Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Lịch sử con đường gia vị


 Người Ả rập buôn bán gia vị sớm nhất


Nhiều người biết đến Con đường tơ lụa, nhưng chưa mấy ai biết còn có một Con đường gia vị nối phương Đông với phương Tây. Chính con đường ấy làm nảy sinh những giấc mơ đế quốc, tạo cầu nối giao thoa giữa các nền văn hoá. Bé như hạt tiêu hay chỉ là vỏ cây như quế, nhưng có thể là nguyên nhân khai mào những cuộc chiến tranh, chinh phạt, làm thay đổi cả bản đồ thế giới! Chính vì vậy, lịch sử con đường này cần thiết được kể lại trong một bài viết nhiều kỳ.
Chợ Khari Baoli ở Delhi (Ấn Độ)  nổi tiếng với  những túi thảo quả, gừng, quế, hoa hồi, nghệ… và còn nhiều nhiều loại gia vị khác.    Ảnh: Wikipedia
Có lẽ, gia vị được phát hiện từ khi con người biết dùng lửa nấu ăn. Tuy nhiên, phần lớn gia vị từ hơn 4.000 năm trước lại được trồng ở phương Đông. Nếu như Con đường tơ lụa đã kết nối thành công phương Đông và phương Tây thì sau đó, Con đường gia vị được người Ả rập khai mở đầu tiên đã mang gia vị phương Đông đi khắp thế giới.
Gia vị là gì?
Thời cổ đại, gia vị được định nghĩa là tất cả những gì mang lại mùi hương thơm nồng. Có lẽ, khía cạnh nổi bật nhất của gia vị là có thể để lâu mà không bị hỏng hay mất đi mùi, vị đặc trưng.
Có lẽ con người biết sử dụng gia vị từ khi biết dùng lửa nấu ăn. Ở châu Âu, người ta đã tìm thấy gia vị juniper berries (nấu với thịt cừu) hay hạt mù tạt ở các ngôi mộ cổ. Tuy nhiên, những gia vị nổi tiếng nhất thường bắt nguồn từ phương Đông (Ấn Độ hay Đông Nam Á hay ở Mexico và Caribê.
Truyền thuyết về gia vị đầu tiên đến từ người Assyrians (năm 3000 trước Công nguyên). Theo truyền thuyết này, Chúa đã uống rượu mè (vừng) vào đêm trước khi tạo ra trái đất. Sử dụng mè làm gia vị xưa đến nỗi rất khó biết được nguồn gốc xuất xứ của gia vị này, mặc dù, những bằng chứng nghiên cứu về gen cho thấy rằng cây mè bắt nguồn từ tiểu lục Ấn Độ.
Những bằng chứng tiếp theo từ hồ sơ của Ai Cập cho thấy, năm 2600 trước Công nguyên, những công nhân xây dựng kim tự tháp đã được ăn những gia vị châu Á để tăng thêm sức mạnh.
Bằng chứng khảo cổ từ Sumeria (khoảng năm 2400 trước Công nguyên) cũng cho biết: đinh hương đã được phổ biến tại Syria (đinh hương chỉ có thể đến từ đảo Gia vị của Indonesia). Bằng chứng này cho thấy, thương mại về gia vị đã có từ rất xa xưa.
Gần một ngàn năm sau đó, khoảng năm 1550 trước Công nguyên, văn tự của người Ai Cập (Ebers papyrus) có liệt kê các loại gia vị (như quế, cassia- có nguồn gốc từ Đông Nam Á) được sử dụng cho việc ướp xác. Các gia vị như hoa hồi, kinh giới, thì là dành cho việc rửa xác ướp sạch sẽ.
Hồ sơ của Ai Cập cho thấy, một trong những chuyến thám hiểm nổi tiếng nhất của pharaông Hatshepsut (1473–1458 trước CN) là chuyến đi tới Punt (tức Somalia ngày nay) để lấy gia vị và thảo mộc thơm về Ai Cập.
Khám nghiệm xác ướp của Rameses II (mất năm 1213 trước Công nguyên), người ta thấy tiêu sọ đã được chèn vào lỗ mũi. Tất cả những bằng chứng này cho thấy có một mối thương giao giữa Trung Đông và Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á và quần đảo Gia vị của Indonesia.
Con đường hương liệu của người Ả rập
Con đường gia vị nối phương Đông với  phương Tây, làm nảy sinh những giấc mơ đế quốc, tạo cầu nối giao thoa giữa các nền văn hoá. Trong ành: con đường gia vị  (màu xanh). Ảnh: Wikipedia
Khoảng năm 950 trước CN, các thương nhân của Nabataean (phía bắc Ả rập) bắt đầu đi hành hương (caravan) tới Ấn Độ và Trung Hoa bằng lạc đà và lừa. Họ đã khai mở con đường hành hương đầu tiên có tên là Con đường hương liệu (Incense Route).
Tuy nhiên, không giống như Con đường tơ lụa từ Ả rập đến Trung Hoa, con đường hương liệu (Hương lộ) không cố định và tới năm 24 trước CN, thì con đường hương liệu diễn ra chủ yếu trên biển.
Mục tiêu ban đầu của Con đường hương liệu là thu thập gia vị và hương liệu để bán cho Hy Lạp. Khi con đường gia vị dần chuyển sang đường biển hơn là đường bộ thì các thương nhân Ả rập phía Nam càng trở nên tham gia nhiều hơn vào việc buôn bán gia vị.
Sở dĩ người Nabataeans và người Ả rập phía Nam thống trị ngành thương mại gia vị do vị trí của bán đảo Ả rập nằm ở giao lộ của châu Âu, châu Phi và châu Á.
Chắc chắn là cho tới thế kỷ 5, người Ả rập đã thống lĩnh toàn bộ thị trường gia vị với Địa Trung Hải. Để bảo vệ việc kinh doanh của mình, họ đã nghĩ ra nhiều câu chuyện hoang đường liên quan đến huyền thoại các loại gia vị được giao dịch.
Tới thế kỷ thứ hai trước CN, bằng chứng khảo cổ và ngôn ngữ cho thấy các cư dân của Moluccas đã kinh doanh ra rộng tới Trung Hoa, Ấn Độ và người Ả rập phía Tây.
Vào thế kỷ thứ nhất trước CN, thương nhân Ả rập đã đi biển thẳng tới Ấn Độ và người Hoa cũng đi khắp quần đảo Mã Lai để kinh doanh. Con đường gia vị đã diễn ra gần như hoàn toàn bằng đường biển.
Phần lớn giao dịch thương mại diễn ra ở vùng Kerala (Ấn Độ, thủ phủ của sản xuất hạt tiêu). Từ đó, người ta tiến về phía Bắc qua bán đảo Arabian trước khi đi đường bộ tới Bát- đa (Baghdad) rồi gia nhập vào con đường Tơ lụa.
Thương mại gia vị cũng đi về phía tây của bán đảo Arabian và bờ biển Ai Cập.  Quaseir-al-Quadim cũng là một cảng quan trọng về gia vị  trước đây. Từ đó, gia vị đi về phía đất liền tới Libya, Tây Ban Nha và châu Âu hoặc tới Địa Trung Hải, đầu tiên tới Hy Lạp và sau đó tới Rome (La Mã).
Buôn bán gia vị trên đường biển. Ành mi h hoạ: Unessco
Vào năm 332–331 trước CN, sau khi chinh phục Ai Cập,  Alexander Đại đế đã nhận thấy Alexandria là một cảng quan trọng để mở rộng kinh doanh gia vị về phía Địa Trung Hải. Mặc dù các thương nhân Ả rập vẫn giàu có nhờ thống trị trong kinh doanh gia vị, cảng Alexandria vẫn sung túc nhờ đánh thuế các mặt hàng gia vị của họ.
Người La Mã ngày càng biết nhiều tới phương pháp nấu nướng của người Hy Lạp bởi rất nhiều đầu bếp Hy Lạp đã trở thành nô lệ của La Mã. Điều này đã biến Rome trở thành nơi tiêu thụ rất nhiều gia vị. Vì vậy, những người La Mã giàu có bắt đầu quan tâm đến nguồn gốc của gia vị.
Cuối cùng, người La Mã đã tìm được con đường ngắn hơn tới Ấn Độ, từ đó giao dịch trực tiếp với Ấn Độ về gia vị, phá vỡ thế độc quyền của người Ả rập.

Thời buôn gia vị = bán vàng

06/02/2015 - 00:39 AM
Bạn có biết nhục đậu khấu từng có giá trị ngang với vàng? Vào thế kỷ 16, công nhân cảng ở London được trả thưởng bằng đinh hương. Vào năm 410 sau Công nguyên, khi người Visigoths bắt được người La Mã, họ đã yêu cầu tiền chuộc là 3.000 pound (tương đương 1,5 tấn) hạt tiêu.
 
Gia vị bán ở chợ Bến Thành (TP.HCM). Ảnh: Mai Hương 
Xưa như... trái đất
Con đường gia vị là tên của hệ thống chuyên chở đường biển bắt đầu từ bờ biển phía Tây Nhật Bản, qua các đảo của Indonessia, vòng qua Ấn Độ tới các đảo của Trung Đông và từ đó, qua Địa Trung Hải tới châu Âu. Chặng đường này dài khoảng 15.000km và thậm chí ngày nay, đó cũng không là hành trình đi lại dễ dàng.
Những gia vị như quế, bạch đậu khấu, gừng và nghệ là những mặt hàng quan trọng trong buổi đầu của phát triển thương mại. Quế được đưa tới Trung Đông ít nhất 4.000 năm trước đây. Từ thời xa xưa, miền nam Arabia (tức vùng Arabia Felix thời cổ đại) đã từng là một trung tâm thương mại cho nhũ hương, mộc dược, và các loại nhựa thơm khác.
Từ “spice”- gia vị bắt nguồn từ tiếng Latin “species”- có nghĩa là mặt hàng có giá trị đặc biệt, khác với hàng hóa thông thường khác bởi được vận chuyển ở một khoảng cách rất dài và bởi giá trị tâm linh cùng tác dụng chữa bệnh. Chưa kể, những gia vị này chỉ mọc ở miền nhiệt đới phương Đông, từ phía nam Trung Hoa tới Indonesia cũng như miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. 
Quần đảo Spice là một chuỗi đảo nằm trải dài ở Thái Bình Dương, giữa Sulawesi (Celebes) và New Guinea. Tại đây, các gia vị như đinh hương và nhục đậu khấu được trồng rộng rãi mà không một nơi nào có được. Để các gia vị này tới được thị trường châu Á và châu Âu, chúng phải được vận chuyển qua hàng ngàn dặm biển.
Quý như vàng
Từ thời cổ đại, các loại gia vị cũng bị đốt cháy làm nhang trong các nghi lễ tôn giáo, thanh lọc không khí và mang theo lời cầu nguyện của người dân lên trời, tới các vị thần của họ. Gia vị cũng được thêm vào để chữa bệnh hay giải độc.
Chợ gia vị Spcie Bazaar khu chợ gia vị lớn thứ hai tại Istanbul với hàng trăm loại gia vị đầy màu sắc với những mùi hương rất đặc trưng. Khu chợ này ra đời chủ yếu để đáp ứng nhu cầu gia vị nấu nướng cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TL
Để loại bỏ mùi, người ta cũng đốt gia vị hàng ngày trong nhà của họ. Gia vị cũng được sử dụng như nguyên liệu nấu ăn rất sớm - không chỉ để thêm hương vị mà còn làm cho thực phẩm được bảo quản tươi ngon trong thời tiết nóng. 
Bạn có biết rằng, nhục đậu khấu từng có giá trị ngang với vàng? Vào thế kỷ 16, công nhân cảng ở London được trả thưởng bằng đinh hương. Vào năm 410 sau Công nguyên, khi người Visigoths bắt được người La Mã, họ đã yêu cầu tiền chuộc là 3.000 pound (tương đương 1,5 tấn) hạt tiêu.
Các nhà buôn Ả rập khéo léo giữ lại nguồn gốc thật sự của các gia vị họ bán. Để thỏa mãn sự tò mò cũng như để bảo vệ thị trường và làm nản chí các đối thủ cạnh tranh, họ thêu dệt nên những câu chuyện hoang đường như quế mọc ở các hồ cạn được bảo vệ bởi các loài động vật có cánh hoặc ở các thung lũng có rất nhiều loài rắn độc. Tác giả người La Mã, Pliny the Elder (năm 23-79 trước Công nguyên) đã cười nhạo những câu chuyện hoang đường này và tuyên bố các câu chuyện được thêu dệt chẳng qua để nhằm nâng cao giá của các mặt hàng gia vị mà thôi!

Hành trình đi tìm gia vị bằng đường biển


Mặc dù trên đường bộ cũng có con đường gia vị nhưng thương mại thực sự vẫn diễn ra bằng đường biển. Các nhà buôn Ả rập đã đi thẳng tới những vùng sản xuất gia vị trước Công nguyên.Tuy nhiên,nhận thấy những khoản lợi nhuận kếch xù từ việc buôn bán gia vị, người La Mã và người giàu châu Âu, sau đó là Mỹ đã đánh bại sự độc chiếm buôn bán gia vị của người Ả rập.

Những loại gia vị thường thấy tại các quầy chợ ở TP.HCM. Ảnh: Mai Hương
Lịch sử về con đường gia vị cho thấy, dường như người ta không thể tìm ra châu Mỹ nếu không có quyết tâm của châu Âu trong việc đi tìm gia vị để phá vỡ thế độc quyền về gia vị của người Ả rập.
Người La Mã từng độc chiếm buôn bán gia vị
Ở Đông Nam Á, các nhà buôn Trung Hoa vượt biển qua quần đảo Mã Lai để buôn bán ở Đảo Gia vị (Moluccas hay Đông Ấn Độ). Sri Lanka là một điểm thương mại quan trọng khác.
Tại thành phố Alexandria của Ai Cập, các khoản thu từ phí cảng đều đã rất lớn khi Ptolemy 11 để lại thành phố cho người La Mã năm 80 trước Công nguyên. Người La Mã sớm bắt đầu chuyến hành trình từ Ai Cập tới Ấn Độ, biến Alexandria thành trung tâm thương mại lớn nhất của thế giới. Đây cũng là trung tâm thương mại hàng đầu cho các gia vị thơm và cay nồng của Ấn Độ, tất cả đều tìm thấy con đường vào thị trường của Hy Lạp và đế quốc La Mã.
Thương mại La Mã với Ấn Độ phát triển hơn ba thế kỷ và sau đó bắt đầu suy giảm, phục hồi phần nào trong thế kỷ thứ 5 nhưng giảm trở lại trong thế kỷ 6. Nó suy yếu, nhưng không bị sụp đổ. Người Ả rập duy trì thương mại gia vị, kéo dài cho tới thời kỳ Trung cổ.
Trong thế kỷ 10, cả Venice và Genoa bắt đầu khởi sắc thông qua thương mại trong khu vực Levant (khu vực rộng lớn phía đông Địa Trung Hải). Qua nhiều thế kỷ, có một sự cạnh tranh gay gắt phát triển giữa hai bên mà đỉnh cao là chiến tranh trên biển Chioggia (1378-1381), trong đó Venice đánh bại Genoa và bảo đảm sự độc quyền của thương mại ở Trung Đông trong thế kỷ sau đó. Venice được lợi nhuận rất cao bằng kinh doanh gia vị với người mua và nhà phân phối từ phía Bắc và Tây Âu.
Vào giữa thế kỷ 13, Venice nổi lên như một thương cảng chính cho gia vị vận chuyển tới Tây và Bắc Âu. Venice trở nên vô cùng thịnh vượng bằng cách thu thuế rất lớn, và do không được tiếp cận trực tiếp với các nguồn gia vị Trung Đông, người dân châu Âu đành phải trả giá cắt cổ. Ngay cả những người giàu cũng thấy khó khăn khi phải trả tiền cho gia vị, và cuối cùng họ quyết định làm một cái gì đó.
Châu Âu trường chinh tìm gia vị
Chợ gia vị là nét văn hóa độc đáo tại Ai Cập, đi đến bất cứ địa phương nào cũng có thể gặp những gian hàng bán vô số những gia vị với màu sắc sặc sỡ và hương thơm nức như thế này. Ảnh: Đinh Hằng
Tới thế kỷ 15, thương mại gia vị đã được lập nên bởi Hội đồng Thám hiểm châu Âu (European Age of Discovery). Vào thời điểm này, các thiết bị định vị đã tốt hơn và người ta chế tạo được loại thuyền buồm có thể đi dài ngày trên biển. Doanh nhân giàu có đã bắt đầu nhiều chuyến thám hiểm để tìm vùng đất gia vị với hy vọng phá vỡ thế độc quyền của Venice.
Khi Christopher Columbus đi tìm Ấn Độ vào năm 1492, ông tình cờ tìm ra châu Mỹ thay vì Ấn Độ và mang về Tây Ban Nha nhiều loại trái cây và rau quả mới, bao gồm cả ớt chile - ớt hiểm. 
Năm 1497, John Cabot đi thuyền trên danh nghĩa của nước Anh, nhưng cũng thất bại trong việc tìm ra vùng đất gia vị.
Dưới sự chỉ huy của Pedro Alvares Cabral, một đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha đã mang những gia vị đầu tiên từ Ấn Độ đến châu Âu bằng con đường mũi Hảo Vọng - hành trình trên đại dương để đi về phía Đông năm 1501. Bồ Đào Nha tiếp tục thống trị các tuyến đường thương mại hàng hải thông tới thế kỷ thứ 16.
Việc tìm kiếm các con đường thương mại thay thế vẫn tiếp tục diễn ra. Ferdinand Magellan tiếp tục thực hiện việc này năm 1519 cho Tây Ban Nha nhưng bị giết ở đảo Mactan của Philippines năm 1521. Trong số 5 người phò tá Ferdinand Magellan, chỉ một mình Victoria trở về với chiến thắng, đó là một tàu hàng gia vị.
Năm 1577,  đô đốc người Anh Francis Drake đã bắt đầu chuyến đi của mình vòng quanh thế giới bằng eo biển Magellan và quần đảo Spice, cuối cùng trở về nặng trĩu với đinh hương từ đảo Ternate, cập cảng quê nhà Plymouth vào năm 1580.
Đối với Hà Lan, một đội tàu dưới sự chỉ huy của Cornelis de Houtman đi đến quần đảo Spice vào năm 1595, và một đội khác, chỉ huy bởi Jacob van Neck, ra khơi trong 1598. Cả hai đội trở về với hàng hóa phong phú: đinh hương, nhục đậu khấu, tiêu đen. Thành công của họ đã đặt nền móng cho sự thịnh vượng công ty Đông Ấn Hà Lan, được hình thành vào năm 1602. 
Công ty Đông Ấn của Pháp đã được thành lập vào năm 1664 dưới thời Louis 14. Các công ty Đông Ấn khác thành lập theo điều lệ của các nước châu Âu  cũng gặt hái rất nhiều thành công. Trong cuộc đấu tranh để giành quyền kiểm soát thương mại, Bồ Đào Nha cuối cùng đã bị lu mờ, sau hơn một thế kỷ thống trị. Đến thế kỷ 19, lợi ích của Anh đã bắt rễ vững chắc ở Ấn Độ và Tích Lan, trong khi người Hà Lan đã kiểm soát phần lớn miền Đông Ấn. 
Nước Mỹ không đứng ngoài cuộc săn 
 Các kệ gia vị đồ sộ tại chợ  Kalustyan's Spices (New York). Ảnh: CN
Hoa Kỳ bắt đầu gia nhập vào ngành công nghiệp gia vị trên thế giới trong thế kỷ 18, khi các doanh nhân Mỹ thành lập các công ty gia vị riêng của họ, bắt đầu làm việc trực tiếp với người trồng gia vị ở châu Á hơn là các công ty châu Âu. 
Ngày càng nhiều người trở nên giàu có bằng buôn bán gia vị thì các công ty buôn bán gia vị cũng được thành lập nhiều hơn. Đã có hàng trăm tàu của Mỹ đi vòng quanh thế giới với các loại gia vị. Mỹ có những đóng góp mới cho các gia vị trên thế giới, đặc biệt là sự sáng tạo bột ớt Texas dùng trong chế biến các món ăn Mexico, đồng thời phát triển kỹ thuật khử nước cho hành tây và tỏi.
Khi gia vị trở nên phổ biến, giá trị của nó cũng giảm theo. Các tuyến thương mại trở nên rộng mở, người ta cũng biết cách trồng gia vị ở các vùng khác của thế giới. Các công ty độc quyền về gia vị giàu có bắt đầu sụp đổ.
Tiêu và quế không còn là mặt hàng xa xỉ nữa. Gia vị đã mất vị thế khi đặt cạnh các đồ trang sức và kim loại quý. Tuy nhiên, lịch sử đầy kinh ngạc về gia vị vẫn còn đó, với màu sắc và hương vị tuyệt vời là một thứ quý báu của thời kỳ cổ đại.
Hương Tâm (tổng hợp từ Bách khoa thư Britanica, silkroadspices.ca, celtnet.org.uk)


Không có nhận xét nào: