Từng là chốn phồn hoa, nhưng giờ đây hòn đảo này chỉ còn là một vết nhơ mà ai cũng muốn quên đi.
Quần đảo Andaman và Nicobar nằm tại Vịnh Bengal bao gồm 572 hòn đảo nhiệt đới nhưng chỉ có 38 hòn đảo trong số đó có người sinh sống. Quần đảo nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp và môi trường hải dương phong phú với những thảm san hô đầy màu sắc và những khu rừng nguyên thủy mênh mông rộng lớn.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau khung cảnh nên thơ, bình dị là cả một quá khứ đen tối.
Đảo Ross, thuộc quần đảo Andaman, được coi như một thị trấn ma. Tuy nằm ở vị trí xa xôi hẻo lánh nhưng nó lại sở hữu vẻ đẹp làm mê đắm lòng người. Vào thế kỷ 19, người Anh từng đến đây xây dựng căn cứ, rồi bỏ đi từ những năm 50 của thế kỷ 20. Hiện giờ, hòn đảo này gần như hoang vắng. Những căn nhà gỗ xa hoa, một nhà thờ hoành tráng, phòng khiêu vũ, thậm chí là một nghĩa địa, tất cả đều đang bị hư hại nặng nề.
Năm 1857, để đối phó với những người Ấn Độ nổi dậy, chính quyền Anh quốc đã lựa chọn hòn đảo này làm nơi giam giữ những người chống đối. Năm 1858, người Anh đưa 200 người Ấn bị kết án đến đảo Ross. Lúc này, toàn bộ quần đảo đều bị bao phủ bởi những khu rừng nguyên thủy. Đảo Ross chỉ rộng khoảng 0,3 km2. Công việc dọn dẹp khu rừng đầy nguy hiểm dĩ nhiên được giao cho những tù nhân bị kết án, còn quan chức Anh thì ngồi lại trên tàu quan sát.
Một thời gian sau, các hòn đảo lân cận cũng được sử dụng để giam giữ tù binh, còn đảo Ross được dùng làm khu tổng chi huy, cũng như nơi dành riêng cho gia đình của các quan chức cao cấp.
Mặc dù từng có nhiều người chết vì nhiễm độc nước nhưng điều này cũng không ngăn người Anh biến đảo Ross thành một nơi đáng sống. Người ta xây dựng những dinh thự xa hoa, bên trong có đầy đủ đồ nội thất hiện đại, thảm cỏ được cắt tỉa gọn gàng, sân chơi tennis, thậm chí còn có cả nhà thờ, nhà máy lọc nước, doanh trại, bệnh viện.
Thậm chí nhà máy điện cũng được xây dựng, biến đảo Ross bé nhỏ, bị cô lập trở thành một thiên đường lung linh, khác biệt hoàn toàn với những hòn đảo xung quanh.
Năm 1942, đảo Ross gần như bị bỏ mặc sau khi chính quyền Anh chịu áp lực phải thả tự do cho những tù nhân chính trị năm 1938. Sau đó những người Anh còn sót lại cũng phải vội vã bỏ đi vì quân Nhật sắp đến xâm lược. Tuy nhiên người Anh cũng nhanh chóng dành lại hòn đảo sau khi chiến tranh kết thúc. Một thời gian sau Ấn Độ dành được độc lập năm 1947, hòn đảo lại bị bỏ mặc một lần nữa, mãi cho đến năm 1979, hải quân Ấn Độ mới đến tiếp nhận hòn đảo.
Nhìn vào sự tàn phá trên đảo, người ta lại thấy hiện lên một quá khứ kinh hoàng và đau xót. Những mái vòm, khu chợ nhộn nhịp, ô cửa sổ kính mờ lát gạch ngói kiểu Ý đã biến mất. Nhưng những tòa nhà chỉ còn trơ trọi khung từng là nhà của các quan chức cao cấp hay câu lạc bộ dành cho những quan chức cấp thấp. Nhà thờ cũng những bức tường không tên khác vẫn còn đó mặc dù đã bị hư hỏng nặng nề do thời gian và do chính khu rừng đang bao bọc nó.
Khi người Anh đến đây, họ còn mang theo một vài giống hươu và thả khắp quần đảo Andaman để phục vụ sở thích săn bắn. Tuy nhiên, vì trên đảo không có thú ăn thịt, loài hươu sinh sôi nảy nở và phá hủy khu rừng bằng cách ăn cả những cây còn non. Ngày nay, hươu, thỏ và chim công trở thành những cư dân thống trị đảo Ross, thu hút rất nhiều khách du lịch.
Sau gần 80 năm kể từ khi người Anh bỏ đi, kết thúc một chương đen tối trong lịch sử Ấn Độ, đảo Ross giờ đây là một vết nhơ trong lịch sử mà ai cũng muốn xóa đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét