Nghề làm các món đồ bằng đường ở Trung Quốc đã có từ rất lâu đời và hiện chỉ còn một số ít người theo đuổi. Người ta nói rằng, các món làm bằng đường mang ý nghĩa may mắn, vì vậy chúng thường được dùng làm quà tặng vào những dịp như sinh nhật hoặc đám cưới vào thời xưa. Hình ảnh của con người, trái cây, muôn thú, chim chóc đều được thể hiện rất sống động bằng đường.
Từ xa xưa, thành phố Thiên Môn thuộc tỉnh Hồ Bắc đã nổi tiếng khắp Trung Quốc với nghề làm các món đồ bằng đường. Kỹ thuật tạo hình bằng đường của các nghệ nhân ở Thiên Môn có sự kết hợp giữa việc thổi và nặn, nhờ đó họ thể hiện rất sống động từng chi tiết. Hầu hết các món có hình trái cây hoặc muôn thú đều được nghệ nhân tạo nên bằng cách thổi, riêng hình ảnh con người phải nặn bằng tay.
Chủ đề chính của các tác phẩm làm bằng đường là lòng chung thủy và tình anh em, ngoài ra còn có những vật mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và cầu mong những điều tốt lành từ thần thánh.
Chủ đề của những tác phẩm làm bằng đường rất đa dạng
Các sản phẩm được làm bằng đường ở Thiên Môn nổi tiếng vì có kiểu dáng đẹp và kỹ thuật khéo léo. Nghệ nhân Thiên Môn sử dụng 4 màu chính là đen, xanh lá cây, đỏ và màu của đường. Khi pha trộn chúng với nhau, người ta có thể tạo ra nhiều màu lạ trông rất đẹp mắt. Sau khi làm xong một sản phẩm, họ để yên chúng trong nửa ngày để hấp thụ hơi nước trong không khí và cả ánh nắng. Vào thời kỳ nghề này phát triển mạnh mẽ, ở Thiên Môn có một hiệp hội làm nghề với số thành viên lên đến hơn 200 người.
Công đoạn làm ra một tác phẩm từ đường tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại lắm công phu. Cho nước đường vào một cái nồi được bắc trên bếp, khuấy đường liên tục, điều chỉnh độ nóng của bếp lửa bằng cách thêm hoặc bớt củi trong lò để đường có độ sánh thích hợp. Sau khoảng 3 giờ đồng hồ nấu, nước đường dần trở nên đặc lại, đường trong nồi không quá cứng mà cũng không quá mềm để dễ dàng thổi và nắn được. Khi đường đã sánh đúng độ, người thợ nhắc nồi xuống đổ vào một cái chậu, để nguội. Khi cần làm một sản phẩm có hình thù nào đó, người thợ chỉ cần cắt lấy một miếng đường rồi đun nóng cho mềm ra.
Từ công đoạn khuấy đường…
Với đôi tay khéo léo, từ các viên đường nhỏ, người thợ sẽ nhào nặn thành nhiều hình thù rất bắt mắt. Thao tác kỹ thuật lúc này gồm có thổi và nhào nặn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật nhanh tay vì khi đường đã cứng thì không thể điều chỉnh hình dáng của sản phẩm được nữa.
…cho đến thổi và nhào nặn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn
Các món đồ làm bằng đường ở Thiên Môn có hình dáng rất đa dạng. Trong đó có hình thù các con thú, chim chóc, vật dụng trong nhà, nhân vật trong các câu chuyện lịch sử, thần thoại…. Một trong những hình ảnh phổ biến nhất là con sư tử vàng. Người thợ mất khoảng 2 giờ đồng hồ mới tạo xong 1 con. Khi làm những sản phẩm đường, người Thiên Môn thường gắn thêm các vật nhỏ như quả bóng, lò xo, lông vũ… và nhuộm màu để chúng trở nên thực tế hơn.
Một chú sư tử vàng được làm từ đường
Làm các món đồ chơi bằng đường là 1 nghề kiếm ăn theo mùa. Ở Hồ Bắc, thời điểm các nghệ nhân làm ăn thuận lợi nhất là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau khi nhiệt độ không khí hạ xuống thấp. Vào tháng 4, các sản phẩm làm bằng đường chỉ dùng được trong 1 tuần vì đường sẽ chảy khi nhiệt độ không khí tăng lên hơn 20 độ C.
Xã hội ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, các hoạt động giải trí cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn, các món đồ chơi làm bằng đường không còn lôi cuốn trẻ nhỏ như trước nữa. Vì thế, nghề làm đồ chơi truyền thống cũng dần bị mai một.
Nghề làm các sản phẩm bằng đường đã được xếp vào nhóm đầu trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hồ Bắc. Hiện người ta có kế hoạch tổ chức lễ hội dân gian truyền thống ở ngoại ô thành phố Thiên Môn để các nghệ nhân trổ tài. Đó cũng là cách để quảng bá rộng rãi nghề này qua các phương tiện truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi để các nghệ nhân phát huy tài năng của mình và khuyến khích họ truyền nghề lại cho các thế hệ trẻ.
Ngày càng có ít nghệ nhân trong lĩnh vực này ở tỉnh Hồ Bắc
Thanh Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét