Nằm bên bờ biển Đại Tây Dương, phía Tây Bắc của Vương quốc Morocco, thủ đô Rabat là kết tinh của sự trao đổi giữa văn hóa truyền thống của người Ả-rập và văn hóa phương Tây. Rabat được chia ra làm 2 phần gồm khu phố cổ và khu phố hiện đại
Phố cổ có tên gọi Medina theo ngôn ngữ của người dân địa phương. Khu phố này do những người Ả-rập di cư từ Tây Ban Nha xây dựng vào thế kỷ 17.
Một trong những tuyến đường quan trọng của khu phố cổ Medina là đường Souika. Đường phố thật nhộn nhịp, mọi người chen chân nhau dạo phố và mua sắm. Đây là cảnh tượng quen thuộc hàng ngày ở Medina, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần khi người dân địa phương có nhiều thời gian rảnh. Con đường có bề ngang chỉ khoảng 3 mét. Hai bên đường là những gian hàng san sát nhau, bày bán đủ loại hàng hóa.
Tuyến đường Souika được ví như trái tim của phố cổ Medina, mỗi ngày nơi đây tấp nập người qua lại, tiếng rao bán, mặc cả diễn ra không ngớt.
Đối diện với phố cổ Medina mang đậm phong cách Ả-rập là khu đô thị mới có các kiến trúc theo kiểu phương Tây. Đó là khu phố hiện đại của Rabat. Hai khu đô thị tương phản này chỉ nằm cách nhau 1 con đường lớn.
Khu phố hiện đại của Rabat được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 20. Các kiến trúc sư người Pháp đã quy hoạch đô thị và thiết kế những tòa nhà ở đây.
Đại lộ Muhammed Đệ ngũ kéo dài ở khu vực trung tâm thành phố. Hai bên đường là 2 hàng cọ cao sừng sững. Không giống những đô thị khác ở châu Phi, tại Rabat, màu xanh của cây cỏ ngự trị khắp nơi. Có cả những vòi phun nước giúp mang lại cảm giác mát dịu cho cảnh vật xung quanh.
Rabat là minh chứng cho sự thành công trong việc quy hoạch và xây dựng thành phố kiểu phương Tây kết hợp với các giá trị kiến trúc truyền thống của người Ả-rập và Hồi giáo. Việc vừa phát triển vừa bảo tồn này đã giúp Rabat được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới vào tháng 7/2012.
Khu đô thị mới của Rabat bắt đầu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc từ năm 1912 đến những năm 1930. Các công trình bao gồm khu vực hành chính và khu dành cho hoàng gia, khu dân cư và khu phát triển thương mại, công viên và các thảm thực vật. Tuy mang lối kiến trúc châu Âu nhưng khi nhìn kỹ, một số ngôi nhà trong dãy phố này lại được trang trí hoa văn đặc thù của người Ả-rập. Sự đan xen giữa hiện đại và truyền thống này là điểm nhấn của Rabat, tạo nên giá trị cho các công trình kiến trúc của thành phố.
Khu đô thị mới của Rabat là một trong những dự án đô thị qui mô nhất ở châu Phi trong thế kỷ 20.
Morocco nổi tiếng với các sản phẩm dệt. Với cách làm thủ công, sản phẩm mà những người thợ dệt Morocco làm ra rất giới hạn, nhưng đổi lại, chúng được du khách nước ngoài ưa chuộng, vì vậy giá khá cao.
Loại đèn lồng truyền thống của Morocco được làm hoàn toàn bằng kim loại, đôi khi có gắn thêm kính. Để duy trì và phát triển dòng sản phẩm thủ công lâu đời này, những người thợ ở Morocco đã có nhiều cải tiến mẫu mã để hấp dẫn khách hàng.
Đèn lồng truyền thống của Morocco được đánh giá cao ở kỹ thuật chế tác của người thợ. Từ 1 tấm kim loại mỏng đơn điệu, qua bàn tay của người thợ, chúng đang dần trở thành tác phẩm nghệ thuật tinh xảo.
Khu phố cổ Medina của thủ đô Rabat, Vương quốc Morocco có lịch sử tồn tại từ thế kỷ 17. Đến nay, khu phố này vẫn không hề bị quá trình hiện đại hóa lấy mất đi diện mạo vốn có của nó. Tại các khu chợ ở Medina, khách hàng dễ dàng tìm thấy những mặt hàng truyền thống của người Ả-rập, nhiều thứ trong số đó là sản vật nổi tiếng của Morocco.
Chất đặc sệt có màu xanh nhạt hoặc nâu đen là một loại xà phòng rất được phụ nữ Morocco ưa chuộng. Tuy màu sắc của chúng không bắt mắt vì được chế biến bằng thủ công nhưng chúng lại được xem là mỹ phẩm vàng của Morocco.
Dầu argan được mệnh danh là mỹ phẩm vàng của Morocco
Nguyên liệu để làm loại xà phòng đặc quánh này là một thứ thảo mộc địa phương rất quen thuộc của người Morocco và gần đây, nó cũng được biết đến nhiều trong ngành mỹ phẩm thế giới. Đó là hạt argan. Loại dầu argan được cho là rất tốt cho sức khỏe và cũng rất công dụng trong việc làm đẹp.
Dầu argan được bán phổ biến tại các chợ của khu phố cổ Medina. Từ xa xưa, phụ nữ Morocco đã biết sử dụng loại dầu thực vật này để chăm sóc da, tóc và chế biến món ăn. Tại các cửa hàng mỹ phẩm, dầu argan là mặt hàng cao cấp dành để bán cho khách du lịch nước ngoài.
Trước đây, dầu argan chỉ được bán tại Morocco, nhưng kể từ năm 2001, nó được xuất khẩu sang châu Âu, Bắc Mỹ và được mệnh danh là vàng trắng của Morocco bởi giá trị và công dụng tuyệt vời của nó.
Argan là một loại cây đặc hữu, phát triển mạnh ở miền Tây Nam của Morocco. Cây trưởng thành cao từ 8 -10 mét, chúng có tuổi thọ từ 150 – 200 năm. Cây argan chịu hạn rất tốt, hệ thống rễ của chúng ăn sâu vào lòng đất giúp bảo vệ đất khỏi xói mòn.
Lũ dê trèo lên cây argan ăn lá
Vùng Sous là nơi sản xuất dầu argan danh tiếng của Morocco. Lá argan là nguồn thức ăn ưa thích của lũ dê. Chúng leo lên cành và ngọn cây argan để ăn lá cây. Cảnh tượng này luôn thu hút du khách khi đến Morocco.
Trái argan có màu xanh, khi chín nó chuyển sang màu đen. Phải mất đến 1 năm trái argan mới chín. Hạt argan chứa hàm lượng dầu rất cao. Trước đây, việc trích dầu từ nhân của hạt argan được cư dân địa phương làm theo cách thủ công truyền thống. Tuy nhiên, cách nay khoảng 10 năm, khi dầu argan bắt đầu được xuất khẩu, người ta đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Dầu argan nổi tiếng về độ tinh khiết, trong dầu chứa hàm lượng cao các axit béo thiết yếu và phenols có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa.
Trái argan có màu xanh…
..nhưng khi chín chuyển sang màu đen
Dầu argan là nguồn tài nguyên quý của Morocco, ngoài công dụng làm đẹp, nó còn rất hiệu quả trong việc giảm lượng cholesterol xấu, giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch nếu được sử dụng thường xuyên. Dầu argan không chỉ giúp người sử dụng có được làn da đẹp, mái tóc bóng mượt hay 1 cơ thể khỏe mạnh mà còn từng bước làm thay đổi cuộc sống nghèo khó của người dân Sous.
Phụ nữ Morocco lấy hạt argan bằng phương pháp thủ công
Tajine là một món hầm từ thịt hoặc cá truyền thống nổi tiếng của Morocco. Bột ớt cựa gà, hành và bột nghệ tây là những loại gia vị không thể thiếu khi chế biến món tajine. Là món ăn dân tộc của người Morocco, nhưng tajine đã làm say lòng nhiều du khách nước ngoài.
Món Tajine
Thủ đô Rabat được công nhận là di sản văn hóa thế giới với nhiều công trình kiến trúc mang tính lịch sử, trong đó phải kể đến thành cổ Udayas. Thành cổ là một trong những công trình lâu đời nhất ở Rabat, được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16. Trong thành cổ Udayas hiện là các khu dân cư. Đường phố ở đây vẫn được người dân giữ nguyên hiện trạng như cách nay nhiều thế kỷ. Các con đường ngoằn ngoèo tựa mê cung. Đối với du khách, hệ thống đường xá ở Udayas là một thử thách về trí nhớ. Nhưng với trẻ con trong vùng thì đó là nơi tuyệt vời để chúng chơi trò trốn tìm. Bất chấp sự sôi động của cuộc sống hiện đại bên ngoài, nhịp sống yên bình vẫn trôi qua hàng ngày tại Udayas và khu phố cổ Medina. Các ngôi nhà ở Udayas đa phần đều nhỏ hẹp, 2 căn nhà sát vách sử dụng 1 bức tường chung.
Thành cổ Udayas và những con đường hẹp quanh co, ngoằn ngoèo
Ra đời vào thế kỷ 17, khu phố cổ Medina vẫn giữ nguyên dáng vẻ cổ kính. Trên đường phố trong các khu chợ ở Medina, mỗi ngày đều có rất đông người qua lại, trong đó khách du lịch nước ngoài cũng chen chân cùng dòng người bản xứ. Họ đến đây để cảm nhận về một thành phố Rabat xưa.
Và khi thoát ra khỏi không khí chợ búa hết sức bình dân ở Medina, băng qua bên kia đường, du khách lạc vào một đô thị hiện đại mang phong cách phương Tây được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Đó là hai mặt của thành phố Rabat, với một bên là phố cổ và một bên là đô thị mới. Sự tương phản này không khiến cho Rabat trở nên đối nghịch mà ngược lại nó thể hiện sự hài hòa giữa quá khứ và hiện tại trên thành phố này.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét