Sri Lanka là đất nước được biết đến với vẻ đẹp tự nhiên của các bãi biển thơ mộng, các cánh rừng nhiệt đới rộng lớn cùng những trung tâm trưng bày, viện bảo tàng nổi tiếng về đá quý.
Từ lâu, Sri Lanka được xem là 1 trong những quốc gia khai thác đá quý hàng đầu trên thế giới. Hơn 3.000 năm qua, số luợng đá quý trên thế giới có xuất xứ từ đảo quốc này nhiều không kể xiết, trong đó phần lớn là đá quý Sapphire có màu xanh lam. Tương truyền, những ai có thể sở hữu đá quý, người đó như có cả thế giới. Đá Sapphire được xem là vật hộ mệnh có thể mang đến sự bình an, may mắn cho chủ nhân. Cũng vì lẽ đó mà hầu hết phụ nữ trên thế giới đều khao khát được sở hữu những viên đá Sapphire lấp lánh.
Nhẫn đính hôn sapphire nạm kim cương màu xanh của của công nương nước Anh Kate Middleton
Phần lớn các báu vật của đất nước Sri Lanka đều được khảm đá quý, đặc biệt là những vật dụng của nhà vua.
Ông Marco Polo – nhà thám hiểm người Châu Âu ở thế kỷ 14 đã từng có những ghi chép về một viên đá quý lớn cỡ bàn tay người được tìm thấy ở Sir Lanka. Điều này cho thấy, từ xa xưa , đảo quốc này đã được biết đến là xứ sở của đá quý.
Saphire là niềm mơ ước của tất cả phụ nữ trên thế giới
“Trái tim của đại dương” là tên của viên đá quý rất lớn gắn trên sợi dây chuyền mà vị hôn phu đã tặng cho nàng Rose trên chuyến tàu Titanic định mệnh vào năm 1912. Tương truyền, đó là viên đá quý có nguồn gốc từ Sri Lanka.
Những viên đá đẹp không chỉ có độ sáng bóng óng ánh, trong suốt mà màu xanh của chúng cũng không được quá đậm hay quá nhạt. Người ta gọi màu xanh của những viên đá sapphire loại 1 là màu hoa trúc mai xanh. Trúc mai xanh – quốc hoa của nước Đức – là loài hoa có màu xanh lam rất ấn tượng. Do trữ lượng ít dần cùng việc khai thác quá mức trước đây nên hơn 10 năm nay, người ta hiếm khi tìm được những viên sapphire màu hoa trúc mai xanh loại 1 nữa.
Viên đá sapphire loại 2 có màu xanh rất đậm. Giới hoàng gia rất thích những viên đá có màu xanh thế này! Màu xanh đậm này được gọi là màu xanh hoàng gia. Nó đậm màu hơn một chút so với viên đá màu hoa trúc mai xanh.
Viên đá sapphire thuộc loại 3 có màu xanh được gọi là màu xanh Australia.
Sri Lanka là đất nước có rất nhiều thương gia thích sưu tầm đá quý. Đối với họ, những viên đá lấp lánh này không chỉ là tài sản mà còn được xem là báu vật có thể giúp họ thư giãn khi mệt mỏi. Những lúc rảnh rỗi hay bị căng thẳng, họ thường mang đá quý ra thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của chúng.
Khai thác đá quý là một trong những ngành kinh tế then chốt của đảo quốc Sri Lanka. Ngành khai thác đá quý ở Sri Lanka đến nay đã có khoảng 3.000 năm lịch sử. Ban đầu, người ta vô tình tìm thấy đá quý ở các dòng sông, đồng ruộng. Về sau, việc tìm đá quý đã trở thành nghề mưu sinh của không ít người ở đất nước được mệnh danh là “hòn ngọc trên Ấn Độ Dương” này.
Đến với đất nước Sri Lanka, du khách không chỉ muốn ngắm những viên đá quý, hay những món đồ được khảm đá quý thật đẹp mà còn muốn biết việc khai thác của các công nhân đã vất vả, khó khăn đến mức nào mới có thể tìm ra những sản vật đó. Ratnapura – một thành phố nhỏ nằm ở miền Trung Sri Lanka là nơi có rất nhiều khu khai thác đá quý nằm hẻo lánh trong rừng núi.
Một công nhân khai thác đá saphire leo xuống giếng khai thác đá
Thật khó có thể hình dung rằng, những viên đá lấp lánh có giá lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu đô la Mỹ lại được tìm thấy từ những khu khai thác đơn sơ, hẻo lánh. Đầu tiên người ta đào một cái giếng có diện tích khoảng 1 – 2 mét vuông, sâu đến lớp đá sỏi rồi đưa máy móc xuống để khoan lấy đất đá xung quanh. Các công nhân ở đây làm việc rất vất vả. Họ phải thường xuyên đối mặt với bùn đất và tiếng ồn. Mỗi ngày các công nhân khai thác đá đều làm việc cực nhọc như thế nhưng không phải ngày nào cũng có đá quý. Đôi khi họ miệt mài làm việc đến mấy tháng liền nhưng chỉ tìm được 1 viên đá quý nhỏ, thậm chí là không có viên đá quý nào.
Phải có sự may mắn mới có thể tìm thấy những viên đá có giá trị
Ratnapura là thành phố nhỏ được bao bọc bởi núi rừng bạt ngàn cùng những dòng sông uốn lượn. Với địa hình như thế, thành phố này được ví như một viên ngọc của Sri Lanka. Đây là nơi có lượng đá quý được tìm thấy nhiều nhất nước. Không những thế, Ratnapura còn là 1 trong 3 khu vực có sản lượng đá quý cao nhất Châu Á.
Mỗi ngày, các công nhân ở đây phải làm việc trên 10 tiếng đồng hồ. Người dân địa phương cho biết, có người làm việc suốt mấy năm trời nhưng vẫn chưa một lần tìm được đá quý. Nhưng cũng có người chỉ mới làm việc 1 – 2 tuần lễ đã có thể tìm được những viên đá có giá hàng chục ngàn đô la Mỹ. Xem ra, đây là công việc rất cần sự may mắn.
Đá saphire phải được đưa đến các trung tâm đá quý kiểm tra và thẩm định chất lượng
Để có được những sản phẩm đá quý có màu sắc đẹp, sáng bóng, óng ánh, người ta phải mang đá xử lý qua nhiều công đoạn như cắt gọt, mài giũa, nung nhiệt…Sau đó, chúng được đưa đến các trung tâm đá quý để kiểm tra và thẩm định chất lượng. Được đánh giá cao là những viên đá có độ chiếu sáng cao, trong suốt không chứa bất kỳ tạp chất nào. Khu khai thác nào thu hoạch được những viên đá như thế thì ông chủ nơi đó sẽ trở nên giàu có. Trên đất nước Sri Lanka hiện có khoảng 40 khu khai thác đá quý với khoảng 150 ngàn công nhân.
Gia Nữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét