Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Quốc gia Đông Nam Á duy nhất không giáp biển

Lào, tên chính thức là nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, là quốc gia nội lục địa duy nhất tại Đông Nam Á, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp với Myanmar, phía đông giáp Việt Nam, phía nam giáp Campuchia, phía tây và tây nam giáp Thái Lan. Riêng với Việt Nam, Lào có 10 tỉnh chung đường biên giới.
Bản đồ Lào. Ảnh: Lonely Planet
Bản đồ Lào. Ảnh: Lonely Planet
Thủ đô của Lào là Viêng Chăn. Theo số liệu mới nhất năm 2017 từ UN, Lào có khoảng 6,9 triệu dân sống trên diện tích 236.800 km2.
Không có biển, sông Me Kong, dòng sông chính ở Lào trở nên quan trọng hơn. Đây là tuyến giao thông đường thủy lớn, cung cấp nước cho thủy điện, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản..
Lào có nguồn gốc lịch sử từ Vương quốc Lan Xang (một số tài liệu viết là Lạn Xạng, Lang Xang hay Lan Ch’ang), được thành lập vào năm 1354 bởi Phà Ngùm. Lan Xang có nghĩa là Vạn Tượng. Vì vậy, Lào được gọi là đất nước Vạn Tượng hay đất nước triệu voi.
Voi tại Trung tâm bảo tồn Voi (ECC), Lào. Ảnh: CNN
Voi tại Trung tâm bảo tồn Voi (ECC), Lào. Ảnh: CNN
Trên thực tế, Lào từng là nơi sinh sống của rất nhiều voi. Tuy nhiên, số lượng voi ngày càng giảm, nhiều đứa trẻ thậm chí chưa từng được nhìn thấy voi. Trong những năm 1980, có khoảng 4.000 con voi ở Lào nhưng hiện tại chỉ còn 800, giảm khoảng 75% trong 30 năm qua, theo một bài viết trên CNN ngày 9/8/2017. Để bảo tồn loài động vật có ý nghĩa lịch sử này, nhiều trại bảo tồn voi được thành lập ở khắp Lào.
Ngoài biệt danh đất nước triệu voi, Lào còn được biết đến là xứ sở hoa champa vì champa là quốc hoa của đất nước này.
Theo Visit Laos, khoảng 67% dân số Lào theo Phật giáo. Theo bài viết trên trang của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, Phật giáo tại Lào tồn tại song song hai hệ phái là Đại thừa và Tiểu thừa, trong đó hệ phái Tiểu thừa chiếm đa số.
Văn hóa Phật giáo và đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng, để lại những dấu ấn rõ nét trong đời sống của người dân Lào. Không chỉ ở những nét đặc trưng của các chùa tháp cổ kính, những bóng áo vàng của sư tăng mà Phật giáo còn trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống tâm linh của người dân Lào. Từ kiến trúc, nghệ thuật cho đến hội họa, điêu khắc, từ ngôn ngữ, văn tự cho đến văn học, thi ca; từ trang phục, ẩm thực cho đến tín ngưỡng, lễ hội đều mang dấu ấn Phật giáo.
Pha That Luong được xem như biểu tượng của nước Lào, đồng thời là ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất tại Lào, là biểu tượng văn hóa tiêu biểu cho óc sáng tạo của người Lào được xây dựng vào năm 1566 (thế kỷ 16). Hình ảnh ngôi chùa được in trên tiền và quốc huy của Lào.
Chùa Pha That Luong. Ảnh: Naphavong
Chùa Pha That Luong. Ảnh: Naphavong
Các thư tịch cổ của ngôi chùa ghi lại tại khu vực này vào năm 236 Phật lịch, tức năm 307 trước Công nguyên, người ta đã xây dựng một ngôi chùa. Khi đạo Phật trở thành tôn giáo chính và Viêng Chăn thành kinh đô mới, cùng với việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, chùa chiền, nhà vua cho tu bổ lại That Luang bằng cách xây bọc lên ngôi tháp cũ một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy vẫn được giữ nguyên đến ngày nay.
Tháp có bệ hình vuông, xung quanh được trang trí bởi hàng trăm hình lá bồ đề cách điệu. Ngoài tháp chính cao 45 m, còn có các tháp nhỏ biểu tượng cho Đức Phật thích ca với 30 năm tu hành gian khổ của người để thành Phật.
Lễ hội That Luang diễn ra vào ngày sát rằm tháng 12 Phật lịch, kéo dài một tuần và kết thúc vào đúng ngày rằm của tháng.

Lễ hội mừng năm mới của người Lào kéo dài từ ngày 14 đến 15/4. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực sự.
Tết té nước là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống của một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Myanmar. Với Lào, ngày Tết này được gọi là Bunpimay. Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh, thanh khiết cho vạn vật. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu cho năm mới ấm no, hạnh phúc.
Theo phong tục của lễ hội, 13/4 là ngày cuối cùng của năm cũ, người người lau dọn trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Buổi chiều, người dân tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện và nghe các sư giảng đạo, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho cả năm. Sau đó, họ rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể tắm Phật.
Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Ngày thứ ba có nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Trước khi té nước, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng. Bạn bè té nước vào nhau. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật, công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe.
Ai bị ướt càng nhiều sẽ càng hạnh phúc.


Dương Tâm


Không có nhận xét nào: