Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Những thắng cảnh kỳ lạ ở Bali

Bali không chỉ có biển khơi và cát trắng đắm say lòng người. Ở đó có những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của thiên nhiên và của con người sáng tạo ra.
Một trong những nơi có nhiều bãi biển nổi tiếng thế giới, Bali được biết đến với hàng cọ dài thẳng tắp, biển xanh cát trắng. Ngoài tắm nắng, lướt sóng và dạo chơi quanh bờ biển, du khách còn có nhiều thứ để xem và trải nghiệm ở Bali.
Viên ngọc quý của Indonesia luôn tự hào với nhiều món quà từ thiên nhiên và các kỳ quan do bàn tay con người tạo ra. Hãy thử tìm hiểu về 5 địa điểm đang hấp dẫn nhiều du khách ở Bali.
Ubud

Nằm tách biệt khỏi khu trung tâm của Bali, xa rời không khí tiệc tùng của Kuta – bãi biển nổi tiếng nhất đảo, Ubud được coi là trung tâm văn hóa của nơi này.
Đây là mái nhà của nhiều công trình kiến trúc đẹp và làng nghề nổi tiếng. Ubud được tạo thành bởi 14 ngôi làng, mỗi nơi lại được cai quản bởi ủy ban riêng.

Ubud là một nơi hoàn hảo để khám phá về văn hóa Bali. Bảo tàng Purl Lukisan của thị trấn trưng bày bộ sưu tập những tác phẩm nghệ thuật đã có từ rất lâu của người Bali. Bạn có thể mua được một bức “batik” (tranh truyền thống của Indonesia) trên phố ở Ubud.
Pura Besakih

Ngự trị trên núi Agung, Pura Besakih là ngôi đền lớn nhất và linh thiêng nhất ở Bali. Có rất nhiều ngôi đền để khám phá trên mảnh đất linh này nhưng không thể bỏ qua Pura Besakih, nơi được biết đến là “Đền Mẹ của Bali”. Hàng ngàn năm nay, ngôi đền là đại diện cho tấm lòng thành kính của người dân với các vị thần của đạo Hindu, thông qua khoảng 30 công trình kiến trúc lớn nhỏ được thiết kế rất công phu.

Miếu Trinity (thờ bộ ba thần Brahma, Shiva và Visnu) luôn được trang hoàng rực rỡ bằng nhiều loại hoa màu sắc. Quanh cảnh ấn tượng của ngôi đền trên nền núi đá vững chãi chính là lý do đủ để nhiều du khách mong muốn đến nơi đây.
Ruộng lúa bậc thang

Trong số tất cả các ruộng bậc thang trên thế giới, hệ thống ruộng với màu xanh mát như ngọc ở Bali được coi là đẹp nhất khi lên ảnh. Ruộng ở đây đã có từ khoảng 2000 năm trước. Ngày ấy, người nông dân đã sử dụng những công cụ bằng tay thô sơ để canh tác ở những dải đất trên sườn đồi từ đời này qua đời khác.

Có nhiều ruộng bậc thang khác trên khắp đất nước, ví dụ như ở vùng Ubund, Papuan, Tabanan và Jatiluwih. Tuy không được nổi tiếng như ruộng Banaue của Philippin, nhưng ruộng bậc thang của Bali cũng khá ấn tượng.
Tanah Lot
Tanah Lot – ngôi đền trên biển quan trọng nhất với người Bali, ngự trị trên đỉnh một khối đá khổng lồ, bốn bề là nước xanh thẳm. Được xây dựng bởi một thầy tu người Java, nơi này thể hiện lòng thành với những vị thần trấn giữ đại dương. Người dân ở đây tin rằng các loài rắn độc trú ngụ quanh khối đá là để bảo vệ nơi linh thiêng này khỏi những linh hồn ma quỷ.

Khách du lịch không thể vào được bên trong đền Tanah Lot, nhưng hoàn toàn có thể đứng từ những nơi quan sát gần đó để nhìn ngắm ngôi đền thơ mộng này khi chiều buông xuống. Khi thủy triều lên, khối đá lớn này bị tách rời ra khỏi hòn đảo chính, nhưng khi thủy triều xuống, bạn có thể đến gần với nó hơn một chút.
Batubulan

Được biết đến là trung tâm chế tác đá của Bali, làng Batubulan là một điểm đến khá nổi tiếng để khám phá nét văn hóa đa dạng của hòn đảo và những phong tục thú vị. Cách Batubulan khoảng 10km là thị trấn Denpasar, nổi tiếng với những pho tượng đá tinh vi và điệu múa Barong uyển chuyển.

Tên của ngôi làng có nghĩa là “Đá Mặt trăng” - ẩn dụ cho điều bạn sẽ tìm thấy ở nơi đây. Những người thợ thủ công lành nghề tạo ra nhiều bức phù điêu từ một loại đá núi lửa (paras). Chúng được bày bán dọc con phố chính của làng.
Các kiệt tác truyền thống này được dùng để trang trí cung điện, đền thờ và nhà ở của người Bali. Khách du lịch cũng có thể mua về làm kỉ niệm với giá phải chăng. Bạn còn có thể đặt dịch vụ mang những bức phù điêu về tận nhà mình.

Theo Huyền Trang
aFamily

(Toquoc)-Có rất nhiều điều thú vị, nhiều phong cảnh nên thơ trên đảo Bali đợi chờ sự khám phá của du khách. Một sớm ánh vàng thức dậy trên mặt biển Bali huyền ảo như bừng qua một giấc mơ.
Đó là một Bali ngoạn mục khi ngắm nhìn ánh bình minh trên núi. Đó là một Bali thơ mộng giữa bầu không khí trong lành bên mặt nước hồ tĩnh lặng. Đó là một Bali cổ kính với những ngôi đền mang kiến trúc độc đáo… Và tôi đã đến Bali. Đúng hơn là hai lần đến với Bali. Và lần thứ hai này từ Bali tôi lại được đi tiếp đến Yogyakarta
Người dân Bali sắm sửa đồ đi lễ đền chùa
Ngày bắt đầu của chuyến đi du lịch Bali là tới những ngôi đền. Ở Bali có hàng ngàn ngôi đền. Chỉ có tra trên sách sử, sách về địa lý, dân cư mới có thể cho ta con số tương đối chính xác về số đền mà thôi. Người ta trích ra rằng Bali có cả thảy 11.000 ngôi đền, nếu tính cả những điện thờ ở các gia đình thì có hơn 200.000.  Suốt dọc đường xe đi qua không thể đếm chỉ có thể nhìn ngắm say sưa các kiểu dáng đền thờ lớn nhỏ nối tiếp trong cuộc sống người dân.
Đền Pura Besakih được gọi là đền Mẹ, là ngôi đền cổ lớn nhất, quan trọng nhất với người dân Bali.
Các ngôi đền ở Bali thường xây theo một lối kiến trúc quen thuộc, gồm ba tầng tượng trưng cho ba thế giới: thế giới trần gian, thế giới tâm linh, và thế giới các thánh. Ở chính diện đền, khu trung tâm thường là ba toà tháp cao thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là thần sáng tạo (Brahma), thần bảo vệ (Vishnu) và thần huỷ diệt (Shiva). Đền thờ thần Shiva thường ở giữa, hai vị thần còn lại ở hai bên, biểu hiện sự thống nhất của ba quá trình tái tạo gồm sáng tạo, huỷ diệt và bảo vệ.
Các ngôi đền Bali thường chia làm hai nhóm chính: đền công và đền của gia đình, dòng họ. Đền công được mọi người trong cộng đồng đóng góp xây dựng và là nơi tôn thờ thần thánh, luôn mang dáng vẻ đồ sộ, nguy nga, thường đi liền với những yếu tố lịch sử như gắn liền với thời trị vì của một vị vua, hay những câu chuyện linh thiêng đã làm nên lý do để người dân đóng góp xây đền. Đền gia đình, dòng họ mang mục đích thờ cúng tổ tiên, được lưu giữ, phát triển dần từ đời nọ đến đời kia.Và khi nhìn vào kiến trúc của đền có thể đoán biết được sự giàu có, hưng vượng của dòng họ ấy thông qua số lượng những tòa tháp, đền thờ, diện tích và nét chạm trổ các chi tiết làm nên ngôi đền. 
đền Prambanan

Đến mỗi ngôi đền, nơi cổng ra vào, khách du lịch được người giữ đền phát chiếc xà rông truyền thống và khăn buộc. Nếu bạn mặc áo màu sẽ được đưa chiếc xà rông màu thích hợp. Việc mặc xà rông là sự bày tỏ lòng thành kính của khách lạ khi đến thăm viếng nơi tôn nghiêm ở chốn đền đài.
Dựa lưng vào núi lửa Agung là đền Besakih, được gọi là đền Mẹ, là ngôi đền cổ lớn nhất, quan trọng nhất với người dânBali. Hầu hết các ngôi đền ở Bali đều hướng về ngôi đền này. Mỗi ngày đều có hàng ngàn người đi hành hương ở ngôi đền này. Trước kia, các vị vua chúa cũng đi hành hương hàng năm ở đây. Đền Pura Besakih là một khu đền gồm 22 ngôi đền riêng lẻ, trải dài hơn 3km. Quang cảnh xung quanh đền rất đẹp và bình lặng. Khi núi lửa Gunung Agung phun vào năm 1963, đền Pura Besakih bị tàn phá nặng nề nhưng sau đó đền đã được xây dựng lại.
Đi lên đường bậc thang chính giữa, dựng khá cao, cho ta cảm giác lâng lâng như lên đỉnh núi. Hai bên sắp đặt các pho tượng nhỏ với những hình dáng sinh động. Để ý một thoáng thì thấy những người dân Bali đến cúng nơi đền mẫu thường đi lối bên cạnh, men theo bờ tường ngăn cách giữa đền và khu vực dân cư. Lễ vật được đội trên đầu, xách theo tay. Đáng chú ý là ai cũng mặc đẹp. Người đi lễ đông nhưng không cười nói ồn ào như người Việt mình đi đến nơi cúng bái linh thiêng. Sự trầm lặng của họ còn thể hiện ngay trong khi làm lễ. Lặng lẽ không bày biện.
Đền Pura Besakih
Mỗi tầng đền lại có cách sắp đặt, kiến trúc khác nhau. Trên nóc của các ngọn tháp lợp xơ dừa đen óng, cắt đều đến mượt. Khuất phía sau, tách sang phía phải của đền, đoàn chúng tôi men theo con đường nhỏ nhiều rêu, lấp nhiều cỏ lên một đền. Tại đây chúng tôi được làm lễ theo phong tục của người Indonesia – những hạt gạo ngâm trong nước dính lên trán, những bông hoa cho người thân, cho bạn, cho chính mình…với những ý nghĩa tốt lành cài lên tóc. Và tất nhiên có kèm theo tiền đặt lên lễ. Số tiền đã định và tôi hiểu đấy là việc làm thêm của người hành lễ.
Đền Gunung Kawi là ngôi đền gột rửa, nơi có dòng suối ngầm chảy từ trong núi đá, trong vắt, đọng lại thành hồ nước lớn để mọi người trong vùng đến gột rửa tội lỗi và những phiền muộn lo âu cuộc sống. Trong tầng hai của đền, những vòi nước được thiết kế phun ra từ các phù điêu phủ đầy rêu phong thời gian, được rào cẩn trọng vì nguồn nước này vừa chảy ra từ hang núi, tinh khiết nhất nên chỉ được dùng cho những nghi thức tôn giáo quan trọng, không dành cho người làng tắm rửa từ các vòi nước này.
Đền Gunung Kawi là ngôi đền gột rửa
Được xây dựng bởi một vị vua thuộc triều đại Saliendra, vinh danh đức Phật và vua Bodhisattva, ngôi đền Borobudur là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất thế giới. Người ta cho rằng Borobudur trong tiếng Sanskrit là “vihara Buddha uhr” có nghĩa là ngôi đền Phật giáo trên đồi. Ngôi đền nổi tiếng này ngự trị ở trung tâm Java, theo ghi chép lại có niên đại từ thế kỷ thứ 8, thứ 9. Công trình gồm 3 tầng riêng biệt: phần đế hình chóp với 5 khoảng sân vuông hướng tâm; phần than hình nón với 3 phần có cấu tạo dạng tròn; và phần đỉnh là 1 tòa bảo tháp hoành tráng. Các bức tường và lan can được trang trí phù điêu khá công phu, trải rộng trên diện tích 2500 m2. Xung quanh phần than tròn có 72 bảo tháp, khắc họa hình ảnh đức Phật.
Trong nhiều thế kỷ, Borobodur ẩn dưới lớp tro núi lửa. Ngôi đền này cho tới nay vẫn còn ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ. Đi trên dải cát trắng mịn vòng quanh ngôi đền, bỏ dép đi bộ một chút để đón nhận sự ấm nóng từ cát. Đây là cát được mang từ nơi có núi lửa đã tắt về đập và trải ra. Vì mệt tôi đi vòng quanh và ngắm những hình tượng được khắc quanh chân thành, ngắm những tượng ngồi dưới những mái vòm. Có tượng mất đầu. Có tượng mất tay. Có những khoảng trống không vòm không tượng. Ở Indonesia là vậy. Khi hỏi tại sao không tôn tạo, được biết họ muốn giữ nguyên những gì mà thời gian để lại. Việc tôn tại rất khó có thể làm nguyên hình dáng cổ và như vậy sẽ phá vỡ cảnh quan. Cái mới đã làm giảm vẻ tôn nghiêm, thiêng liêng của cái cũ. 
Ngôi đền Borobudur
Từ đảo Bali bay đến Yogyakarta ở Trung Java, chúng tôi đến thăm đền Prambanan của đạo Hindu. Được xây dựng trong triều Sanjaya ở thế kỷ 9. Khu vực trung tâm Đền Prambanan có ba ngôi đền chính theo đạo Hindu Trinity là “Vishnu” đối mặt về phía Bắc, “Shiva” thuộc trung tâm, và “Brahma” vào Nam. Đền Prambanan là nơi mà bất cứ du khách nào cũng muốn đến mỗi khi ghé thăm Indonesia.

Nhưng trải qua nhiều năm tháng, khu vực đền với hàng trăm tháp lớn nhỏ nay chỉ còn con số mười mấy. Khu đền bị cướp phá các phù điêu để mang về trang trí vườn tược, các đá tảng về làm vật liệu xây dựng. Thậm chí những khám phá của các nhà khảo cổ trong thập niên 1880 làm cho khu tượng bị mất mát thêm. Toàn bộ khu đền không thể phục chế vì quá nhiều tác phẩm bằng đá đã bị mất, đã bị dùng để xây dựng công trình khác. Thêm nữa, trận động đất lớn năm 2006 làm cho khu đền bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, du khách vẫn không khỏi sửng sốt trước vẻ đẹp tráng lệ của những ngôi tháp còn lại, của cả những nền móng của những tòa tháp vẫn chưa có thể phục dựng lại được. Trên nền đổ nát đó đa phần là những viên đá cũ. Có một số đá mới, được đánh dấu riêng dành để phục chế. Chiều xuống. Ánh chiều dọi qua ngọn tháp càng làm vẻ đẹp của khu đền thêm thâm u, trầm mặc.
Tôi thích vẻ đẹp đá lặng lẽ như đi sâu vào một cõi xa xưa của Borobodur, của Prambanan. Nếu có thể được trở lại Indonesia lần nữa để được đi tới tiếp những ngôi đền, những cảnh đẹp đầy quyến rũ. Chẳng bao giờ có thể quên bữa ăn trưa bên núi lửa, ngắm nhìn dấu vết cửa dòng nham thạch đã từng phun. Chẳng bao giờ quên ngày hội tưng bừng trên đường phố sinh động, hấp dẫn mang không khí trang trọng truyền thống của người dân từ nhiều nơi đổ về. Và đặc biệt vẻ đẹp, trang phục của các cô gái thật đằm thắm, đáng yêu. Hầu hết người dân vẫn trung thành với lối ăn mặc, lối sinh hoạt cùng phương thức ứng xử truyền thống, mang đậm bản sắc Indonesia.
Bùi Kim Anh

Không có nhận xét nào: