Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Nghe hai cụ già kể chuyện sát sinh

Trong cái lạnh tê người của tiết trời đông, hai cụ ông U80 đón tôi ngay cổng đền Thần đạo Nasu danh tiếng vùng Tochigi, dẫn tôi vào chuyến du hành ngập đầy những bí ẩn của chết chóc, sợ hãi, khiếp đảm để rồi kết lại bằng những bất ngờ đầy thú vị mà hơn nửa đời người, tôi chưa từng trải nghiệm.
    Điểm đến của hành trình lang thang xứ Phù Tang lần này, ấy là chuyến về nơi khỉ ho cò gáy dưới ngọn núi lửa đang âm ỉ hoạt động Chausu Dake (1.915m) - thuộc tỉnh Tochigi.
    Với người yêu thích môn tắm nước khoáng nóng theo kiểu Nhật (onsen), điểm đến này là một lựa chọn hoàn hảo bởi có nguồn nước khoáng đậm lưu huỳnh, tạo nên Onsen Nasu Yumoto nức tiếng. Bỏ qua thú vui tắm khoáng nóng, mục đích quan trọng hơn tôi nhắm đến là được đối mặt tảng đá kỳ lạ, có khả năng tiêu diệt mọi sinh vật chạm vào nó, có tên Sessho Seki (Sát sinh thạch).
    Huyền thoại Nasu 
    Đến chân núi Chausu Dake từ rất sớm, trong lún phún mưa tuyết đầu đông, tôi được giới thiệu đến hai nhân vật kỳ lạ là Yukio Saito (73 tuổi) và Masaharu Sugahara (80 tuổi) đều là người sinh ra và lớn lên ở vùng Nasu Kogen dưới chân núi. Từ hơn 10 năm qua, hai vị đại lão này tình nguyện hướng dẫn lữ khách tham quan quanh khu vực có tảng đá sát sinh bằng lối kể chuyện đặc biệt.
    Cụ ông Yukio Saito nói về phiến đá Saraze Ishi ở đền Nasu
    Từ ngay chân núi, chúng tôi đi qua chiếc cổng Điểu cư (Torii) của đền Nasu, ranh giới phân định hai thế giới phàm tục và thần linh theo tín ngưỡng Thần đạo. Chỉ vài bước trên trục đường Tham đạo (Sando), câu chuyện về địa danh linh thiêng này bắt đầu cũng với phiến đá kỳ lạ, kết nên từ hàng nghìn viên sỏi, nằm ven đường.
    Saito cho biết đây chính là viên Tế thạch (Saraze Ishi) được nhắc đến trong tác phẩm Quân Chi Đại (Kimi Ga Yo) quốc ca Nhật Bản. Kimi Ga Yo nằm trong số những quốc ca ngắn nhất thế giới (32 âm tiết), dựa trên nền một bản hòa ca trong thi tập Cổ kim hòa ca thời Heian (794 - 1185).
    Toàn cảnh 980 pho tượng Địa tạng bên dòng sông khô Sanzu dưới chân núi Chausu Dake
    Trên đường lên đền chính, trong cái lạnh 1 độ âm buốt da thịt, nhưng tôi lấy làm lạ vì trong tay lão ông Sugahara lại phe phẩy chiếc quạt nan. Đến được cổng Điểu cư thứ hai, dưới cánh cổng có hai cọng rơm bện Chú liên thừng (Shimenawa), Sugahara tiến đến, xòe quạt ngay đầu dây để thấy hình hài sợi thừng giống cánh quạt. Hóa ra chiếc quạt nan là phần đạo cụ, dẫn dắt tôi vào câu chuyện lịch sử của đền Nasu, thành lập từ thế kỷ thứ IV.
    Trong số các vật thiêng trong đền có chiếc quạt đồi mồi vớt lên từ Biển đông, mang tích truyện cung thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản là Nasu no Yoichi ở trận hải chiến Yashima vào ngày 22.3.1185 giữa hai gia tộc Minamoto và Taira.
    Phần núi sạt là mỏ lưu huỳnh với phiến đá sát sinh nhìn từ lòng sông khô Sanzu
    Khi kể đến tích truyện này, hai cụ ông giới thiệu tấm hình chàng cung thủ Yoichi hướng tên về chiếc thuyền nhỏ ngoài khơi đang sóng gió, trên thuyền là một phụ nữ và cây sào gắn chiếc quạt đỏ. Cụ Saito hào hứng kể về anh hùng Yoichi, khi nhận lệnh từ tướng quân mình là Minamoto no Yoshitsune bắn tên trúng cây quạt, đã khẩn cầu thần vũ khí ở đền Nasu nơi quê nhà. Trong sóng gió trận hải chiến, phát tên của Yoichi ra đi vẫn trúng đích.
    Cụ Saito lại lôi thêm ra tấm ảnh cây quạt đồi mồi, giới thiệu sau đó người dân đánh cá đã vớt được cây quạt và hiện thờ trong đền Nasu để tưởng nhớ Yoichi.
    Sát sinh thạch với minh họa chết chóc bằng hình ảnh trực quan đầy sinh động
    Đến trước cửa Bổn điện của đền chính, cụ Sugahara lại đưa ra một loạt hình các bộ gạc nai, dẫn luôn vào câu chuyện onsen vùng Nasu do lãnh chúa Kano Yukihiro phát hiện. Năm 630, sau khi bắn bị thương con nai trắng đang phá ruộng, Yukihiro theo dấu vết và phát hiện nai đang trầm mình trong suối khoáng nóng chữa thương. Ông nghĩ con nai là hiện thân của các thần và từ sau đó, những con nai già nua trong vùng khi mất đi, được người dân đem gạc vào thờ trong đền Nasu.
    Từng bước chân, từng chi tiết hiện hữu quanh đền Nasu, được hai cụ ông phối hợp nhịp nhàng trong lối kể chuyện, không chỉ bằng ngôn ngữ, mà cả với hình ảnh, đạo cụ, cùng một tinh thần đầy hào hứng.
    Nghe chuyện sát sinh 
    Hỏi về nguyên cớ làm tình nguyện viên hướng dẫn khách tham quan, cụ Saito trả lời: “Tôi còn nhớ hồi lên đền Nasu lần đầu tiên lúc năm tuổi, cha mẹ tôi cũng kể những câu chuyện như hôm nay tôi nói với cậu và mọi người. Bây giờ công việc gia đình nhàn rỗi, chúng tôi đi làm tình nguyện viên, mong chia sẻ với du khách những chuyện kể đã từng nghe, gắn liền với quê hương tôi mà thôi”.
    Bộ đôi Yukio Saito và Masaharu Sugahara kể về huyền thoại cung thủ Nasuno Yoichi
    Ngay vị trí của đền chính Nasu, tôi cảm rõ mùi hôi đậm đặc của lưu huỳnh trong không khí, nhìn ra vùng thung lũng dưới chân núi, giữa hình ảnh đất đá ngổn ngang, nổi bật lên một phiến đá khổng lồ, quàng trên đó là Chú liên thừng cầu an. Đấy chính là Sát sinh thạch. Câu chuyện về tảng đá được cụ Saito dẫn dắt: “Vùng Nasu xưa kia có con hồ ly tinh chín đuôi quấy phá, bắt cóc, ăn thịt phụ nữ và trẻ em. Hoàng triều cử 8 vạn quân đến chiến đấu, dồn hồ ly vào hẻm núi lửa, nó trúng tên và biến thành tảng đá khổng lồ, nhưng phát ra chất độc khiến mọi sinh vật quanh đó đều bị tuyệt diệt”.
    Để chứng minh cho độ nguy hiểm của tảng đá, hai cụ ông lại lôi trong tài liệu ra những hình chụp cáo chồn phơi thây quanh tảng đá sát sinh. Kỳ thực khi đứng gần phiến đá, chỉ chưa đầy phút đồng hồ đã có cảm giác nôn nao, nặng đầu, khó thở, bởi đó cũng là nơi có mỏ lưu huỳnh lộ thiên, phả mùi nồng nặc. Tôi hiểu ra câu chuyện sát sinh của tảng đá, chính là cách lý giải về hiện tượng thiên nhiên của người xưa bằng chuyện kể thần thoại.

    Chú liên thừng ở đền Nasu với minh họa hình cánh quạt của cụ ông Masaharu
    Không xa tảng đá là 980 bức tượng Địa tạng (Jizo) phủ kín cả vùng núi rộng lớn. Loạt tượng này lại gắn với câu chuyện đứa trẻ bướng ngạnh Kyoden, vào năm 1336 do không nghe lời mẹ, đến chơi cạnh Sát sinh thạch và tử nạn. Gia đình thương tiếc, đặt bức tượng Địa tạng cầu mong che chở cho cậu bé ở thế giới bên kia. Từ sau đó, các gia đình có con chết trẻ quanh vùng đều mang đến một bức tượng Jizo, đầu đội khăn len giữ ấm, tạo thành một rừng tượng u tịch, trầm buồn ngay phiến đá sát sinh.
    Mãn ý với câu chuyện về phiến đá sát sinh, trước lúc chia tay tôi hỏi đùa hai hướng dẫn viên hôm ấy có bao giờ tính chuyện nghỉ hưu lần hai, cụ ông Sugahara hóm hỉnh bảo: “Khi nào chân hết lê nổi, miệng nói không ra hơi, lúc đấy chúng tôi mới nghỉ”.
    Mũ len đỏ trên tượng Địa tạng với cầu mong đứa trẻ được che chở, ấm áp
    Câu chuyện hai vị hướng dẫn viên tình nguyện khiến tôi và cả những lữ khách hôm ấy thực sự ấn tượng, đem chuyện nói với Kenji Nagamine - Trưởng bộ phận lữ hành vùng Tohoku của công ty du lịch hàng đầu Nhật Bản là H.I.S, đơn vị tổ chức tuyến tham quan cho du khách Việt đến 6 tỉnh vùng Tohoku trên các hành trình thuê máy bay nguyên chuyến (charter flight), anh chia sẻ thêm rằng: “Rất nhiều địa danh du lịch vùng Tohoku như thành Sendai, hẻm núi Naruko... được người bản địa cao niên tình nguyện làm hướng dẫn du lịch. Đây là mô hình đang được nhân rộng khắp Nhật Bản, lữ khách thực sự thích thú vì được các hướng dẫn viên tuy không chuyên, nhưng sở hữu một kho tàng kiến thức về chính nơi họ sinh ra và lớn lên, am tường mọi thứ mà hướng dẫn chuyên nghiệp không thể có.
    Họ sử dụng vốn sống của bản thân để kể cho mọi người, chính bản thân họ cũng đã là một câu chuyện đặc biệt”. 
    Bài và ảnh: Nguyễn Đình

    Không có nhận xét nào: