Tỉnh Trat nằm trên tuyến du lịch từ Thái Lan đến Cà Mau và ngược lại theo đường R10 (đường Xuyên Á qua hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang của Việt Nam và 4 tỉnh của Campuchia). Đây là tuyến đường mới, dài hơn 900km mà Việt Nam và Thái Lan đang chung sức phát triển nhằm nắm bắt những cơ hội đang lớn dần về thương mại, đầu tư, du lịch.
Đường Xuyên Á nối với tỉnh Cà Mau. Ảnh: THANH MINH
Tỉnh Trat có diện tích 2.862km², là tỉnh xa nhất về phía đông đất nước Thái Lan, cách Bangkok 315km về phía đông nam. Đây là một tỉnh biên giới nhỏ giáp với Campuchia với dãy núi Khao Banthat tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp giữa hai đất nước. Điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Trat là khu bảo tồn Biển Quốc gia đảo Chang. Đây là một bán đảo gồm 50 đảo nhỏ đặt theo tên của hòn đảo lớn thứ nhì Thái Lan, là đảo Koh Chang nổi tiếng - được đánh giá là một trong những hòn đảo đẹp nhất của Thái Lan.
Du khách di chuyển xuống tàu, tham quan đảo Koh Chang (là đảo lớn thứ 2 sau đảo Phuket).
Ngắm hoàng hôn tại Talaepu Resort.
Bắt đầu từ năm 2013, với khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam và Thái Lan đã cùng chung sức phát triển Hành lang kinh tế phía Nam kết nối miền Nam Việt Nam với cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar, tạo thuận lợi trong phân phối hàng hóa giữa Việt Nam - Thái Lan - Campuchia và Myanmar. Tuyến đường này bắt đầu từ Cà Mau, Kiên Giang chạy qua 4 tỉnh: Kep, Kampot, Sihanoku, Koh Kong (Campuchia) và kết nối với miền Đông Thái Lan, mở ra cơ hội rất lớn cho việc phát triển kinh tế và du lịch.
Vốn nằm trong khối ASEAN nên công dân của cả 3 quốc gia mà tuyến đường R10 đi qua có thể nhập cảnh và đi lại dễ dàng chỉ với hộ chiếu phổ thông. Như vậy, việc thiết kế một sản phẩm du lịch bằng đường bộ theo kiểu “ngắm bình minh tại Việt Nam, ăn trưa ở Campuchia và đón hoàng hôn trên đất Thái” là hết sức khả thi.
Sau chuyến hành trình vượt biển mệt mỏi, du khách được trải nghiệm lặn biển ngắm san hô.
Làng chài AoDai (Vịnh Lớn), nhìn từ trên cao, nơi có hơn 100 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản và buôn bán phục vụ khách du lịch.
Tuyến đường này kết nối Việt Nam đến những tỉnh, thành của Thái Lan ở sát biên giới Campuchia nên sự phát triển không thể so bì được với thủ đô Bangkok. Những “đặc sản” tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt sông, các khu mua sắm hiện đại, ẩm thực đường phố, nhà hàng, quán bar, hay các chợ đêm nhộn nhịp hầu như vắng bóng. Nhưng các nhà hàng địa phương vẫn phục vụ được du khách các món ăn nổi tiếng đặc trưng của Thái: Somtum, Tomyamkoong, xôi xoài, Padthai... Hệ thống cửa hàng tiện lợi FamilyMart, siêu thị BigC, Makro, Lotus có ở hầu hết các trạm dừng chân, thậm chí ngay cả trên các đảo. Điều này giúp du khách trải nghiệm phần nào nhịp sống hiện đại của Thái Lan mà không cần đến thủ đô Bangkok.
Tỉnh Kampot (Campuchia) nằm trên tuyến đường R10, đây là cơ hội cho du khách khám phá Việt Nam - Campuchia và Thái Lan bằng đường bộ trong cùng một chuyến đi.
Rời đảo Koh Kud, du khách tiếp tục khám phá đảo Koh Mak bằng tàu cao tốc.
Những món ăn đặc sản mang hương vị của Thái Lan.
Nếu bố trí được những hướng dẫn viên tinh tế và giàu kinh nghiệm, chắc chắn các công ty lữ hành sẽ khiến khách mua tour thích thú khi giúp họ cảm nhận được đất nước, văn hóa và đặc trưng con người Thái Lan qua những chi tiết rất nhỏ nhưng hiện diện ở khắp nơi.
Tham quan thác Krong Chao (thác An Nam Quốc), là nơi vua Nguyễn Ánh (Việt Nam) từng lánh nạn đến đây thời Rama 1 (là thác cỡ vừa, có 3 tầng, thiên nhiên trù phú, nguồn nước trong lành, mát mẻ).
Khách tham quan City tour trên đảo Koh Mak bằng xe năng lượng mặt trời.
Đoàn du khách Việt chụp ảnh lưu niệm trong hành trình tham quan đảo Koh Kud và làng chài AoDai.
Không chỉ mở ra tiềm năng về du lịch, hành lang kinh tế ven biển này còn tạo cơ hội giao thương buôn bán rất lớn giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ba đất nước. Chẳng hạn, các tỉnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam có thể nghĩ tới việc mời gọi hợp tác đầu tư ngành thủy - hải sản hoặc xuất khẩu nhóm sản phẩm này qua Thái Lan trong khoảng thời gian nước bạn giảm nguồn cung vì kế hoạch “đánh bắt theo mùa” nhằm phục vụ công tác bảo tồn tài nguyên biển. Ngược lại, mỗi tỉnh của Thái Lan trên tuyến R10 đều có một số sản phẩm được chính phủ quy hoạch để hỗ trợ phát triển theo hình thức làng nghề gọi là OTOP. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam kết nối để nhập khẩu các mặt hàng này về phân phối rộng ra khắp các địa phương vùng Tây Nam Bộ thì thương mại quốc tế trở nên nhộn nhịp và kinh tế toàn vùng sẽ được kích cầu.
Bài toán phát triển đồng bộ văn hóa, du lịch và thương mại dựa trên tuyến Hành lang kinh tế ven biển R10 đã vào giai đoạn “chín muồi”. Nhưng việc thúc đẩy chiến lược này diễn ra nhanh hay chậm thì cần sự chung tay một cách quyết liệt và đồng bộ hơn nữa giữa cả chính quyền và doanh nghiệp địa phương 3 nước Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét