Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Nơi tìm thấy nguồn rượu sake ngon nhất thế giới

Tohoku, thuộc tỉnh Fukushima là nơi được xếp hạng huy chương vàng nhiều năm tại các lễ trao giải thưởng về rượu Sake của Nhật Bản. John Gauntner, chuyên gia rượu sake, tác giả nhiều cuốn sách về đồ uống của Nhật Bản cho biết: Vùng Tohoku là nơi có danh tiếng lớn nhất với người dân trong nước và những người trong ngành về lĩnh vực làm rượu sake.


Một câu thơ Haiku của nhà thơ Nhật Bản Matsuo Basho năm 1689, trước ngày ông bắt đầu cuộc hành trình dài 1.200 dặm qua Tohoku, vùng đông bắc rộng lớn của nước Nhật đến Hokaido có viết thế này: “Không trăng, không hoa. Chỉ có rượu sake tôi uống. Một mình”.
Đây là chuyến hành hương nổi tiếng của nhà thơ, đã từng được nhắc đến trong tác phẩm “con đường hẹp dẫn về phía Bắc_ the narrow road to the North”, một tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản, đã được dịch ra tiếng Việt với tên gọi “con đường hẹp và chiều sâu tâm thức”.
Chuyến hành trình của nhà thơ đã đi qua các vùng đất nổi tiếng với đặc sản rượu sake của Nhật Bản.
Rượu sake ở Tohoku
Tại lễ trao giải thưởng hàng năm, được tổ chức bởi Viện nghiên cứu quốc gia thuộc lĩnh vực men ủ rượu, hàng trăm nhãn hiệu sake khác nhau khắp nước Nhật đã được công nhận và đánh giá cao.

Năm 2018, các chuyên gia đã trao tặng những nhà máy rượu bia từ 6 quận thuộc Tohoku tổng cộng 69 huy chương vàng trong tổng số 232 huy chương vàng thuộc 37 tỉnh thành.
Melinda Joe, nhà báo tại Tokyo, thành phần trong ban giám khảo cuộc thi rượu quốc tế đã nhận xét rượu sake ở Tohoku có hương vị nhẹ nhàng, sạch sẽ và đặc biệt có phong cách sang trọng, thanh lịch. Joe cho biết: “ Rượu ở đây có một chút quyến rũ, một chút nồng nàn”.
Hiromi Iuchi, một viên chức thuộc hiệp hội sản xuất sake và Shochu của Nhật Bản cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến cho rượu ở Tohoku có sự khác biệt, đó là yếu tố địa lý. Mùa đông ở đây rất khắc nghiệt với những trận mưa tuyết lớn. Nông nghiệp là ngành nghề trụ cột ở đây.,vì vậy mọi thứ phải được làm rất tốt.

Chuyên gia rượu sake John Gauntner cho biết, nhiệt độ khá lạnh ở Tohoku ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và hương vị rượu sake.
Các nhà máy sản xuất rượu ở Tohoku luôn có thời tiết lạnh hơn những vùng khác, men rượu bia có thể tự lên men, quá trình sản xuất và bảo quản rượu luôn ở nhiệt độ thấp hơn, khiến cho rượu có hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, thanh lịch hơn so với rượu ở các vùng khác của nước Nhật. Kenichi Ohashi, chuyên gia hàng đầu về rượu vang thế giới cũng cho biết rượu sake vùng Tohoku có hương thơm thật quyến rũ. Đây là điều đặc biệt hấp dẫn Kenichi.
Đâu là những chai rượu “đỉnh” nhất?
Ohashi đã chọn ra loại rượu Mutsu Hate của nhà máy rượu sake Hachinohe Shuzo tại Aomori, loại rượu dành giải thưởng năm 2016 tại cuộc thi rượu vang quốc tế. “Hương vị rượu nặng, nhưng rất thơm”. Ohashi cũng ca ngợi nhãn chai đẹp, kết hợp hình ảnh những con tàu đánh cá đêm đang giăng lưới.
Một loại rượu sake khác mà Ohashi ca ngợi là rượu sake nhãn Yamawa. Nghe có vẻ  bất bình thường nhưng Ohshi ngợi khen chất lượng rượu Yamawa trong suốt, lỏng như nước. Theo ông, người Nhật thường có khuynh hướng trả nhiều tiền cho những loại đồ uống có hương vị như nước. Loại rượu sake này có kết cấu rất nguyên sơ, trong suốt và có chất lượng cao.


Trải nghiệm hương vị sake của riêng bạn
Một số nhà máy rượu ở phía Bắc nước Nhật tổ chức các tour thăm quan cho du khách. Đến đó, bạn có thể thưởng thức rượu sake, thăm quan cơ sở sản xuất. Để thực hiện chuyến thăm này, bạn cần đặt tour trước trên các trang web.
Nhà máy rượu Daishichi Brewery, được thành lập từ năm 1752 ở Fukushima vẫn duy trì các phương pháp ủ men kimoto truyền thống mà tới giờ đã ít được áp dụng so với các phương pháp ủ men hiện đại.

nhà máy rượu Daishichi Brewery
Ad Blankenstein, giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Daishichi giải thích: Lý do nhà máy Daishichi vẫn tiếp tục theo phương pháp này vì ủ men kimoto vẫn cho ra hương vị rượu sake độc đáo, hấp dẫn mà các phương pháp ủ men hiện đại không làm được.

Quá trình tạo men koji, phương pháp truyền thống giúp các tinh bột gạo thành đường, có ảnh hưởng chính đến chất lượng rượu sake
Rượu sake có hương vị mạnh, giống rượu vang đỏ hơn rượu vang trắng, có thể kết hợp được với một số đồ ăn như các món có kem tươi, món thịt, các món ăn Pháp. Việc kết hợp rượu sake với những món này khiến đồ ăn có vị ngon và hấp dẫn hơn.

Sau khi đường tách ra từ tinh bột gạo, rượu dần được hình thành.

Rượu sake tươi sẽ được đổ vào ly kikichoko sau quá trình ép.
Bạn cũng có thể tới thăm nhà máy rượu bia gia đình Senkin Shuzo ở Iwate, khởi nghiệp từ năm 1854.
Khách du lịch cũng có thể thử Mori no Takara, một loại sake được làm từ nấm matsutake, một món ăn địa phương được trồng ở Iwaizumi.

Nhà máy bia nổi tiếng ở Aizu, Fukushima, một trong những nhà máy bia lớn nhất khu vực Tohoku
Box: Matsutake là một loại nấm rất đặc biệt của người Nhật, loại nấm này là biểu tượng quê hương, là nỗi nhớ của mỗi người Nhật khi rời xa đất nước mình. Tuy nhiên, mùi hương của loại nấm này không dễ làm quen chút nào. Nếu là khách du lịch, có thể bạn sẽ thấy… ác cảm nếu ngửi mùi hương của nấm lần đầu tiên. Một số vị khách nói là mùi nấm Matsutake giống như mùi của những chiếc vớ (tất).
Xa hơn về phía Bắc, nhà máy Takashimizu ở Akita cũng mở cửa chào đón du khách. Rượu sake ở đây có thể uống kèm với bất cứ loại đồ ăn nào nhờ vào hương vị tinh tế.
Rượu sake là thứ đồ uống tinh túy ở Nhật Bản. Tùy vào vị trí địa lý của mỗi vùng miền mà ở đó có hương vị, kết cấu riêng trong từng chai rượu sake.

Phương Linh

Không có nhận xét nào: