Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Trung Quốc - Hành trình ba ngàn dặm

Suốt chuyến đi, tôi tự đặt ra câu hỏi, vậy, so với Trung Quốc, người Việt có những lợi thế gì, khi chỉ nhìn bề ngoài là hai xã hội khá tương đồng nhưng về quy mô và tầm vóc, người Trung Quốc chắc chắn giàu mạnh hơn, đồ sộ hơn, kỷ luật hơn và phát triển hơn.
1. Tôi lựa chọn một chuyến đi Trung Quốc trong những ngày đầu năm mới này. Trước đó, tôi cũng từng đi Trung Quốc vài lần, ghé thăm Bắc Kinh, Quảng Châu, nhưng đó là những chuyến đi “cưỡi ngựa, xem hoa”, chúng tôi đi máy bay và ít có thời gian và điều kiện tìm hiểu đất nước, xã hội, lịch sử Trung Quốc.
Trong những chuyến đi đó, Trung Quốc đối với tôi dường như rất giàu đẹp, nhất là Bắc Kinh với những con đường đầy kín xe ô tô và những tòa nhà cao ngất. Nhưng từ lâu trong tôi nhắc đến Trung Quốc là tôi nhớ đến những câu chuyện và nhân vật trong Tam Quốc, trong Thủy Hử, rồi hiện đại là các tác phẩm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… vì thế, tôi lựa chọn chuyến đi này theo cách của một người Trung Quốc bình thường.
Chúng tôi sẽ đi tàu, đi xe khách, ở những nhà trọ, nhà nghỉ như một người Trung Quốc bình thường. Hành trình của chúng tôi như sau: Hà Nội – Lạng Sơn – Bằng Tường – Nam Ninh – Trường Sa (Hồ Nam) – Thiều Sơn (quê Mao Trạch Đông) – Xích Bích – Vũ Hán – Kinh Châu – Trùng Khánh – Quảng An (quê Đặng Tiểu Bình) – Côn Minh – Hà Khẩu – Lào Cai – Hà Nội. Tất cả đều là đi tàu và xe khách, tổng chiều dài là 5.000km (hơn 3.000 dặm) và đi trong 11 ngày.
Thành lũy cũ của Kinh Châu. Ảnh: Wikipedia tiếng Pháp
2. Điều tôi thấy Trung Quốc khác biệt nhất với Việt Nam là vấn đề thông tin. Các khách sạn ba-bốn sao mà tôi ở đều không có kênh nước ngoài như ở Việt Nam. Không CNN, không Discovery, không HBO, không Star Sport… Trừ một-hai kênh CCTV phát tiếng Anh, còn lại tôi không tìm kiếm được nguồn thông tin nào để hiểu về Trung Quốc.
Tôi ra các sạp báo dù quy mô lớn hơn ở Việt Nam, nhưng cũng không tìm thấy tờ báo tiếng Anh nào ngoại từ tờ Global Times – Thời báo Hoàn cầu. Tìm khắp cả tám thành phố tôi đến đều không mua được tờ Nhân dân Nhật báo… Dĩ nhiên, tôi cũng không truy cập được vào facebook, google, đặc biệt là Google Map… Tôi thực sự loay hoay với 10 ngày sống ở Trung Quốc. Những thói quen của tôi, như xem CNN, HBO, rồi vào facebook, tìm kiếm dữ liệu qua goolge đều phải từ bỏ. Tôi cũng cố gắng truy cập trang baidu.cn và bing.com của Microsoft nhưng kết quả cũng rất tệ.
3. Là người đọc sách và làm xuất bản, nên đi đâu tôi cũng ghé thăm các thư viện, hiệu sách. Để đo lường mức độ văn minh của quốc gia nào đấy, của dân tộc nào đấy, thì chẳng thể nhìn sự hoành tráng của những cửa hiệu thời trang hay nhìn vào đám xe ô tô bóng loáng chạy trên đường cao tốc; mà bạn cần nhìn vào hiệu sách, vào thư viện, vào những tri thức dân tộc đó sản sinh ra và tiêu hóa. Đó là “thức ăn” của dân tộc, của giới trí thức, của thanh niên, của trẻ em, của tất cả mọi người…
Tôi vào các hiệu sách Tân Hoa (chuỗi nhà sách lớn nhất Trung Quốc) thấy sách của phương Tây được dịch và bày bán rất ít, không nhiều như Việt Nam. Tại Việt Nam, sách dịch từ Âu Mỹ có thể chiếm 60-70% thì ở Trung Quốc chỉ chừng 5-10%. Dĩ nhiên sách của người Trung Quốc viết thì được xuất bản nhiều, nhưng tất cả chỉ là các sách thiếu nhi, văn học, kinh doanh… Có thể nhận thấy ngành xuất bản của Trung Quốc rõ ràng lớn mạnh hơn Việt Nam, sách nhiều, giá sách thì rẻ hơn, nhưng so với tầm vóc một cường quốc, một trong những cái nôi văn minh của loài người, và so với Hàn Quốc, với Nhật Bản thì thực sự nghèo nàn và nhỏ bé. Nỗi thất vọng của tôi càng tăng thêm khi Trung Hoa là một quốc gia có lịch sử và nền văn minh đồ sộ hàng ngàn năm với những nhà tư tưởng lớn lao như Khổng, Lão… vậy mà bây giờ không có mấy ai, không có tác phẩm tư tưởng nào lớn. Trên những hiệu sách, có lẽ chỉ còn các tư tưởng của Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập…
Tôi nhớ chuyến đi Đan Mạch và Thụy Điển, hai quốc gia bé nhỏ ở Bắc Âu. Đan Mạch và Thụy Điển có 5,5 và 9,3 triệu người trong khi Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc có 28 triệu người, và Vũ Hán (thủ phủ của Hồ Bắc) có 8,4 triệu người và Trường Sa (thủ phủ của Hồ Nam) có 6,4 triệu người. Nhưng nhà sách và sách ở Trung Quốc so với ở Đan Mạch, Thụy Điển thì khác nhau xa quá. Một quốc gia như Trung Quốc không thể là cường quốc, nếu nhìn ở góc độ văn minh và văn hóa của hiện tại! Không, tôi không thấy nền văn minh và trí tuệ, của tri thức ở những nơi tôi đến!   
Chữ chạm khắc trên vách núi ở địa điểm được nhiều người cho là nơi diễn ra trận Xích Bích, gần thành phố Xích Bích ngày nay thuộcHàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc. Các chữ chạm trên đá này đã tồn tại ít nhất một ngàn năm. Ảnh: Wikipedia
4. Trong chuyến đi, tôi có dịp gặp Ngải Đình, một thanh niên Trung Quốc, sinh năm 1980, tốt nghiệp ngành IT ở Vũ Hán, nay là chủ một cửa hàng máy tính nho nhỏ giữa trung tâm thành phố Vũ Hán. Tôi hỏi Ngải Đình, này, những người giỏi nhất, những nhà tư tưởng của Trung Quốc đâu rồi, cậu buồn rầu trả lời: Họ đã không ở trong nước, từ lâu lắm rồi, họ đã rời khỏi đất nước này, họ sang Đài Loan, cả đi Mỹ nữa và họ không về…
5. Di sản và quá khứ vĩ đại của Trung Hoa đã bị tàn phá quá nhiều… Tôi không biết còn bao nhiêu phần trăm cái di sản đó còn giữ được cho đến hôm nay. Thành Kinh Châu xưa lẫy lừng, giờ vẫn được coi là trung tâm du lịch và thành cổ còn sót lại nhưng đó chỉ là một thành cổ giả, mới được phục dựng và phục dựng rất tốt. Chiến trường Xích Bích ngày xưa, ngoại trừ chữ Xích Bích khắc trên đá quét sơn đỏ thì không còn gì. Tôi cũng đi thăm một vài ngôi chùa, vài địa danh cổ nhưng những gì còn sót lại cũng chẳng là bao. Khi ở Côn Minh, tôi hỏi hai cô bé sinh viên ở đây địa điểm cổ nhất của thành phố là gì, họ ngần ngừ thật lâu rồi dẫn tôi đến một ngôi trường đại học. Đại học Côn Minh được xây dựng năm 1922, trên mảnh đất ngày xưa là trường thi thời nhà Minh, nhà Thanh. Nơi đó có một ngôi nhà xây kiểu Pháp, do một kiến trúc sư người Trung Quốc du học ở Pháp thiết kế. Nhưng đó là ngôi nhà duy nhất giữa những ngôi nhà to, hiện đại mới được xây dựng khác… Côn Minh cũng chẳng còn quá khứ!
6. Quê nhà Mao và Đặng là hai địa điểm dường như hấp dẫn nhất với tôi. Mao sinh ra trong một ngôi làng ở huyện Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam, thôn nơi Mao sinh ra chỉ cách trung tâm huyện lỵ Thiều Sơn chừng ba cây số. Còn ngôi nhà nơi Đặng sinh ra cách trung tâm thành phố Quảng An bảy cây số… Nhưng khó có thể nói Đặng sinh trong một gia đình nông dân khi nhìn thấy ngôi nhà của cha mẹ Đặng. Nhà có tới 10 gian, đồ đạc rất nhiều và cầu kỳ, sơn son thiếp vàng. Hẳn gia đình Đặng phải là đại địa chủ, nếu so với bối cảnh Việt Nam… Nhà Mao không rộng lớn như nhà Đặng nhưng cũng là một nhà không phải quá nghèo. Điều bất ngờ với tôi nhất là mộ của cha mẹ Mao và cha mẹ Đặng đều xây dựng vô cùng đơn giản, thậm chí chỉ tương tự như một gia đình nông dân bình thường ở Bắc Bộ chứ chưa nói đến gia đình khá giả. Tôi không thấy lễ vật cầu kỳ, không thấy sự hoành tráng ở những ngôi mộ này.
7. Trong suốt những ngày ở Trung Quốc, điều khiến tôi băn khoăn và suy nghĩ nhất là tinh thần chống Nhật. Khắp nơi, trên các kênh truyền hình, trên tàu hỏa, trên xe khách đường dài tôi đi từ Trùng Khánh về Côn Minh, tôi đều thấy quá nhiều các bộ phim chống Nhật của Trung Quốc. Tôi tự hỏi, liệu người Nhật, các doanh nghiệp Nhật sẽ cảm thấy thế nào khi hằng ngày phải xem những hình ảnh đó, dù có thật thì đó cũng đã là quá khứ quá xa xôi. Người Nhật không thể an tâm và thấy bình an khi sống trên mảnh đất khi những cư dân ở đó ghét bỏ mình, thù hận mình. Người Nhật sẽ và hẳn phải đi tìm một mảnh đất khác để hợp tác, phát triển… Và xa hơn, một dân tộc khi hằng ngày xem cảnh chém giết, đánh nhau, chiến tranh, nung nấu sự thù hận và tinh thần dân tộc chủ nghĩa, dân tộc đấy sẽ đi về đâu???
 Kỳ thi đại học hàng năm ở Trung Quốc, trung bình 9 – 10 triệu thí sinh tham gia mỗi năm, “cao khảo” là cánh cửa hẹp mà gần như mọi học sinh trung học phải bước qua... Nguồn: Global Times
8. Suốt chuyến đi, tôi tự đặt ra câu hỏi, vậy, so với Trung Quốc, người Việt có những lợi thế gì, khi chỉ nhìn bề ngoài là hai xã hội khá tương đồng nhưng về quy mô và tầm vóc, người Trung Quốc chắc chắn giàu mạnh hơn, đồ sộ hơn, kỷ luật hơn và phát triển hơn.
Tôi nghĩ Việt Nam có thể có các lợi thế sau: (a) Chữ viết của người Việt là dạng chữ alphabet, có thể giúp người Việt học nhanh, học tập phương Tây nhanh hơn. Trong khi chữ Hán khó tây hóa, nếu ai đó học về y học, về hóa, về dược… sẽ thấy rất khó để chuyển tải những danh từ khoa học, các khái niệm khoa học ra tiếng Trung; (b) Việt Nam có nhiều tự do trong trao đổi, phát biểu hơn… và chúng ta được nhận nhiều thông tin hơn.
Giới trẻ Việt Nam ngày nay xem CNN, BBC hằng ngày, vào google, dùng facebook… quá dễ dàng. Trong khi người Trung Quốc cũng có mạng xã hội của riêng họ, nhưng đó là một mạng biệt lập với thế giới. Dù có nhiều điểm tốt, hậu thuẫn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho ngành IT trong nước, nhưng khi bạn không được kết nối với thế giới, không biết thế giới đang làm gì và nghĩ gì thì đây vẫn là điểm thiệt thòi của người Trung Quốc; (c) Cuối cùng, người dân Việt Nam hiểu mình đang ở đâu và bên ngoài như thế nào… Người Việt có phần tự ti, nhưng lòng khao khát những điều mới mẻ, khao khát những thay đổi, khao khát một xã hội mới tốt đẹp hơn dường như ở trong suy nghĩ của mọi người.
Nguyễn Cảnh Bình (nguồn Tia Sáng)

Giáo dục Trung Quốc bi kịch “bọn châu chấu”

Muốn biết tương lai một quốc gia, chỉ cần nhìn vào bức tranh giáo dục hiện tại của họ. Với Trung Quốc, đó là một bức tranh có nhiều chi tiết không bình thường.

Một cuộc khảo sát quốc tế năm 2010 cho biết, học sinh trung học Thượng Hải đã đánh bại học sinh Mỹ cũng như nhiều nước trên thế giới ở môn toán, khoa học và đọc. Cụ thể, đó là cuộc kiểm tra PISA (Program for International Student Assessment) dành cho học sinh 15 tuổi do tổ chức Phát triển hợp tác kinh tế (OECD) tổ chức. Với điểm trung bình là 500 thì trong cuộc thi toán, học sinh Thượng Hải đạt 600 điểm (Singapore 562, Đức 513 và Mỹ 487); ở môn đọc, học sinh Thượng Hải đạt 556, Hàn Quốc 539 và Mỹ 500 (thứ 17); ở môn khoa học, học sinh Thượng Hải đạt 575, so với hạng 23 là Mỹ chỉ đạt 502…
Nhiều người tin rằng đó là bằng chứng cho thấy tính “ưu việt nổi trội” của giáo dục Trung Quốc, nơi có hơn 260 triệu học sinh, sinh viên và khoảng 15 triệu giáo viên, với tỉ lệ xóa mù chữ đạt 92% so với 67% năm 1980 (The Atlantic 25-6-2012).
Một nền giáo dục không dành cho tất cả
Trong báo cáo của tổ chức Nesta (Anh), dẫn từ The Guardian (11.10.2013), người ta dự báo Trung Quốc qua mặt Mỹ về ngân sách đầu tư R&D trong 10 năm nữa. Chỉ số trích dẫn khoa học từ giới nghiên cứu Trung Quốc trên các chuyên san quốc tế đã tăng 9,5% vào năm 2011. Năm 2012, viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự báo đến năm 2030 Trung Quốc sẽ chiếm 30% tổng nhân công có trình độ đại học trên thế giới so với 5% của Mỹ (CNN 15.6.2012). Năm 2008, Mỹ có 14% sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, cơ khí và toán; trong khi Trung Quốc là 42%...
Tất cả cho thấy chính sách giáo dục của Trung Quốc dường như đúng hướng và chẳng có gì phải bàn cãi. Thành quả mà nó đạt được hoàn toàn xứng đáng với ngân sách khổng lồ 7,79 ngàn tỉ tệ (1,26 ngàn tỉ USD) trong 5 năm qua, như loan bố của Chính phủ Trung Quốc vào tháng 3-2013 (BusinessWeek 4.4.2013).
Để thấy sức nóng giáo dục Trung Quốc, không ví dụ nào cụ thể bằng kỳ thi đại học hàng năm. Trung bình 9 – 10 triệu thí sinh tham gia mỗi năm, “cao khảo” là cánh cửa hẹp mà gần như mọi học sinh trung học phải bước qua. Sau 12 năm phổ thông, “cao khảo” là vạch đích quan trọng, một chuẩn mực được thiết kế để đánh giá hàm lượng chất xám thế hệ tương lai, bất luận rằng mùa “cao khảo” là một ác mộng (tại Tứ Xuyên, học sinh phải học trong bệnh viện, với ống thở oxy, nhằm giúp tập trung hơn; học sinh nữ tại nhiều thành phố thậm chí uống thuốc ngừa thai để “an toàn” trong mùa thi; và tại một lò luyện “gà chọi” được xem là lớn nhất Trung Quốc, trường Mao Thảo Hán tại An Huy, học sinh phải học 17 tiếng mỗi ngày…).
Vào mùa “cao khảo”... Nguồn: Global Times
Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả nền giáo dục Trung Quốc không đơn giản chỉ căn cứ vào sự so sánh mức độ dùi mài kinh sử, cũng như so sánh bảng điểm cuộc thi PISA mà đối tượng học sinh Trung Quốc tham gia hầu hết đều xuất thân từ Thượng Hải chứ không phải bất cứ tỉnh thành nghèo nào ở nước này. Chỉ riêng điều đó cũng cho thấy giáo dục Trung Quốc không được phân bổ đồng đều, ngang bằng và mọi đối tượng đều có thể thụ hưởng. Trong thực tế, “cao khảo” được thiết kế như một vách đá sừng sững làm nhụt chí học sinh vùng xa. Theo Rachel Lu trong bài viết trên Foreign Policy (11.10.2013), điểm “sàn” của các đại học tên tuổi ở những thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, dành cho thí sinh có hộ khẩu địa phương của họ, thường thấp hơn so với thí sinh hộ khẩu “trái tuyến” từ các tỉnh thành xa!
BusinessWeek (4.4.2013), dẫn lại từ thống kê của bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết chi phí hàng năm cho một học sinh trung học tại Bắc Kinh năm 2010 lên đến 20.023 tệ, hơn sáu lần so với tỉnh nghèo Quý Châu. Tỉ lệ bỏ học tại vùng sâu vùng xa ngày càng tăng. Năm 1997, Trung Quốc có 630.000 trường tiểu học; năm 2011, còn 254.000. Dù trên nguyên tắc mọi học sinh đều có thể thụ hưởng giáo dục miễn phí từ tiểu học đến trung học cơ sở, phụ huynh tại các tỉnh thành vùng xa thường rất vất vả, nếu không nói là vô cùng khốn đốn, khi xoay sở “mua cái chữ” cho con em họ. Nghèo mạt không thể mơ đến việc nuôi con ăn học. Theo khảo sát của Dương Đông Bình, chuyên gia giáo dục thuộc viện Kỹ thuật Bắc Kinh và giám đốc viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, phụ huynh miền quê phải chi trung bình 2.000 tệ/năm cho chi phí giáo dục, chưa kể nhiều khoản phí ngoài luồng chẳng hạn 300 tệ/tháng để con em được xếp ngồi các dãy bàn trên cùng. Cũng theo họ Dương, hiện có 900.000 em từ 6 - 8 tuổi ở các vùng quê nghỉ học mỗi năm…
Không bằng chứng nào rõ rệt về sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục Trung Quốc bằng chính sách hộ khẩu. Ít nhất 20 triệu trẻ thuộc các gia đình nhập cư tại những thành phố lớn phải học trường tư, nơi học phí luôn đắt đỏ và chất lượng luôn phập phồng; rồi chúng lại buộc phải trở về nơi có đăng ký hộ khẩu vào mỗi mùa thi. Vấn đề hộ khẩu và những nghịch lý éo le đến mức quái đản của nó thật sự đã và tiếp tục tạo ra vô số bi kịch. Nó là một trong những rào cản lớn nhất trong việc xây dựng một nền giáo dục thật sự vững mạnh đối với Trung Quốc. Khắp Trung Quốc, như đánh giá OECD, đến năm 2030, sẽ có thêm 300 triệu người rời vùng quê lên đô thị để cùng sống với 600 triệu người nhập cư hiện tại, những người mà dân đô thị thường gọi một cách khinh thị là “bọn châu chấu”! Nếu chính sách hộ khẩu không thay đổi, giáo dục và tương lai Trung Quốc sẽ tiếp tục còn bị ảnh hưởng…
Chuẩn chất lượng đáng ngờ!
Chất lượng giáo dục Trung Quốc rõ ràng không thể đánh giá một cách tổng quát và xác đáng dựa vào vài cuộc thi trung học cấp quốc tế.
Trong bài viết trên South China Morning Post ngày 10.10.2013, giáo sư Tào Thông (đại học Nottingham) đã dẫn lời giáo sư Trịnh Dã Phu, nhà xã hội học đại học Thanh Hoa, rằng “cho dù bạn học ở đâu, Harvard, Yale, Oxford hay Cambridge, bạn cũng không có cơ hội giành Nobel khoa học nếu bạn đã trải qua 12 năm đầu đời tại một trường Trung Quốc. Cá tính, óc tò mò, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của bạn đơn giản sẽ bị phá hủy bởi hệ thống giáo dục Trung Quốc”. Đó là một hệ thống “trồng người” với truyền thống Khổng giáo được hiện đại hóa bằng mô hình mang đậm màu sắc chính trị Trung Quốc, nơi học sinh không được phép tranh luận với thầy, nơi những gì thầy nói luôn được xem là “lời vàng thước ngọc”, hay nói cách khác, nơi mà tinh thần phản biện không được đề cao.
Cũng trong bài viết trên, giáo sư Tào đã nhắc đến nhận xét của giáo sư Dương Chấn Trữ rằng ông hẳn không thể đoạt Nobel nếu trở về Trung Quốc vào thập niên 50! Việc đoạt được Nobel khoa học, một giải chỉ dành cho những nghiên cứu có kết quả thực tế được kiểm chứng qua thời gian, rõ ràng khác xa với việc giành được điểm cao trong các cuộc thi khoa học hay Olympic toán dành cho học sinh trung học, nơi chỉ nhấn mạnh đến lý thuyết và “kỹ năng” thuộc bài.
Ngày 10.5.2013, khi tường trình trước uỷ ban Xem xét an ninh - kinh tế Mỹ - Trung tại Hạ viện Mỹ, giáo sư Denis Simon thuộc đại học công Arizona kể lại: thập niên 80 thế kỷ trước, khi giới chuyên gia khoa học Trung Quốc được yêu cầu phải giải thích tại sao Trung Quốc tụt hậu so với Nhật và phương Tây, hầu hết ý kiến trả lời đều tập trung vào ba vấn đề: thiếu tiền; thiếu nhân tài; thiếu trang thiết bị. Bây giờ, tiền có dư, nhân tài có thừa và cơ sở vật chất cũng tốt nhưng tại sao khoa học Trung Quốc vẫn cứ rị mọ? Vấn đề rõ ràng nằm sâu xa ở cái gốc của giáo dục, ở định hướng giáo dục, ở phương pháp giáo dục, chứ không phải ở những con số chỉ tiêu dành để đánh bóng các bản báo cáo.
Thói quen tôn trọng bằng cấp, cùng với môi trường xã hội vốn không tạo cơ hội cho sự thăng hoa phát triển cá nhân, đã buộc chặt sinh viên Trung Quốc vào ghế nhà trường. Họ không dám tự lao vào biển lớn. Và sóng biển sẽ dập chết họ nếu họ không có cái phao bằng đại học!
Một bài viết của The Economic Observer (báo Trung Quốc bằng tiếng Anh) ngày 1.4.2013, dẫn từ thống kê OECD năm 2010, cho biết: 75% sinh viên của 2.000 đại học Trung Quốc đều cố gắng hoàn thành chương trình để có thể lấy bằng tốt nghiệp – một tỉ lệ rất khích lệ so với Mỹ, nơi có đến 54% sinh viên bỏ học giữa chừng. Năm 2011, viện Mycos (Bắc Kinh) khảo sát lại và cho kết quả chỉ 3% sinh viên Trung Quốc là bỏ học ngang. Trong khi đó, bộ Giáo dục Trung Quốc nói rằng con số thật chỉ là 0,75%. Bất luận là tỉ lệ bao nhiêu, cũng có thể đặt câu hỏi: vì sao sinh viên Trung Quốc không dám nghỉ học? Tại Mỹ, một sinh viên bỏ học có thể trở thành Bill Gates, Steve Jobs hay Michael Dell; nhưng với Trung Quốc, thói quen tôn trọng bằng cấp, cùng với môi trường xã hội vốn không tạo cơ hội cho sự thăng hoa phát triển cá nhân, đã buộc chặt sinh viên vào ghế nhà trường. Họ không dám tự lao vào biển lớn. Họ không có thói quen làm điều đó. Và sóng biển cũng sẽ dập chết nếu họ không có cái phao bằng đại học!
Trong thực tế, việc sở hữu mảnh bằng đại học chưa hẳn đồng nghĩa với sự đổi đời. Cuộc khảo sát mới đây của viện Kinh tế lao động và dân số thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, thu nhập bình quân hàng tháng của sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn lao động phổ thông nhập cư khoảng 50 USD, tức 1.500 tệ (246 USD) so với 1.200 tệ (197 USD)! Cũng theo nguồn The Economic Observer, tỉ lệ cử nhân (dưới 25 tuổi) bị thất nghiệp tại Trung Quốc lên đến 16,4% - so với 8,3% tại Mỹ. Chi tiết này, một lần nữa, cho thấy những dự báo thuần túy “đếm số” thường không có giá trị thật sự, đặc biệt khi đề cập đến giáo dục, nơi mà chất lượng mới là yếu tố tiên quyết.

Mạnh Kim

Không có nhận xét nào: