Từ bờ biển Baltic, băng qua cây cầu kỳ vỹ, chúng tôi đến với Rugen, đảo lớn nhất nước Đức và nằm cách bờ chỉ bốn cây số.
Lúc này, du khách đến đảo chưa nhiều, nhờ vậy thiên nhiên đa dạng và đẹp tuyệt vời trên đảo vẫn còn đang trong độ nguyên sơ nhất.
Hòn đảo huyền thoại
Mới gần tới đảo, mọi người đã thấy ấn tượng trước cánh rừng sồi phủ kín những vách đá vôi trắng phau thẳng đứng cạnh biển. Ngày đầu tháng 5, ánh nắng bắt đầu nhảy nhót trên mặt dại dương.
Anh bạn người Đức tiếc rằng chúng tôi không kịp đến đây lúc bình minh vì lúc đó, những vách đá vôi sẽ hắt ra ánh sáng màu hồng vàng và trắng trông rất kỳ ảo. Nhưng không sao, Rugen vẫn có quá nhiều thứ để ngắm nhìn trong vài ngày ngắn ngủi.
Hòn đảo gần một ngàn cây số vuông này có nhiều thị trấn, làng mạc cổ xưa, có những khu rừng được UNESCO phong di sản thiên nhiên thế giới. Rugen có địa hình bị cắt xẻ dữ dội, nhờ vậy mà đảo dày đặc những vịnh, đầm, phá, cộng với bàn tay tài hoa của người làm kiến trúc quy hoạch nước Đức, nên dường như đi đâu trên đảo cũng gặp những khu nghỉ mát đẹp mê hồn.
Một trong rất nhiều kiến trúc xa xưa của đảo. |
Dừng chân ở bìa rừng, ai nấy im lặng ngắm mấy cây thông non e ấp mọc lên trên lớp lá vàng còn sót lại từ mùa thu. Trên màu nền vàng úa đã điểm xanh, điểm trắng lớt phớt. Đó là loài hoa mang tên giọt tuyết, hoa trắng như tuyết và luôn nở sớm nhất mùa xuân.
Nhưng rực rỡ nhất lúc này là những loài hoa mang sắc màu vàng. Ở miền giá lạnh, hoa màu vàng nở nhiều nhất như để xuân càng ấm áp hơn. Một điều thú vị của nơi có mùa đông dài là cây thường nở hoa trước khi ra lá. Vì vậy nhiều cây lúc này chỉ toàn hoa là hoa, nhìn xa như những cây kẹo bông đủ màu hồng, vàng, tím.
Nắng nhẹ đã lên nhưng trong cái lạnh 5 độ C, tuyết thỉnh thoảng vẫn rơi. Rồi chỉ thoáng cái, những tinh thể nước lóng lánh như kim cương tan biến ngay vào không gian trong vắt. Ở mấy ngôi làng kiểu Bắc Âu, người dân đang lui cui trên mảnh vườn nhỏ để chuẩn bị cho một mùa hoa lá mới.
Chúng tôi lang thang trong cánh rừng sồi đỏ ngắm màu sắc sặc sỡ của hoa và côn trùng, cố căng mắt ra hy vọng hái được ít nấm đầu mùa. Nấm ăn được không thấy nhưng có người bắt gặp vài con chim bói cá lạ mắt kiếm ăn cạnh suối.
Tham quan đảo bằng tàu hơi nước là điều ít du khách nào bỏ qua khi đến Rugen. |
Bìa rừng lúc này cũng chính là mép vách đá vôi sừng sừng gần như vuông góc với mặt biển. Vơ hết đồ ấm quấn vào người, một nhóm chịu lạnh giỏi quyết tâm bước xuống 500 bậc thang để chạm tay vào nước biển Baltic. Nhóm còn lại đi ngắm núi Königsstuhl và hồ Hertha nên thơ.
Gần hồ có lũy đất cao mười mét của pháo đài Hertha. Xung quanh công trình này có nhiều huyền thoại xa xưa của người Slavic sống cách đây khoảng 2 ngàn năm. Câu chuyện ly kỳ nhất là về lễ tế thần Hertha với hòn đá thiêng, chén máu tươi và những thanh nam tú nữ bị nhấn chìm xuống biển.
Dân Đức ngày nay vẫn rất nhiều người tin vào huyền thoại. Chẳng hạn khối trai trẻ vẫn tin vào lời nguyền là ai leo lên được đỉnh Königsstuhl từ phía sườn núi vuông góc với biển sẽ trở thành vua của hòn đảo. Chả thế mà khi tiết trời bắt đầu ấm áp, đội lính cứu hỏa trên đảo lại phải thường xuyên cứu hộ những tay leo núi cả tin đang mắc kẹt trên vách núi đá vôi dựng đứng.
Cách tuyệt vời nhất để khám phá Rugen có lẽ là lên tàu hỏa chạy bằng hơi nước được gọi là Racing Roland. Tàu kiểu cổ, chạy lịch xịch qua những cánh đồng, làng mạc, thị trấn kiểu cổ. Nhịp sống ở Rugen chậm chậm, tàu đi chậm chậm, ai ở đây cũng cảm thấy mình thật thong dong!
Cổ điển nhất đảo là thành phố Sassnitz với những ngôi biệt thự xinh đẹp mấy trăm tuổi vẫn còn đầy sức sống. Nhưng nơi tắm biển đẹp nhất của Rugen phải kể đến thành phố Binz. Nước biển lúc này còn quá lạnh nhưng bãi cát trắng thênh thang ở Binz cũng đã đầy màu sắc của người đi du lịch. Vào chiều tối, chiếc cầu tàu giống một lâu đài nhỏ được chiếu sáng như cây thông Giáng sinh trước biển xanh.
Chúng tôi cũng đến thăm Granitz, một lâu đài đi săn kiểu Trung cổ ở gần đó. Granitz chỉ đẹp vừa vừa nhưng thị trấn Sellin cạnh bên thì quả là ấn tượng. Trong ánh nắng đầu xuân, mặt tiền của các biệt thự bằng gỗ có nhiều hoa văn trang trí màu hồng đỏ sao mà bắt mắt.
Sau Binz, nhiều người bắt đầu không thể nhớ hết được tên những điểm đến xinh đẹp tiếp theo. Dường như đâu đâu trên Rugen cũng là thắng cảnh. Nếu không phải là hải đăng uy nghi thì cũng là tàn tích của lâu đài kiểu Slavic, những con đường đồng quê lãng mạn và làng nông nghiệp, làng chài đẹp như tranh vẽ cứ nối tiếp nhau.
Trong số rất nhiều khu nghỉ mát bên bờ biển của đảo, du khách nhiều tiền có khi ở đây cả tuần để chơi golf, cưỡi ngựa, đi xe đạp, lướt ván, chèo thuyền, lặn, du thuyền hay khinh khí cầu…
Chẳng có điều kiện để tham gia các trò xa xỉ, chúng tôi vẫn hoàn toàn vui vẻ với chuyến đi rừng ngày hôm sau. Chỉ đi theo con đường mòn chừng trăm mét, thế giới con người ngoài kia dường như đã hoàn toàn cách xa.
Trên đầu, những tán lá sồi cổ thụ cao vút che kín bầu trời, dưới chân là những lớp đất mềm mại, những bông hoa rừng nhỏ xinh xắn. Chốc chốc lại bắt gặp xác cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang phân rã nằm ngổn ngang chắn hết lối đi, xác cây mủn dần qua năm tháng bởi các vi sinh vật dưới lớp đất xốp, động vào là rơi lả tả từng mảng.
Chúng tôi ăn trưa trong ngôi nhà nghỉ vốn là một ngôi nhà mái rạ truyền thống của làng quê miền cực Bắc nước Đức. Nhà lợp mái rạ dày đến nửa mét. Nhìn lớp mái, chúng tôi có thể hình dung xứ này vào mùa băng tuyết sẽ giá rét đến mức nào.
Một ngôi làng cổ còn nguyên vẹn nét đẹp xưa. |
Tuy là nhà mái rạ cổ truyền, song những nét kiến trúc Đức vững chãi, trầm mặc vẫn không lẫn vào đâu được. Phần mái lợp rạ màu nâu thẫm có độ dốc lớn như chụp lấy phần thân nhà, phía trong được chia làm hai tầng, tầng áp mái và tầng trệt.
Sau bữa ăn với nhiều món chế biến từ măng tây - đặc sản nước Đức những ngày đầu xuân, mọi người khoan khoái tận hưởng bầu không khí tĩnh lặng, tinh khiết của rừng.
Ngoài cửa sổ, dưới lớp tuyết mỏng còn sót lại dưới tán cây, một vạt hoa nghệ tây màu vàng và tím đang hé những cánh tươi thắm đầu tiên. Có vẻ như Rugen đang gửi đến du khách những hình ảnh thân quen mà quyến rũ nhất của mình
Theo Phương Minh / Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét