Tờ mờ sáng, anh Otani - người bạn Nhật - đến đón tôi đi thăm chợ bán sỉ ở Osaka. Suốt dọc đường từ Kobe sang Osaka, Otani vừa lái xe vừa dẫn chuyện.
Tờ mờ sáng, anh Otani - người bạn Nhật - đến đón tôi đi thăm chợ bán sỉ ở Osaka. Suốt dọc đường từ Kobe sang Osaka, Otani vừa lái xe vừa dẫn chuyện. Tôi say sưa lắng nghe và ngắm nhìn những kiến trúc hiện đại xen lẫn nét cổ kính vùng phía nam tỉnh Hyogo mà Kobe là thủ phủ, được xây dựng lại sau trận động đất kinh hoàng năm 1995 đã làm mất hơn 650.000 người của thành phố này.
Sau lần đó, dân số của Kobe chỉ còn lại 1.042.000 người. Cũng sau trận động đất này, một thương nhân người Nhật đã phát hiện nơi đây có một nguồn nước suối rất tốt, nên đã bỏ tiền xây dựng khu nghỉ dưỡng suối nước nóng gọi là Osen. Mọi người đến đây để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong trận động đất, và tắm nước nóng.
Gọi giá trong phiên đấu giá trái cây |
Dọc hai bên đường, hàng loạt chung cư được chính phủ xây dựng làm chỗ ở mới cho những gia đình bị mất nhà cửa trong trận động đất. Trong tiết trời mát mẻ của buổi sáng ở Kobe, được ngắm nhìn những cánh hoa anh đào (sakura) lung linh trong gió, cảm giác lâng lâng thật dễ chịu...
Ra khỏi thành phố, chúng tôi đi dọc bờ biển. Nơi đây, hàng loạt nhà máy, khu công nghiệp trải dài. Phóng tầm mắt qua cửa kính, thấy những chú chim hải âu chao lượn quanh các trụ trên mặt biển - nét mềm mại quấn quanh cái lạnh lùng của những khối bê tông - một sự tương phản rất thú vị!
Ở chợ bán sỉ lớn nhất Osaka, khi biết chúng tôi từ Việt Nam sang, ông Tanaka Takashi - Giám đốc phụ trách khu vực chợ giới thiệu hai cộng sự là Naka Yasuyuki và Minamino Tomoya hướng dẫn chúng tôi đi chợ Honjo. Chợ sỉ truyền thống của Osaka được xây dựng trên diện tích 181.094m2, chia làm ba khu vực, gồm: khu chợ trung tâm Honjo, Tobu Shijo nằm phía tây và Nanko Shijo ở phía nam.
Hàng hóa ở đây có nhiều xuất xứ, trong và ngoài nước, bao gồm cả hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Trong đó, hàng thủy sản tươi và đông lạnh chiếm 26%; nông sản, trái cây và rau củ quả chiếm 70%; phần còn lại là hàng khô và đóng gói cho các siêu thị.
Trong khu vực chợ thủy sản, không khí làm việc rất khẩn trương. Phía bên ngoài, những kiện hàng vuông vức đang được các công nhân bốc dỡ, vận chuyển liên tục bằng xe điện. Tiếp đó là khu vực để cá ngừ. Những con cá được xếp ngay ngắn, mỗi con nặng đến cả trăm ký, trên mình gắn phiếu ghi các ký hiệu, mã số. Naka giải thích, họ có thể dùng điện thoại di động để tra cứu thông tin hàng mẫu, như được đánh bắt ở vùng nào, chủng loại gì, nhà nhập khẩu là ai...
Một gian hàng trong khu thủy sản chế biến. |
Những người mua hàng ở đây đánh giá độ tươi của cá bằng cách cắt miếng thịt nhỏ ở phần gần đuôi cá và ăn sống. Phiên đấu giá thường bắt đầu từ 5 giờ sáng, diễn ra trong hai tiếng, và chỉ những người có giấy phép mới được trả giá.
Du khách tham quan khu vực giao dịch cá ngừ phải tuân thủ các nguyên tắc: không đi vào khu vực cấm, không mang theo túi to hoặc vali, không dùng đèn chụp ảnh khi đấu giá, không đi giày cao gót hoặc xăng đan, không mang theo trẻ em và vật nuôi, không hút thuốc và không sờ vào cá.
Gần đó là khu vực chế biến phi lê cá. Họ cưa từng khúc cá, xẻ thịt cá bằng những con dao dài hơn 1m một cách nhanh nhẹn và gọn ghẽ, thật chuyên nghiệp! Các mặt hàng tươi sống khác cũng được đóng gói, sắp xếp ngay ngắn, bắt mắt. Khu chợ cá mà không hề có mùi... cá.
Di chuyển sang khu vực chợ trái cây, chúng tôi may mắn được chứng kiến cuộc đấu giá vừa bắt đầu. Từng thùng hàng mẫu - với những ghi chú đầy đủ về xuất xứ, số lượng, kích cỡ đóng gói... - được đặt lên băng chuyền chạy đến khu trung tâm, nơi các nhà đấu giá đứng đó, hô giá và điều khiển.
Người tham gia đấu giá là các nhà mua sỉ, đại lý, cơ sở chế biến, các nhà bán lẻ lớn. Họ ra hiệu bằng tay theo những ám hiệu được quy định. Cuộc đấu giá diễn ra hết sức trật tự, hoàn toàn không nghe tiếng nói hay la hét trả giá. Tanaka cho biết, ông cũng có đến 40 năm làm người gọi giá, rồi vui vẻ chỉ cho chúng tôi vài quy định trong cách ra giá. Tự hỏi, không biết bao giờ quê mình có thể tạo lập được phong cách và văn hóa đấu giá như ở đây...
Trưng bày sản phẩm trong khu chợ rau củ, quả. |
Đến khu vực kho trữ hàng của chợ trái cây, chúng tôi tận mắt thấy sự sắp xếp gọn gàng, khoa học ở đây. Quản lý kỹ thuật của một nhà nhập khẩu trái cây nhiệt tình giải thích quy trình ủ chuối: Hàng từ Philippines và Taiwan được đưa về kho trong tình trạng còn xanh, được cho vào xông ga trong một kho khép kín, sau 7 ngày thì chuối chín, đem ra phân phối. Dọc dãy nhà kho là các gian dành cho nhà bán sỉ tổ chức đóng gói hàng hóa.
Đến đây mới biết, việc đóng gói rau củ không chỉ đến chợ này mới thực hiện, mà đã được tiến hành ngay tại nhà vườn. Những người sản xuất, trồng trọt đã đóng gói một cách kỹ lưỡng ngay sau thu hoạch, nhằm bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Do vậy, giá trị sản phẩm được bảo quản một cách tốt nhất, và theo đó giá thành sản phẩm cũng tăng.
Chia tay với hai người hướng dẫn thăm quan, tạm biệt chợ sỉ truyền thống Honjo, trong tôi dậy lên nhiều trăn trở: Việt Nam mình bao giờ tổ chức được mô hình chợ sỉ như ở Osaka; nếu nông dân mình học được cách bảo quản giá trị sản phẩm như ở Nhật thì chắc chắn Việt Nam có thể xuất khẩu ra thế giới nhiều loại trái cây ngon, và đời sống của người sản xuất chắc sẽ được cải thiện rất nhiều...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét