Mùa xuân thường được các đôi uyên ương chọn làm thời điểm tổ chức lễ cưới. Sự kiện trọng đại nhất đời người thường được tổ chức theo truyền thống văn hóa của mỗi nước. Chú rể người Do Thái phải giẫm nát những ly rượu vang trong ngày cưới, cô dâu Phần Lan phải mang theo áo gối và cùng một ông lão cầm theo cây dù đi đến nhà những người thân để nhận quà cưới…
Truyền thống mỗi nước rất đa dạng nhưng hiếm có nước nào so bì được với Ấn Độ khi từng vùng miền nước này có những tục lệ cưới hỏi rất lạ, nhờ bề dày truyền thống văn hóa hàng ngàn năm nay.
Ở Ấn Độ, đám cưới thường mang màu sắc tôn giáo.
|
Cũng như các dân tộc khác, đám cưới ở Ấn Độ mang ý nghĩa chung là báo tin vui cho 2 họ và phải trải qua những nghi thức tôn giáo để ngày này trở thành một ký ức trọng đại. Thông thường, cô dâu chú rể theo đạo Hindu (tôn giáo lớn nhất nước) sẽ đi quanh ánh sáng của Vệ Đà 7 lần để các nhà sư cầu nguyện. Đây là hình ảnh chính thống sẽ đưa lên phim ảnh nước này và cũng là nghi lễ duy nhất mà nhiều tôn giáo hay nền văn hóa khác của đất nước làm theo.
Trong đám cưới người Bengali, mẹ của cô dâu sẽ không dự lễ cưới. Tại ngày thành hôn, những phụ nữ đã có chồng của nhà gái sẽ dậy từ sớm và sắp xếp mâm lễ (aarti) gồm đồ ngọt, cành cây, trầm hương. Sau đó, họ sẽ thỉnh nước thánh từ sông Hằng để ban phước cho cô dâu trong cuộc sống tương lai.
Ở đám cưới người Bihari, sau khi về nhà chồng, cô dâu mới sẽ được mẹ chồng đặt nồi đất lên đầu cho đến khi ngã xuống vì nặng. Số nồi đất mà cô dâu có thể giữ được thăng bằng được tin là thể hiện chỉ số kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Các đôi uyên ương mới ở Sarsaul, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Kanpur, sẽ không được chào đón bằng hoa mà lại bị mọi người ném cà chua và khoai tây. Tập tục cổ xưa này có ý nghĩa rằng một cuộc sống gia đình nếu không bắt đầu quá hạnh phúc mới là đỉnh điểm của tình yêu.
Đám cưới bộ tộc Rabha ở Assam lại mang màu sắc rất gia trưởng. Ngày đầu tiên về nhà chồng, cô dâu phải nấu bữa ăn tối chỉ để phục vụ các thành viên nam trong gia đình chồng.
Đám cưới người Kumaoni khá rình rang. Một lá cờ trắng đại diện cho chú rể gọi là Nishan sẽ dẫn đầu đoàn nhà trai, theo sau là trống, kèn và kiệu màu trắng khiêng chú rể. Người đàn ông cuối cùng của đoàn người cầm lá cờ đỏ đại diện cho cô dâu. Quy trình này sẽ đảo ngược sau khi chú rể rước dâu, lá cờ đỏ sẽ đi đầu.
Thanh Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét