THEO TRÍ THỨC TRẺ
Dù bánh mì có nguồn gốc phương Tây, nhưng chỉ cần vào tay người Nhật là ra những phiên bản "độc quyền" không đâu có đâu nhé.
Người Nhật có một từ dùng để chỉ các loại bánh mì nói chung, đó là “pan”. Đối với những ai học tiếng Nhật hẳn cũng biết người Nhật hiện đại mượn từ tiếng Anh rất nhiều, từ nhà hàng (resutoran) đến cà-vạt (nekutai), bánh ngọt cake (keki). Nhưng chỉ mỗi từ “bánh mì”, hay “bread” là có hẳn một từ khác để gọi, ấy chính là “pan (パン)”. Được biết, chữ pan này thực ra có nguồn gốc từ chữ latinh “panis”, nghĩa là bánh mì.
Tuy nhiên có một sự thật là dù từ này - cũng như bản thân những chiếc bánh mì - có nguồn gốc từ phương Tây, thì hiện tại nó đã trở thành “thương hiệu” của riêng những loại bánh mì Nhật Bản mà không đâu có. Trong thực tế thì “pan” chỉ chung các loại bánh mì, nhưng nhắc tới pan thì phần lớn người Nhật đều nghĩ đến những loại bánh mì “độc quyền” của xứ sở hoa anh đào không đâu có. Cùng chúng mình xem qua những loại bánh mì nói trên để công nhận xem chúng có thực sự độc nhất vô nhị không nhé:
Melon Pan (メロンパン)
Melon pan là một loại bánh mì ngọt khá phổ biến với người Nhật, đặc biệt là giới học sinh. Trong các bộ phim thanh xuân vườn trường hay anime đều dễ thấy các nhân vật mua loại bánh mì này để ăn trưa. Vì thế nên melon pan có mối quan hệ rất mật thiết với cuộc sống học đường.
Melon pan là món ăn trưa phổ biến cho giới trẻ Nhật.
Tuy nhiên dù tên là melon, nhưng bánh không có vị dưa gang hay dưa hấu như nhiều người nghĩ. Tên chiếc bánh này thực ra đến từ hình dạng cơ vì ban đầu melon pan tròn và có hoa sọc chéo nhau tương tự quả dưa lưới Nhật. Tuy nhiên hiện tại thì nhiều nhà sản xuất cũng đã cho thêm hương dưa lưới, dưa hấu cho chiếc bánh. Bánh mì melon không mềm như bánh mì bình thường mà có vỏ khá giòn, bên trong thường là nhân vanilla custard.
Anpan (あんパン)
Anpan gần như là tên chính thức cho món bánh mì nhân đậu đỏ. Tuy nhiên thì “an” không có nghĩ là đậu đỏ mà là “nhân”, cho nên có rất phiền phiên bản anpan đậu trắng, hạt hạnh nhân, đậu xanh…
Anpan từng xuất hiện trong anime Gintama về samurai và nhiều anime nổi tiếng khác.
Về nhiều mặt thì anpan gắn liền với samurai và lịch sử Nhật, cụ thể vào khoảng 1875 thời Meji. Anpan được sáng chế bởi những người Samurai bị mất việc do quá trình chuyển mình hiện đại hóa của đất nước này. Những người samurai sau khi không được thuê trong một thời gian dài đều phải chuyển việc, và thợ làm bánh mì là một trong số đó. Anpan được xem như là sự kết hợp của văn hóa phương Tây và Nhật Bản trong thời kì này, trở thành một trong những món bánh mì nổi tiếng nhất.
Yakisoba pan (焼きそばパン)
Yakisoba pan là một món bánh có phần “kì lạ”, trong đó yakisoba là mì xào tương truyền thống, được nhồi nhét vào chiếc bánh mì hotdog ta vẫn quen thuộc. Cách ra đời của chiếc bánh mì này cũng “kì lạ” như chính bản thân nó vậy.
Được biết là vào khoảng năm 1950 ở Tokyo có một quán ăn chuyên bán hotdog và mì yakisoba như hai món riêng biệt. Tuy nhiên đã có một vị khách, vì không thể quyết được là nên ăn mì hay hotdog nên bèn kêu chủ quán nhét mì vào hotdog luôn.
Yakisoba là món ăn trưa được yêu thích, thường hay xuất hiện trên các anime nổi tiếng.
Và có lẽ vì hương vị độc đáo, thơm ngon lạ kì nên món bánh này đã trở thành một trong những món bánh mì kinh điển của Nhật Bản, được người dân yêu thích. Chiếc bánh mì này, cùng với Melon Pan cũng là một món bánh nổi tiếng với học sinh.
Curry Pan (カレーパン)
Curry pan (tiếng nhật đọc là ka-re-pan), là bánh mì nhân cà-ri nổi tiếng của Nhật, gần như là món luôn có 24/7 trên kệ các tiệm bánh. Curry pan có vỏ bánh mì được chiên giòn bên ngoài và nhân cà ri bên trong. Cà ri trong bánh được nấu sệt hơn cà ri bình thường rất nhiều.
Bánh mì cà ri cũng là một loại bánh có gắn liền với thời kì hiện đại hóa của Nhật Bản vào khoảng năm 1950, khi cà ri được đưa vào từ những thương nhân phương Tây.
Đây là món bánh cũng rất hay được xuất hiện trên các anime về ẩm thực.
Tạm kết:
Có thể thấy, tuy có nguồn gốc là phương Tây, nhưng với sự sáng tạo của người Nhật thì những món bánh mì này đã trở thành đặc sản “cộp mác” Nhật Bản không đâu có. Đến mức người phương Tây phải xa xôi lặn lội đến để thưởng thức những chiếc bánh mì lẽ ra là phải quen thuộc với họ lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét