Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

Hai di tích quý của Bộ đội Xăng dầu Trường Sơn.

Trong đợt công tác tại tỉnh Savanakhet vừa qua, lãnh đạo TƯ. Hội đã  đi xác minh một số điểm di tích về cơ sở xăng dầu năm xưa trên Trường Sơn tại huyện Sê pôn, Savanakhet, Lào. Sau hơn 40 năm, cơ sở vẫn gần như nguyên vẹn ...

Hai di tích quý của Bộ đội Xăng dầu Trường Sơn.
          Sau khi có thông tin từ đạo diễn Trần Cẩm (VTV1) về hai kho xăng trong hang đá của Đoàn 559 ở huyện Sê Pôn, Hội Truyền thống Trường Sơn đã cử đoàn cán bộ sang Lào để khảo sát, xác minh, đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Đạo diễn Trần Cẩm cũng không biết cụ thể kho xăng này ở đâu, chỉ biết rằng có đoạn phải đi bằng xe máy cày mới đến được. Đoàn khảo sát chúng tôi gồm có Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng- Phó chủ tịch Hội và tôi (Vũ Trình Tường- Phó ban Truyền thống lịch sử của Hội), cùng phối hợp khảo sát còn có đ/c Phạm Văn Phương và Phan Văn Thắng là hai cán bộ của Lữ đoàn 384.
1- Hành trình về di tích
         Đã có sự hợp đồng từ trước, sáng sớm ngày 12/11/2014, ông Bounma phó Bí thư huyện ủy huyện Sê Pôn, ông Bounmi Bí thư bản Phôn Hay đã cùng chúng tôi xuất phát từ thị trấn Sê Pôn. Đoàn đi hai xe: một xe của Lữ đoàn 384 do đ/c Điệp lái và một xe bán tải do ông Bounma tự lái. Từ Sê Pôn chúng tôi đi theo đường 9 về phía tây 5km đến ngã ba Na Bo thì rẽ theo đường 128 về phía bắc. Khi cách Na Bo 8 km (bản Phôn Hay, quê của ông Bounmi) chúng tôi rẽ tay phải qua sông Nậm Kok hướng về biên giới Việt Lào. Để tranh thủ tìm hiểu thông tin tôi và Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng đi cùng xe với Bounma. Tôi hỏi ông Bounma:
               - Đường này ngày nay tên là gì?
               - Chỉ là đường liên huyện, chưa đặt tên riêng! Nhưng tất cả các đường này hầu hết đều được cải tạo từ đường Trường Sơn ngày xưa!
Tôi cố hình dung xem đây là tuyến đường Trường Sơn nào, nhưng chưa thể nhớ ra. Đi được khoảng 20 km, gặp một ngã ba, Bounma nói:
             - Rẽ tay phải là đến Sê Pôn !
             - Về Sê Pôn ?
       Tôi hỏi lại, ông Bounma gật đầu xác nhận. Sau một lát suy nghĩ tôi phỏng đoán: Đây là đường 18- tuyến vượt khẩu quan trọng của bộ đội Trường Sơn, còn đoạn chúng tôi vừa đi là đường nối đường 18 và đường 128. Phỏng đoán chỉ là phỏng đoán.  Xe chúng tôi tiếp tục hành trình về phía biên giới Lào-Việt. Tuy mặt đường có rải cấp phối, nhưng do không được bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều đoạn rất xấu. Chúng tôi gặp nhiều bản ven đường, những ngôi nhà sàn đơn sơ bằng tre, gỗ đã nói nên đời sống kinh tế nơi đây còn khó khăn. Khi đi qua một ngầm đổ bằng bê tông, chúng tôi thấy dưới suối mấy người đang giết thịt lơn và dê. Bên kia ngầm, trước sân một ngôi nhà sàn thấy nhiều người quây quanh mấy bếp lửa có những chiếc nồi rất lớn. Chúng tôi hỏi ông Bounma:
-Bản có đám cưới à?
-Không phải cưới, trong bản này có người ốm nặng, bản đang mổ lợn cúng ma đấy!
-Người ốm không uống thuốc mà lại cúng ma à? Bản có trạm xá không?
-Bản có trạm xá đấy! nhưng ở bản vùng núi này chỉ có một nửa số người ốm đến trạm xá mua thuốc uống, còn một nửa số người ốm chỉ cúng con ma, cũng có người vừa uống thuốc vừa cúng ma!
          Xe chúng tôi tiếp tục chạy trên con đường đầy ổ voi, ổ gà và bụi đỏ. Những dãy núi đá xanh ngắt dựng đứng phía trước báo hiệu chúng tôi sắp đi đến đích. Ông Bounma dừng xe bên đường và chỉ vào một Nhà tưởng niệm nhỏ:
              -Đây là nơi tưởng niệm ông Makhay Khănphithun.
              -Ông Makhay là người như thế nào?. Chúng tôi hỏi.
           Bounma kể về lai lịch ông Makhay, nhưng với vốn tiếng Việt ít ỏi của Bounma và vốn tiếng Lào kém cỏi của tôi không thể diễn tả hết, chỉ biết rằng quê ông Makhay ở bản này, ông là một cán bộ cách mạng lão thành. Chúng tôi kính cẩn thắp hương tưởng nhớ vị lão thành cách mạng của nước bạn Lào. Một người đàn ông nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn đến chào chúng tội. Ông Bounma giới thiệu:
            -  Đây là ông Thoongxavat Khănphithun, con trai vị lão thành trên đài tưởng niệm kia, ông trước đây là Chánh văn phòng Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, nay đã nghỉ hưu.
            Chúng tôi tranh thủ hỏi thăm người  bản địa:
- Thưa ông ! Đây là bản gì?
- Bản Pha Băng, nhưng cách về phía bắc một chút!
             Ông Bounma chỉ tay vào Thoongxavat kể:
- Chính ông Thoongxavat đã đề nghị nhà nước Lào bảo vệ kho xăng trong núi kia.
             Chúng tôi cảm ơn ông Thoong xavat, chụp những bức ảnh lưu niệm rồi đi theo hai người dân bản mang súng tiểu liên bảo vệ và dẫn đường cho chúng tôi. Ông Bounma phải đi gặp Phò bản để thông báo có đoàn Việt Nam đến khảo sát kho xăng, không đi cùng chúng tôi được. Quy chế an ninh ở các bản Lào cũng rất nghiêm túc và chặt chẽ.

Nhà Tưởng niệm ông Ma Khay  Khawnphithun.


Thắp hương trước Đài tưởng niệm.

2- Những hố bom và dấu tích con đường
      Ông Bounmi chỉ vào đám cây um tùm chân vách đá  trước mặt:
-Chỗ kia là hang đá có kho xăng đấy!
-Từ đây đến đó xa bao nhiêu ? Tôi hỏi người dẫn đường.
-Khoảng 500 m. Anh ta trả lời bằng tiêng Lào.
-Trông gần thế mà những 500 m cơ à ?

         Một người trong đoàn chúng tôi nghi ngờ hỏi lại, nhưng chúng tôi vẫn háo hức đi theo hai người dân quân vai mang súng, tay cầm dao quắm phát dọn quang đường. Nhìn thấy hố nước rộng khoảng hơn 10 mét sâu đến 4-5m, tôi hỏi:
               -Đây có phải ao hồ gì vậy?
         Ông Bounmi đi phía sau vượt lên:
               -Là hố bom đấy! Nhiều hố bom lắm, anh đi nữa khắc biết!


Hình ảnh những hố bom ở bản Pha Băng
           Đúng như ông Bounmi nói, chỉ đi vài ba chục mét lại thấy một hố bên trái, một hố bên phải, lại một hố nữa…Dọc hai bên lối đi cơ man nào là hố bom. Nếu không có những bụi lau, khóm cây xấu hổ bao phủ thì đây sẽ là một  hình ảnh của cuộc chiến tranh phá hoại không thể ấn tượng hơn. Ở Việt Nam bom đạn cũng nhiều không kém, nhưng ngày nay hầu như không còn lại bãi bom nào đủ cho thế hệ sau hình dung ra thế nào là sự tàn khốc. Còn ở đây, dưới chân núi đá bản Pha Băng Nưa này còn một bảo tàng hố bom như vậy.
         Chúng tôi đã đi vào đến sát chân vách đá ước lượng cũng đã đi được 500m,  mọi người ngước mắt tìm cửa hang ở đâu. Anh dân quân đeo súng chỉ tay dọc theo chân núi nói:
           -Còn một nửa đường nữa !
        Đi theo người dẫn đường, với bản năng nghề nghiệp tôi nhận thấy mình đang đi trên một con đường cũ.  Tôi hỏi anh Bounmi :
           - Có phải đây là đường xe ngày xưa không?
           - Đây là đường xe của bộ đội Việt Nam ngày chiến tranh!
Dấu tích con đường Trường Sơn mặt lát đá.
        Tôi chăm chú quan sát : mặc dù có cây cỏ che lấp những vết tích, nhưng hình hài con đường còn rõ nét. Mặt đường rộng chúng 4-5m lát đã ba, đá hộc còn khá nguyên ven. Chọn tuyến đường đi sát vách đá này cũng là một ý đồ chiến lược: vách đá chắn bom đạn, kho hàng và bộ đội đóng trong hang đá rất an toàn. Ở bản Pha băng Nưa này còn lưu giữ được hình ảnh con đường Trường Sơn rất chân thực. Tôi nói với Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng:
            -Ta đề xuất với bạn Lào bảo vệ bãi bom và một đoạn đường Trường Sơn ở đây để sau này phục vụ công tác bảo tồn di tích và du lịch.
              - Đúng thế! Ta sẽ đề xuất đồng thời bảo tồn  kho xăng và các di tích như cậu vừa nói.Tương lai đây sẽ là một điểm thu hút khách du lịch.
3- Kho xăng trên hang đá bản Pha Băng.
Những người dẫn đường dừng lại chờ đoàn dồn lên đủ mới chỉ lên phía vách đá :
          -Hang có  bể xăng trên kia!
           Chúng tôi ngước nhìn đoạn dốc dựng đứng mà ái ngại. Tuy nhiên, mọi người vẫn hăm hở leo lên cao. Cửa hang khá rộng cao hơn mặt đường dưới chân vách đá khoảng 25m. Khi vào hang, lòng hang dốc xuống và tối om. Mấy chiếc đèn pin mang theo không đủ soi đường cho mọi người. Chúng tôi dò dẫm từng bước xuống hang, đến một mặt bằng khá rộng (mỗi chiều hơn 15m) có một tấm tôn hình tròn đường kính khoảng 8m nằm dưới đất. Ban đầu chúng tôi tưởng đây là nắp của một bể ngầm, nhưng khảo sát kỹ thì đây chỉ là đáy hoặc nắp của một bể xăng đang hàn dở dang. Có tiếng gọi phía ngách  hang trên cao:
            - Kho xăng ở trên này, lên đây!
Cửa hang
Bể xăng hình trụ đường kính 8m cao 3m.
Thạch nhũ trong hang.
Cửa hang, nhìn từ phía trong ra.
Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm.
               Leo lên cao vào một ngách hang, chúng tôi thấy một bể xăng hình trụ đường kính khoảng 8m, cao 3m. Chỉ một chiếc đèn pin thì chỉ nhìn thấy một mảng thành bể mà thôi, phải tập trung mấy chiếc đèn cùng rọi vào mới hình dung ra tổng thể bể xăng. Tôi hình dung ra cách thi công bể xăng này: các tấm tôn nhỏ được vận chuyển lên, rồi hàn ghép lại. Vậy là phải có máy phát điện mới thi công được. Xăng từ đường ống được máy bơm đẩy lên bể rồi từ tự chảy xuống nơi cấp phát. Bể xăng cất giấu trong hang này tuyệt đối an toàn, các loại bom thông thường thời ấy không thể phá sập cả ngọn núi đá.
Sau khi đã khảo sát  bể xăng, ông Bounmi đoán:
          - Bể xăng này đang chưa  thi công xong vì còn nắp bể đang hàn .
          - Nhìn vào hiện trạng thì có vẻ như vậy, nhưng cần phải xác minh sau. Tôi thận trọng trong việc đưa ra kết luận.
        Do thời gian eo hẹp, chiều nay phải qua Lao Bảo về Việt Nam, chúng tôi nhanh chóng xuống núi. Lúc quay ra đến đường, mọi người đều thống nhất: quãng đường từ chỗ xe đậu vào đến kho xăng phải là một cây số chứ không phải 500 m như người dẫn đường nói.

    Ông Bounma, Vũ TrìnhTường, Thoongxavat , Nguyễn Bá Tòng, ông Bounmi.

4-  Bể xăng trong hang- nguồn nước của bản May .
             Chúng tôi lên xe  quay ngược lại con đường lúc vào. Đi khoảng 3 km, xe rẽ vào một khoảng sân rộng trước một nhà lớp học. Ông Bounma lần này cùng đi với chúng tôi, ông giới thiệu:-Dân bản này đều lấy nước sinh hoạt từ trong hang có bể xăng.
       - Hang có còn xa không ?
       - Gần đây thôi, qua cái suối cạn là đến!
           Đúng như lời Bounma nói, chỉ đi qua con suối cạn đã thấy hàng chục ống nước bằng nhựa từ một cửa hang túa ra ngoài. Chúng tôi leo lên cửa hang không khó khăn lắm. Chỉ cần vào khoảng 20m hang đã tối, qua ánh đèn pin chúng tôi đã nhận ra một bể xăng hình trụ giống như bể ở bản Pha Băng nhưng có chiều cao gấp đôi (6m). Bể xăng còn khá nguyên vẹn. Qua một ô cửa hình tròn, chúng tôi thấy trong bể có nước khá trong. Ông Bounma nói: bể này chứa xăng, khoảng năm 1992 vẫn còn một ít xăng trong bể. Theo tay ông chỉ, chúng tôi đi vào phía trong thấy một bể nữa cùng đường kính nhưng chỉ cao 3 m. Vòng theo thành bể vào phía trong hang, chúng tôi thấy một vũng nước rất trong, một phần vũng nước khuất vào lòng núi. Các ống nước nhìn thấy ngoài cửa hang đều tụ về vũng nước này. Nguồn nước của cả bản May là đây. Chúng tôi quan sát rất kỹ nguồn nước chảy ra từ lòng núi đá : nguồn nước thật an toàn và sạch sẽ. Không biết có phải bộ đội Việt Nam là người đầu tiên tìm ra nguồn nước này không?
Chữ viết ở cửa hang kho xăng  bản May ( bản Cọ cũ)
 Trên đường vào hang có những ống nước của dân bản.
Nguồn nước của dân bản May ở cuối hang.
Cửa của bể xăng

Cửa hang kho xăng bản May
         Các mục tiêu của chuyến khảo sát đã đạt được. Chúng tôi quay xuống xe chuẩn bị về Sê Pôn. Ông Bounma gọi một ông già có nước da đen đúa đến và giới thiệu: Đây là Phò (Trưởng bản) bản May.
 Chúng tôi chào ông và hỏi về tên bản và tên dãy núi này. Ông già trả lời:
    -Trước đây khu vực này là khu rừng già, không có dân ở. Dãy núi này là Phu Cọ, gần đây dân làng mới chuyển đến lập bản mới nên có tên là bản May (bản Mới).
        Tạm biệt vách đá sừng sững hùng vĩ, chúng tôi quay về  khi trời đã xế chiều. Cả đoàn ai cũng vui vẻ hồ hởi vì vừa có một cuộc khám phá thú vị và thành công. Quãng đường 60km về Sê Pôn chúng tôi thấy ít gập ghềnh hơn, thời gian cũng trôi nhanh hơn.
Ông Boun Muôn - Trưởng bản May và thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng
4-  Lật theo từng trang sử.
                Với những điều tai nghe mắt thấy trong chuyến điền dã, tôi nóng lòng muốn hiểu rõ hơn những sự kiện liên quan đến di tích. Về nơi nghỉ tại Đông Hà tôi đã lập tức tra cứu cuốn lịch sử và những bài viết của Đại tá Mai Trọng Phước về tuyến ống xăng dầu của bộ đội Trường Sơn. Xin tóm lược những sự kiện liên quan đến hai địa điểm mà chúng tôi vừa khảo sát: “ Sau khi xây dựng thành công tuyến ống từ Khe Ve vượt đèo Mụ Giạ vào đến kho Ka Vát ngày 09/3/1969, bộ đội xăng dầu Trường Sơn tiếp tục  xây dựng tuyến ống thứ hai. Tuyến thứ này chạy theo đường 18, chạy dọc suối Ra vơ ven, vượt đèo 700 đến bản Ra Mai cạnh sông Sê Băng Hiêng. Ngày 15/8/1969 xăng đã vào đến kho bản Ra Mai ( Kho K3). Từ kho K3 xăng được đóng vào phi thả trôi theo suối và sông Sê Băng Hiêng về kho Vinh ở phía bắc Sê Pôn. Do địch phát hiện ra tuyến đường ống và dùng B52 đánh phá dữ dội, phá hủy gần như toàn bộ tuyến ống dọc suối và phía tây đèo 700. Bộ đội xăng dầu Trường Sơn phải bí mật chuyển đường ống về phía đông đèo 700. Tháng 11/1969 xăng đã vào đến bản Pha Băng Nưa (Kho K4) tại Km 58 đường 18. Tuyến ống được xây dựng tiếp đến kho K5 đặt ở một cánh rừng già thuộc địa phận bản Cọ (Km61 đường 18). Xăng  từ tuyến đường ống đã cung cấp cho xe và các khí tài quân sự trên Trường Sơn rất hiệu quả, nhất là trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Tuyến ống sau này được kéo dài cắt qua đường 128 về bản Na Lai tiếp giáp đường 129”.
Những cô gái Trường Sơn đang thi công đường ống (Ảnh tư liệu)
         Thế là đã rõ: Kho xăng tại bản Pha Băng Nưa là kho K4, xăng đã dến kho này vào tháng 11/1969 và sau đó đến bản Cọ (Kho K5- ngày nay có tên mới là bản May). Hai địa danh trong lịch sử hoàn toàn phủ hợp với lịch sử đường ống xăng dầu đường Trường Sơn. Một câu hỏi còn bỏ ngỏ là tại sao kho K4 được sử dụng từ cuối năm 1969 lại đang thi công dở dang, còn kho K5 lại là kho hoàn chỉnh?
         Câu trả lời đã được ông Hồ Sĩ Hậu giải thích: Tại vị trí bản Pha Băng, ta xây dựng Kho K4, nhưng do mật độ đánh phá của máy bay địch quá khốc liệt, xe ô tô của ta không thể vào nhận xăng được. Vì vậy ta không dùng kho K4 nữa ( Kho K4 có thể vì vậy mà xây dựng dở dang). Ta tiếp tục xây dựng kho K5 tại bản Cọ. Ngoài hai bể xăng trong hang đá còn hai bể nữa chôn ngầm trong đất ở ngoài hang. Không biết hai kho này còn hay đã bị phá mất rồi.
          Tôi rất hy vọng rằng hai kho K4 và K5 nằm trên tuyến đường ống xăng dầu huyền thoại Trường Sơn được bảo tồn và phát huy giá trị của nó cho các thế hệ hai dân tộc Lào- Việt Nam.
                                                                Vũ Trình Tường



Không có nhận xét nào: