Du khách đi trên phố hay thăm chùa chiền ở Bhutan hãy nhớ mang theo đồ ăn vặt để "cứu đói" những con chó hoang xuất hiện ở khắp nơi
Trần Vinh (28 tuổi) hiện làm việc tại Hà Nội là một chàng trai yêu thích du lịch. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Vinh cùng một người bạn đặt tour đến Bhutan từ ngày 19 đến 26/2. Hành trình khám phá đất nước hạnh phúc của Vinh có bốn người là anh, bạn của anh, hướng dẫn viên và lái xe. Dưới đây là những chia sẻ của chàng trai sau chuyến đi Bhutan đáng nhớ:
Trần Vinh trên lưng ngựa ở chặng đầu của đoạn đường tới Paro Taktsang (Hang Hổ), một tu viện nổi tiếng của Bhutan.
|
Bhutan, nơi mà hạnh phúc đến từ cái nghèo, cái lạc hậu đã cho thế giới thấy một cách sống hoàn toàn khác. Ở đây, mọi thứ đều chậm chạp từ việc đi lại hay xây dựng, buôn bán. Người dân bản xứ cũng không sống cuộc sống vội vàng khi mà 9h sáng đường sá vẫn vắng hoe, hay 9h tối chẳng còn mấy cửa hàng mở cừa.
Có lẽ vì lý do này, họ luôn cảm thấy tự do, thoải mái với cuộc sống hiện tại và hơn nữa, đem lại chính hạnh phúc cho bản thân mình. Cứ nhìn vào cuộc sống đầy xô bồ, cạnh tranh, hối hả ở Hà Nội, lúc nào mình cũng thấy mình là người nghèo, mình là người thấp kém, hạnh phúc chẳng bao giờ đến với bạn.
Đa phần người dân Bhutan theo đạo Phật. Họ luôn giữ trong đầu quan điểm: cần phải loại bỏ ba thứ độc hại là ngu dốt, tham lam và sự tức giận. Ví như khi cảm thấy tức giận với một hành động của con cái hay vợ chồng, họ lại nghĩ đến lý tưởng này của Phật giáo, điều đó làm dịu lại tình hình.
Về Phật giáo, 50% đàn ông ở Bhutan là thầy tu và họ sống ở các tu viện. Tại đây, công việc của họ hàng ngày là dọn dẹp, đọc kinh và rót nước thiêng cho du khách trong và ngoài nước. Đây chính là một lý do Bhutan kém phát triển khi mà 1/4 dân số không tham gia vào việc tạo ra của cải vật chất cho đất nước.
Ẩm thực của Bhutan thì theo mình, nó là sự kết hợp của đồ ăn Việt Nam và Ấn Độ. Đa phần món rau xào, thịt kho rất giống Việt Nam và một vài món khác, họ thêm cà ri của Ấn Độ vào. Người Bhutan ăn cơm cho cả ba bữa sáng, trưa, tối. Họ rất ít ăn thịt và thậm chí, nuôi gà, bò, cừu để giết thịt cũng bị cấm ngay trên mảnh đất hạnh phúc này. Cá thì tuyệt nhiên bị cấm đánh bắt bằng mọi hình thức. Vì vậy, nguồn thịt, cá duy nhất của họ là đồ nhập khẩu từ Ấn độ.
Bữa cơm do lái xe và hướng dẫn viên chuẩn bị cho hai người khách ăn cùng trong một buổi trekking. Cơm nấu từ gạo huyết rồng (red rice), bánh bao, rau củ xào, ớt nấu với phomat và một món thịt.
|
Đến Bhutan là bạn đến với một cộng đồng chó hoang - cũng giống như đến Hy Lạp là bạn gặp một cộng đồng của mèo hoang vậy. Chó hoang thấy ở khắp mọi nơi, chúng rất hiền, và thân thiện với khách du lịch. Do đó khi đến đây, bạn đừng quên mang theo đồ ăn vặt theo vì tại các điểm tham quan, rất nhiều chó bị đói và rét đang chờ bạn cho ăn. Khi một con chó bị phát hiện chết, người dân sẽ đem nó đi chôn thay vì giết thịt.
Tận mắt mình chứng kiến một cảnh tượng có lẽ là xúc động nhất trong 7 ngày ở đây, khi một bà bán hàng rong đang bày trứng và có một quả bị vỡ, bà không hề nuối tiếc mà đổ ra cho con chó đứng gần đó ăn.
Trong chuyến đi của mình có một ngày dạng farmstay, thăm nông trại và ở với một gia đình khá giả có bốn đứa con từ 3 đến 12 tuổi. Bữa ăn sáng của chúng chỉ là một bát khoai tây nấu và khách du lịch như mình thì "xịn" hơn là trứng rán ăn kèm cơm. Bữa tối cả gia đình và khách ngồi quây quần bên bếp giữa phòng và cùng ăn. Đây là nhà của một nữ xạ thủ từng tới Việt Nam thi đấu, do đó mình còn được tập bắn cung, tắm nước lá với bồn được làm nóng từ đá đã nung trước.
Du lịch của Bhutan cũng có phần đặc biệt. Chính phủ nước này yêu cầu chi phí của khách nước ngoài tối thiểu là 200 USD/ngày, chưa bao gồm vé máy bay. Tuy nhiên, bạn được ăn cả ba bữa và đa phần là buffet. Mỗi bữa sẽ có một món thịt và rất nhiều món rau.
Do Bhutan là đất nước nằm trên núi, việc di chuyển giữa các điểm du lịch, thành phố, chủ yếu trên đường đồi núi uốn lượn quanh co tuyệt đẹp, nhưng cũng rất dễ say xe. Tệ hơn là hầu hết xe ôtô ở đây chạy bằng dầu diesel để leo dốc khoẻ, ngồi ở ghế phía sau sẽ kích thích bạn say xe và dễ buồn nôn hơn vì mùi dầu đó. Nhưng tới thủ đô Thimphu, thành phố lớn nhất Vương quốc Bhutan, bạn không phải sợ lạc đường vì chỉ có hai trục đường chính và đi bộ trong ngày là có thể tham quan gần hết.
Một con chó tinh nghịch "làm dáng" trước ống kính máy ảnh của du khách.
|
Những tháng đầu năm là mùa thấp điểm của du lịch Bhutan nên phong cảnh khá hoang sơ, heo hút, nhưng cũng có nét đẹp riêng. Còn vào mùa xuân, từ tháng 3 đến tháng 6, bạn sẽ thấy toàn hoa, cỏ xanh mướt. Một điều đáng quý của chính phủ Bhutan chính là việc bảo tồn thiên nhiên. Với diện tích rừng bao phủ lên tới 75%, Bhutan đang lên kế hoạch mở rộng tới 80% trong những năm tiếp theo, và ôtô điện sẽ có thể chính thức hoạt động vào 2019.
Tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc trong nền giáo dục của họ từ bậc tiểu học. Một đứa bé lớp 8 còn nói tiếng Anh tốt hơn rất nhiều người Việt, thậm chí đang làm trong môi trường quốc tế.
Giao thông ở đây thì tốt hơn nhiều ở Hà Nội. Người Bhutan luôn đi bộ qua đường ở nơi có vạch kẻ ngang, không vứt rác bừa bãi dù đó là sự kiện ca nhạc ngoài trời hay sân vận động. Ôtô luôn nhường đường cho người đi bộ và quan trọng nhất là họ ý thức được mình đang lái xe nên thường đi chậm về phía bên trái (người Bhutan đi bên trái) và sẵn sàng nhường nếu có xe muốn vượt. Họ không bấm còi inh ỏi khi tắc đường hay phóng quá tốc độ.
Tuy là một đất nước mà đa phần người dân cảm thấy hạnh phúc, Bhutan vẫn là nơi nghèo nàn, lạc hậu và khác biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nơi đây có những kiểu kiến trúc, phong tục tập quán cổ xưa và quan trọng nhất là thiên nhiên vẫn được bảo tồn một cách nghiêm túc.
Đỉnh Everest trong dãy Himalaya nhìn từ cửa sổ máy bay, trên chuyến chuyển tiếp từ Ấn Độ tới sân bay Paro, Bhutan. Vinh và bạn đồng hành phải tới quầy check in từ 3h sáng mới chọn được chỗ ngồi ưng ý.
|
Trần Vinh chụp hình lưu niệm cùng người lái xe tour Bhutan.
|
Trải nghiệm bắn cung với người dân Bhutan, đây là môn thể thao chính ở đây. Vinh có cơ hội tập cùng một nữ xạ thủ từng tới Việt Nam thi đấu năm 2004.
|
Vật trưng bày trong một tiệm đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ ở thung lũng Punakha. Tại đây người dân địa phương rất tôn sùng "của quý" của đàn ông và coi đó như một loại bùa trấn yểm nên nó có mặt ở khắp nơi như một hình trang trí đặc biệt làm nhiều du khách phải đỏ mặt.
|
Một chặng đèo trên đường tới chỗ trekking, vào tháng 2 thời tiết còn lạnh, các con đường nơi đây tuyết phủ trắng đẹp như châu Âu.
|
Những lá cờ đủ màu sắc được người dân Bhutan treo ở khắp nơi, với ước muốn một cuộc sống hạnh phúc, dài lâu. Những chữ cái trên lá còn cũng được khắc ở các vòng xoay cầu khấn (Prayer wheel) trong các chùa chiền, tu viện để người dân, du khách tới xoay. Người dân Bhutan quan niệm khi quay các vòng xoay này, con người có thể gửi hàng ngàn lời khấn nguyện lên trời, cầu mong may mắn đến cho mình và người thân.
|
Trần Vinh chụp hình lưu niệm trước cảnh tu viện Paro Taktsang. Ở Bhutan các tu viện đều không cho phép sử dụng điện thoại, máy ảnh máy quay để chụp ảnh, ghi hình bên trong.
|
Căn phòng nhỏ xinh xắn, gọn gàng dành cho khách du lịch ở của một nhà dân tại Thimphu.
|
Khung cảnh thanh bình và trong lành ở pháo đài Punakha Dzong vào cuối tháng 2.
|
Trần Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét