P. NGUYỄN DŨNG
Mô tô Harley Davidson là một trong những sản phẩm đậm chất Mỹ đã góp phần làm cho đất nước này trở thành điểm đến du lịch của triệu triệu người.
Sau hành trình dài tham quan nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng tại Milwaukee, bang Wisconsin, khá gần thành phố Chicago, cuối cùng, khi chiều đã ngớt nắng, không khí bắt đầu se lạnh, chúng tôi mới được toại nguyện: Bảo tàng Harley-Davidson đây rồi!
Một không gian trưng bày hai tầng toàn bằng sắt thép và kính dày. Lưu giữ trong đó là 450 kiểu xe Harley Davidson, kể cả "kho tàng quý giá” là chiếc Serial Number One của buổi ban đầu, cách nay trên 110 năm.
Một kiểu Harley buổi ban đầu |
Rất bực bội khi hướng dẫn viên thông báo: "Các bạn có thể vào đây tham quan trong 60 phút", khi mà chúng tôi cần đến gấp 4 lần số thời gian ấy để tìm ngắm những con thiết mã đã góp phần làm nên lịch sử nước Mỹ thời thế kỷ XX.
Một trong những con ngựa sắt Harley Davidson chúng tôi nhìn lâu nhất là kiểu xe mà lính bộ binh Mỹ (MP) sử dụng ở các mặt trận bên châu Âu. Trông nó thật vạm vỡ, cứng cáp, mạnh mẽ và hùng dũng với cái bao da bò dày cui để che mưa, ngăn đất cát, bùn không thâm nhập vào khẩu tiểu liên Thompson.
Rồi là chiếc Harley Davidson KH mà vua nhạc rock Elvis Presley từng cưỡi cách nay 61 năm. Kế đến là hai chiếc Captain America Bike và chiếc Billy Bike đã lăn bánh đường xa trong phim Easy Rider. Và khó bỏ qua nhiều phút chụp ảnh chiếc Rhinestone Harley vì nó được trang điểm với dàn đèn sau quá sức hấp dẫn.
Một vòng chiêm ngắm các "ngựa sắt" Harley, bạn sẽ phần nào rõ hơn vì sao thương hiệu này vừa đậm chất Mỹ, vừa rất đặc biệt. Tại nhiều thành phố, cảnh sát Mỹ vẫn sử dụng Harley, quân cảnh Mỹ từng kết bạn với những chiếc Harley. Và có cả Harley dành riêng cho những tay lái nữ ưa chuộng lối sống độc lập, không lệ thuộc cánh mày râu.
Sidecar Harley Davidson của bộ binh Mỹ |
Những trang sử trong bảo tàng giúp khách tham quan hiểu rằng, Harley Davidson, hình thành từ năm 1903, thực sự bắt đầu cuộc chinh phục thế giới khi nước Mỹ buộc phải tham gia cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai vào cuối năm 1941, sau khi bị Nhật đánh úp tại Trân Châu Cảng.
Như những nhà sản xuất sắt thép, cơ khí, ô tô, máy bay khác, Harley Davidson tạm giã từ những sản phẩm dân sự để dồn lực tung ra các sản phẩm phục vụ chiến tranh. Hơn 1.000 chiếc X-A 750 được nhanh chóng xuất xưởng, gửi đến mặt trận tận bên châu Phi cho các đơn vị bộ binh Mỹ.
Khi hòa bình được tái lập vào tháng 8/1945, Harley Davidson tính sổ trong chưa đầy 5 năm đã làm ra trên 60.000 "con ngựa sắt" các kiểu cung cấp cho lục quân Mỹ tại châu Âu, châu Á.
Rất nhanh chóng, đến tháng 11/1945, những kiểu xe Harley dành cho cuộc sống đời thường trong thời bình đã lại thi nhau tuồn ra khỏi nhà máy.
Harley của vua nhạc rock Elvis Presley |
Thế chiến II đã qua, ngựa sắt Harley Davidson tỏa sáng nhờ... các thước phim nhựa. Có thể nói rằng trong hơn 7 thập niên qua, Hollywood đã giúp rất nhiều tài tử Mỹ và ngoại quốc trở thành những tay lái trứ danh trong các phim hình sự, khoa học giả tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, tình cảm (điển hình là Tom Cruise cưỡi thiết mã chở mỹ nhân Kelly McGillis trong Top Gun), hài (John Travolta cưỡi Fat Boy trong Wild Hogs).... Đó không chỉ là Bruce Willis với chiếc FXR Super Glide trong phim hình sự Pulp Fiction, mà còn là Jay Chou chạy V Rod Custom trong Green Hornet và Danny Trejo với chiếc Soft Tail có gắn cả một dàn đại liên 6 nòng trong phim Machete, và Nicolas Cage trên chiếc Pan Head Chopper trong phim hình sự kinh dị Ghost Rider...
Thiết mã trứ danh trong phim Easy Rider |
Những tài tử cơ bắp lừng danh một thời đều cưỡi Harley lên màn ảnh lớn, chẳng hạn như Sylvester Stallone với chiếc 1978 FLH Electra Glide trong phim Rocky III, và Arnold Schwarzenegger trên chiếc 1990 Fat Boy trong Terminator 2: Judgment Day. Không quên nhắc đến Mickey Rourke với chiếc 1989 FXR trong Harley Davidson and the Marlboro Man... Nhưng lưu lại trong ký ức của những bậc đàn anh từ những năm 1960-1970 phải là Peter Fonda trên chiếc 1951 Pan Head trong tuyệt tác Easy Rider trình chiếu năm 1969. Kế đến là Lee Marvin trên chiếc Hydra Glide trong The Wild One "chọi" với Marlon Brando trên chiếc Triumph Thunderbird.
Chiếc Rhinestone Harley trang điểm tuyệt đẹp |
Đọc tờ báo Mỹ trong chuyến bay của hãng EVA Air từ Chicago trở về Đài Bắc, chúng tôi biết được trong 5 năm tới, rất phấn khích với kết quả có được từ việc tung ra cỗ máy 107 Milwaukee-Eight, nhà Harley lên kế hoạch phát triển thêm 200 nhà phân phối ở hải ngoại và sẽ lần lượt tung ra 50 kiểu xe mới, cốt giành lại thị phần từ các đối thủ ngoại quốc tuy trẻ tuổi hơn nhưng lại có lực lao nhanh đáng kể.
Cũng đọc được từ tờ báo ấy rằng, năm 2016, số xe Harley tiêu thụ ở thị trường quốc tế ngoài lãnh thổ Mỹ ra đã tăng 2,3%. Một tin vui nho nhỏ để tin rằng những con "ngựa sắt" Harley Davidson sẽ sống thọ, mãi tăng tốc đường xa trong ký ức của nhiều thế hệ, kể cả những người như chúng tôi, suốt mấy thập niên mê Harley nhưng mãi chưa làm chủ được chiếc nào.
Sống đời vi vu cùng Harley Davidson
Cũng như những người "chơi" nó, dòng xe này gai góc, bụi bặm, ồn ào nhưng luôn tạo nên một cảm xúc rất chân thực.
Không riêng gì các người hùng điện ảnh, danh thủ David Beckham cũng là fan của Harley Davidson |
Đã bao giờ bạn phải giật mình khi nghe thấy sau lưng hàng trăm tiếng sấm? Tiếng gầm rú khiến tim như nhẩy ra ngoài lồng ngực để rồi cho đến khi thấy đoàn xe của những gã cơ bắp, râu rậm, đầu chít khăn, đeo kính đen, cưỡi trên những chiếc xe đen trũi, lòng vẫn không khỏi sôi sục.
Tiếng pô trầm đục, ngắt quãng như súng liên thanh đặc trưng của Harley rền vang một góc trời. Nó là thứ âm thanh gây nghiện và là niềm tự hào của các tay chơi khi chạy xe trên đường.
Tiếng pô trầm đục, ngắt quãng như súng liên thanh đặc trưng của Harley rền vang một góc trời. Nó là thứ âm thanh gây nghiện và là niềm tự hào của các tay chơi khi chạy xe trên đường.
Ảnh hưởng của loại xe này cũng như nền văn hóa Mỹ đã ngập tràn thế giới. Bất cứ một nam nhi nào, ở bất cứ đâu, chỉ cần vài lần ngó trên màn ảnh của Hollywood có một siêu sao nào đó đang cưỡi Harley, đằng sau có một cô chân dài miên man xõa tóc phóng như bay trên đại lộ cao tốc là đủ chết mê chết mệt.
Hình ảnh những người đàn ông nặng 2 tạ, mặc áo da để tay trần săm vằn vện, tóc tai bờm xờm thường gây ác cảm cho những ông già, bà cô khó tính. Cứ nhắc đến “bọn đi Harley” là nghĩ đến rượu và các vụ đánh nhau rầm trời. Mà con gái đã cưỡi lên xe này là cũng thành đồ bỏ.
Harley Davidson là nhãn hiệu ưa thích của Adam Levine cũng như các ngôi sao âm nhạc, điện ảnh khác |
Nhưng không phải như vậy, các nhóm đi xe Harley cũng có thú vui rất đơn giản và hồn nhiên như trẻ thơ. Mỗi dịp hội hè, họ lại tụ tập dựng trại, rồi tham gia những trò chơi như cưỡi Harley ăn xúc xích treo, tắm bùn đuổi lợn hay nghêu ngao hát theo những ban nhạc từng tham dự lễ hội của Harley như: Lynyrd Skynyrd hay huyền thoại âm nhạc Bob Dylan.
Người ta có thể yêu hay ghét Harley Davidson, nhưng rõ ràng phải công nhận một điều: trong một thế giới lấy cái tôi làm trung tâm, ai đã cưỡi Harley thì vô cùng sung sướng khi không bị đụng hàng, vì hiếm khi nhìn thấy một chiếc thứ hai giống hệt như thế trên cả thế giới.
Họp fan hoành tráng như hội Harley Davidson! |
Nhà sản xuất đã thành công khi đánh vào tâm lý này của khách hàng, đó là phương châm “Customizing”. Và chẳng mấy ai biết đó là cách kiếm tiền hữu hiệu nhất.
Vì chính chủ nhân xe Harley là người cố săn lùng cho bằng được vài phụ tùng khác đời - dĩ nhiên là mua của chính hãng chứ không dùng hàng Đài Loan hoặc Hong Kong. Cuốn catalog phụ tùng mông má xe dày 832 trang! Trong đó có chừng 50.000 phụ kiện và mỗi năm được bổ sung thêm 1.000 đồ chơi nữa.
Riêng mặt này thì dân Mỹ có tinh thần ái quốc cao độ, “Made in USA” là khẩu hiệu được dân chơi Harley giương cao và lan tỏa toàn cầu.
Tuy nhiên với xu thế chung của thế giới là sử dụng những sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường, Beck, giám đốc Marketing của Harley Davidson nói: “Chúng tôi cũng biết là số phận của động cơ đốt trong đang được đếm từng ngày, và đã chuẩn bị dài hơi. Trong tương lai gần sẽ xuất hiện mô hình chạy động cơ điện hay hybrid”.
Mặc cho người ta có lo nghĩ thế nào, riêng chỉ có fan trung thành của Harley là không hoài công nghĩ đến chuyện đó. Vì sống trên Harley là sống như thể hôm nay là ngày cuối.
Harley Davidson: Tự tin nổi loạn
HỒNG THU
Dường như khủng hoảng kinh tế toàn cầu không ngăn cản được những người mua xe, ít nhất là đúng với những người yêu những dòng xe mạnh mẽ của Harley Davidson.
Dường như khủng hoảng kinh tế toàn cầu không ngăn cản được những người mua xe, ít nhất là đúng với những người yêu những dòng xe mạnh mẽ của Harley Davidson.
Nói cách khác, việc cập nhật tình hình tài chính từ Harley cũng có thể thấy được các tin tức tốt cho nền kinh tế toàn cầu. Lô hàng xuất khẩu của hãng xe trứ danh này trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 5% nhờ vào đà tăng trưởng của những mẫu xe mới ra mắt.
"Harley Davidson đã rất thành công trong thời gian qua. Riêng khoản doanh thu nhờ xuất khẩu đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh thu ở thị trường trong nước cũng tăng trưởng đều đặn", Keith Wandell, Giám đốc Điều hành Harley Davidson, cho biết.
Theo ông Wandell, doanh thu của Harley Davidson vẫn sẽ tăng tiếp trong những tháng còn lại của năm 2014. Trong năm 2013, Harley Davidson đã 6 năm liên tiếp trở thành thương hiệu mô tô bán được nhiều xe nhất tại Mĩ.
Độ tuổi trung bình của khách hàng chọn mua Harley Davidson là 18 đến 34, thuộc đủ các nhóm ngành nghề, từ diễn viên, nha sĩ hay giám đốc công ty... Khác nhau về lứa tuổi, nghề nghiệp nhưng những con người này có điểm chung là muốn thật sự "trở về con người thật của mình" cùng chiếc xe Harley Davidson rong ruổi dặm đường trong cảm giác tự do và một chút "nổi loạn".
Harley tung ra chiến dịch cũng rất "nổi loạn" khi công bố "Sự thật #1 về Harley: Harley không dành cho tất cả mọi người!". Chiến lược tách biệt thương hiệu này không hề lật đổ Harley khỏi ngôi vị biểu tượng hay dồn Harley vào thế bị cô lập.
Ngược lại, Harley lại củng cố vị trí và hình ảnh đặc biệt của mình với 40% thị phần xe máy tại Mỹ. Mức độ khách hàng tiếp tục chọn lại thương hiệu Harley là 75%, dù các dòng xe của Harley khá đặc biệt, mỗi sản phẩm có giá trung bình khoảng 20.000 USD.
Nhưng cũng song song đó, Harley Davidson vừa ra mắt 2 dòng xe phân khối nhỏ Street Series - Street 500 và Street 750, dành riêng cho phái đẹp, với nhiều điểm khác biệt thú vị so với những chiếc xe nam tính hầm hố vốn đã trở thành biểu tượng nổi tiếng của hãng.
Hãng đã đưa hình ảnh những cô gái đầy nữ tính xuất hiện trong chiến dịch quảng cáo lớn, đồng thời vẫn cho dòng chữ đầy kiêu hãnh "Chỉ cần thêm cái tôi.
Và đi!" chạy trên các bảng quảng cáo khác nhắm vào nữ giới. Nhà phân tích Efraim Levy tại S&P Capital IQ nhận định Harley sẽ có một khởi đầu vượt các đối thủ cạnh tranh, đơn giản chỉ vì thương hiệu Harley Davidson quá nổi tiếng, ngay cả với phái nữ không yêu thích những chiếc xe hầm hố. Harley biết cách cân bằng giữa việc thúc đẩy khí chất đàn ông và lòng tự tôn của nữ giới.
Claudia Garber, Giám đốc Tiếp thị nhóm khách hàng nữ giới của Harley, cho biết, sự tự do và tính độc lập sẽ là những giá trị cộng hưởng khi Harley tiếp cận với nhóm khách hàng nữ trẻ trung và hiện đại. Giám đốc Tài chính Harley John Olin khẳng định trước các nhà phân tích và giới đầu tư rằng: "Tôi đoán là có không ít phụ nữ muốn nổi loạn".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét