Cùng với Tết Trung thu, Tết âm lịch là ngày lễ lớn nhất của người Hàn Quốc. Trong dịp này, người Hàn tiến hành nhiều phong tục truyền thống để tưởng nhớ ông cha.
Giống với Việt Nam, người Hàn Quốc cũng làm lễ cúng tổ tiên vào ngày lễ Tết. Ngày 1 tháng 1 âm lịch, ngày đầu tiên của năm, con cái trong nhà thường tụ họp lại tại nhà trưởng nam trong gia đình để cúng bái tổ tiên vào buổi sáng sớm.
Theo phong tục truyền thống của người Hàn Quốc, mâm cỗ cúng ngày đầu năm được bày xếp rất thịnh soạn. Mâm lễ cúng tổ tiên thường được được chia làm 5 hàng, xếp phía dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới, với khoảng hơn 20 món ăn gồm canh bánh gạo nếp tteokkuk, rượu, bánh tteok truyền thống, cá, các loại bánh rau chiên đa dạng, cùng hoa quả. Trong các loại hoa quả, người Hàn Quốc tin rằng đào có thể xua đuổi các linh hồn nên không sử dụng quả đào làm đồ cúng tổ tiên và cũng không trồng đào ở trong nhà.
Một số điểm đáng lưu ý đó là mâm cúng của người Hàn Quốc không dùng hạt tiêu hay tỏi. Bởi lý do này món kim chi xuất hiện 365 ngày trên mâm cơm cũng không được bày lên mâm cúng, tuy nhiên ở một số địa phương, người ta thay vào đó là món kim chi trắng. Các món cá có mùi vị kém ngon như cá đối, cá thu, cả mỏ dài, cá kiếm… cũng không dược cùng làm đồ cúng.
Mâm lễ cúng ngày Tết của người Hàn Quốc
Giống như Việt Nam, nghi thức cúng lễ tổ tiên vào ngày Tết cũng là thể hiện sự sùng bái, báo đáp công ơn của tổ tiên. Sau lễ cúng, vái lạy tổ tiên, mọi người trong gia đình cùng chia nhau ăn mâm cỗ cúng và tin rằng đó là “lộc” “phúc” do tổ tiên ban cho.
Tteokkuk – món canh bánh gạo nếp truyền thống vào dịp Tết âm lịch
Sau nghi thức thờ cúng tổ tiên là nghi thức Sebae, có nghĩa là “vái lạy”, một nghi thức truyền thống khác trong ngày lễ ở Hàn Quốc. Vái lạy cũng như là một lời chào đầu năm mới của con cháu dâng lên bậc ông bà, cha mẹ, những bậc bề trên trong họ hàng, kèm theo đó là những lời chúc phúc và mừng thọ. Để đáp lại, người lớn tuổi trong nhà sẽ tặng những chiếc túi “phúc” mừng tuổi và chúc lại những điều tốt đẹp cho con cháu.
Tục lệ “sebae” của người Hàn Quốc
Nếu như ngày Tết, người Việt thường hái những cành lộc treo trong nhà thì người Hàn lại đặt chiếc “xẻng lộc” ngay trước cổng nhà với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa đồng nghĩa với việc nhận được phúc lộc quanh năm. Hình ảnh chiếc xẻng bằng rơm (bok-jo-ri) được treo ngoài cửa là hình ảnh quen thuộc vào mỗi dịp Tết. Nhiều năm trước, sáng mùng 1 vẫn thường có những người bán rong – được gọi là người đem lại sự may mắn rao bán những chiếc bok-jo-ri này. Ai gọi được người bán hàng rong “Bok jo ri” vào nhà càng sớm thì sẽ được nhiều lộc.
Những chiếc bok-jo-ri chứa đầy phúc lộc
Bok-jo-ri được treo trước cửa ra vào hoặc bên ngoài nhà.
Ngày Tết, những người trong gia đình thường quây tụ lại một nơi(thường là nhà trưởng nam) để cùng nhau vui vẻ với những trò chơi dân gian truyền thống. Một trong những trò chơi đó chính là Yut nori quen thuộc.
Yut nori, trò chơi dân gian ngày Tết.
Để chơi Yut nori, người chơi di chuyển quân của mình theo kết quả tung 4 thanh Yut, cứ thế cho đến khi về đích. Đầu tiên, người chơi sẽ tung 4 thanh Yut làm bằng gỗ. Nếu kết quả có một thanh ngửa mặt phẳng lên trên thì gọi là “do”, hai thanh là “gae”, 3 thanh là “geol” còn 4 thanh là “yut”. Nếu cả 4 thanh ngửa mặt hình bán nguyệt lên trên thì gọi là “mo”. Nếu tung được vào “yut” hoặc “mo” sẽ được thêm một lượt đi. “Do”, “gae”, “geol”, “yut” và “mo” lần lượt tượng trưng cho 5 loài vật là lợn, chó, dê, bò và ngựa.
Điểm chung của những trò chơi dân gian này là đều rất thu hút khách du lịch và người nước ngoài sống tại Hàn Quốc
Ngoài Yut nori, các trò chơi dân gian tiêu biểu ngày Tết Hàn Quốc còn có trò đá cầu, thả diều, nhảy bập bênh… Để duy trì tục lệ truyền thống cùng những trò chơi dân gian lâu đời, tại các thành phố lớn như Seoul, Busan hay những khu làng dân tộc đều tổ chức nhiều hoạt động đa dạng như trải nghiệm lễ cúng tổ tiên, nghi thức sebae, mặc hanbok, chơi các trò chơi dân gian... mang đậm không khí lễ hội Tết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét