) thích sống đời tự do và có nhiều lợi trong nghề buôn bán da thú hơn là sống đời sống nông dân trong các nông trại.
- Các nhà truyền giáo người Pháp làm việc trong đám người da đỏ
Người Pháp thì chú ý đến công việc biến cải người da đỏ theo đạo Thiên Chúa. Giống như những người Tây Ban Nha, họ gửi những tu sĩ đi truyền giáo trong các cộng đồng dân bản địa. Cha Marquette, người đã giúp ông Joliet thám hiểm sông Mississippi (trang 42-44) là một nhà truyền giáo người Pháp. Các nhà truyền giáo này chịu đựng không biết bao nhiêu là gian khổ, vượt không biết bao nhiêu là dặm đường, khi bằng xuồng, khi đi bộ để tới các câu lạc bộ da đỏ. Ngay cả khi những tu sĩ áo đen sống chung với người da đỏ, cuộc sống của họ cũng đầy nguy hiểm. Trong mùa đông dài, không những họ phải đương đầu với nạn thiếu ăn đói khổ, mà còn phải chịu đựng giá lạnh đến chết người trong những căn lều đơn sơ. Nhiều vị tu sĩ đã bị những người da đỏ đánh đập tàn nhẫn và một số đã bị giết hại. Mặc dầu phải chịu đựng những gian khổ và hiểm nguy, các nhà truyền giáo can đảm này vẫn không ngừng làm việc trong các bộ lạc người da đỏ và cũng chiếm được cảm tình của nhiều bộ lạc. Như vậy nhiều bộ lạc da đỏ đã có cảm tình với người Pháp.
- Ảnh hưởng của Tân Pháp còn lưu lại đến ngày nay
Mặc dầu sau này nước Pháp mất thuộc địa ở Bắc Mỹ, nhưng những phong tục, ngôn ngữ và tôn giáo của Pháp vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ở Gia Nã Đại, trong tỉnh Quebec, người ta nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Anh. Chính quyền dùng cả hai thứ tiếng làm ngôn ngữ hành chánh. Thí dụ như các dấu hiệu chung thường được viết “No smoking- Defense de fumer”. Tài xế xe buýt thường nói với hành khách khi đi lên và xuống xe “Prenez garde! Be Careful”. Các nhà thờ thiên chúa giáo với những tháp chuông hình tháp vươn lên nổi bật ở khắp các làng xóm trong tỉnh. Và dọc theo các thông lộ, khách bộ hành có thể nhìn thấy nhiều nhà thờ. Con cháu của những người Pháp ngày xưa đến lập nghiệp ở Quebec đông đảo và vẫn còn giữ những tập tục riêng đến nỗi du khách có thể tưởng rằng chính mình đang ở trong lãnh thổ Pháp.
---------------------------------------
B. TẠI SAO NGƯỜI PHÁP VÀ NGƯỜI ANH
ĐÁNH NHAU TẠI BẮC MỸ?
Có bao giờ bạn ném một hòn đá xuống mặt nước yên lặng trong một cái hồ và nhìn những gợn sóng lăn tăn thành những vòng tròn to dần và trải ra vô tận không? Cũng y như vậy, một số biến cố lịch sử có thể ảnh hưởng tới một nơi xa xăm nào đó. Thí dụ như trong thế kỷ thứ XVII và XVIII, chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Anh ở Âu châu, thế rồi những gợn sóng gây ra bởi sự bùng nổ này lan rộng qua Đại tây dương đến các thuộc địa của họ ở Tân thế giới. Chúng ta hãy nhìn xem ảnh hưởng này ra sao?
- Pháp và Anh trở thành thù nghịch
Từ năm 1643 đến 1715, Pháp hoàng là vua Louis thứ XIV. Vì ông lên ngôi lúc mới 5 tuổi, nên công việc trong nước đều do Thủ tướng đảm trách. Tuy nhiên, sau năm 1661, Louis XIV thật sự cầm quyền cai trị nước Pháp. Ông là một vị vua đầy tham vọng, và dưới thời cai trị của ông nước Pháp đã trở nên rất hùng cường. Ông còn có ý định cai trị nhiều miền đất khác ở Âu châu. Ông cũng muốn củng cố thuộc địa Tân Pháp để gia tăng quyền lực và sự thịnh vượng của Pháp quốc. Tham vọng này làm cho Anh quốc lo ngại. Người Anh tự nghĩ “Nếu uy quyền của vua Louis lan rộng thì ông ta sẽ đe dọa sự giao thương và các thuộc địa của chúng ta, và có lẽ còn nguy hại đến chính Anh quốc nữa”. Vì lo sợ thế lực của Pháp trong thời vua Louis thứ XIV cho nên Anh quốc đối đầu với Pháp trong cuộc chiến triền miên từ năm 1689 đến năm 1763. Dĩ nhiên, thật sự hai nước đã không đánh nhau trong suốt khoảng thời gian này, nhưng họ luôn luôn canh chừng nhau rất kỹ.
Một khi các chính quốc thật sự đánh nhau thì các thuộc địa ở Mỹ châu của họ cũng bị lôi cuốn vào vòng chiến. Dân thuộc địa cũng như các mẫu quốc quyết định rằng họ không những phải bảo vệ những miền đất mà họ đã chiếm được ở Mỹ, mà họ còn phải chiếm thêm đất mới nữa. Đặc biệt dân thuộc địa người Anh muốn mở rộng thêm lãnh thổ về phía Tây để canh tác. Vì thế cho nên đối với cả Anh lẫn Pháp tình thế đã đi đến giai đoạn mà cả hai bên đều sẵn sàng đi đến chiến tranh. Cũng như chúng ta thường đoán trước trong một cuộc đấu cầu bằng cách so sánh các cầu thủ của hai bên, chúng ta sẽ nhận định ưu thế của mỗi bên trong công cuộc vật lộn tranh thắng ở Mỹ châu.
- Những lợi thế của Pháp ở Mỹ châu
Pháp có nhiều lợi điểm hơn Anh quốc.
1. Lãnh thổ do Pháp kiểm soát ở Bắc Mỹ rộng lớn hơn vùng lãnh thổ do Anh kiểm soát.
2. Toàn thể giải đất mênh mông này nằm trọn trong tay một chính quyền mạnh ở trung ương, trong khi đó thì mỗi một thuộc địa của Anh ở Bắc Mỹ đều có một chính phủ riêng biệt. Vị thống đốc của Pháp không phải thỉnh cầu từng cơ quan lập pháp của các thuộc địa để xin ngân khoản và các thứ trợ cấp khác. Ông ta có quyền ban hành mệnh lệnh cho dân chúng ở Tân Pháp và có quyền bắt buộc họ tuân theo những mệnh lệnh này. Cho nên khi xảy ra có chiến tranh, Tân Pháp đã được tổ chức chặt chẽ và chính quyền có thể hành động một cách mau lẹ.
3. Chính quyền Pháp ở Âu châu không tùy thuộc vào dân thuộc địa ở Tân Pháp để tiến hành chiến tranh. Chính phủ Pháp ở chính quốc có thể gửi quân sĩ và tàu thuyền sang Mỹ châu để bảo vệ họ. Như vậy có nghĩa là ngay khi khởi đầu cuộc chiến, người Pháp đã chuẩn bị chu đáo rồi.
4. Người Pháp đã liên minh với nhiều bộ lạc hùng mạnh của người da đỏ, chẳng hạn như bộ lạc Hurons và bộ lạc Algonquins. Từ khi có những người thám hiểm đầu tiên ở Bắc Mỹ, người Pháp luôn luôn giữ được mối giao hảo với những bộ lạc da đỏ này và vẫn được tự do buôn bán với họ. Các nhà truyền giáo người Pháp vẫn tiếp tục sống chung với họ. Cho nên khi có chiến tranh xảy ra, người Pháp có thể trông cậy vào viện trợ của các bộ lạc này.
- Những lợi điểm của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ
Các thuộc địa Anh cũng có những lợi điểm sau đây:
1. So với Tân Pháp thì các thuộc địa Anh có nhiều dân định cư hơn. Dân định cư ở các thuộc địa Anh này có thể trợ giúp cho công cuộc chiến đấu của họ hơn là dân thuộc địa ở Tân Pháp.
2. Dân định cư ở thuộc địa Anh không sống tản mác rải rác khắp mọi nơi. Họ sống quây quần đông đảo trong các vùng định cư. Vì những lý do này mà thuộc địa Anh sẽ được bảo vệ dễ dàng hơn là Tân Pháp.
3. Hầu hết người Anh đến Mỹ châu là đi lập nghiệp vĩnh viễn ở đây. Vì vậy họ phải tích cực bảo vệ gia đình và đất đai của họ. Cho nên họ có nhiều lý do để chiến đấu hơn là phần lớn những người Pháp lang thang làm nghề bán da thú.
4. Các thuộc địa Anh cũng có các đồng minh người da đỏ chẳng hạn như bộ lạc Iroquois. Bộ lạc này là bộ lạc hiếu chiến nhất ở miền Đông Châu Mỹ. Người Iroquois căm giận thù ghét người Pháp từ khi Champlain và đoàn người cùng đi với ông kết thân với người da đỏ ở vùng ven hồ Champlain. Tại nơi đây, một nhóm quân sĩ Iroquois vốn là cựu thù với những người da đỏ kết thân với Champlain. Khi chiến tranh bùng nổ giữa những người Iroquois và những người da đỏ kết thân với Champlain, những người da đỏ kết thân với Champlain đã dùng súng của người Pháp bán cho giết hại một số người Iroquois và làm cho dân Iroquois khiếp sợ. Sau đó có chiến tranh giữa người Pháp và người Iroquois về vấn đề buôn da thú ở vùng đại hồ. Cho nên khi có chiến tranh xảy ra giữa Pháp và Anh thì người Iroquois trợ giúp cho người Anh.
--------------------------------------------------
C . NHỮNG HẬU QUẢ CỦA CÁC CUỘC CHIẾN TRANH VỚI NGƯỜI PHÁP VÀ NGƯỜI DA ĐỎ
Như chúng ta đã nói ở trên, mỗi khi có chiến tranh giữa Anh và Pháp ở Âu châu là dân thuộc địa của hai quốc gia này ở Mỹ châu cũng bị lôi cuốn vào vòng chiến. Ba cuộc chiến tranh đầu tiên ở Châu Mỹ được gọi theo tên các vị hoàng đế và nữ hoàng cai trị nước Anh lúc bấy giờ.
Đó là cuộc chiến của vua William, cuộc chiến của nữ hoàng Anne và cuộc chiến của vua George.
- Không bên nào thắng trong ba cuộc chiến đầu tiên
Ba cuộc chiến đầu tiên giữa các thuộc địa hai bên Anh và Pháp đã tiến hành rất ít. Người Pháp và các đồng minh da đỏ hiếu chiến của họ thường tấn công vào các vùng định cư của người Anh không được phòng thủ. Nhiều làng định cư ở vùng biên cương như Deerfield, Massachusetts thường trải qua những giờ phút kinh hoàng và khiếp sợ mỗi khi người da đỏ thình lình tràn tới. Nhiều gia đình đau khổ vì mất cha, mất mẹ, mất anh, mất em hoặc bị bắt mang đi hay bị đánh đập tàn nhẫn. Người Anh trả đũa lại bằng cách tấn công vào các đồn ải chính của người Pháp ở châu Mỹ – Quebec trên bờ sông Laurence, pháo đài Louisburg ở mũi Breton Island. (Xem hình các đồn ải này ở trang 131b). Họ thất bại không chiếm được Quebec mặc dù họ chiếm giữ được Louisburgh, nhưng khi hòa bình được tái lập, họ phải trả thành phố này lại cho người Pháp. Bù lại người Pháp phải nhìn nhận chủ quyền của Anh ở Acadia (Nova Scotia) và Newfoundland. Nhưng ba cuộc chiến tranh này đã không tạo được sự thay đổi nào trong các lãnh thổ của Anh cũng như của Pháp ở Bắc Mỹ, và không bên nào thâu đoạt được chiến thắng cụ thể. Mặc dù các cuộc chiến tranh ở Mỹ châu rất là ác liệt, nhưng đã bị lu mờ bởi các cuộc chiến rộng lớn hơn ở Âu châu.
- Cả Anh lẫn Pháp đều đòi quyền làm chủ vùng thung lũng Ohio
Cuộc chiến tranh thứ tư là cuộc chiến tranh với cả người Pháp lẫn người da đỏ. Cuộc chiến này khởi sự ở Bắc Mỹ và đã bùng nổ vì cả người Pháp lẫn người Anh đều muốn nắm quyền kiểm soát giải đất phì nhiêu dọc theo sông Ohio. Người Pháp muốn thiết lập một hệ thống các pháo đài và thương điếm để có thể liên kết các vùng định cư của họ ở hạ lưu sông Mississippi với các vùng ở Tân Pháp. Một kế hoạch như vậy không những củng cố đế quốc Pháp ở vùng này, mà còn có thể ngăn chặn không cho người Anh đến lập nghiệp ở vùng thung lũng sông Ohio. Tuy nhiên, người Anh không dễ dàng để cho người Pháp chiếm trọn giải đất này mà không đổ máu. Người Anh cũng không muốn bị giới hạn trong giải đất hẹp dọc theo bờ biển Đại tây dương. Trong khi ấy, mỗi năm lại có nhiều người Anh đến Mỹ châu lập nghiệp. Phần lớn những đất đai phì nhiêu dọc theo bờ biển Đại tây dương đã có người đến khai phá và chiếm hữu rồi, và càng ngày càng có nhiều người Anh định cư hăng hái muốn tiến về phía Tây để lập nghiệp. Cũng vào lúc này, một nhóm người định cư ở Virginia thành lập một công ty để chiếm giải đất ở vùng thung lũng sông Ohio. Anh hoàng ban cấp hai trăm ngàn mẫu cho công ty này, một công ty mệnh danh là công ty thổ địa Ohio.
- Người Pháp bắt đầu tăng cường trong vùng lãnh thổ tranh chấp (thung lũng sông Ohio)
Khi hay tin việc Anh hoàng ban cấp đất ở vùng thung lũng sông Ohio cho công ty này vào năm 1749, vị thống đốc Pháp gửi một đoàn quân đến vùng thung lũng sông Ohio. Ngay khi đoàn quân này đi dọc theo sông Allegheny và một phần sông Ohio, họ bắt đầu thiết lập những tấm bia để đánh dấu chủ quyền của Pháp ở vùng này. Đồng thời người Pháp cũng cảnh cáo những người da đỏ rằng họ không được hoạt động liên kết với người Anh. Liền sau đó, người Pháp thiết lập các đồn ải trên vùng bờ hồ Erie, và tại những cứ điểm ở phía Nam hướng về sông Ohio.
- Người Anh cố gắng đánh bật người Pháp ra khỏi thung lũng sông Ohio
Người Pháp tiến tới vùng thung lũng sông Ohio làm cho người Anh lo ngại. Mùa thu năm 1753, người Anh gửi một sứ giả băng qua các miền hoang dã đến các đồn ải của người Pháp ở vùng tranh chấp. Sứ giả này là George Washington lúc đó mới 21 tuổi. Ông mang lá thư của vị thống đốc thuộc địa Virginia gửi cho vị tư lệnh các đồn ải của Pháp ở vùng này. Lá thư này cảnh cáo người Pháp phải rời bỏ lãnh thổ này vì vùng này thuộc Anh quốc. Vượt các đường mòn khó khăn dưới trời mưa tuyết lạn, người thanh niên trẻ Washington đến nơi và trao thư này cho người nhận. Nhưng vị tư lệnh của người Pháp không hề chú ý tới lời cảnh cáo của người Anh, và Washington lại trở về. Trên đường về, chẳng may ông trượt chân té xuống sông gần chết đuối, nhưng may mắn ông đã thoát hiểm.
Năm sau, ông trở lại Ohio. Nhưng lần này ông trở lại với một toán nhỏ quân sĩ. Toán quân của ông được gửi đi để tiến chiếm đồn Duquesne ở nơi ngã ba các dòng sông tạo thành sông Ohio (xem bản đồ trang 131b). Vì quân sĩ của ông quá ít so với quân Pháp, nên toán quân của ông không những đã thất bại không chiếm được đồn Duquesne mà còn bị buộc phải đầu hàng và phải trở về Virginia. Cuộc xung đột này khởi sự cuộc chiến giữa Anh với cả người da đỏ và người Pháp. Để tiến hành cuộc chiến này, cả Anh lẫn Pháp đều gửi quân đến Mỹ châu để tăng viện.
- Tướng Braddock bị người Pháp đánh bại
Năm 1775 người Anh quyết định tấn công các pháo đài, đồn ải quan trọng của người Pháp. Tổng Tư Lệnh quân đội Anh ở Mỹ châu là tướng Edward Braddock tự thân chinh đi cầm quân tiến chiếm đồn Duquesne. Có George Washington đi theo, đạo quân lực lượng chính quy và lực lượng địa phương Virginia theo hướng Tây nhằm tiến đến đồn Duquesne. Đoàn quân vừa di chuyển vừa thiết lập đường tiến quân xuyên qua vùng đất hoang vu. Tướng Braddock rất ít chú ý đến lời khuyên của quân sĩ thuộc địa trong công cuộc chiến đấu chống lại người da đỏ. Ông nói: “Thực ra những quân mọi rợ này chỉ có thể là kẻ thù đáng sợ đối với dân quân Mỹ châu còn thiếu kinh nghiệm của các bạn, nhưng đối với quân đội có kỷ luật của nhà vua thì chúng không thể nào là mối đáng quan tâm”. Sự quá tự tin của ông đã đưa đến một hậu quả thảm hại. Ngay khi quân đội Anh chỉnh tề đi theo hàng dọc xuyên qua khu đất hoang vu thì một toán quân Pháp và da đỏ tấn công họ bất ngờ. Những chiếc áo đỏ của quân đội Anh quả là mục tiêu tốt đẹp cho đối phương đang ẩn núp. Đoàn quân dũng lược kiêu hùng của tướng Braddock bị thảm bại và phải rút lui. Tuy nhiên, con đường mà họ đã thiết lập khi di chuyển tiến quân sau này trở thành thông lộ chính cho những người đi định cư tiến vào thung lũng sông Ohio...
- Người Pháp thành công liên tiếp
Theo sau sự thất bại của tướng Braddock là sự may mắn liên tiếp của người Pháp. Người Anh không gửi đầy đủ quân lính tiếp viện, và vị tổng tư lệnh Braddock không phải là người chuyên đi chiến đấu ở nơi rừng rú hoang vu. Các thuộc địa của Anh ở Mỹ châu chưa kết hợp lại với nhau, chưa thể cung cấp tiền bạc cũng như binh sĩ đủ để chiến thắng. Kết quả là quân Pháp chiến thắng hầu hết trên các mặt trận trong suốt hai năm liền, chiếm được nhiều đồn ải của Anh.
- William Pitt ra tay hành động
Vận mạng của cuộc chiến bắt đầu thay đổi vào năm 1758. Người giữ vai trò quan trọng trong sự thay đổi này không phải là một quân nhân, mà là một vị lãnh đạo trong chánh phủ Anh quốc. Người đó chính là ông William Pitt. Ông Pitt thuyết phục các thuộc địa phải cung cấp thêm quân sĩ và tài chánh. Ông khuyến khích người Anh chiến đấu hăng hái hơn. Pitt cũng gửi sang Mỹ châu vị chỉ huy trẻ trung và cường tráng hơn. Đã đến lúc Anh quốc phải đạt chiến thắng liên tiếp. Một đồn lớn của người Pháp ở Louisburgh bị đạo quân đông đảo của Anh tấn công và buộc phải đầu hàng. Người Anh cũng có thể tấn chiếm các đồn ải dọc theo biên giới phía Tây, trong đó có pháo đài Duquesne. Sau đó người Anh đặt tên cho pháo đài này là pháo đài Pitt để vinh danh ghi công ông. Từ đó pháo đài nhỏ bé này phát triển thành thị trấn Pittsburgh, một trung tâm kỹ nghệ.
- Hai vị tướng lãnh dũng cảm đương đầu với nhau tại Quebec
Trận đánh quyết định thắng bại cho cuộc chiến diễn ra tại Quebec và đúng bốn năm sau khi tướng Braddock bị thảm bại. Lực lượng Anh dưới quyền chỉ huy của tướng James Wolfe. Wolfe là vị chỉ huy có tài và đã tham dự cuộc tấn chiếm Louisburgh. Đầu mùa hè năm 1759, theo lệnh của tướng Wolfe, một hạm đội Anh chuyển vận hàng ngàn binh sĩ ngược dòng sông St. Laurence tiến lên bỏ neo ở gần thị trấn Quebec. Tuy nhiên, quân Anh không thể tấn công trực tiếp thành lũy này của người Pháp được. Tọa lạc trên một thế dốc cao, Quebec được bảo vệ bằng những bức tường thành kiên cố và nhiều pháo đài.
Vị tướng chỉ huy quân đội Pháp ở đồn này là tướng Louis Montcalm thề liều chết bảo vệ Quebec. Ông hiểu rằng điều mà tướng Wolfe không ngờ đó là rất khó cho quân Pháp bảo vệ Quebec trong một thời gian rất lâu dài. Mặc dầu tướng Montcalm có nhiều quân sĩ hơn tướng Wolfe, nhưng phần lớn trong đám quân sĩ này lại không được huấn luyện kỹ càng. Trong thị trấn thì thiếu lương thực và không hy vọng gì nhận được quân lương và tiếp viện từ Pháp gửi tới, trong khi đó thì hải quân Anh kiểm soát chặt chẽ sông St. Laurence. Mối hy vọng duy nhất của tướng Montcalm là cầm cự giữ Quebec cho đến mùa đông dòng sông sẽ đông lại, và như vậy hạm đội anh buộc phải rút lui.
- Trận đánh ở Quebec quyết định số phận của Tân Pháp
Trong khi đó đại pháo của tướng Wolfe bắn qua sông nã vào thị trấn nhưng gây thiệt hại cho đối phương rất ít. Vì mùa đông gần tới nên tướng Wolfe quyết định một nước liều. Trong đêm tối, ông cho một toán quân leo lên một dốc đứng ở tại một nơi phía trái, nơi mà quân Pháp không canh chừng. Sáng hôm sau quân Pháp thất kinh thấy quân Anh chỉnh tề từng hàng trên một khu đất bằng rộng rãi ở ngoài thành lũy của thị trấn. Montcalm hạ lệnh tấn công địch quân. Mặc dầu chiến đấu rất gan dạ, nhưng quân Pháp không thể nào địch lại được với đạo quân chính quy tinh luyện của Anh. Chính tướng Montcalm bị thương nặng, và trong khi nằm hấp hối, ông nói: “Tôi cảm thấy sung sướng là không còn sống để chứng kiến cảnh đầu hàng của Quebec”. Tướng Wolfe cũng bị thương nặng. Khi hay tin địch quân đang rút lui, ông nói những lời chót: “Bây giờ thì tôi có thể chết trong hòa bình”.
Quân Anh tiến vào Quebec hạ cờ Pháp xuống và kéo cờ Anh lên. Trận đánh Quebec thường được coi như là một trong những trận đánh lớn nhất trong lịch sử thế giới. Trận đánh này quan trọng vì nó quyết định Bắc Mỹ sẽ thuộc về người Pháp hay người Anh. Quân Anh tấn chiếm Montreal một cách dễ dàng, và ở Bắc Mỹ chỉ còn đánh nhau lẻ tẻ chút ít nữa thôi. Mặc dù chiến tranh còn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhưng quân Anh vẫn liên tiếp đoạt nhiều chiến thắng. Sau cùng, cuộc xung đột chấm dứt vào năm 1763 bằng hòa ước Ba Lê.
- Pháp quốc từ bỏ mọi đòi hỏi ở Bắc Mỹ
Hòa ước Ba Lê 1763 là một điều sỉ nhục cho nước Pháp kiêu hùng. Theo hòa ước này thì ngoại trừ New Orleans, Anh quốc chiếm được của Pháp toàn thể lãnh thổ nằm ở phía Đông sông Mississippi. Nhìn vào bản đồ trang 131b, ta thấy giải đất mênh mông này bao gồm các vùng định cư mà ngày nay ta gọi là Gia Nã Đại cùng miền đất phía Nam vùng Đại hồ. Tây Ban Nha, một nước đồng minh của Pháp trong cuộc chiến, cũng phải trao cho Anh vùng Florida. Để đền bù cho sự thua thiệt này, Pháp nhường cho Tây Ban Nha New Orleans và Pháp đòi quyền làm chủ vùng đất nằm phía Tây sông Mississippi. Ngoại trừ hai hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi Newfoundland và một hòn đảo ở vùng West Indies (vùng biển Caribbean), Pháp mất hết lãnh thổ ở Tân Thế Giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét