Đối với một quốc gia nằm thấp hơn so với mực nước biển như Hà Lan, cơ sở hạ tầng luôn có đặc thù riêng. Cây cầu Zalige bắc qua sông Waal chảy dọc thành phố 2.000 năm tuổi Nijmegen là một trong những công trình lạ kỳ như thế!
Cây cầu… kỳ lạ
Thật vậy, thay vì cao hơn mặt nước như một số cây cầu bắc qua sông thông thường khác, một số đoạn của cầu Zalige lại chìm xuống khi trời mưa. Lý do là trong quá trình thiết kế, các kỹ sư Hà Lan đã tính toán để cây cầu có khả năng thích ứng và thay đổi theo mực nước biển ở Nijmegen. Cây cầu do hai hãng đồng hành thiết kế là Next Architects và H+N+S Landscape Architects.
Cây cầu Zalige bắc qua sông Waal ở Hà Lan |
Chưa kể, Hà Lan vốn là quốc gia nằm thấp hơn so với mực nước biển. Vùng trũng nhất dưới mực nước biển tới 6,74m, nằm ở một thị trấn nhỏ thuộc thành phố Rotterdam. Bản thân tên gọi của quốc gia này, “The Netherlands” trong tiếng Anh cũng có nghĩa là “vùng đất thấp”. Có tới 2/3 diện tích nằm ở khu vực dễ ngập lụt, trong khi mật độ dân số lại thuộc nhóm đông đúc bậc nhất. Bởi vậy, việc đối phó với nước biển dâng ở Hà Lan luôn là bài toán bức thiết đối với các nhà quy hoạch và giới chức trách.
Lại nói về điểm đặc biệt của cầu Zalige, một số đoạn của cây cầu được thiết kế để mỗi khi trời mưa, nó sẽ bị nhấn chìm dưới nước. Sự “cố tình” này được giải thích là nhằm cung cấp trải nghiệm thực tế về viễn cảnh thành phố bị ngập lụt do nước biển dâng. Cứ mỗi khi trời mưa, người dân có dịp qua cây cầu này sẽ được trải nghiệm cảm giác “sống chung với ngập lụt”, họ phải bước trên những bục đá cao được xếp sẵn để sang bờ bên kia, thay vì yên tâm đi lại như ở các cây cầu thông thường.
Cầu Zalige hoàn thành năm 2016 và là một phần trong kế hoạch của Bộ Xây dựng và Môi trường Hà Lan, nhằm khuyến khích các công trình xây dựng có khả năng thích ứng với ngập lụt. Đến đầu năm nay, cầu đã đạt được các tiêu chuẩn trong đánh giá kỹ thuật và thử thách về tính hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Đất nước sống chung với ngập lụt
Ngoài cây cầu Zalige, Hà Lan được biết đến là quốc gia có nhiều công trình lấn biển nhất trên thế giới (thống kê có tổng cộng khoảng 3.500 công trình lấn biển, thành phố được xây dựng dọc các con kênh). Đáng chú ý, các công trình này được các kỹ sư Hà Lan tính toán rất kỹ về vấn đề thích ứng, chống chọi với các đợt thủy triều và ngập lụt.
Người dân bước trên những bục đá cao được xếp sẵn để sang bờ bên kia |
Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, quốc gia được xem là “quê hương của những chiếc cối xay gió” đã lên một kế hoạch đồ sộ nhằm xây dựng hàng loạt công trình chống ngập lụt. Nổi bật trong số này là một hệ thống bao gồm 13 con đê có tổng chiều dài 16.496km, với 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi. Toàn bộ tổ hợp này có chi phí lên tới 5 tỉ USD. Không chỉ chống lụt hiệu quả, tổ hợp công trình này còn gián tiếp cung cấp nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu của người dân. Tổ hợp cũng vinh dự được Hiệp hội Kỹ sư dân dụng Mỹ công nhận là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.
Các chuyên gia nhận định, giống như mọi “cuộc chiến” khác, công cuộc chinh phục biển cả chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Mặc dù rất tự tin về hệ thống đê biển, song các chuyên gia Hà Lan cũng đã nghĩ về trường hợp xấu nhất: Khi nước biển dâng quá nhanh, hệ thống bơm nước bị hỏng, với địa hình của Hà Lan, chỉ trong vòng 1 tuần, toàn bộ lãnh thổ đất nước này sẽ bị chìm trong biển nước.
Người đứng đầu văn phòng kiến trúc Waterstudio tại Ryswick (Hà Lan), ông Koen Olthuis cho rằng, các nhà chức trách trên thế giới nên xem lại cách thức quy hoạch đô thị hiện nay, vì nó đã không còn phù hợp với thực tế. Theo ông, khoảng 80% các thành phố lớn trên thế giới tập trung chủ yếu ở các vùng ven biển, trong khi mực nước biển đang dâng lên. Tình thế này buộc con người phải đi tìm câu trả lời làm thế nào để “sống chung với nước”?
Ngoài cây cầu Zalige, Hà Lan được biết đến là quốc gia có nhiều công trình lấn biển nhất trên thế giới (thống kê có tổng cộng khoảng 3.500 công trình lấn biển, thành phố được xây dựng dọc các con kênh). |
Mai Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét