Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

(THVL) Phố Nijo-Dori ở cố đô Kyoto


Trải qua hơn ngàn năm là thủ đô của Nhật Bản, Kyoto vẫn còn giữ được nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cho đến tận ngày nay. Dọc theo phố Nijo-dori là hai diện mạo khác nhau của Kyoto: nét đẹp truyền thống xen lẫn vẻ đẹp hiện đại.
Đền Heian Jingu được xây dựng vào năm 1895 nhân kỷ niệm 1.100 năm thành lập kinh đô Heian-kyo, tức Kyoto. Kích cỡ đền Heian Jingu bằng 5/8 so với nguyên bản của kiến trúc cung đình thời xưa. Đền được xây dựng dựa trên nguồn tiền ủng hộ của cư dân địa phương và các nơi khác trên khắp nước Nhật.
Đền Heian Jingu
Hoàng đế Kammu (737-806) là người có công xây dựng kinh đô Heian-kyo và hoàng đế Komei (1831-1866) là người cuối cùng trị vì kinh đô này. Sau một cuộc nội chiến, hoàng đế Minh Trị – con trai của hoàng đế Komei – đã dời thủ đô nước Nhật đến Tokyo vào năm 1869. Tất cả các quan viên và họ hàng của họ cùng với nhiều thương gia cũng chuyển đến Tokyo, vì thế, dân số Kyoto thời đó giảm đi 2/3.
Ngày nay, xen lẫn nét đẹp của cố đô là một thành phố hiện đại Kyoto. Đến với Okazaki, các bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn hồ Biwa và đến thăm nhà máy thủy điện lớn thứ 2 thế giới.
Okazaki còn là nơi lớn thứ 4 ở Nhật Bản chuyên tổ chức các cuộc triển lãm nhằm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp cũng như văn hóa địa phương ra thế giới.
Jidai Matsuri hay lễ hội của các triều đại là một trong những lễ hội truyền thống ở Kyoto. Sự kiện này diễn ra vào tháng 10 hàng năm với việc tái hiện từng thời kỳ trị vì của các hoàng đế tại cố đô. Phần quan trọng nhất của lể hội là phần diễu hành của 2.000 người với trang phục truyền thống của Thời kỳ Heian (794-1185). Bộ trang phục này là bản sao bộ áo giáp của một người chỉ huy đã tồn tại cách nay khoảng 700 năm, trước thời Heian. Kyoto thu hút du khách một phần cũng nhờ vào các bộ trang phục truyền thống được các thợ lành nghề tạo ra.
Đoàn người tham gia diễu hành trong lễ hội Jidai Matsuri
Bao quanh đền Heian Jingu là khu vườn Shin’en rộng lớn có diện tích 33.000 m2. Nghệ nhân làm vườn bậc thầy Ogawa Jihei đã dành khoảng 20 năm trong cuộc đời của mình để hoàn tất khu vườn này. Bước trên lối đi (gọi là Garyu-kyo) gồm các tảng đá được xếp gần nhau và nối liền bên đây bờ hồ với phía bên kia bờ, du khách có cảm giác như lạc vào một chốn thần tiên. Vẻ đẹp của khu vườn này gần như không thay đổi trong nhiều thế kỷ qua.
Đến với phố Nijo-dori, chúng ta còn được tham quan Sở thú Thành phố Kyoto với hơn 130 loài động vật được nuôi dưỡng tại đây. Sở thú này thu hút trung bình 700.000 lượt khách tham quan mỗi năm.
Sở thú thành phố Kyoto mở cửa đón khách tham quan lần đầu tiên vào năm 1903. Nơi đây còn nổi tiếng nhờ đã nuôi dưỡng thành công 4 thế hệ của loài vượn gorilla – một công việc không đơn giản vì loài vượn gorilla rất khó sống được trong môi trường nuôi nhốt.
Điểm đến kế tiếp trong hành trình khám phá phố Nijo-dori là Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật hiện đại của Nhật Bản được trưng bày tại bảo tàng này.
Nằm cách Bảo tàng nghệ thuật hiện đại không xa là bảo tàng Hosomi. Tại đây, người ta trưng bày các tác phẩm mỹ thuật và hiện vật từ thế kỷ thứ thứ IV đến thế kỷ thứ XIX. Tại bảo tàng này, khách tham quan còn thưởng thức trà đạo ngay tầng trên của bảo tàng. Phòng trà Kokoan phục vụ nhiều loại trà thượng hạng của Nhật Bản.
Nhiều quận tại thành phố Kyoto ngày nay vẫn còn lưu lại rất nhiều ngôi đền. Tất cả chúng đều được gìn giữ và bảo quản rất kỹ lưỡng, như một phần của nét đẹp truyền thống của cố đô Kyoto.
Vào năm 1708, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi nhiều nhà cửa, đền miếu ở Kyoto. Sau đó, người ta tái xây dựng các ngôi đền tại phố Nijo-dori. Vì thế, khu vực này ngày nay trở thành một trong những nơi độc đáo bởi có nhiều ngôi đền hiện diện tại đây. Có người ví rằng, cố đô Kyoto đã được thu nhỏ ở nơi này.
Đường phố Nijo-dori
Đến Nijo-dori, du khách không thể không ghé qua khu tưởng niệm Shimadzu. Vào năm 1875, Genzo Shimadzu (1839 – 1894), người được sinh ra trong một gia đình thợ thủ công chuyên làm bàn thờ, đã thành lập tập đoàn sản xuất dụng cụ, máy móc ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến Shimadzu. Tập đoàn Shimadzu còn được biết đến là một trung tâm nghiên cứu và chế tạo dụng cụ hóa học và vật lý cũng như nghiên cứu công nghệ hiện đại của phương Tây. Thấy được triển vọng của nền công nghiệp hiện đại dựa trên các thiết bị, công nghệ khoa học, ông Genzo Shimadzu thành lập tập đoàn này với ý tưởng mà nhiều người cho là tham vọng tạo nên một nước Nhật nổi tiếng về khoa học công nghệ kỹ thuật cao.
Tại khu tưởng niệm này, bên cạnh hàng loạt các sản phẩm sản xuất đầu tiên tại Nhật như ắc-qui, máy quang phổ, kính hiển vi phân tử…, chúng ta có thể tìm thấy máy chụp X quang chẩn đoán y tế được sản xuất lần đầu tiên của Nhật Bản.
Tham quan khu tưởng niệm, du khách còn tìm thấy mô hình của chiếc ô tô điện do người con Genzo Shimadzu tạo ra. Đây là một trong các sản phẩm đã giúp Nhật Bản tiết kiệm rất nhiều trong việc sử dụng nguồn nhiên liệu xăng dầu. Ông cũng là người đi tiên phong trong lĩnh vực phát triển loại ô tô thân thiện với môi trường ở Nhật Bản.
Nét đẹp cổ kính của Kyoto còn được thể hiện qua các ngôi nhà gỗ nằm dọc đường đi. Điều ấn tượng đầu tiên của các ngôi nhà này chính là hàng rào mắt cáo làm bằng gỗ, một trong những lối kiến trúc chỉ được tìm thấy tại các căn nhà cổ ở Nhật Bản.
Tsuboniwa là tên gọi của khu vườn phía sau một ngôi nhà ở Nhật Bản, nhất là nhà cổ. Không gian thoáng mát với màu xanh dịu của lá cây mang đến sự dễ chịu cho mọi người. Âm thanh của nước chảy từ ống tre xen lẫn với tiếng chuông gió như tạo nên một dàn nhạc giao hưởng du dương.
Anh Dũng
 

Không có nhận xét nào: