BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Nếu bạn đang phân vân trong việc lựa chọn địa điểm du xuân thì hãy tìm đến Seville, thành phố lớn thứ 4 của Tây Ban Nha
Nét cổ kính của Seville nhìn từ tháp chuông Giralda ở nhà thờ lớn Seville
|
Khi đến nơi này, điều mà bạn nên làm chính là ăn bánh ngọt ở La Campana, sở hữu một chiếc mũ rộng vành ở Fernández y Roche và lang thang trong lâu đài cổ Alcázar. Những điểm đến thú vị ấy đều đã tồn tại hơn trăm năm, góp phần tạo nên lịch sử của Seville.
Là thủ phủ của vùng Andalucía nắng gió, Seville không rộng lớn, tráng lệ với các công trình kiến trúc bề thế và cổ kính như ở Barcelona hay Marid. Nhưng sự nhỏ bé của Seville mang nét hấp dẫn riêng. Không gian phố cổ vừa đủ để lữ khách tản bộ khám phá nét đẹp của nhà thờ chính tòa Seville xây dựng từ năm 1402 - một kiến trúc Gothic vĩ đại nhất thế giới, trường đấu bò tót lừng danh Maestranza (năm 1765), quảng trường Tây Ban Nha (Plaza de Espaa, năm 1928), chợ Triana (năm 1823)... Khi đã mỏi gối chồn chân với những điểm tham quan đậm dấu ấn bản địa, tìm một chỗ dừng chân nghỉ để biết thêm những chuyện quen mà lạ ở Seville sẽ là lựa chọn phù hợp.
Miền bánh ngọt La Campana
Nhân viên của tiệm bánh ngọt La Campana nổi tiếng ở Seville
|
Lý do khiến tôi lần mò đến La Campana không chỉ bởi đó là tiệm bánh ngọt cổ kính nhất Seville, ra đời từ tháng 11/1885, chuyên phục vụ những loại bánh hảo hạng của Tây Ban Nha, mà còn bởi giai thoại về lịch sử tiệm bánh. Hiếm tiệm bánh nào trên thế giới lại sở hữu lắm chuyện thú vị như La Campana.
Từ chuyện vào tác phẩm văn học của Alejandro Pérez Lugín, rồi lên phim Currito de la Cruz (1948), La Campana cũng xuất hiện đường hoàng trong tác phẩm La Piel del Tambor của nhà văn Arturo Pérez Reverte, ra đời vào năm 1995. Giới nghệ sĩ Flamenco như Monolo Caracol và Lola Flores đều là khách hàng của tiệm bánh này. Ngay cả vua Alfonso XIII (1886 - 1941) cũng đã từng ghé qua ăn bánh ở La Campana.
Dù bị vây quanh bởi McDonalds, Starbucks nơi góc đường Sierpes ngay quảng trường cùng tên La Campana, tiệm bánh lịch sử của Seville này vẫn không khó nhận dạng, bởi lối trang trí mặt tiền bắt mắt, với đủ thể loại bánh ngọt được sắp đặt tinh tế, dễ khiến thực khách yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Bước qua lớp cửa kính vào La Campana, tôi bị "đứng hình" bởi vẻ đẹp quá long lanh từ kiến trúc, mảng trang trí gạch ốp tường vẽ tay theo phong cách Tây Ban Nha đến nhiều vô số kể loại bánh, từ Torrijas (một kiểu bánh mì nướng mật ong), bánh ngọt kèm lòng đỏ trứng, bánh nụ hôn meringue làm từ lòng trắng trứng, bánh bột mì polvorones (ăn dịp Giáng sinh)... đến các loại bánh mặn, sôcôla... đủ hợp thành một miền "thiên đường" cho người yêu thích bánh ngọt.
Bối cảnh trong phim Trò chơi vương quyền mùa thứ 5 ở cung điện Alcázar
|
Nón rộng vành Seville
Nếu như Marid nổi tiếng với đôi giày vải, thì Seville được biết đến là nơi cho ra đời những chiếc nón rộng vành làm từ rơm và cói, với hơn 80% sản phẩm chu du khỏi xứ bò tót đi khắp châu Âu, sang tận Mỹ, Nhật, Anh để ngự trong các cửa hàng thời trang thượng đỉnh tại London, Paris, Tokyo, New York...
Những thương hiệu nón thủ công danh tiếng của Seville có thể điểm danh như Fernández y Roche, HeRe Hellin Aguilar Reyes, Nana Golmar, Tolentino, eMeese, Isabel Meidavilla, hay De Triana... Trong số ấy, Fernández y Roche được cư dân bản địa mệnh danh là thương hiệu làm nón danh tiếng nhất Seville. Cũng thật trùng hợp khi biết xưởng sản xuất của Fernández y Roche được thành lập cùng năm với tiệm bánh ngọt La Campana (1885).
Các loại nón từ Fedora, Homburg, Trilby, Bowler, Panama dành cho nam, đến các kiểu Boater, Cloche, Floppy dành cho nữ đều có ở Fernández y Roche. Điểm đặc biệt khiến dân chơi nón mê mẩn với Fernández y Roche, bởi đây là một trong số chưa đầy 5 tiệm làm nón thủ công của châu Âu từ thế kỷ XIX còn tồn tại.
Hành lang với nghệ thuật kiến trúc, hội họa và gạch ốp trang trí trong cung điện Alcázar
|
Lịch sử của Fernández y Roche với ban đầu chỉ gồm hai nhà sáng lập là Antonio Fernández Caro và Antonio Roche Verdugo, sau mở rộng thành một xưởng lớn ở Seville với hơn 500 nhân công, từng nhận được các giải thưởng danh giá tại triển lãm quốc tế Ibero-American 1929. Cho đến nay, với hơn 130 năm tồn tại, các kiểu chế tác nón ở Fernández y Roche vẫn giữ nguyên kỹ thuật xưa, từ khâu làm nguyên liệu, tạo dáng đến hoàn thiện sản phẩm.
Yếu tố thủ công cùng tay nghề đỉnh cao của thợ làm nón khiến cho từng dòng sản phẩm của Fernández y Roche đều trở thành một tác phẩm đặc biệt. Còn cửa tiệm Fernández y Roche trở thành điểm đến không chỉ để mua nón, mà còn để tham quan và khám phá một nghề thủ công độc đáo ở Seville.
Kiêu sa Alcázar
Trong hàng loạt danh sách các công trình cổ của Seville, cung điện Alcázar được hình thành từ thế kỷ XII luôn là một điểm nên đến để khám phá những nét đẹp của kiến trúc khác lạ, với sự hòa trộn của phong cách Hồi giáo Mudéjar đến Gothic, Phục Hưng cùng những câu chuyện lịch sử qua các triều vua từ Felipe II đến Felipe V, Charles V - những chủ nhân của cung điện Alcázar.
Các loại mũ rộng vành sành điệu của Fernández y Roche
|
Các công trình kiến trúc trong quần thể Alcázar biểu đạt sự thịnh vượng, bề thế qua quy mô và các nét chạm trổ, trang trí đầy ảo diệu. Vẻ đẹp tiêu biểu hấp dẫn lữ khách ở Alcázar có sân trinh nữ (Patio de las Doncellas), nhà tắm khổng lồ của nàng María de Padilla, hội trường đại sứ (Salón de Embajadores)... Mỗi công trình mang một ngôn ngữ kiến trúc, trang trí riêng gắn với công năng sử dụng của từng vị chủ nhân khi nắm quyền sở hữu Alcázar.
Một không gian ngoại thất được lữ khách yêu thích ở Alcázar là Galeria de Grutesco bên khu vườn chính của cung điện, bởi dãy hành lang mô phỏng hang động cũng là nơi lưu giữ các tác phẩm tranh tường do họa sĩ Diego de Esquivel mất đến 7 năm để hoàn thiện vào năm 1629. Khu vực này cũng là bối cảnh trong mùa thứ 5 của Trò chơi vương quyền - loạt phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ. Khám phá Alcázar còn là cơ hội nghe lại câu chuyện lịch sử hấp dẫn, đầy thăng trầm của một kinh thành vùng Andalucía từng một thời hưng vượng.
Chia tay Seville, miền đất với những câu chuyện độc đáo, tôi hy vọng sẽ có ngày trở lại để được tiếp tục lang thang, rong ruổi cùng nắng gió nơi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét