Có những cuộc di cư mang đầy niềm đau và nỗi day dứt. Hành trình của những "Voortrekker" ở Nam Phi sẽ luôn được nhắc mãi trong lịch sử quốc gia cực nam châu Phi này.
"Voortrekker" - Người khai phá
Theo nghĩa đen, “Voortrekker” có thể dịch là “người đi về phía trước” hay “người khai phá”. Đó là danh từ được dùng chỉ những người Hà Lan và người Afrikaan (người Phi gốc da trắng) ở Nam Phi ra đi tìm vùng đất mới trong giai đoạn nhưng năm 30 - 40 của thế kỷ 19.
Những người Voortrekker chủ yếu đến từ vùng Đông Cape và một nhóm nhỏ từ Tây Cape (đều thuộc miền nam Nam Phi) chủ yếu làm nghề nông và buôn bán.
Lý do của cuộc di cư này đã được bàn luận qua hàng thập kỷ.
Những nhà sử học nghiên cứu về người Afrikan đã nhấn mạnh sự căng thẳng kéo dài giữa những người nông dân ở biên giới với bộ tộc Xhosa và chính quyền Anh không hề có nỗ lực nào để ổn định tình hình. Cộng thêm những hy vọng về vùng đất trù phú mang tên Natal, bang Orange Free và Transvaal (phía bắc Nam Phi) đã tạo nên làn sóng di cư của người Voortrekker.
Câu chuyện về những con người di cư lấp đầy quãng đường từ Johannesburg hướng về Pretoria - thủ đô hành pháp Nam Phi. Chỉ cách 50 km và hệ thống giao thông rất phát triển, mất chưa đầy một giờ để chúng tôi dừng lại bên hông quốc lộ 1 cho chuyến viếng thăm đài tưởng niệm Voortrekker gần Pretoria.
Vẫn còn bỡ ngỡ trước khung cảnh nên thơ hai bên đường, một tòa kiến trúc màu vàng cam đón du khách trong cái nắng đã lên cao. Không gian rộng và thoáng đãng trên đỉnh đồi lại mang chút buồn lặng toát ra từ những chiếc xe thùng cũ kỹ do gia súc kéo đặt cạnh cổng vào, hay đó là do sáng sớm chưa có du khách nhiều ghé đến nơi đây? Tôi cũng chẳng biết nữa, nhưng bước chân lên bậc thềm cứ chực chậm lại như kéo người ta về một miền ký ức nào đó.
Hành trình số phận
Thế là những Vootrekker lên đường, họ bỏ đầy hành trang trong những chiếc xe thùng do bò kéo, lùa gia súc thành đoàn kéo dài hàng km. Đó cũng là những hình ảnh được tái hiện trên bức tường thành bao ngoài khu tưởng niệm. Lần đầu tiên những người da trắng can đảm đi sâu vào “lục địa đen” đến thế và tất nhiên bao khó khăn hiểm nguy đang rình rập họ.
Bên trong sảnh đường rộng lớn của khu tưởng niệm là một công trình điêu khắc trên đá sa thạch được ốp lên bức tường dài 92 m. Lịch sử một thập kỷ di cư được gói trọn qua những bước chân trong ánh sáng huyền ảo.
Anh hướng dẫn viên Dany lần lượt giải thích những mũi tên di cư trên bản đồ và đưa du khách vào hành trình của những Voortreeker. Nhiều người lãnh đạo cuộc di cư sau này được ghi tên vào lịch sử Nam Phi như Gerrit Martiz, Peit Retife và Andries Pretorius đều có mặt trong những mảng điêu khắc tinh xảo.
Trên đường đi, những Voortreeker đã phải chống lại các bộ tộc bản địa như Ndebele, Shona, Suthu. Họ vừa đi vừa bảo vệ đàn gia súc, nuôi nấng trẻ nhỏ. Có những đoạn phải dừng chân hàng tháng, họ trồng trọt, chăn thả bò, ngựa trên thảo nguyên.
Khi đó, người đàn ông luôn lãnh trách nhiệm ra trận để chiến đấu và bảo vệ gia đình. Người phụ nữ ngoài việc trông nom lều trại còn đảm nhận việc giáo dục con cái. Những cô bé, cậu bé cũng giúp mẹ làm thuốc súng, đúc đạn. Trong một mảng điêu khắc có hình cậu bé Paul Kruger đang rót đồng nóng vào khuôn, người sau này trở thành tổng thống thứ 5 của Nam Phi.
Ký ức “dòng sông máu”
Ngay cái tên thôi cũng đã đủ làm người ta hình dung về một biến cố lớn xảy ra với người Voortrekker. Nhưng sự kiện trước đó mới chính là nguồn gốc của bao đau thương.
Trên bức tường điêu khắc mô tả quang cảnh thủ lĩnh Retief của nhóm Voortrekker đến thương lượng với tù trưởng Dingane của bộ tộc Zulu và bị sát hại dã man đêm 17.2.1838.
Andries Pretorius, người sau này được lấy tên đặt cho thủ đô Pretoria, đã trở thành người lãnh đạo Voortrekker tiến hành cuộc phản công.
Những người Voortrekker đang đứng trên bờ đau khổ cầu nguyện với Chúa trời trước đêm ra trận rằng: nếu thắng, họ sẽ nguyện hiến dâng cho ngài suốt đời.
Ngày 16.12.1838, 530 Voortrekker đã kết 64 chiếc xe bò kéo thành hình chữ D bên dòng Ncome. 15.000 quân Zulu sớm bị đánh bại bởi sự thông minh của Pretorius.
Ncome là dòng sông thiêng khiến người Zulu không dám vượt qua mà chỉ dùng những thanh lao phóng tới. Quân Voortrekker nhờ có súng đã dần dần tiêu diệt và đẩy lùi quân Zulu đến tận Umgungunlovo.
Máu người Zulu đã nhuộm đỏ dòng Ncome và trở thành ký ức không thể nào quên trong lịch sử cả hai dân tộc.
Nhà nước Natalia được thành lập, tuy sau đó bị người Anh chế ngự, nhưng nó cũng đã đặt một nền móng cho tư tưởng thống nhất và hòa hợp dân tộc trên đất nước Nam Phi.
Một hành trình ngắn chưa đầy 100 m trong tòa nhà tưởng niệm nhưng là một quãng đường dài chất chứa nhiều nỗi niềm, có hạnh phúc, có khổ đau, có những anh hùng ngã xuống và những nhà lãnh đạo mới nổi lên. Dải đất nằm ở cực nam châu Phi đã phải đấu tranh và đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm để có được ngày hôm nay.
Hằng năm, vào đúng ngày 16.12, nhiều người là con cháu của người Vootrekker, người Zulu, người Nam Phi da trắng, da đen... tề tựu ở xung quanh khu vực Cenotaph chính giữa đài tưởng niệm.
Nơi ấy, luồng ánh sáng từ mái vòm được khoét lỗ rọi thẳng xuống dòng bia mộ tượng trưng khắc dòng chữ “Ons Vir Jou Suid Afrika” (chúng ta tưởng nhớ những người đã ngã xuống, cho một Nam Phi ngày nay). Dòng chữ được lấy từ bài hát “Die Stem Van Suid Afrika” (Tiếng gọi của Nam Phi). Một hình ảnh đẹp về các dân tộc ở Nam Phi, đoàn kết và hòa hợp dân tộc.
Đường về Pretoria hôm nay nắng vàng, hàng cây lý dạ hương phủ bóng mát xuống những bước chân lữ khách giữa thủ đô thanh bình...
Bài, ảnh: Nam Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét