Thời điểm tham quan "dòng sông 1.000 Linga" tốt nhất là vào mùa khô, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau.
Hơn 10 thế kỷ trước, người Khmer cũng tạo nên một kỳ quan cho nhân loại chiêm ngưỡng với đền Angkor Wat. Nhưng Angkor Wat được xây dựng như thế nào? Những khối đá hàng chục tấn kia lấy từ đâu và đưa lên đỉnh các ngọn tháp bằng cách nào?... và vì sao thời đại hoàng kim của Angkor biến mất giữa rừng già cho đến 1.000 năm sau các nhà khảo cổ học Pháp tình cờ phát hiện…
Vị vua huyền thoại và triều đại Angkor
Truyền thuyết của người Khmer kể lại rằng: vợ chồng thiên thần Kampuja và Mera và con cháu là dòng dõi đời đời cai trị vương quốc Khmer. Kampuja cũng là tên của đất nước Campuchia ngày nay.
Theo sách sử: vào năm 916, vị vua rất trẻ đang trị vì đất nước này, suốt ngày vua cứ lẩm bẩm một câu nói: Trẫm có một ý thích là lấy thủ cấp của vua Java (Indonesia) đặt trên một cái mâm đặt trước mặt trẫm"… Lúc này, Java là một đế quốc rất hùng mạnh trong khu vực.
Từ năm 774 -784, vua Java tức giận đùng đùng kéo thủy quân ngược dòng sông Mê Kông tấn công Kulen và bắt vị vua trẻ cùng tất cả tôn thất triều đình mang về nước. Hành động tàn bạo của vua Java đã phạm phải một sai lầm mang tính lịch sử: đó là hoàng tử Jayavarman II, đã trốn thoát vượt biển về lại Kulen chiêu tập nghĩa sĩ dấy binh chống lại người Java và mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập và phát triển phồn thịnh nhất lịch sử của các vương triều Angkor lưu danh đến hậu thế.
Vua tự xưng Chakravartin (vua thiên hạ) bằng một lễ đăng quang trọng thể theo tín lễ Ấn Độ giáo. Năm 802, vua tuyên bố trong đại lễ tổ chức tại núi Kulen (núi cây vải) thể hiện uy quyền bằng việc lấy biểu tượng Linga làm vật thờ cúng của Hoàng gia, nêu rõ ý chí làm "chúa tể vũ trụ" của mình.
Trải qua nhiều thế kỷ, Linga vẫn là biểu tượng đặc trưng cho sự trị vì của các đời vua Angkor cũng như tôn giáo, nghệ thuật và kiến trúc. Sau khi băng hà, vua Jayavarman II được đặt thụy hiệu là Paramesvara, "chúa tể tối cao của Shiva". Con trai là thái tử Jayavarman III và hai vị vua khác của gia tộc tiếp tục trị vì Campuchia. Sau 30 năm vua Jayavarman II băng hà, vua Indravarman III đã cho xây dựng đền Preah Ko, ngôi đền chính đầu tiên trong quần thể Rolous.
Sau đó, xây dựng đền Bakong, công trình vĩ đại đầu tiên mang hình dáng một ngọn núi tạo nên phong cách đền - núi độc đáo sau này. Năm 928, Vua Jayavarman IV dời đô từ Angkor về phía Bắc 100 km là Koh Ker trở thành kinh đô của đế chế Angkor trong khoảng 20 năm.
Len lỏi theo đoàn người hành hương đến Kulen từ tờ mờ sáng, anh bạn Kim Hei- hướng dẫn viên du lịch tỏ ra rất hào hứng khi biết chúng tôi quan tâm đến lịch sử truyền thống nơi đây. Thật bất ngờ khi giữa rừng núi đại ngàn lại có những tượng đá hình voi, sư tử, ếch cao hơn 2m đứng sừng sững rải rác trong khu rừng.
Chuyện kể về những tu sĩ đạo Bà La Môn tu trên núi, sống trong những hang động ẩm ướt, bên trên là hàng ngàn con dơi bay lượn nghe rợn người như trong Âm hồn Cốc, Quỷ Tiên Cốc… Sau khi xuống tóc quy y, các tu sĩ đã xăm lên bờ vai mình hình mặt trời thể hiện lòng tôn kính thiêng liêng đối với đấng tối cao và dứt bỏ hoàn toàn tạp niệm để tịnh tâm tu thiền hướng Phật.
Trong một năm, các tu sĩ xuống núi một lần. Những tu sĩ đạo Bà La Môn và sự hiện diện của họ trên đỉnh Kulen cũng là minh chứng giải thích về lịch sử dòng sông ngàn Linga mà con người nhìn thấy ngày nay theo quan niệm về triết lý phồn thực Ấn Độ giáo, đặc biệt thịnh hành ở Campuchia vào triều đại vua Jayavarman II.
Tên núi Kulen, theo tiếng Khơmer có nghĩa là trái vải gắn với câu chuyện mang tính truyền thuyết: Từ rất xa xưa, có những thuyền buồm chở thương nhân theo sông Mê Kông buôn bán với các nước. Do đó, trên núi Kulen và dòng suối Linga thường có những khối đá sa thạch hình thù y hệt mạn thuyền nằm rải rác các nơi. Có thể ở một kỷ nguyên nào đó cách nay hàng triệu triệu năm trước, vùng này là biển, dấu vết còn in rõ trên các tảng đá bị sóng ăn mòn. Kulen là nơi các tu sĩ Balamon đã làm lễ tấn phong các vị vua Khmer.
Ngày nay, thời gian in dấu rêu phong và các cuộc chiến tranh đã tàn phá rất nhiều, làm hư hại rất nhiều những di tích của thánh địa Kulen huyền bí, linh thiêng. Nhưng vẫn còn rất nhiều di tích và dấu ấn nghệ thuật tuyệt đỉnh của người xưa để lại, đặc biệt là trên đồi Mahendara và tại dòng suối Kbal Spean.
Cùng với số phận của Angkor, kinh đô này từng một thời gian bị quên lãng giữa rừng già âm u gần 10 thế kỷ. Năm 1968, một nhà thám hiểm người Pháp Jean Boulbet đã phát hiện ra thánh địa Kulen và Angkor Wat bị thất lạc giữa đại ngàn. Sau đó do chiến tranh, mãi đến năm 1998 chính phủ Campuchia mới đưa vào khai thác du lịch. Năm 2000, người ta khai phá một con đường dẫn lên núi, và con đường này trở thành con đường độc đạo hành hương về nguồn của người Khmer và du khách thập phương.
Dòng sông huyền bí chở hàng ngàn Linga
Chuyện kể: vào mùa hè năm 1050, vua Suryavarman I cho đắp đập ngăn nước dòng Stung Kbal Spean trên đỉnh núi Kulen nằm trên độ cao 450m, khởi công thực hiện kiệt tác điêu khắc vĩ đại nhất thế giới này.
Trên đoạn sông dài 4.200m, rộng bình quân 25m (tổng diện tích hơn 100 nghìn m2) trong vòng 100 năm người Khmer đã đẽo và tạc vào đá nằm dưới đáy dòng sông Siem Reap (chảy ngang qua TP Siêm Riệp và ra Tonle Sap Lake - Biển Hồ) hàng ngàn các tượng thần trong đạo Hindu như 3 vị thần Shiva, Vishnu và Brahma, tiên nữ Apsara, nữ thần Lakmi xinh đẹp cho đến các tượng Phật, phù điêu, hoa lá, một số loài thú và vô số tượng linga, yoni dày đặc dưới đáy sông.
Người Khmer xem Kbal Spean là dòng sông linh thiêng như một thánh địa, ai cũng mong ước được đến đó một lần trong đời để cầu nguyện và tắm suối. Vào mùa lễ hội, hàng ngàn trẻ em Khmer được cha mẹ cho tắm dưới dòng suối và đàn ông ngồi thiền trên những Linga dưới suối sẽ được các thần linh ban phát cho sức mạnh và quyền năng. Người khác thì nằm trên những Yoni để dòng nước mát lạnh xóa bỏ mọi lỗi lầm. Phụ nữ thì ngồi trên bờ lâm râm cầu nguyện cộng hưởng với chồng con hoặc người thân dưới nước. Đoạn sông này có nhiều thác rất cao, nước đổ từ trên xuống hùng vĩ.
Chúng tôi men theo những đường mòn lúc gấp khúc dựng đứng, lúc cheo leo, vắt vẻo, lúc uốn lượn như một con Rồng ẩn mình trong mây xanh đẹp mê hồn. Thời điểm tham quan "dòng sông 1.000 Linga" tốt nhất là vào mùa khô, từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, khi đó các bức họa ở hai bên bờ sông và dưới lòng sông sẽ được lộ ra rõ nét nhất.
Dòng sông đón chúng tôi với vẻ tĩnh lặng và hiền hòa như một người tu tịnh, thiền định. Nằm sâu giữa khu rừng và cách biệt với thế giới bên ngoài, giống một người tiền sử, khoác lên mình tấm áo cũ rêu phong cô độc. Dòng nước chảy êm ả gần như không một tiếng động lớn. Những phiến đá được chạm trổ công phu và khá tinh xảo lung linh dưới màn nước trong veo như đang cử động rất sinh động.
Thử chạm chân vào nước để ngâm, cảm giác mát lạnh của nước nguồn tinh khiết như chạy vào từng mạch nhỏ li ti trên da thịt và xương tủy… Dường như nước con sông thiêng đang chở hồn người từ ngàn xưa về hiện tại.
Lạ lắm, mùa mưa nước cũng chỉ sâm sấp tới đầu gối, mùa hè nước cạn đến mắt cá chân, khi ấy những phần phù điêu, tượng Linga-Yoni hiện ra rất rõ, chỗ cạn nước hàng triệu con bướm đủ các sắc màu bay đậu dập dìu rợp cả dòng sông. Ngày nay, đến với Angkor Wat hay lên núi Kulen, lòng người không khỏi lâng lâng khi nghĩ về những vị vua tài ba, lỗi lạc và huyền bí.
Video: Bí ẩn dòng sông biến mất chỉ trong 4 ngày
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét