Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

“Ga cuối” quảng bá du lịch Nga


(Toquoc)–Trong tuần này, bộ phim “Ga cuối” nói về đại thi hào Nga nổi tiếng Lev Nikolayevich Tolstoy trong những năm cuối đời sẽ bắt đầu khởi chiếu. Bối cảnh phim chủ yếu ở Moscow và St Petersburg đã góp phần quảng bá cho ngành du lịch xứ sở bạch dương này.

Nếu bạn thích một không khí lãng mạn, tuyệt vời như trong tiểu thuyết của các nhà văn Nga, hãy đến Moscow nơi có quán Café Pushkin – tọa lạc ngay gần quảng trường Pushkin. Tại ngôi biệt thự cổ 200 năm tuổi này, bạn có thể ngồi nhâm nhi vài chén vodka, thưởng thức mấy miếng thịt hun khói và nhìn ngắm cảnh tuyết rơi ngoài hiên nhà.

 
Nhà  thờ St Isaacs ở St Petersburg là một trong bốn nhà thờ có mái vòm cao nhất thế giới
Khi bộ phim “Ga cuối” với hai ngôi sao tên tuổi Christopher Plummer và Helen Mirren thủ vai chính trình làng thì cũng là thời gian tuyệt vời để du khách bắt đầu chuyến đi thăm hai thành phố Moscow và St Petersburg. Chỉ cần năm ngày, du khách sẽ có một kiến thức sâu rộng hơn về hai nhà văn nổi tiếng Lev Nikolayevich Tolstoy và Boris Pasternak cũng như gia đình và các thế hệ con cháu của họ.
Ngoài ra, du khách còn có thể tận mắt nhìn ngắm phòng làm việc của nhà văn Tolstoy. Nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy (09.09.1828 – 20.11.1910) là một nhà văn lớn với rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng trong đó phải kể đến hai tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình, Nàng Anna Karennina. Hàng năm, có 30.000 lượt khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu về cuộc đời cũng như các tác phẩm của ông. Trong phòng làm việc của Lev Nikolayevich Tolstoy có chiếc đàn piano cánh với những cửa sổ cao vút, từ đây bạn có thể ngắm nhìn vườn cây anh đào hơn 100 tuổi – nơi đại thi hào Tolstoy làm sân trượt tuyết cho con ông vào mùa đông.
Điểm dừng chân kế tiếp là nhà ở khu vực nông thôn của gia đình Boris ở Peredelkino, chỉ mất khoảng 45 phút lái xe từ thành phố Moscow. Nhà văn Boris Pasternak (10.02.1890 – 30.05.1960) là một nhà thơ, nhà văn Nga xuất chúng, đã từng đoạt giải Nobel văn học. Ngôi nhà này giờ đã được sửa sang tu bổ thành một bảo tàng nhỏ. Và lưu ý rằng bạn cần phải gọi điện thoại thông báo trước khi đến đây.
 
Điện Kremlin ở Moscow: một nơi không thể bỏ qua khi đến thăm nước Nga
Khi bước chân vào khu vườn phủ đầy tuyết trắng, bạn có thể  cảm nhận dường như nhà văn Boris Pasternak vẫn đang miệt mài sáng tác ra những tác phẩm nổi tiếng ở tầng trên. Vẫn còn đó, trong căn phòng rộng rãi, một chiếc bàn làm việc đơn sơ, tủ với nhiều ngăn kéo, chiếc cũi sắt nhỏ và kho tàng sách của ông.
Cũng giống như nhà văn kiệt xuất Lev Tolstoy, nhà thơ Boris Pasternak vẫn luôn được người dân Nga kính trọng và yêu mến.
Trở lại Moscow, bạn có thể tự khám phá vẻ đẹp của điện Kremlin, quảng trường Đỏ, đến thăm các nhà thờ nơi các đời sa hoàng Nga làm lễ đăng quang và được chôn cất theo nghi lễ hoàng gia.
Từ Moscow chỉ mất 4 giờ đi tàu cao tốc Sapsan để đến thành phố St Petersburg. Đây là một thành phố xinh đẹp và yên bình, nếu không có ô tô chạy dọc ngang trên các tuyến đường thì chắc chắn bạn sẽ ngỡ như mình đang quay ngược thời gian về những thế kỷ trước.
 
Hai diễn viên gạo cội Helen Mirren và Chistopher Plummer trong “Ga cuối”
Được ví như thành phố Venice ở miền Bắc, St Petersburg có 300 cây cầu và đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều nhà văn, nhà thơ như Pushkin, Nabokov, Tolstoy, và nhà văn Fyodor Mikhailovich Dostoevsky nổi tiếng với tác phẩm Tội ác và Trừng phạt.
St Petersburg có rất nhiều khách sạn nhưng có lẽ ở khách sạn Astoria, du khách sẽ có thể thỏa thích ngắm nhìn khung cảnh ở quảng trường St Isaac và nhà thờ St Isaac – một trong bốn nhà thờ có mái vòm cao nhất thế giới.
Thành phố này còn rất nổi tiếng với Viện bảo tàng Hermitage tọa lạc ngay trong Cung điện Mùa đông. Nơi đây trưng bày hơn ba triệu tác phẩm nghệ thuật từ thời đại đồ đá đến hiện tại, trong đó cả chiếc dây cương được nạm 6000 viên kim cương quý giá.
Vậy là cuộc hành trình đã kết thúc, nhưng chắc chắn rằng văn học, nghệ thuật Nga và tình yêu nước Nga sẽ còn đọng mãi trong tâm trí những ai đã từng một lần đặt chân lên nước Nga.
Bội Khuê (Theo Daily Mail)

Không có nhận xét nào: