Cung điện Quốc hội, Romania
Tuy là cơ quan hành chính dân sự lớn nhất, xây dựng tốn kém nhất, quy mô nhất song Cung điện Quốc hội ở Romania thực sự là một kỳ quan kiến trúc được rất ít người biết đến. “Tòa nhà này to đến mức rất khó để có thể chụp ảnh được toàn bộ ngôi nhà”, ông Jann Hoke, một luật sư từng làm việc trong tòa nhà này trong những năm giữa thập niên 1990s, cho hay.
Được xây dựng từ năm 1984, tòa nhà này có 12 tầng và thêm 8 tầng hầm dưới đất, 3.100 phòng rộng tới 330 nghìn m2. Tổng số vốn đầu tư xây dựng tòa nhà này lên ở mức con số không tưởng là 3,3 tỉ euro. Và để có quỹ đất xây tòa nhà Cung điện Quốc hội này, 1/5 đất trung tâm thành phố Bucharest đã bị giải tỏa, trong đó bao gồm rất nhiều công trình lịch sử như hơn 30 nhà thờ và giáo đường Do Thái cùng khoảng 30 nghìn nhà dân.
Nhà thờ Hồi giáo Djenne, Mali
Được xây dựng từ năm 1907, Nhà thờ Hồi giáo Djenne là một trong những kiến trúc xây bằng bùn lớn nhất thế giới. Toàn bộ công trình này được làm bằng gạch đất phơi nắng, cát, vữa làm từ bùn và thạch cao. Công trình này được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của lối kiến trúc Sudano-Sahelian và được công nhận là Di sản Thế giới Unesco vào năm 1988.
Pháo đài Derawar, Pakistan
Một pháo đài với tỉ lệ xây dựng hoành tráng là 40 thành lũy mọc lên từ sa mạc tạo thành một khối pháo đài hình vuông vững chãi. Tổng cộng, các bức tường của pháo đài Derawar kéo dài khoảng 1500m đường chu vi và cao 30m. “Đó là một công trình tráng lệ ở giữa sa mạc Cholistan. Thế nhưng rất nhiều người, trong đó có cả người Pakistan, không hề biết gì về nó” – anh Faisal Khan cho hay.
Lý do pháo đài này bị “lãng quên” là bởi đường đi tới nó vô cùng gian nan. Các lữ khách phải thuê hướng dẫn viên du lịch, đồng thời phải thuê xe ô tô chạy cả ngày từ thành phố Bahawalpur,Pakistan xuyên qua sa mạc Cholistan để tới pháo đài. Và để được vào bên trong pháo đài, họ phải xin được giấy phép đặc biệt từ chính quyền Tiểu vương Arab hoặc lãnh đạo địa phương.
Chand Baori, Ấn Độ
Đây là một trong những địa danh đáng xem nhất ở Ấn Độ. Chand Baori ở Rajasthan là một công trình kiến trúc giếng bậc thang kỳ thú, sâu 13 tầng với các bức tường chạy theo các bậc thang đôi dài chừng 30m, chạy thẳng tới đáy giếng – nơi có một hồ nước màu xanh lục bảo. “Những bậc cầu thang xoáy tạo nên một lối đi sâu xuống lòng đất dường như không bao giờ dứt” – lữ khách Vipul Yadav cho hay. Với 3500 bậc thang, Chand Baori không hổ danh là “một trong những giếng bậc thang sâu và lớn nhất thế giới”.
Stari Most, Bosnia – Herzengovina
“Cây cầu cũ, hay còn gọi là Stari Most như những người dân địa phương thường gọi, được xây bằng 456 khối đá địa phương vào năm 1566 bởi kiến trúc sư người Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ Mimar Hajrudin. Nó là con tim của thành phố chúng tôi suốt 427 năm qua” – anh Haris Custo, người dân địa phương, cho hay. Cây cầu được đặt ngay trong thành phố Mostar, bắc qua con sông Neretva. Cây cầu rộng 4m, dài 30m và cao 24m này là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất nước và là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất cho nền kiến trúc Hồi giáo ở Balkan.
Vạn lý trường thành của Ấn Độ
Vạn lý trường thành của Ấn Độ, hay còn được gọi là Kumbhalgarh, là bức tường thành lớn thứ hai thế giới, sau Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Được đặt tại Rajasthan, bức tường thành này dày tới 4,5m, chạy dài 36 km và có 7 cổng thành. Ông vua Rana Kumbha đã cho lệnh xây bức tường thành này vào năm 1443 để bảo vệ pháo đài của ông, vốn được đặt ở một ngọn đồi trên cao.
Bức tường thành được mở rộng vào thế kỷ 19 và hiện nay bao vệ hơn 360 ngôi đền được đặt bên sau bức tường thành. Tuy hoành tráng như vậy nhưng Vạn lý trường thành của Ấn Độ vẫn còn là một ẩn số đối với công chúng thế giới.
Nhà thờ Sheikh Lotfollah, Iran
Nhà thờ Sheikh Lotfollah được mô tả như một kiệt tác kiến trúc của nền kiến trúc Safavid Iran. Được đặt ở Quảng trường Naghsh-I Jahan ở thành phố Isfahan, nhà thờ có vẻ ngoài lộng lẫy này được xây dựng từ năm 1603 và 1619, dưới thời trị vì của vua Shah Abbas I. Nhà thờ được đặt tên theo tên của bố vợ nhà vua, ông Sheikh Lotfollah, một học giả Hồi giáo đáng kính người Lebanon. Nhà thờ này khác biệt ở chỗ là không hề có tháp hay sân trong chung. “Có lẽ nhà thờ này chưa bao giờ được xây dựng với mục đích phục vụ cộng đồng, mà là nơi cầu nguyện dành cho những người phụ nữ sống trong hậu cung” – Khatam cho biết.
Hà Anh
(Theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét