Chim đại bàng mào vàng (golden eagle) bay lượn trên vùng cao nguyên rộng lớn của Mông Cổ để tìm mồi. Chúng không phải là những con chim săn mồi hoang dã mà được con người huấn luyện để tìm mồi. Tộc người Kazakh sống ở Mông Cổ là những người rất giỏi trên lĩnh vực này. Truyền thống huấn luyện chim đại bàng săn thỏ hay cáo đã có từ rất lâu. Giờ, hoạt động này đã trở thành một lễ hội gắn liền với đời sống của họ. Trong lễ hội người ta còn tổ chức thi tài săn mồi giữa những con đại bàng.
Nằm cách thủ đô Ulan Batar của Mông cổ khoảng 1.600 km về phía tây là tỉnh Bayan-Olgii. Khu vực này có một vùng cao nguyên rộng lớn được dãy núi Altai bao quanh. Ngọn núi cao nhất có độ cao khoảng 4.000 mét. Tộc người Kazakh sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Họ sống bằng nghề chăn nuôi bò và cừu, duy trì các tập quán văn hóa lâu đời mà tổ tiên truyền lại. Đi săn với chim đại bàng mào vàng hay chim ó vàng được xem là nghề dành cho những người dũng cảm trong bộ tộc Kazakh và được duy trì theo kiểu cha truyền con nối. Mỗi dòng họ có các bí quyết và quy tắc riêng trong việc bắt, nuôi và huấn luyện chim ó vàng.
Ở Mông Cổ, người huấn luyện chim đại bàng được gọi là Berkutchy. Đó cũng chính là người đi săn với chúng. Đại bàng là “loài chim săn mồi”. Không giống như các loài chim khác thường ăn hạt, côn trùng, các loại quả… và bay trong khoảng cách ngắn, đại bàng săn mồi có thể bay rất xa để tìm con mồi. Chúng có thể dễ dàng bay ở tốc độ 32km/giờ mà không tốn nhiều sức lực.
Mỗi năm cứ vào những ngày đầu tháng 10, người Kazakh ở vùng Bayan Ulgii thường tổ chức ngày hội săn bắn. Đó là một sự kiện đầy màu sắc và ý nghĩa với sự tham gia của những tay thợ săn cự phách cùng với những chú đại bàng xuất sắc. Lễ hội diễn ra trong ba ngày với sự tham gia của 60 người huấn luyện đại bàng đến từ khắp nơi trong vùng. Vài người trong số đó phải vượt qua chặng đường dài 3 ngày trên lưng ngựa mới đến được nơi diễn ra lễ hội.
Vào ngày đầu tiên của lễ hội, mọi người kéo đến rất đông để theo dõi. Ngoài các cuộc thi săn với chim đại bàng, những người dân ở đây còn tham gia một trò chơi với tên gọi “Kekbar”. Theo đó, 2 đội sẽ cạnh tranh nhau để giành một tấm thảm da dê, đội chiến thắng sẽ cầm tấm da dê ném về phía đám đông, nếu gia đình nào bị ném trúng, họ phải tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ dành cho tất cả những người dự thi trong lễ hội. Bữa tiệc này cũng là cơ hội để những người tham gia cuộc thi chia sẻ kinh nghiệm cũng như kể cho nhau nghe những câu chuyện săn bắn thú vị.
Trong lễ hội này, cuộc thi bắt đầu bằng màn biểu diễn trang phục của những thợ săn và các phụ kiện mà họ mang theo bên mình. 45 điểm là số điểm cao nhất cho những Berkutchy có trang phục và phụ kiện đẹp.
Trong cuộc thi, điểm kỹ năng thuộc về tài nghệ săn mồi của những con đại bàng mà các Berkutchy mang theo. Đại bàng săn thường được thả từ trên vách đá, trong khi người huấn luyện đứng ở phía dưới dùng tay ra hiệu cho đại bàng của mình trong suốt quá trình săn mồi. Những con đại bàng bắt được mồi nhanh nhất và có kỹ thuật tốt nhất thường được cho điểm cao. Tất cả những con đại bàng được thả từ trên vách núi bao giờ cũng đáp vào đúng vị trí của chủ nhân chúng.
Tầm nhìn của đại bàng là một điểm đặc biệt đáng chú ý, có thể gấp 8 lần tầm nhìn của con người. Chúng có thể phát hiện ra con mồi như cáo hoặc thỏ khi ở cách xa hàng km. Người Kazakh thường nuôi chim đại bàng mái cho việc đi săn vì chúng dẻo dai và khéo léo hơn so với chim trống.
Người Kazakh rất coi trọng chim đại bàng, họ đối xử với chúng rất nhẹ nhàng, cẩn thận, bởi ở nơi này, chúng là “chiến binh” quan trọng giúp họ có thức ăn và da thú để may áo ấm.
Ngoài việc săn bắt ra thì đại bàng còn giúp người dân nơi đây trông coi những đàn gia súc. Ngựa khỏe và đại bàng dữ được coi là hai trợ thủ không thể thiếu của chiến binh Mông Cổ.
Đại bàng được xem là loài chim dũng mãnh nhất, là “chúa tể bầu trời”, chúng chỉ làm tổ trên những vách đá hay những nơi cheo leo trên vực sâu để đẻ trứng. Khi được con người thuần dưỡng, phong thái săn mồi đặc biệt cùng bộ móng vuốt sắc nhọn là hình ảnh ấn tượng nhất của loài chim này. Ngày nay, nghề đi săn bằng đại bàng không còn phổ biến ở các bộ lạc Mông Cổ. Truyền thống văn hoá đặc biệt này của người dân địa phương chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội, các chương trình du lịch.
Trong mỗi mùa lễ hội được tổ chức hàng năm ở Bayan Ulgii, truyền thống này được vực dậy nhằm truyền lại cho các thế hệ kế thừa. Điều đặc biệt là sau khi kết thúc mùa lễ hội, những chú đại bàng này được thả ngay về với thế giới tự nhiên hoang dã.
Hồng Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét