Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Norwich, thành phố văn chương của nước Anh

Với số đông, nói đến nước Anh là nói đến London, Manchester, Cambridge, Oxford... vì đó là những thành phố lớn hoặc có những trường đại học lừng danh. Với tín đồ của túc cầu giáo, có thể kể thêm Sunderland, Liverpool, Southampton, và gần đây là Norwich City. Không nhiều người biết rằng Norwich - một thành phố nhỏ nằm lẻ loi phía đông nước Anh mới là thành phố duy nhất của Anh quốc nhận được giải thưởng Thành phố văn chương (City of Literature) do UNESCO trao tặng năm 2012.  
Thánh địa của sách quý
Không chỉ là quê hương của nhiều nhà văn, nhà biên soạn kịch thành danh, Norwich là thành phố của những hoạt động văn chương diễn ra hàng ngày, hàng tuần thu hút các nhà văn, nhà thơ, soạn giả nổi tiếng thế giới. Gần đây nhất, một chiến dịch mang tên “Thành phố của những câu chuyện kể” kéo dài 12 tuần nhằm khuyến khích các tác giả chia sẻ những hiểu biết, những câu chuyện về thành phố đã thu hút được rất nhiều người. Qua chiến dịch này, nhiều câu chuyện thú vị đằng sau các địa danh của Norwich đã được tiết lộ.
Norwich Catheral
Đầu tiên phải kể đến Norwich Catheral, một nhà thờ nguy nga, tráng lệ nằm giữa trung tâm Norwich, được khởi công năm 1096, có đỉnh tháp nhọn cao thứ hai và có hành lang tu viện rộng nhất nước Anh, chứa đựng hàng ngàn hoạ tiết điêu khắc đặc trưng của thời trung đại. Đây là một trong những nhà thờ theo kiến trúc Roman đẹp nhất châu Âu và nó đã trở thành phông nền cho những buổi trình diễn kịch nghệ đặc sắc trong lễ hội mùa hè. Những ai từng dạo bước quanh khuôn viên rộng lớn của Norwich Catheral đều cảm nhận được một không khí huyền bí, linh thiêng tựa như đang được lắng nghe những câu chuyện xa xưa vọng lại từ những mái vòm, những ô cửa kính nhiều màu, những bức tượng đá, những tấm bia khắc chìm trên nền đá.
Norwich, một thành phố không to lớn, cũng không ồn ào nhưng lại là một cái nôi nuôi dưỡng tình yêu sách cho người Anh.
 Gần như đối diện với Norwich Catheral là tiệm sách Tombland cổ xưa được đặt trong căn nhà tồn tại hầu như nguyên vẹn từ thế kỷ 15. Tiệm sách này chuyên bán sách cổ và sách đã qua sử dụng với giá rẻ gần như cho, với mục tiêu chính là duy trì văn hoá đọc sách vốn là đặc trưng của người Anh. Đến đây, những ai là tín đồ của sách cổ có thể tìm thấy những quyển sách vô cùng quý hiếm đủ mọi lĩnh vực. Họ cũng có quyền đắm chìm cả ngày trong mùi thơm nồng của những quyển sách cổ mà không sợ bị nhân viên phàn nàn.
Rời tiệm sách Tomland, dạo bộ quanh co một vài con đường, qua một con dốc ngắn sẽ nhìn thấy một nhà sách mang tên The Book Hive - cũng là một trong hai nhà sách tư nhân hiếm hoi của Norwich nhưng lại là nơi xuất bản những quyển sách đoạt giải thưởng lớn. Đích thân chủ nhân của nhà sách - Henry Layte chọn lựa các tác phẩm được xuất bản hoặc bán tại nhà sách và ông nổi tiếng là người có đôi mắt tinh tường với những quyển sách có giá trị. Gần nhất, cuốn A girl is a half-formed thing của tiểu thuyết gia Eimear McBride - cư dân Norwich đã bị tất cả các nhà xuất bản từ chối nhưng Henry vẫn tích cực tạo cơ hội cho quyển sách đến tay độc giả. Ngay sau khi trình làng, quyển sách gây được tiếng vang lớn với giải thưởng dành cho tiểu thuyết Anh năm 2013, và Eimear cũng đoạt luôn giải thưởng dành cho các tiểu thuyết gia nữ Bailey năm 2014. The Book Hive trở thành niềm tự hào cho “khẩu vị” văn chương tinh tế của người dân Norwich.
Norwich nhìn từ trên cao
Niềm tự hào tiếp theo cho cư dân Norwich chính là thư viện Thiên niên kỷ (Millenium Library) được đặt trong toà nhà bằng kính khổng lồ The Forum ngay khu trung tâm náo nhiệt nhất thành phố, nhìn thẳng xuống khu chợ truyền thống lẫn các trung tâm mua sắm tấp nập. Cách đây hơn 200 năm, cũng tại vị trí này, từng tồn tại thư viện công cộng của Norwich nhưng hai lần hoả hoạn lớn đã khiến khoảng 100 ngàn cuốn sách bị thiêu rụi, sau đó chính quyền quyết định xây mới hoàn toàn một thư viện hiện đại như ngày nay. Có lẽ nhờ vị trí đắc địa nên suốt sáu năm qua, thư viện của Norwich luôn ở vị trí đứng đầu về số lượng người đến tham quan, đọc sách. Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho tình yêu sách của người dân Norwich. Cả trẻ em lẫn người lớn đều có những góc yêu thích dành riêng cho mình khi đến thư viện công cộng miễn phí này.
Lò luyện của văn chương
Nhà sách cổ Tombland
Thêm một lý do để Norwich là thành phố văn chương chính là việc trường đại học East Anglia (UEA) đặt tại thành phố này là nơi khai sinh khoá thạc sĩ nghệ thuật ứng dụng đầu tiên của nước Anh, từ công lao của hai nhà văn Malcolm Bradbury và Angus Wilson. Đây là chuyên ngành có thể đào tạo sinh viên trở thành người làm việc hiệu quả trong mọi lĩnh vực liên quan đến viết lách. Khoa nghệ thuật ứng dụng tại trường đã thu hút nhiều tài năng văn chương theo học. UEA cũng là nơi tổ chức lễ hội văn chương mùa xuân và mùa thu mỗi năm với sự tham dự của các tên tuổi lớn trên thế giới. Hiệu trưởng hiện tại của UEA - Rose Tremain là một nữ văn sĩ nổi tiếng, cựu sinh viên của trường. Đến tham quan UEA, không chỉ ấn tượng với những thành tựu trong đào tạo, du khách không khỏi trầm trồ trước khu ký túc xá mang tên Ziggurats gồm mười khối nhà liền kề. Dù được kiến trúc sư Denys Lasdun thiết kế và xây dựng từ những năm 1960 nhưng đến nay, công trình này vẫn là biểu tượng của sự hiện đại. Những tầng nhà xếp chồng lên nhau thành hình kim tự tháp, với những ô kính trong giúp sinh viên sử dụng ánh sáng và hơi ấm từ tia nắng mặt trời. Khu ký túc xá có các hành lang dẫn lối lên thư viện và các toà nhà khác của UEA, nhìn ra bãi cỏ xanh mướt và hồ nước xanh biếc. Khi thiết kế, Lasdun đã gửi gắm mong đợi về sự tiện nghi và không gian bình yên tối đa cho việc học của sinh viên. Có lẽ rất nhiều tác phẩm của sinh viên khoa nghệ thuật ứng dụng bắt nguồn từ cảm hứng với không gian này.
Norwich, một thành phố không to lớn, cũng không ồn ào nhưng lại là một cái nôi nuôi dưỡng tình yêu sách cho người Anh. Những ai có niềm đam mê sách và văn chương, hãy một lần ghé thăm Norwich. 
_____________________________
Giải thưởng Thành phố văn chương do UNESCO khởi xướng bắt đầu từ năm 2004, trao tặng cho những thành phố nổi bật về các thành tựu liên quan đến các hoạt động văn học nghệ thuật như số lượng, chất lượng, sự phong phú của các ấn phẩm, các chương trình giáo dục văn học trong nước và nước ngoài trong các trường học, các chương trình văn học, kịch nghệ, lễ hội trong cộng đồng, các thư viện, nhà sách, trung tâm văn hoá giúp khuyến khích các hoạt động văn chương... Qua mười năm, chỉ có bảy thành phố được trao tặng danh hiệu này gồm Edinburgh (Scotland, 2004), Melbourne (Úc, 2008), Iowa City (Mỹ, 2008), Dublin (Ireland, 2010),  Reykjavík (Iceland, 2011), Norwich (Anh, 2012), Kraków (Ba Lan, 2013).
_____________________________
Bài và ảnhNguyễn Thị Thu Huyền

Không có nhận xét nào: