Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Dâu tây Nhật Bản

Vị ngọt thanh, hương thơm hấp dẫn, căng tròn mọng nước, đó là những đặc điểm nổi bật của quả dâu tây Nhật Bản. Dâu tây là loại trái cây được cả người lớn tuổi và trẻ nhỏ ở xứ hoa anh đào ưa thích nhất. Người Nhật không chỉ sử dụng dâu tây làm hoa quả tươi mà còn làm nguyên liệu chế biến bánh ngọt hoặc mứt.
Du nhập vào Nhật Bản từ giữa thế kỷ 19 nhưng đến năm 1900, dâu tây mới bắt đầu được trồng ở quốc gia châu Á này. Hiện nay, mỗi năm, Nhật Bản sản xuất khoảng 170.000 tấn dâu tây với giá trị thị trường lên đến 150 tỷ yên, tương đương 31.000 tỷ đồng Việt Nam.
Mỗi tỉnh trồng 1 giống dâu tây khác nhau, điều này vừa giúp tạo sự đa dạng trên thị trường nội địa vừa tăng tính đặc thù cho sản phẩm của từng địa phương. Dâu tây được trồng trên khắp nước Nhật, từ tỉnh Hokkaido ở miền Bắc đến tỉnh Okinawa ở miền Nam. Nhờ sự phân bố khu vực canh tác trải dài này nên những quả dâu tây chín mọng có mặt ở các kệ hàng của siêu thị suốt năm.
Hầu hết các loại dâu tây Nhật Bản đều ngọt, song hàm lượng đường có khác nhau. Kích thước trái dâu cũng không đồng đều, có giống dâu trái lớn, có giống cho trái nhỏ. Dâu tây Nhật Bản có nhiều loại, tùy vào giống dâu mà hình dáng trái khác nhau. Ví dụ như dâu tây trắng là món quà được ưa chuộng trong lễ cưới hoặc sinh nhật.
Dâu tây trắng được người Nhật ưa chuộng làm quà sinh nhật hay quà tặng
Dâu tây xuất xứ từ 2 tỉnh Tochigi và Fukuoka nổi tiếng với chất lượng hảo hạng. Tochigi là địa phương trồng dâu tây số 1 ở Nhật Bản và được mệnh danh là vương quốc dâu tây. Ở đây có loại dâu ngon nhất nước Nhật, tên của nó là Tochiotome. Dâu Tochiotome khi chín có màu đỏ tươi, trái thon dài, hương thơm và vị ngọt đậm đà. Mỗi trái dâu nặng khoảng 15 gram. Loại dâu này có thể bảo quản dài ngày trong điều kiện nhiệt độ thích hợp.
Tochigi và Fukuoka (đánh dấu màu đỏ) là 2 tỉnh trồng dâu nổi tiếng ở Nhật
Dâu Tochiotome khi chín có màu đỏ tươi và trái thon dài
Tỉnh Fukuoka đứng hàng thứ 2 trong danh sách xếp hạng các vùng trồng dâu tây ở Nhật. Dâu Amaou là đặc sản của địa phương này. Đây là giống dâu tây cho trái lớn, mỗi trái dâu chín có trọng lượng từ 20 đến 30 gram. Trái dâu Amaou có hình dáng hơi tròn, hàm lượng đường cao. Loại dâu này là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của tỉnh Fukuoka.
Trái dâu Amaou có hình dáng hơi tròn, trái lớn
Bên cạnh giá trị kinh tế, dâu tây còn góp phần làm phong phú cho nền ẩm thực xứ sở hoa anh đào.
Nếu ở nước Anh, vào dịp lễ Giáng sinh, trên bàn ăn của các gia đình không thể thiếu món bánh Giáng sinh truyền thống thì tại Nhật Bản, bánh kem dâu tây là hình ảnh quen thuộc mà chúng ta có thể bắt gặp ở khắp nơi trong ngày này.
Bánh kem dâu tây rất được người Nhật ưa thích. Đó là sự kết hợp giữa bánh xốp, dâu tây nguyên trái và kem tươi đánh bông.
Ăn bánh kem dâu tây vào ngày Giáng sinh đã trở thành thói quen của mỗi gia đình người Nhật. Truyền thống này bắt nguồn từ những năm 1970. Do nhu cầu tăng mạnh vào dịp Giáng sinh, nên các trang trại trồng dâu tây trên khắp Nhật Bản luôn chuẩn bị khoảng 10.000 tấn trái dâu tươi để cung ứng cho thị trường nội địa những tháng cuối năm, đôi lúc, nguồn cung không đủ cầu, nước này phải nhập khẩu hàng ngàn tấn dâu tươi.
Trái dâu không chỉ được dùng làm nguyên liệu trong bánh kem, vốn có nguồn gốc từ phương Tây mà cả trong các loại bánh cổ truyền của người Nhật. Bánh ngọt Daifuku, có nghĩa là Đại phúc, được làm từ gạo nếp dẻo với phần nhân là đậu đỏ. Bánh Daifuku ra đời vào thế kỷ 18. Như một sự cách tân, người ta đã thêm dâu tây nguyên trái vào nhân bánh và gọi loại bánh mới này là bánh Daifuku dâu tây. Từ năm 1995, bánh dâu tây Đại phúc đã có mặt ở các cửa hàng bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản. Bánh có vị ngọt, thanh mát. Về màu sắc, khi cắt bánh làm đôi, màu đỏ của trái dâu tây nổi bật trên nền bột nếp trắng, trông giống như hình ảnh lá quốc kỳ của nước Nhật.
Bánh Daifuku nhân dâu tây
Dâu tây tuy không phải là trái cây bản xứ nhưng người Nhật đã biến nó thành loại quả nổi tiếng của đất nước mình. Thành công này là cả một quá trình lao động miệt mài của giới nghiên cứu và người nông dân.
Các giống dâu tây được trồng tại Nhật Bản hiện nay có nguồn gốc từ Bắc Mỹ và Chile. Cách đây hơn 200 năm, các thương nhân người Hà Lan đã mang giống dâu tây của châu Mỹ về lục địa già để canh tác.
Dâu tây không phải là loại trái cây bản xứ của Nhật
Trong quá trình giao thương, những quả dâu tây ra đời tại Hà Lan được đưa đến Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ 19. Cảng Nagasaki, cửa ngõ giao dịch sầm uất nhất lúc bấy giờ là nơi tiếp nhận các thùng dâu tây Hà Lan.
Trong suốt nửa cuối thế kỷ 19, dâu tây được xem là một loại trái cây nhập khẩu từ châu Âu, người ta không nghĩ đến việc trồng nó ngay tại nước Nhật.
Đến năm 1900, những chậu dâu tây đầu tiên cho trái bắt đầu xuất hiện ở quốc gia châu Á này. Chúng có tên là dâu tây Fukuba.
Giống dâu tây Fukuba được gọi theo tên của người tạo ra nó, nhà nghiên cứu nông nghiệp Hayato Fukuba. Ông từng là người đứng đầu Vườn Quốc gia Shinjuku Gyoen, nơi trồng và nhân giống các loại hoa quý cũng như cây ăn trái trong nước lẫn du nhập từ châu Âu. Giống dâu tây đầu tiên của Nhật Bản được ông cho ra đời tại đây.
Cây dâu tây không chịu nổi thời tiết quá lạnh. Chúng không thể phát triển ở ngoài trời vào mùa đông khắc nghiệt. Hiểu được đặc tính đó, năm 1890, Fukuba cho xây dựng một nhà kính kiên cố để phục vụ cho việc nghiên cứu tìm giống dâu tây phù hợp với thổ nhưỡng Nhật Bản.
Theo tài liệu mà ông Hayato Fukuba ghi chép lại, đầu tiên, nhà nông học này đặt mua hạt giống dâu tây từ Pháp, vốn có đặc tính chịu lạnh tốt vào mùa đông. Ông gieo hạt trong nhà kính.
Khi hạt phát triển thành cây con, ông Fukuba tuyển chọn những cây tốt nhất và trồng chúng. Sau một thời gian chăm sóc, các cây dâu tây bắt đầu ra hoa, kết trái.
Nhưng khi thu hoạch, ông Fukuba rất thất vọng bởi những trái dâu chín không có mùi thơm và vị ngọt như ông mong muốn. Ông vứt bỏ hết số dâu tây đã trồng. Không nản lòng, ông tiếp tục chương trình nghiên cứu của mình với quyết tâm tìm cho ra một giống dâu tây cho trái vừa thơm, ngon mà cây lại có khả năng chống chọi lạnh giỏi. Trải qua 80 lần thất bại kể từ khi dự án bắt đầu, cuối cùng thì giống dâu tây Fukuba ra đời.
Vườn quốc gia Shinjuku Gyoen những năm 1890
Sau thành công đó, giống dâu tây đầu tiên của Nhật Bản này bắt đầu được nhân giống tại Vườn quốc gia Shinjuku Gyoen nhằm phục vụ cho việc trồng đại trà. Mục tiêu của ông Fukuba là làm sao để quả dâu tây trở thành loại trái cây ngon, bổ dưỡng có mặt trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản.
Trồng dâu tây làm thực phẩm bắt đầu được phổ biến ở quốc gia châu Á này từ năm 1920. Từng là loại nông sản nhập khẩu, nhưng giờ đây dâu tây lại được nông dân Nhật Bản canh tác trên chính mảnh đất của họ.
Nhà kính đầu tiên được xây dựng để trồng dâu tây ở Nhật có chi phí rất cao
Để có được kết quả này, mọi việc không hẳn là hoàn toàn thuận lợi. Chi phí xây dựng nhà kính trồng dâu tây rất đắt, vượt quá khả năng của nhiều nông dân.
Giải pháp được đưa ra là trồng dâu tây trên các mô được làm từ đá cuội. Người ta xếp những khối đá có kích thước từ 10 đến 30 cm trên gò đất. Họ cấy cây giống vào những khoảnh đất nhỏ giữa các khối đá. Vào ban ngày, các khối đá này hấp thu nhiệt từ ánh nắng mặt trời, khi đêm đến, lượng nhiệt đó tỏa ra giúp giữ ấm cho cây dâu. Đây là kỹ thuật trồng dâu tây rất hiệu quả trong mùa lạnh mà chi phí lại rất thấp.
Cây dâu tây được trồng trên các mô đất đá cuội để giữ ấm
Bên cạnh việc trồng dâu tây trên mô đá cuội, người nông dân còn bỏ công bao từng trái dâu trong túi nilong lúc chúng vẫn còn ở trên cây. Những trái dâu vừa thu hoạch tiếp tục được đóng gói cẩn thận trước khi đưa ra thị trường. Đến năm 1960, quả dâu tây có mặt ở khắp các chợ và siêu thị tại Nhật Bản. Chúng trở thành loại trái cây được mọi người ưa thích.
Dâu tây có mặt ở khắp các chợ và siêu thị ở Nhật
Ngày nay, dâu tây là mặt hàng có giá bán khá cao ở các siêu thị tại Nhật Bản. Mỗi khay dâu tây bình thường từ 10 đến 12 trái có giá khoảng 500 yên, tức hơn 100 ngàn đồng Việt Nam.
Dâu tây hiện được trồng ở 39 trong tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản. Mỗi địa phương sở hữu những giống dâu đặc trưng của mình, theo thống kê có đến 229 giống dâu tây đang được canh tác.
Dâu tây có mặt khắp các siêu thị ở Nhật Bản
Ở Nhật, quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất nghiêm ngặt, mặt hàng dâu tây cũng tuân thủ chặt chẽ việc này. Trên mỗi thùng dâu đều ghi cụ thể đó là loại dâu gì và nơi trồng ra nó. Hầu như mỗi năm, người ta đều cho ra một giống dâu tây mới.
Trồng dâu tây rất vất vả, đòi hỏi nhiều công lao động để xử lý khối lượng lớn công việc từ lúc cây dâu non mới được đưa xuống đất đến lúc thu hoạch trái. Ước tính, trung bình mỗi luống dâu cần đến 2.000 đô-la Mỹ, tức hơn 40 triệu đồng Việt Nam chi phí cho nhân công chăm sóc và thu hoạch. Con số này cao gấp 70 lần so với trồng lúa. Đó cũng là lý do để người ta nghĩ đến việc cơ giới hóa ở các nông trại trồng dâu.
Robot hái dâu làm được thử nghiệm và cho hiệu quả tốt
Với mục tiêu này, các nhà khoa học đã phát triển một loại robot hái dâu. Robot có thể đảm nhận 2/3 khối lượng công việc thu hoạch dâu cho người nông dân.
Khi hoạt động, robot sẽ di chuyển chầm chậm trên đường ray dọc theo bên dưới 2 luống dâu trong nhà kính. Robot sử dụng camera để xác định quả dâu chín trước khi đưa cánh tay ra hái và cho vào khay đựng. Nó chỉ thu hoạch những trái dâu đã đạt đến độ đỏ trên 80%.
Robot hai dâu có thể thay thế sức người trong tương lai
Cánh tay robot được thiết kế đặc biệt giúp nó có thể vừa cắt cuống dâu khỏi cành vừa nâng đỡ trái dâu và thả vào khay mà không gây trầy xước.
Robot có thể hái xong 1 trái dâu trong vòng 9 giây. Với tốc độ này thì hiệu suất lao động của nó không tệ chút nào. Hiện tại, robot hái dâu đang tiếp tục được cải tiến trước khi chính thức có mặt trên thị trường vào năm 2014. Nhà sản xuất cam kết robot có thể thu hoạch phần lớn số dâu tây trong đêm, khi người trồng dâu đang ngủ. Và trong tương lai, chúng sẽ hoàn toàn đảm nhận công việc này.
Thanh Tâm


Không có nhận xét nào: