Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Quá trẻ để chết – hành trình nước Mỹ


Du lịch với tôi là để tạo cho mình những khoảnh khắc đẹp!

Đinh Hằng, tác giả trẻ sinh năm 1987 vừa giới thiệu cuốn sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”. Đó là hành trình của một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây, hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp. Là trải nghiệm đặc biệt của một cá tính, tự nhận là “tự do như gió, đam mê những con đường như tình nhân và khao khát xê dịch như lẽ sống cuộc đời. Trên hành trình đó, tác giả đã học được - từ những người mà có lẽ cô ít chờ đợi điều này hơn cả - những suy niệm thâm trầm về cuộc sống. Cuộc trò chuyện với “chân đi” Đinh Hằng, dịp sách vừa ra mắt, lại không hề là những thông tin mang tính điểm sách mà là trải nghiệm thú vị của những chuyến phiêu lưu...

Đinh Hằng tại thành phố Lawrence, Kansas
Chào Đinh Hằng, chúc mừng bạn với tác phẩm mới “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”. Nếu chiếu theo tiêu đề cuốn sách, bạn thấy mình còn trẻ nữa không? 
Đinh Hằng: Nếu chiếu theo quan niệm của số đông người Việt, 28 không thể gọi là còn “trẻ” nữa. Đây đáng ra là tuổi để “ổn định” với một gia đình riêng, phụ nữ lên chức vợ và mẹ, đàn ông lên chức chồng và cha. Thực tế thì phần lớn bạn bè cùng lứa với tôi đã thực hiện được điều hệ trọng này. 
Thế nhưng, “Quá trẻ để chết” - cái tựa mà tôi đặt cho cuốn sách này không chỉ được dùng để nói đến những kẻ chỉ mới đôi mươi giữa tuổi thanh xuân rực rỡ như mình, mà để nói về tất cả những người “young at heart” - trẻ từ tâm hồn, từ tim trẻ ra. 
Điều tôi muốn nói ở đây là, chính vì chúng ta tự mặc định, tự ràng buộc mình trong các thang bậc tuổi tác rồi giới hạn mình trong những “vòng tròn an toàn” vô hình tự tạo. Tôi 28, và tôi thấy mình vẫn còn rất trẻ, còn yêu đời nhiệt thành với trái tim của người trẻ, và sẽ còn không ngừng đeo đuổi những mục tiêu tuổi trẻ của mình. 
Hãy kể một chút về ý tưởng lang bạt kỳ hồ ấy đi bạn? Và cuốn sách đã ược “thai nghén” trước hay là trong những chặng đường đi? 
Sau nhiều năm đi dọc đi ngang chỗ này chỗ kia, tôi thực sự cảm thấy kiệt sức khi phải hoàn thành hai vai trò cùng một lúc: một phóng viên truyền hình với công việc bận rộn, áp lực và một “ta ba lô” du lịch bụi trong các chuyến đi ngắn dài. Đôi lúc tôi thấy “mỏi mệt trong tâm hồn” khi phải rời đi quá nhanh khỏi những vùng đất mà con người yêu mến, chưa kịp “chạm” vào linh hồn của nơi mình đặt chân lên. Du lịch, như thế, với tôi là vô nghĩa. 
“Trải nghiệm thú vị” theo cách định nghĩa của tôi luôn có gì đó liên quan đến sự tử tế của con người.
Các đoạn trong cuốn sách được viết đó đây trên đường đi dưới dạng nhật ký. Khi mới đến Mỹ, tôi bị trầm cảm và viết là cách để tôi tự “cứu” mình. Khi về đến Việt Nam, tôi mới thực sự bắt đầu “viết” cuốn sách “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” và mất đúng hai năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ, cuốn sách ra đời. 
Tại sao lại là “hành trình nước Mỹ” bởi trong thực tế bạn đi rất nhiều, và như tôi may mắn được đọc thì số lượng các bài viết và hình ảnh những địa danh khác còn nhiều hơn? 
Cơ duyên của việc viết sách này đến cũng rất tình cờ thôi, qua gợi ý và thuyết phục của một người bạn. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ viết một cuốn sách hay trở thành tác giả, nhưng cuộc đời vẫn thường làm chúng ta ngạc nhiên theo cách như vậy. 
Hành trình nước Mỹ đặc biệt với tôi bởi đó không chỉ là một hành trình khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân tôi: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình. Chính hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống mới là điều tôi muốn kể hơn cả. 
Mỗi chuyến đi đều để lại cho tôi những khoảnh khắc đẹp, hy vọng rằng sau hành trình nước Mỹ, sẽ có hành trình Mexico, Cuba, Myanmar... 
Đinh Hằng (ngoài cùng bên trái, hàng trước) chụp với gia đình Samuelson ở thành phố Topeka, bang Kansas.
Nhưng qua những bài viết, những câu chuyện cả trên blog cũng như viết lại ở dạng ký sự đường xa đăng rải rác trên các báo, đó là một Đinh Hằng độc hành không hề cô độc. Bạn đã đến với họ, những người bạn đường, những người dân địa phương như thế nào? 
Câu hỏi tôi vẫn thường xuyên nhận được nhiều nhất là đi một mình thì có buồn và cô đơn không? Tôi đã trả lời rất nhiều lần rằng tôi thậm chí còn chẳng có thời gian để buồn hay cô đơn. Bởi thời gian quý báu trên đường, tôi dành cho việc khám phá, trò chuyện, ngắm nhìn thế giới. Chỉ những người không “hoà thuận” được với con người bên trong mình thì mới cô đơn khi đi du lịch, tôi nghĩ vậy. 
Tôi là một thành viên dày dạn kinh nghiệm trên Couch Surfing, tổ chức homestay miễn phí trên toàn cầu. Ở mỗi thành phố nếu dùng Couch Surfing, tôi luôn có bạn đồng hành (mà nhiều trong số đó sau này trở thành bạn thân của tôi.) Ngoài ra, tôi còn là một kẻ thích trò chuyện với “người lạ”. Đôi khi chỉ đôi câu chuyện phiếm, lắm lúc là một lời mời cùng ăn một bữa với tôi (tôi không thích ăn một mình) hoặc cùng đi du lịch chung một chuyến. “Bài toán” giải quyết nỗi cô đơn của tôi đơn giản vậy thôi. 
Tất bật với những hành trình từ Đông sang Tây, Á sang Âu hẳn phải có một kế hoạch thật chi tiết cho mỗi chặng đường, và kinh phí cũng là thách thức lớn. Bạn đã làm thế nào để xoay xở? 
Tôi không phải là kẻ liều lĩnh thích đem tính mạng của mình ra trêu đùa. Du lịch với tôi là để tạo cho mình những khoảnh khắc đẹp, không phải để mất mạng hay rơi vào những tình huống nguy hiểm. Do đó, tôi luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bốn yếu tố quan trọng nhất: sức khoẻ, tinh thần, tài chính, thông tin. 
Nhiều người chưa hiểu về du lịch bụi thường có những hiểu lầm rất thiển cận như tôi chắc phải có một núi tiền, con nhà đại gia, hay vừa đi du lịch vừa làm chui bất hợp pháp. Những người lữ hành chuyên nghiệp và thông minh luôn biết cách làm sao để đi du lịch thật tiết kiệm (về điều này, vui lòng Google bạn sẽ có hàng triệu kết quả.) Kinh phí đúng là một thách thức, nhưng không “lớn” như người ta vẫn tưởng. Tôi là người làm việc chăm chỉ (và cật lực), biết cách tiết kiệm tiền (có kế hoạch), tối giản các nhu cầu không cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Nên việc là “nhà tài trợ” của chính mình trên các chuyến đi nằm trong tầm tay tôi. 
Lựa chọn “sống trên đường”, thân gái dặm trường như bạn đã từng có bị lung lay bởi sự tác động của gia đình hay góp ý của người thân, bạn bè? 
Phần lớn bạn bè đều biết tôi là người đam mê những con đường và tự do như gió, khi đã muốn làm gì thì tôi sẽ quyết tâm làm cho bằng được. Do đó, tôi nhận được sự ủng hộ từ những bạn bè thân thiết. 
Tuy nhiên, mẹ tôi thì khác. Bậc cha mẹ nào cũng thương con. Việc để một đứa con gái (dù lớn thế nào vẫn là đứa bé con trong mắt cha mẹ) đi nửa vòng Trái Đất trong một cuộc độc hành, đặc biệt là trong tình trạng trầm cảm chắc chắn sẽ khiến bất cứ ông bố bà mẹ nào hốt hoảng. Vào những ngày đầu của hành trình, mẹ tôi dù chẳng biết gì về internet, mỗi ngày đều đặn lên mạng gửi tin nhắn hỏi thăm tôi. Sau này tôi mới biết trước khi tôi đi, mẹ còn lo đến mức đi xem bói hỏi xem tôi có trở về nguyên vẹn không (cười.) Nhưng rốt cục, mẹ vẫn để cho tôi thực hiện chuyến đi của mình, bởi mẹ luôn ủng hộ mọi điều tôi làm trong cuộc đời, miễn là điều ấy khiến tôi hạnh phúc. 
Và cuối cùng cá tính đã bảo vệ cho “cái chân đi”, ngay cả khi bị trầm cảm? 
Tôi nghĩ mỗi người đều có đam mê của riêng mình. Nhưng dám sống với đam mê đó hay không lại là một việc khác. Nếu đã muốn thì chỉ có bản thân mình là chướng ngại lớn nhất, tất cả những điều khác (bao gồm tác động của người xung quanh) chỉ là cái cớ. Khi khát khao đủ lớn thì những thứ khác chỉ là chuyện nhỏ. 
Hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất. Ảnh chụp ở New Orleans
Mỗi chuyến đi sẽ có những trải nghiệm riêng, nhưng nếu phải làm những phép thông kê thì những trải nghiệm thú vị nào được bạn ưu tiên tể note ra danh sách? 
Nếu để gây ấn tượng với người khác, tôi sẽ kể chuyện mình đi xuyên Việt một tháng rưỡi với 1,5 triệu đồng trong túi khi mới bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp đại học; thoát chết khi bị ngạt hơi cay giữa quảng trường đông đúc 20 ngàn người Tahrir trong cuộc đại biểu tình Cairo (Ai Cập); ngủ trên vỉa hè với người vô gia cư Hàn Quốc hay bỏ nhà đi lang thang suốt gần một năm trời ở Mỹ, Mexico và Cuba. 
Nhưng điều tôi kiếm tìm ở mỗi chuyến đi không chỉ là những thứ trải nghiệm kiểu như vậy. “Trải nghiệm thú vị” theo cách định nghĩa của tôi luôn có gì đó liên quan đến sự tử tế của con người. Như việc tôi được bốn anh bộ đội người Myanmar cho quá giang một đoạn đường dài mấy tiếng đồng hồ giữa đêm, nhất định tìm cho ra nhà trọ tôi đặt phòng rồi mới lên đường, mà không chịu nhận của tôi đồng nào. Hay anh chàng Ai Cập Ahmed đã cứu thoát tôi khỏi đám đông hỗn loạn biểu tình, hoặc đại gia đình Samuelson 22 người ở Mỹ đã cho tôi ở nhờ cả tuần trời và chăm sóc tôi như con cái trong nhà của họ. 
Sự cố như bạn vừa kể, với một cô gái, quả là hãi hùng. Cách nào để bạn vượt qua? 
Sự cố mà tôi đánh giá là nguy hiểm nhất trong các chuyến đi là lần suýt bị cưỡng hiếp ở Cancun (Mexico.) Nếu nói về nguyên nhân, thì trước tiên tôi nên đổ lỗi cho chính mình vì tin tưởng một người lạ mặt có thiện chí cho tôi đi quá giang (vì trước đó, tôi đã gặp một người đàn ông Mexico khác tốt bụng cho tôi đi nhờ một đoạn đường). Nhờ bình tĩnh xử lý tình huống mà tôi đã chạy thoát thân kịp thời, không phải dùng đến dao và bình xịt hơi cay luôn thủ sẵn trong túi. 
Con gái học báo chí thường hay bị cảnh báo là “dễ ế chồng” vì đi nhiều. Bạn không chỉ học báo, làm báo mà còn chọn cho mình lối sống xê dịch. Đi miết vậy bạn có sợ bị ế không? 
Tôi chỉ nói là mình “độc thân” chứ không hề “ế”. Hơn nữa, mục đích sống của một người phụ nữ, với tôi, không chỉ là tìm một tấm chồng, sinh những đứa con, nuôi chúng lớn rồi... chết. Hiện tại, tôi có rất nhiều việc phải làm với cuộc đời mình và chúng khiến tôi vui hơn nhiều. Những việc đó bao gồm: du lịch, học hành, thăng tiến trong sự nghiệp, theo đuổi niềm đam mê, những mối quan hệ mở... 
Mỗi người có hạnh phúc và cuộc sống riêng. Quan điểm của tôi là hãy sống như bạn muốn và một khi bạn hạnh phúc với nó, bạn tuyệt đối không làm gì sai cả. Hôn nhân hay độc thân chỉ là hai trạng thái quan hệ khác nhau và bạn là người rõ nhất điều gì là tốt nhất cho mình. 
Lựa chọn của bạn là còn trẻ thì cứ tận hưởng cuộc sống, đeo đuổi những hành trình đam mê bất tận. So với số đông, cũng như quan niệm thì một người phụ nữ phải đoan trang, hiền thục và sau này là hiện đại; nhưng bạn có vẻ vượt qua những ranh giới ấy bằng một hình ảnh cá tính, với cái tôi mạnh mẽ. Có bao giờ bạn trăn trở hay suy nghĩ vì sự “khác người” đó? 
Chưa bao giờ, bởi tôi không cố ép mình vào một khuôn mẫu người khác đã đúc sẵn cho mình được. “Đoan trang, hiền thục” hay “cá tính, mạnh mẽ” là những nét tính cách, giá trị riêng của mỗi người.  Yêu bản thân trước tiên chính là sống trung thực với chính mình. Tôi có những giá trị riêng của mình và tôi sẽ sống và bảo vệ các giá trị đó. Xin lỗi nếu sự cá tính, mạnh mẽ của tôi làm người khác không vừa lòng, nhưng đó không phải việc của tôi (cười). 
Theo bạn quan niệm sai lầm của người trẻ hiện nay là gì? Tiêu đề của cuốn sách có phải bạn muốn nhắm tới điều đó? 
 “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” trước tiên là câu chuyện của cá nhân tôi. Việc viết sách là để kể một câu chuyện nhiều hơn là để “nhắm”, “ngụ ý” hay “truyền tải” bất cứ một thông điệp nào, bởi độc giả là những người thông minh và họ có cách/quyền hiểu cuốn sách theo cách họ muốn. 
Còn thì tôi nghĩ bản thân người trẻ hay “người già” đều có các sai lầm của mình. Có chăng là người trẻ, vì sự bồng bột và trăn trở của mình, thắc mắc nhiều hơn về những sai lầm đó chăng? Tôi nghĩ “đặc quyền” của những người trẻ là họ có dư thừa sự liều lĩnh, thời gian để thử, sai lầm, rồi học hỏi và lớn lên từ sai lầm ấy. Nói theo cách này, thì “sai lầm” hoá ra không phải là “sai lầm” mà chính là các “bài học”. 
Cover-facebook-Qua-tre-de-chet-4518-3261
Xuất phát điểm của Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát.
Là một tác giả trẻ, bạn nhận xét gì về việc người trẻ vẫn thích đọc truyện ngôn tình? Bạn có thấy xu hướng đọc đang khác đi so với truyền thống hay không? 
Tôi thấy vui vì mỗi dịp hội sách lại thấy rất nhiều gương mặt bạn trẻ, hy vọng điều đó sẽ giúp cải thiện con số đáng buồn 0,8 cuốn sách mà một người Việt Nam đọc mỗi năm. 
Người trẻ ngày nay đọc nhiều và khác nhau lắm. Bản thân tôi cho rằng việc đọc gì không phản ánh trình độ mà nói lên sở thích của độc giả. Đâu phải đọc sách Nobel thì sẽ “cao cấp” hơn ngôn tình? Người ta đọc sách ngôn tình, sách khoa học hay sách của tác giả đoạt giải Nobel hay thể loại nào đi nữa vì cuốn sách đáp ứng được một phần nhu cầu tinh thần nào đó của họ. 
Với tác phẩm vừa ra mắt bạn thấy phản hồi của độc giả như thế nào? Kế hoạch một Đinh Hằng trong năm 2015 sẽ là… 
Sách được bán hết trong vòng một tuần đầu tiên và công ty phát hành vừa quyết định tái bản lần một. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất không phải là việc nhận được những lời khen, mà là những lời cảm ơn tôi vì câu chuyện và hành trình mà tôi chia sẻ trong sách. (Suy cho cùng, chẳng ai ra sách mà không mong muốn nó bán chạy, nhưng nhận được sự đồng cảm, và biết rằng cuốn sách của mình an ủi, động viên, giúp đỡ được ai đó quan trọng hơn). 
2015, tôi sẽ tiếp tục với cuốn sách thứ 2, viết về hành trình Mexico và Cuba, và tập trung vào những dự định tương lai mà tôi đã ấp ủ từ lâu. Dĩ nhiên năm 2015 sẽ không thể thiếu những chuyến đi đó đây. Vì cuộc đời là những chuyến đi mà. 
Một số hình ảnh do Đinh Hằng chụp từ những hành trình nước Mỹ:
 

 Đinh Hằng sinh tháng 9.1987.
Bắt đầu viết, cộng tác cho nhiều báo, tạp chí cũng như viết bài PR cho các công ty truyền thông từ khi học năm hai khoa báo chí truyền thông, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Khi ra trường là phóng viên truyền hình của kênh kinh tế tài chính FBNC - HTVC, phụ trách mảng commodities (vàng, công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng) được ba năm. Trong năm cuối cùng làm ở FBNC nhận công việc viết du lịch cho Yahoo!Pacific.
"Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ" do công ty sách Nhã Nam thực hiện và phát hành. Giá bìa: 65.000 đồng.

Đánh rơi trái tim ở San Francisco

Hành trình của một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây, hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp...

Tranh vẽ trên tường khổ lớn có thể tìm thấy khắp nơi ở San Francisco
“Cậu biết đấy, trái tim tôi đã thuộc về nơi này, mãi mãi đắm chìm trong đôi mắt màu xanh lục của cậu”. Tôi viết cho chàng trai có đôi mắt xanh thẳm hồ mùa thu chiều lặng sóng, nhắc mình về những ngày đẹp đẽ nhất ở San Francisco.
Tôi đến San Francisco một chiều mùa thu mới chớm, sau gần sáu tháng ròng rã trên những con đường của bờ Đông, miền Nam, miền Trung Tây rồi bờ Tây nước Mỹ. Ở đoạn cuối cuộc hành trình, tôi không trông đợi gì nhiều ngoài một tuần chậm rãi ở xứ sở những ngọn đồi nối nhau mờ ảo hiện lên trong màn sương mù.
Sương giăng trong nắng
Tôi chợt nhận ra tình yêu hay những điều vui sướng nhất cuộc đời vẫn thường đến theo cái cách nếu bạn ngưng tìm kiếm, chúng sẽ tự đến, tình cờ mà như đã chờ đợi bạn từ lâu lắm! Ở thành phố bên bờ vịnh ấy, tình yêu đến với tôi dịu dàng như cơn gió se lạnh vẫn lướt qua những đám cỏ trên đỉnh đồi công viên Dolores, nơi chúng tôi đứng dưới bầu trời sao và trao nhau nụ hôn một đêm mùa thu yên tĩnh. Cả khi tôi đã xa San Francisco hàng trăm ngàn dặm, nỗi nhớ về “thành phố sương” vẫn dài bất tận như những ngọn đồi ngả vào nhau lên đến trời sao.
Khi thốt lên “tôi đánh rơi trái tim mình ở San Francisco mất rồi”, tôi không hề biết có một bài hát nổi tiếng về thành phố này cũng có cái tên I left my heart in San Francisco (Tôi đã để quên trái tim mình ở San Francisco). Giọng hát trầm ấm và mê mải của Tony Bennett cất lên trong một ngày nhiều mây ở nơi nào đó cũng đủ để gợi những rung cảm tinh khôi và nồng nàn nhất cho một người đã lỡ yêu San Franciscociso. Hoá ra tôi không phải là người duy nhất mang trái tim mình đến đây, để rồi sau đó vấn vương mãi và cuối cùng chẳng thể ra về với trái tim vẹn nguyên như khi đến.
Tôi đã từng hỏi mình nhiều lần, điều gì ở San Francisco khiến cho tôi yêu đến dại cả tâm hồn?
Tôi đã từng hỏi mình nhiều lần, điều gì ở San Francisco khiến tôi yêu đến dại cả tâm hồn? Ồ, tôi có thể viện đủ lý do, rằng những con hẻm nhỏ chứa đựng kho báu của cả một thế giới đầy màu sắc những bức tranh tường, rằng những cầu tàu nhộn nhịp lấp lánh đầy cuộc vui, rằng Cổng Vàng đã đánh cắp cả chiều nắng rực rỡ của tôi cho một buổi đi bộ băng ngang nó… Nhưng sau rốt, tôi nhận ra những lý do ấy chỉ là cái cớ để tôi nhớ và yêu San Francisco. Tình yêu ấy đến tự khi nào, tôi chẳng biết. Chỉ biết rằng nó tinh khôi như đoá hồng trắng tôi đã mua trong một tiệm hoa nhỏ trên đường số 16 chiều ấy, nồng nàn như ráng chiều đỏ sau đỉnh Marin, và tự nhiên như hơi thở những ngày mùa thu se lạnh.
San Francisco màu gì?
Thành phố sương mù ấy tưởng như có thể nắm trong lòng bàn tay, mà đôi khi lại mênh mông đến vô cùng. Tôi không có ý định, và dĩ nhiên chẳng thể, hoạ San Francisco chỉ bằng chừng đó nét sơ sài. San Francisco là những dãy phố nhà cổ đứng dựa vào nhau mà buổi chiều đi bộ quanh chúng thôi đã là cả một niềm vui thú. San Francisco là gió lồng lộng trên nền của bầu trời xanh điểm chút sương lãng đãng còn giăng mắc trên đỉnh cầu Bay Bridge. San Francisco còn là tiếng leng keng tàu điện một chiều ngược dốc California, nghĩ mình đang đi về một cõi xa xăm nào đó.
Tàu điện cổ ngược dốc California chiều hoàng hôn
Mỗi khi ngồi ở quán cà phê Ritual trên đường Valencia, nhấp vị đắng ngọt của thứ nước ánh lên màu nâu hổ phách, tôi vẫn thường tự hỏi nếu là hoạ sĩ, tôi sẽ chọn màu gì để vẽ San Francisco? Đó có thể là màu cam ánh đỏ của cầu Cổng Vàng, màu trắng đục của những dải sương mù bay la đà trên thành phố, màu xanh biếc của biển và trời xô vào nhau ở cuối chân trời. Nhưng dù chọn màu gì, San Francisco trong tôi luôn luôn là màu xanh lục, như đôi mắt người tôi yêu...
  Ba phía là biển, khí hậu San Francisco bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những dòng hải lưu đến từ Thái Bình Dương. Chính đại dương này đã cung cấp độ ẩm hình thành nên sương mù hay các vùng mây tầng thấp đặc trưng ở đây. Người đến San Francisco vào mùa hè có thể ngạc nhiên vì thời tiết lạnh, sương lãng đãng giăng trên nền trời. Ngay cả khi trời không có mây, các luồng gió mạnh thổi vào từ biển cũng có thể khiến nhiệt độ thành phố xuống thấp. Người ta gọi San Francisco là “thành phố sương mù” hay “máy điều hoà nhiệt độ tự nhiên.”
Ở San Francisco, tôi đã lần đầu cùng ngồi với một chàng trai Pháp trong tiệm ăn Việt Nam, nói cho cậu nghe về sự khác biệt giữa phở và bún, rồi nhìn cậu ăn ngon lành thứ nước mắm mà chỉ ngửi thôi nhiều người phương Tây đã ngại. Lần đầu tiên trong đời, chàng trai đến từ Paris ấy nếm món thịt kho tôi nấu và biết rằng dừa tươi và nước mắm có thể khiến món ăn đậm đà đến thế nào. Cũng chàng trai ấy đã uống cùng tôi thứ trà nóng hổi đêm trăng tròn vành vạnh, rồi nhón một miếng bánh Trung Thu lúc trời bên ngoài chỉ còn 15 độ C. Ở cách xa nhà mình nửa vòng trái đất, San Francisco đã sưởi ấm trái tim tôi bằng những điều giản dị như thế.
Chàng trai Pháp ấy yêu San Francisco bằng tình yêu mà cậu dành cho quê hương thứ hai của mình. Còn tôi yêu San Francisco bằng thứ tình yêu tự nhiên như những cơn gió mùa thu vẫn lùa về thành phố mỗi chiều đầy nắng.
Và như Tony Bennett vẫn hát bằng giọng mê mải, tôi biết chắc mình đã đánh rơi trái tim đâu đó giữa những ngọn đồi của thành phố đầy sương này.
Cầu Cổng Vàng lúc lên đèn lãng đãng sương.
Những điều tuyệt vời có thể làm ở San Francisco
- Đi bộ gần 3 km qua cầu Cổng Vàng (Golden Gate) để chiêm nghiệm cảm giác bay giữa biển khơi và nhìn ngắm toàn cảnh San Francisco.
- Tận hưởng cảm giác ngồi trên một phương tiện công cộng đã có từ thế kỷ 19 khi đón một chiếc tàu điện đi ngược lên đỉnh đồi giữa trung tâm thành phố. Có ba tuyến đường khác nhau để chọn, với giá vé 5 USD/chiều.
- Đi dọc các cầu tàu bên bờ biển và đừng quên ghé vào cầu tàu số 39, tâm điểm của những hoạt động mua sắm, ăn uống và vui chơi.
- Những hoạt động giải trí về đêm sẽ đặc biệt được tìm thấy ở khu Mission, với những quán bar và club chơi nhạc sống với các thể loại khác nhau.
- Đường Valencia là nơi có thể tìm thấy rất nhiều quán cà phê ngon như: Ritual, Fourbarrel... Quán Tartine Bakery & Café ở góc đường Guerrero & 18 là nơi bán các loại bánh ngọt và cà phê có tiếng. Quán kem Bi-Rite Creamery trên đường số 18 & Dolores cũng nên ghé qua nếu bạn là người yêu kem.
- California Academy of Sciences là nơi không nên bỏ qua nếu bạn đi du lịch với gia đình và con nhỏ. Ở đây bạn có thể tìm thấy một tổ hợp thuỷ cung, rừng nhiệt đới, bảo tàng lịch sử tự nhiên và đặc biệt là mái vòm kỹ thuật số lớn nhất thế giới trình chiếu chương trình về vũ trụ mang lại cho người xem cảm giác như đang bay trong không gian.

Kinh ngạc nước Mỹ

Hãy quên New York cùng những khối hộp bêtông dẫm đạp lên nhau, bỏ qua thành phố “tội lỗi” Las Vegas, chào tạm biệt những “thiên thần” ở Los Angeles, nhảy lên một chuyến road trip(*) thì bạn sẽ thấy một nước Mỹ khác ngay giữa lòng đất nước rộng lớn này: một nước Mỹ có thể làm bạn nín thở vì kinh ngạc.

Mái vòm “North window” (Cửa sổ phía bắc) tại công viên Arches (Những mái vòm)
Rong ruổi mùa hè
Tôi thức giấc lúc đồng hồ mới chỉ năm giờ sáng. Gió trên sông Colorado đã ngừng thổi, để lại dưới mảnh trăng méo mó tiếng râm ran của côn trùng. Bầu trời chưa có dấu hiệu gì của buổi hừng đông. Tôi quay lại rúc vào trong túi ngủ, miên man nghĩ về nơi mình đang nằm, một vùng đồng không mông quạnh bao quanh bởi những dãy núi đỏ cao ngợp và dải sông đùng đục. Đó là buổi sáng thứ năm của chuyến road trip xuyên qua sáu tiểu bang mà chúng tôi đang rong ruổi trong mùa hè này. Hôm nay, chúng tôi sẽ đến công viên quốc gia Arches (Những mái vòm) sau một ngày mệt nhoài men theo dải đường nhựa không một bóng người dọc sông Colorado, giữa những ngọn núi màu đỏ tầng tầng lớp lớp chắn ngang đường chân trời màu xanh.
Bình minh ghé đến mái vòm Mesa Arch ở công viên Canyonlands
Có nhiều cách để biết nước Mỹ rộng lớn thế nào, nhưng có một cách vô cùng thú vị là đi road trip mùa hè. Chỉ cần nhớ đổ đầy bình xăng, rồi cứ thế mà lái thôi. Bởi road trip là chuyến đi bất tận không có điểm kết thúc vì bạn có thể đi ngược lên, xuôi xuống, đi xuyên qua, lái vòng quanh hay thẳng đến từng tiểu bang một trên bản đồ nước Mỹ (à quên, ngoại trừ Hawaii). Cho đến khi những con đường trải nhựa của nước Mỹ khét lẹt nắng và khói xe là lúc người người, nhà nhà kéo nhau đi road trip bằng đủ thứ phương tiện, phổ biến nhất là những chiếc xe hơi, sang hơn thì đi xe RV (recreational vehicle, loại xe hơi được thiết kế như “ngôi nhà di động”), hoặc muốn phong trần thì phóng xe môtô phân khối lớn. Trong những ngày rong ruổi từ tiểu bang này sang tiểu bang nọ, người ta chất đủ mọi thứ trên xe từ lều trại, thức ăn, thuyền…
Bryce Canyon và đại vực ngồn ngộn những rặng núi đá già cỗi
“Cả cái nước Mỹ này hệt như một “comfort zone” (khu vực an toàn) khổng lồ. Chúng tôi có nhà và một hệ thống làm lạnh/sưởi ấm tự động gắn khắp nhà, ra đường thì có sẵn xe hơi, thậm chí đi vào công viên quốc gia cũng có sẵn đường trải nhựa, đi vào rừng thì có sẵn đường mòn đã tạo. Có những người cả đời không ra khỏi nước Mỹ, vì nó quá lớn rộng, và vì họ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Họ sẽ khóc thét nếu bị quăng vào Sài Gòn vừa nóng vừa bụi vừa ồn ào tiếng còi xe của bạn, hay phải ăn những gia vị kỳ quái ở Ấn Độ, kiểu vậy. Nhưng ở mãi trong mấy “cái hộp” bêtông thì cũng chán, thế là mùa hè, họ kéo nhau lên rừng, xuống biển, đi road trip” - một người bạn của tôi từng hài hước giải thích như thế. 
Thế giới đi đâu cả rồi?
Tôi nghĩ đến Mỹ mà chưa một lần đi road trip, ngắm nhìn những hẻm núi kỳ vĩ ở tiểu bang Utah, những thác nước hùng vĩ đổ xuống ầm ào từ độ cao trăm mét ở California, hay đi bộ đường rừng men theo những con đường mòn giữa một vùng thiên nhiên quạnh quẽ, thì quả là điều đáng tiếc. Vì kho báu của đất nước này nằm chính ở nơi đây: những dải đồng xanh bất tận, những mặt hồ trong veo và những rặng núi đá cả triệu năm tuổi, chứ không phải trong những ánh đèn rực rỡ vẫn thắp sáng các đô thị hoa lệ.
Những đỉnh núi phủ tuyết mùa hè soi bóng xuống mặt hồ ở công viên Grand Teton
Grand Teton với những đỉnh núi phủ tuyết giữa mùa hè, Yellowstone với những hồ nước nóng đỏ vàng rực rỡ, Bryce Canyon là đại vực với lớp lớp những rặng núi đá biến đổi màu theo ánh mặt trời… Trên những chuyến road trip đường dài vắt vẻo từ đỉnh núi này sang thung lũng kia, người ta không ngại thức giấc lúc bốn giờ sáng chỉ để ngồi bên mái vòm Mesa Arch trong công viên Canyonlands chờ tia nắng đầu tiên của ngày chạm đến mái vòm, để thấy khung cảnh trong màn sương phía bên kia vòm đá thoắt biến thành thế giới diệu kỳ đầy ma mị. Một đêm thức trắng để chiêm ngưỡng những dải sao trời dệt nên bức tranh vũ trụ đầy mê hoặc phía trên những cây cầu đá ở khu tưởng niệm Natural Bridges cũng sẽ là kỷ niệm khó quên. Người đam mê cây cỏ sẽ thích hít thở không khí trong lành ở công viên Yosemite khi nắng mới chớm đến mặt hồ trong veo còn la đà hơi sương, in bóng những rặng thông xanh ngắt.
Câu nói nổi tiếng của Che Guevara “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích, mà chính trên từng chặng đường đi” thể hiện rõ nhất là trên những chuyến road trip đường dài.
Những cung đường bất tận của chuyến road trip mùa hè
Có đi mãi trên những con đường chẳng biết đâu là đoạn cuối, bên kia cửa kính xe là dải trời mênh mông cao vợi, bên cạnh là những cánh đồng bát ngát kéo dài mãi đến tận chân trời, người ta mới thấy ngay cả tiếng gió lùa qua cánh cửa cũng “tự do” như chính những kẻ đang rong ruổi trên những con đường. Rất nhiều lần chúng tôi ngừng tay lái tự hỏi chính mình “Mọi người đi đâu cả rồi? Thế giới đi đâu cả rồi?” Ngẩng đầu lên khỏi cuốn sách đang đọc, tôi cố để tìm một chú nai vội vã băng ngang đường, nhưng đáp lại chỉ là khoảng không ngút ngàn không một bóng người. Ở một vài khúc đường nhựa vắng lặng, chúng tôi đi ngang qua những thị trấn bị bỏ hoang, trơ lại vài nóc nhà thủng lỗ chỗ và cánh cửa chính đã bật đi đâu mất. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp ánh nhìn của một vài người Mỹ ngồi u buồn bên hiên nhà gỗ nhỏ, biết rằng có những nơi mà nước Mỹ trở nên nhỏ bé, buồn tẻ và u uất quá đỗi. 
Thung lũng Thiên Nga (tiểu bang Idaho) rập rờn sóng lúa mạch 
Nhưng cũng có những khi, bên kia cửa kính chiếc xe là hồ Tahoe (tiểu bang California và Nevada) xanh biêng biếc màu nước lẫn với màu trời, là thung lũng Thiên Nga (Swan Valley, tiểu bang Idaho) rập rờn sóng lúa mạch, là thung lũng của Các vị thần (tiểu bang Utah) loang lổ những vệt màu đất cùng đá đỏ, cam, vàng. Thiên nhiên nước Mỹ đủ sức đánh bật tất cả những nỗi sầu muộn không cơn cớ, và nhúng người ta xuống lòng hồ của sự háo hức, tò mò và an nhiên khi ở giữa cỏ cây, núi rừng.

Kể từ khi công viên quốc gia đầu tiên của nước Mỹ và cũng là của thế giới Yellowstone hình thành vào năm 1872, đến nay, cục Công viên quốc gia (National Park Service - NPS) quản lý đến 401 khu vực và hơn 32 triệu hécta đất. Theo thống kê, 11 tỉ người, bao gồm người Mỹ và người ở khắp nơi trên thế giới đã viếng thăm các công viên trong hệ thống trong các năm qua. Mỗi năm, các công viên trong hệ thống của NPS cung cấp hơn 250.000 việc làm, đóng góp vào nền kinh tế Mỹ trên dưới 30 tỉ USD.
Phần lớn khách du lịch viếng thăm các công viên quốc gia ở Mỹ vào mùa hè, chiếm 42%. Mùa thu và xuân được xem là thời điểm yêu thích thứ hai trong năm với 24% mỗi mùa, 10% còn lại đến công viên quốc gia vào mùa đông. Người Mỹ yêu thích các hoạt động ngoài trời với việc cắm trại (chiếm 42% trên tổng số), 36% còn lại ngủ qua đêm tại công viên quốc gia trong những chiếc xe RV và 22% chọn nơi tiện nghi hơn là các khách sạn.

Say nắng ở Nola

Tôi lờ mờ hình dung có điều gì thay đổi trong trái tim mình mà không biết rằng vào ngay lúc ấy, tôi đã “phải lòng” NOLA (*)...


Từ tiếng đàn Violon của người phụ nữ da màu trong ga tàu điện ngầm New York, đến tiếng trống đập dồn trên đại lộ Michigan - Chicago, những chuyến đi đưa tôi đến New Orleans trong một chiều mưa dịu dàng.
Cơn mưa vội cuốn phăng vị mặn chát trên đôi má rát bỏng chiều mùa hè, đẩy tôi và chiếc xe đạp cổ kiểu Pháp vào một góc nhỏ trên đường Royal. Khi đó, tôi lờ mờ hình dung có điều gì thay đổi trong trái tim mình mà không biết vào ngay lúc ấy, tôi đã phải lòng NOLA từ một cơn “say nắng” lạ thường. Cơn “say nắng” với... một thành phố.
Say đắm Jazz
Được nghe Germaine Bazzle hát là cả một niềm khoái cảm dâng trào. Có trò chuyện trong xe limo với cô trước đó vài giờ mới đủ ngạc nhiên trước sự lột xác hoàn toàn khi cô bước lên sân khấu. Trong ánh đèn đỏ của cái góc nhỏ kế bên quầy bar, nữ ca sĩ Jazz nổi tiếng nhất nhì New Orleans biến thành “một con quỷ Jazz” đầy mê đắm. Đêm ở New Orleans trở nên tuyệt diệu vô cùng với từng cái nhăn trán, cái môi uốn cong và cái điệu lên đồng đầy chất nghệ sĩ của cô. Căn phòng có tên Irvin Mayfield Jazz Playhouse của khách sạn Royal Sonesta đêm nay chỉ vài ba khách, không gian trôi bồng bềnh theo từng cái lắc hông chậm rãi nhả ra theo mỗi nốt nhạc của Bazzle. Chẳng có gì màu mè, không có những điệu lên gân, cô cứ khoan khoái đẩy cái đêm trên đường Bourbon từ đỉnh đồi cảm xúc này sang thảo nguyên rực rỡ xúc cảm khác. Còn tôi thì đã lạc lối từ lâu trong cái mê cung lười biếng mà cô giăng ra.
Một ban nhạc kèn đồng chơi trên đường Frenchmen lúc quá nửa đêm
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không cắt nghĩa được lý do vì sao tình yêu với NOLA dội thẳng vào trái tim mình ngay từ những ngày đầu tiên. Nếu Washington DC trong tôi hệt như một người bạn lâu năm, Chicago là tình yêu lặng lẽ với một anh chàng trầm tư trong những ngày trời nhiều mây, thì với NOLA chỉ có thể gọi là một cơn say nắng. Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có thể gặp những phút giây như thế, khi phát hiện ra trái tim mình đập loạn nhịp vì ai đó không hẹn trước đi ngang qua cuộc đời. NOLA với tôi đích thực là cơn say vội vàng và không thể cưỡng lại với một anh chàng lai đen rất đỗi ngọt ngào. Không chùng chình, chẳng hẹn trước, thành phố ấy cứ chiếm lấy trái tim tôi tự nhiên như thể những giọt mưa rào chiều mùa hè lộp độp rơi xuống từ mái hiên nhà.
Đạp xe quanh phố Pháp
Cơn say nắng với thành phố này có thể đã đến từ những đêm nghe Jazz như thế. Khi biết tôi chuẩn bị rời miền Trung Tây để xuống phía Nam nước Mỹ, một người bạn dặn dò nhất định phải đi nghe Jazz. Tôi cười bảo dĩ nhiên rồi, nếu đến New Orleans mà không nghe Jazz thì coi như mất đi cơ hội chạm vào một nửa linh hồn thành phố. Bởi NOLA là quê hương của thứ nhạc tuyệt diệu ấy. Quảng trường Congo, nơi mà vào cuối thế kỷ 18 từng là nơi những người nô lệ da đen tụ tập để hát hò và nhảy múa, được coi như nơi khai sinh ra Jazz. Từ ban nhạc Jazz đầu tiên ra đời khoảng năm 1890, đến những câu lạc bộ Jazz vẫn sáng đèn và nổi nhạc hàng đêm trên phố Pháp, Jazz là thứ keo kết dính tâm hồn NOLA. Mỗi giây mỗi phút mỗi góc đường đều đắm mình trong thứ nhạc soul quyến rũ ấy.
Nhảy với tôi ở NOLA
Trước khi kịp nhận ra mình đang ở trong bảo tàng, tôi đã vội vàng thấy đôi chân mình nhún nhảy trong tiếng nhạc Jazz đầy say mê đang lan ra khắp không gian giữa các bức tường. Ở New Orleans, tiếng kèn đồng, âm thanh của chiếc trumpet hay cái giọng khàn khàn ngang ngang của anh chàng ca sĩ sẽ theo bạn khắp nơi, từ quảng trường Jackson đến những hộp đêm trên đường Bourbon, hay ở ngay nơi mà bạn cũng không ngờ đến nhất, là bảo tàng bang Louisiana.
Một ban nhạc chơi trên đường
Chỉ có thể là ở NOLA, nơi mà trong một tiệm kem nhỏ giữa chợ Pháp, hai cô gái bán hàng có thể ngưng múc kem rồi mải mê nhảy với nhau bên cạnh cửa sổ lúc máy phát chuyển sang một bản nhạc yêu thích. Không có đêm nào ở New Orleans mà tôi có thể về nhà trước nửa đêm. Cái cảm giác trôi từ quán bar này sang hộp đêm khác trên đường Bourbon, nhảy với người lạ ở góc đường Frenchmen và Chartres nơi có một ban nhạc kèn đồng chơi trên vỉa hè mỗi tối… là những trải nghiệm “rất New Orleans” mà bạn khó lòng tìm thấy ở nơi khác trên đất Mỹ. Nếu chưa đủ cho một ngày, hãy đến quán bar Maple Leaf lúc gần nửa đêm, rồi nhảy với bạn mình trong khi ban nhạc kèn đồng đang chơi đầy hăng say trên bục sân khấu màu đỏ ối.
Tưởng chừng như ngay bên ngoài cánh cửa nhà là cả một thành phố nghệ thuật với âm thanh, màu sắc và những điệu nhảy đầy say mê. Bạn sẽ không thể dừng được ý nghĩ nhấc đôi chân lên, lúc lắc bờ vai trong lúc đôi tay vỗ nhịp đều đều theo điệu nhạc. Không có nỗi buồn, không có giọt nước mắt hay bất cứ nỗi sầu muộn nào ở NOLA, chỉ có những trái tim biết yêu và sẵn sàng để yêu. Vậy nên nếu đến New Orleans vào một ngày cô đơn, hãy sẵn lòng để nhảy với tôi trên góc đường nào đó khi ban nhạc kèn đồng đang chơi không ngưng nghỉ, dù khi ấy trời đang chuyển cơn mưa.
Tuyệt với với New Orleans
Những câu lạc bộ chơi nhạc sống hàng đêm là điểm không du Tham quan khu Garden District, nơi nổi tiếng với những khu biệt thự và nhà kiểu cổ của quý tộc xưa, nằm nép bên trong những khu vườn với những cây sồi tạo dáng rất đẹp.
Đi một chuyến tàu điện cổ màu xanh lá cây St. Charles hoặc tàu điện màu đỏ dọc theo đường Canal tham quan thành phố.
Đi dọc theo dòng Mississippi bằng chiếc tàu thuỷ chạy hơi nước cổ Natchez.
Lễ hội Carnival Mardi Gras diễn ra hàng năm tại New Orleans là một trong những sự kiện quan trọng thu hút đông đảo khách du lịch Nếu đến NOLA không đúng dịp, bạn vẫn có thể tìm hiểu về lịch sử lễ hội, tham quan các xe diễu hành được trang trí công phu tại khu trưng bày Mardi Gras World.


Portland quái đản

“Hãy giữ Portland quái đản như thế nhé” - tôi thì thầm khi lên chuyến xe buýt rời thành phố Portland, tiểu bang Oregon (vùng tây bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ), vào một ngày trời không chút nắng.

Cuối chiều, hàng dài xếp hàng chờ mua bánh tại tiệm Voodoo doughnut vẫn chưa ngắn lại
Mây trời ở cà phê Stumptown
Ngày cuối cùng ở Portland là một sáng ảm đạm. Ly cà phê mocha ở quán Stumptown có lẽ là cách ngọt ngào nhất để tôi chia tay thành phố này. Anh chàng pha cà phê cho tôi sáng nay mặc một chiếc áo kẻ ca rô màu đen. Tôi thích khuôn mặt thanh mảnh giăng một màn sương đầy bụi của anh, với những hình xăm tôi không thể hiểu hết ý nghĩa phủ kín cánh tay trái. Khi anh nghiêng chiếc tách sứ và chậm rãi tuôn từng shot cà phê, tôi có cảm giác như thứ chất lỏng màu nâu sóng sánh kia có vương chút gì ngọt ngào từ tâm hồn anh thì phải, hoặc giả tôi chỉ đang mơ màng trong một buổi sáng nhiều mây.
Ở góc phố Ash và đường số 3 gần đó, hàng dài người vẫn đang xếp hàng trước cửa tiệm bánh donut Voodoo. Cái màu hồng chỏng chơ giữa con phố nhợt nhạt trong một ngày không có nắng nhắc cho người ta biết là Portland có những thứ rất kỳ quái và hãy từ từ mà cảm nhận sự quái đản ấy. Nếu muốn mua một chiếc bánh donut thì bạn hãy kiên nhẫn đứng vào hàng ngay đi, đừng chờ đợi làm gì, vì cửa tiệm màu hồng mở cửa 24/7 này khi nào cũng thế cả, đông đến nghẹt thở.
Portland tự gọi mình là “thủ đô xe đạp của nước Mỹ”
Khi nhấp vị cà phê đầu tiên từ cái ly sứ màu nâu, lúc ấy tôi mới chợt nhận ra một anh chàng người Mỹ da trắng với chiếc quần jeans rách vừa đặt chiếc túi xuống vỉa hè và bắt đầu chơi phong cầm bên kia khung cửa. Cánh cửa kính lớn rộng trước mặt thơm mùi cà phê, thoảng vị bánh donut sặc sỡ trong cái hộp màu hồng. Dĩ nhiên tôi chẳng biết anh ta hát gì ở ngoài kia, hay tiếng phong cầm trầm đục thế nào, vì tiếng nhạc punk trong quán đang mở rất lớn. Tôi cắn miếng bánh “Captain my captain” vừa mua từ tiệm Voodoo Doughnut nổi tiếng ở góc phố gần đó, nhấp ly latte và nhìn anh. 
Dòng người đi qua rất nhanh và vội vã, phần lớn họ ai cũng cầm chiếc hộp màu hồng Voodoo. Một, hai người thả vào cái túi màu đen 1 USD. Không thêm ai nữa. Anh chàng Mỹ vẫn chơi phong cầm, và vẫn hát. Khi tôi uống hết ly cà phê này, việc tôi sẽ làm là ra bên ngoài quán, đứng nghe anh ta hát và thả vào cái túi kia 1 USD. Nghĩ cũng buồn cười, tôi là dân đi bụi, tôi chẳng giàu hơn anh ta là bao. Việc tôi cần làm bây giờ là tiết kiệm tiền hết mức có thể để đi xa hơn. Nhưng tôi thích vậy. Tôi có tiền để uống một ly cà phê ngon tuyệt và trời hôm nay rất đẹp, và tôi muốn thả vào cái túi đen kia tờ 1 USD.
Sau rốt, tôi được biết anh chàng chơi phong cầm tên Jonathan, người California. Anh đã đi lang thang hơn ba năm bên bờ Tây nước Mỹ, kiếm sống bằng việc chơi phong cầm ngoài đường. Tôi mời anh một cái bánh donut phết kem sôcôla và chúng tôi đã nói chuyện rất vui.
Hãy giữ cho Portland thật kỳ quái!
Tôi thích Portland hệt như cái cách tôi thích Austin (Texas). Câu khẩu hiệu “Keep Portland weird” bắt nguồn từ “Keep Austin weird” (Giữ cho Portland/Austin thật kỳ quái), vốn là một chiến dịch nhằm thúc đẩy doanh nghiệp địa phương. Thế nhưng dường như cái khẩu hiệu kỳ quái đã “vận” vào thành phố tây bắc này. Austin quái đản như thế nào, xin được nói trong một dịp khác, nhưng cái sự kỳ quái của Portland đã chiếm lấy trái tim tôi.
Những người trẻ sống theo trào lưu vô gia cư ở Portland
Thứ nhất, bạn sẽ hỏi tại sao lại phải cần đến hơn chục cây cầu để bắc ngang dòng Willamette, và bằng cách nào mà thành phố này có thể xây mỗi cây cầu với lối kiến trúc “không đụng hàng” nhau như vậy, từ cầu thép hai tầng đến cầu mái vòm Fremont hay cầu nâng Burnside… Thứ hai, bạn sẽ bị choáng với “văn hoá vô gia cư” khi chứng kiến một cơ số khá đông người rất trẻ nhếch nhác trên đường phố Portland, hoặc ăn xin, hoặc chỉ ngồi túm tụm với nhau tám chuyện. Cô bạn người Mỹ của tôi nói rằng không ít trong số họ muốn trở thành “vô gia cư” để cho… vui. Thứ ba, thành phố này tự nhận mình là “thủ đô xe đạp của nước Mỹ” với hẳn một “văn hoá đi xe đạp” đậm đặc. Cứ thử đứng giữa trung tâm thành phố, bạn sẽ tha hồ nhìn ngắm những cô cậu trẻ tuổi xăm trổ đầy mình mơ màng trên chiếc xe đạp nhiều màu băng qua một góc phố. 
Tôi có cảm giác bạn không cần một danh sách những địa điểm tham quan, di tích lịch sử trong tay khi đến Portland. Bạn sẽ biết ơn cái cảm giác bị lạc giữa những góc đường nho nhỏ và tìm ra một xe đẩy thức ăn nức tiếng ở góc đường số 10 và Alder, hoặc đôi chân sẽ đưa đẩy bạn đến hiệu sách khổng lồ 42 năm tuổi Powell’s Books - nơi mà đảm bảo bạn sẽ tìm được thứ mình cần giữa hơn một triệu đầu sách. Và nếu ở không ít nơi khác bạn phải móc tiền để ngắm những vườn cây xinh đẹp thì vườn thực nghiệm hoa hồng quốc tế với hơn 10 ngàn bụi hồng bung nở đủ loại sẽ chào đón bạn mỗi ngày mà không đòi một đồng nào.
Giữa vườn hồng gồm 10.000 khóm hoa bung nở
Lúc nằm ngủ trên bãi cỏ giữa hàng ngàn đoá hồng bung nở, tôi nhận ra một anh chàng trẻ tuổi đi qua từng luống hoa, nâng các búp hồng và ngửi chúng đầy mê dại. Tôi yêu cái cách chàng trai ấy hít một hơi sâu, mắt nhắm nghiền và chậm rãi lấp đầy lồng ngực mình bằng thứ hương thơm hoa hồng kiều diễm. 
Portland quái đản bởi thành phố này không sơn phết bằng thứ sơn của một nơi nào khác trên đất Mỹ. Và tôi yêu nơi này cũng vì điều giản dị ấy: Portland là chính Portland.

Những điều đặc biệt Thánh đường quốc gia Washington

Có hai điều đặc biệt để nói về Thánh đường quốc gia Washington. Một, nhà thờ phong cách Gothic này chỉ mới 23 năm tuổi đời nhưng thời gian xây dựng nó lại kéo dài suốt gần một thế kỷ. Hai, có một ô cửa sổ đặc biệt bên trong thánh đường, nơi gắn một viên đá Mặt Trăng.

Đến Mỹ, thăm thú thủ đô của cường quốc kinh tế này, du khách thường tìm đến Thánh đường quốc gia Washington – nằm cách trung tâm Washington DC không xa. Đến với công trình kiến trúc tuyệt đẹp này, du khách tỏ ra thích thú và ngạc nhiên bởi những mái vòm, cửa sổ kính màu và những hình điêu khắc toát lên không khí Gothic từ thời Trung Cổ. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất của Thánh đường không chỉ có vậy.
Thánh đường vắt mình qua hai thế kỷ
Dù chỉ là công trình cao thứ tư tại Washington DC, nhưng do tọa lạc trên ngọn đồi St. Alban, đỉnh tháp của thánh đường vẫn là điểm cao nhất thành phố với chiều cao hơn 206 mét trên mực nước biển. Từ ban công đài quan sát của nhà thờ, du khách có thể phóng tầm mắt về “trái tim DC”.
Bên trong Thánh đường Quốc gia Washington.
Viên đá đầu tiên khởi công công trình được đặt dưới sự chứng kiến của cố tổng thống Mỹ Theodore Roosevel vào năm 1907. Trải qua 16 đời tổng thống Mỹ, hai cuộc Thế chiến, nhiều lần thay đổi kiến trúc sư, 83 năm sau, vào năm 1990, tổng thống George H. W. Bush là người hiện diện tại nhà thờ khi hình chạm đầu mái nặng gần 500 kg được cất trên đỉnh tháp Tây Nam, chính thức hoàn thành công trình. Chiến chinh, chính biến và nhiều đổi thay thời cuộc đã ảnh hưởng đến việc xây dựng khiến Thánh đường cứ dang dở qua nhiều thập niên. Tuy nhiên, cũng chính điều đó, giờ đây, lại khiến Thánh đường trở nên đặc biệt khi “vắt” mình qua hai thế kỷ nhưng công trình lại không mang dáng vẻ rêu phong thời gian.
Mỗi ô cửa, một câu chuyện
Không bị đắm mình trong cái không khí “trăm năm” như các công trình tôn giáo cổ khác, thánh đường bên trong nhà thờ Quốc gia Washington vừa giữ được vẻ tôn nghiêm, vừa thoát được cái vẻ u tịch vốn có nhờ những mái vòm nhọn và đặc biệt là những ô cửa sổ lớn đầy màu sắc, vốn là đặc trưng của phong cách Gothic. Hàng trăm cửa kiếng nhiều màu lắp dọc theo hàng lang nhà thờ vẫn ngày ngày kể chuyện Kinh thánh, chiến tranh và cả một câu chuyện vô cùng đặc biệt khác đã diễn ra ngoài vũ trụ. “Cửa sổ không gian” chính là ô cửa đặc biệt nhất trong nhà thờ này, vì trên đó có gắn một mảnh đá mặt trăng – mảnh đá được phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, và đồng đội trên phi thuyền Apollo 11 lấy về trong chuyến du hành vào vũ trụ của ông ngày 20.7.1969.
Nhà thờ Quốc gia Washington với phong cách Gothic trở nên độc đáo vô cùng so với các kiến trúc nổi tiếng khác ở DC.
Bên cạnh Cửa sổ Không gian, một khung cửa nằm ở chính diện phía Tây nhà thờ cũng nổi tiếng không kém. Cái tên đầy lãng mạn “Cửa sổ Hoa hồng” được đặt cho tác phẩm nghệ thuật này không chỉ bởi hình dáng mà còn vì những vệt màu đầy ma mị. 10.500 mảnh kính màu đã được dùng để tạo nên khung cửa sổ Hoa Hồng phía Tây. Điều kì diệu của ô cửa sổ này ở chỗ nó có khả năng biến đổi màu liên tục theo cường độ ánh sáng phía bên ngoài nhà thờ. Khi tím thẫm, lúc ửng hồng, khi nhuộm màu cam rực rỡ…
Trong Thánh đường còn có một điều ngạc nhiên thú vị khác nữa dành cho du khách. Đó là lối đi ở trung tâm nhà thờ lại không dẫn đến điểm chính giữa của bàn thờ chính – vốn được tạo bởi hàng trăm bức điêu khắc cầu kỳ và nằm ngay trung tâm lối đi. Chính điều này sẽ khiến bạn, khi theo lối đi ấy, thoạt tiên sẽ nghĩ mình đang bị mất phương hướng hoặc nhà thờ đã xây lệch trục. Không có lẽ gì một tòa nhà hoàn hảo, đã thành hình trong gần một thế kỷ lại có những lỗi xây dựng như vậy? Đem câu chuyện hỏi một vị lớn tuổi làm việc trong thánh đường, ông giải thích rằng đó là điều bí mật trong kiến trúc của Thánh đường, chủ ý nhắc nhở các tín đồ rằng chỉ có Thiên Chúa là hoàn hảo mà thôi.
Điều khiến Thánh đường quốc gia Washington trở thành một trong những thánh đường nổi tiếng nhất nước Mỹ không phải chỉ bởi công trình đồ sộ có khối lượng 150.000 tấn với 215 ô cửa, 110 gargoyle (miệng máng xối hình thú hoặc đầu người) và 288 bức tượng thiên thần trang trí trong các tòa tháp tọa lạc trên vùng đất rộng 20,4 mà còn vì nó được xây như “nhà thờ cho tất cả mọi người” không phân biệt màu da, địa vị và cả tôn giáo. Nhà thờ từng đón tiếp cả Đức Đạt Lai Lạt Ma và mới đầu năm nay còn bắt đầu cử hành lễ hôn phối cho những người đồng tính…

Thánh đường Quốc gia Washington còn có tên là nhà thờ của Thánh Peter và Thánh Paul. Tổng chi phí sau 83 năm xây dựng công trình là 65 triệu USD, được huy động toàn bộ qua nguồn tài trợ tư nhân.
Viên đá đầu tiên (viên đá nền móng) đặt tại công trình thực chất là sự kết hợp của hai loại đá khác nhau: viên đá nhỏ được lấy từ cánh đồng gần nhà thờ Giáng sinh ở Bethlehem, lồng trong một viên đá lớn hơn vốn là đá granit ở Mỹ.

Seattle, tách latte còn nồng hương quế

Chắc chắn không ai nói biểu tượng của thành phố này nằm ở những quán cà phê nhưng với tôi, Seattle bỗng gần hơn mỗi khi ngồi ở những quán cà phê của thành phố này và loay hoay với lớp bọt cà phê còn nồng hương quế đọng ở môi trên.

Bauhaus, quán cà phê với bức tường cao ngất đầy sách, mở cửa đến tận một giờ sáng mỗi ngày
Bạn có thể không đứng chờ hàng giờ để đặt một chân vào tiệm cà phê Starbucks đầu tiên trên thế giới nằm giữa chợ Pike Place. Nhưng có một điều nhất định bạn đừng bỏ qua khi đến Seattle (Mỹ), đó là gọi một ly latte rồi ngồi cả buổi chiều suy tư, lạc đâu đó giữa thành phố thơm nức mùi cà phê.
Môi trên còn nồng hương quế
Rắc thêm ít đường và một chút bột quế lên lớp bọt màu trắng của ly latte, tôi rón rén bưng tách sứ ra đường. Không bao giờ dùng muỗng để quậy chỗ đường ấy lên, tôi thường đợi cho đến hớp đầu tiên, nghe cà phê dịu dàng quyện với vị ngọt đượm của đường và hương nồng của quế khi chúng chạm đến môi trên.
“Tôi đi uống cà phê mỗi ngày khi ở Seattle. Gọi một ly latte hay mocha ở Zeitgeist, Umbria hay Bauhaus. Tính ra Seattle là thành phố mà tôi đi uống cà phê ngoài tiệm nhiều nhất. Chẳng biết vì sao nhưng tôi thích cái cảm giác ngồi một mình trước khung cửa kính lớn rộng mở ra đường”. Ngồi ở quán Bauhaus trên đường E Pine của Seattle, tôi nhắn cho bạn mình khi đó đang ở Washington DC, phía bên kia nước Mỹ, vì trong khoảnh khắc ấy, bỗng dưng tôi nhớ những ly latte mà bạn vẫn pha mỗi sáng. Bạn tôi thời trẻ là một “party animal” (người ham mê tiệc tùng).
Tôi tự hỏi có ai đó tôi đã yêu trong đời mà mê cà phê không nhỉ? Hình như không. Còn những người mê cà phê mà yêu tôi, thì tôi lại chỉ cười rồi biến mất khỏi cuộc đời họ.
Có một câu hắn nói từng làm tôi cười chết ngất: “Đời tao có thể bỏ rượu chè, gái gú, hút chích. Nhưng tao không thể bỏ cà phê, kem, sôcôla và pizza được”. Vì thế mỗi ngày, lúc 5 giờ sáng, trước khi đón chuyến xe bus đến bộ Lao động (Mỹ) làm việc, hắn luôn uống ít nhất hai ly latte. Không chỉ có cái thú pha cà phê cho mình, hắn còn rất thích pha cà phê cho người khác. Biết đó là niềm vui của bạn nên những ngày tá túc ở đó, tôi thường lồm cồm bò dậy, mắt nhắm mắt mở uống ly latte hắn pha, nói linh tinh gì đấy với bạn về thời tiết, về chính trị, về con chó tên Socs cho đến khi hắn biến mất vào màn đêm lúc... sáu giờ sáng, tôi lại quay về với giấc ngủ vùi trên sôpha ngoài phòng khách.
Trước khi rời DC, tôi tặng bạn mình hai bịch cà phê Việt, đều là cà phê của một cậu em tự tay rang ở Tây Nguyên. Đến Seattle, việc đầu tiên tôi làm khi thức dậy mỗi ngày là đánh dấu trên Google Map một quán cà phê, rồi tìm đường đến đấy. Zeitgeist với những bức tường gạch và cô pha chế kiều diễm. Umbria nằm giữa quảng trường Pioneer cổ kính, giờ là Bauhaus với bức tường cao ngất đầy sách. Và cả những khung cửa kính mở ra đường nữa, tôi yêu chúng và yêu cách một anh chàng Mỹ ngồi bên cánh cửa với một quyển sách con con, mơ màng đọc trong buổi chiều Seattle rầm rập tiếng xe chạy.
Chắc chắn không ai nói biểu tượng của thành phố này nằm ở những quán cà phê. Người ta thích gọi tên Seattle Needle, toà tháp Columbia hay khu chợ Pike Place nhìn ra vịnh Elliott khi nói về Seattle. Nhưng tôi nghĩ mình trở nên gần hơn với Seattle khi ngồi ở những quán cà phê này, loay hoay với lớp bọt cà phê còn nồng hương quế đọng ở môi trên.
Nụ hôn vội giữa chiều cà phê
Những lần ngồi uống cà phê một mình, tôi lại nhớ đến một người bạn và những lần hai đứa dắt nhau đi uống cà phê cùng nhau ở Sài Gòn. Cứ hai tuần thì đi uống một lần, ngồi đúng một chỗ, gặp đúng một anh phục vụ. Tính ra một tháng đi uống cà phê hai lần thì không thể gọi là nhiều, nhưng riết rồi phục vụ ở đấy nhớ rõ luôn chúng tôi hay gọi gì. Bạn tôi thích latte, còn tôi hay gọi caramel machiato hoặc mocha pha bằng sôcôla đen.
Bên trong quán cà phê Starbucks đầu tiên của thế giới
Ngồi trước cửa kính thì cũng có cái thú riêng, nhưng giá có ai đó ngồi đối diện ở một cái bàn cạnh tường gạch thì cái thú ấy sẽ vui theo kiểu khác. Thực ra đôi khi tôi nhớ lúc cậu ấy vươn từ phía bên kia bàn chỉ để chạm khẽ vào tai tôi... 
Những khi nhận ra mình ngã đổ vào cảm giác mênh mang bên ly cà phê giữa Seattle, tôi tự hỏi có ai đó tôi đã yêu trong đời mà mê cà phê không nhỉ? Hình như không. Còn những người mê cà phê mà yêu tôi, thì tôi lại chỉ cười rồi biến mất khỏi cuộc đời họ. Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời hệt như một trò cút bắt trốn tìm, hay một ly cà phê thơm chỉ đủ cho một buổi chiều.
Mà thực ra thỉnh thoảng tôi cũng mường tượng ra một cảnh thế này: tôi và người tôi yêu ngồi trên vỉa hè đầy hoa nơi nào đó ở Seattle, Portland hoặc Washigton DC, bên tách latte nóng trong ngày đẹp trời, bất ngờ chúng tôi nhìn nhau trong một nỗi bâng khuâng nào đấy rồi hôn khẽ lên bờ môi người mình yêu.
Tôi chắc khi ấy cà phê cũng sẽ sánh hơn một chút!

Ngồi trên vỉa hè, bên chậu hoa xinh, uống một tách cà phê là thú vui khi đến Seattle.
Trong vòng năm năm trở lại đây, Seattle luôn nằm trong top 3 các thành phố “ghiền caffeine” nhất nước Mỹ. Người ta tính toán ở Seattle cứ 100.000 người thì có khoảng 35 quán cà phê. Mỗi tháng, một người dân Seattle chi 36 USD cho cà phê. Thành phố này còn là nơi khai sinh ra chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng toàn cầu Starbucks, nơi mà mỗi góc phố trong khu downtown bạn đều có thể nhìn thấy logo nữ thần đuôi cá Siren.

Ở trọ thế giới với giá... 0 đồng

Sau 10 tháng ròng rã đi khắp 20 tiểu bang ở Mỹ rồi xuống Trung Mỹ với chi phí khách sạn bằng 0, tôi nhận ra Couch Surfing đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình. Cả thế giới đã rộng cửa với tôi, khi tôi khẽ đẩy cánh cửa nhà mình để đón chào những người bạn chưa bao giờ gặp mặt.

Một đại gia đình người Mỹ tại Topeka (tiểu bang Kansas) mà người viết từng ở nhờ. Trong ảnh: tác giả bài viết là người ngoài cùng bên trái, hàng trước. Ảnh: TL - Đinh Hằng
Đến như người lạ, rời đi như bạn bè
Chắc chắn sẽ nhiều người lắc đầu ái ngại với ý nghĩ cho những người chưa bao giờ quen đến ở nhà mình. Cụm từ “Couch Surfing” được hiểu vô cùng đơn giản là “lướt xôpha”. Với ý nghĩa ấy, thành viên của cộng đồng rộng lớn đang sinh sống tại 100.000 thành phố trên toàn thế giới (kể cả Afghanistan và Nam Cực) sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn bằng việc cho ở trong nhà mình hoàn toàn tự nguyện và miễn phí. Tinh thần “chia sẻ ngôi nhà với những người bạn chưa gặp” giúp cộng đồng ấy tồn tại 10 năm nay để gắn kết bảy triệu người đam mê du lịch bụi trên toàn thế giới. Tại khu vực TP.HCM và xung quanh, cộng đồng Couch Surfer cũng lên tới 16.598 người. Và tôi có thể tự hào nói rằng, tôi là một trong số họ, một Couch Surfer.
Bằng Couch Surfing, tôi trở thành một phần của đô thị nơi mình đang viếng thăm, hít thở bầu không khí xa lạ một cách thân quen, và dĩ nhiên thôi, tôi có thể sẽ yêu nơi chốn mà mình chưa từng sinh ra ở đó.
Để miêu tả mình, một Couch Surfer luôn bắt đầu với cụm từ “easy-going” (thoải mái, dễ chịu). Điều đó thể hiện ngay trong việc họ không chọn ở trong các khách sạn nhiều sao mà sẵn lòng ngủ ngay trên ghế xôpha nhà bạn. Đừng ngạc nhiên khi phát hiện ra các thành viên của cộng đồng có độ tuổi trải rộng từ 18 đến 89, làm đa dạng các ngành nghề và ở các thang bậc khác nhau trong xã hội. Thực ra, những thành viên nghiêm túc và nhiệt huyết không bao giờ coi Couch Surfing như một “khách sạn miễn phí.”
Chúng tôi chia sẻ nơi ở, thức ăn, những câu chuyện, kiến thức và cuộc đời với nhau. Từ một profile (tiểu sử) mà bất cứ thành viên nào cũng phải có, một request (yêu cầu xin ở nhờ), các Couch Surfers chào đón nhau với tiêu chí “Đến như người lạ và rời đi như bạn bè” chỉ sau vài ngày ngắn ngủi. Những cộng đồng nhỏ hơn cũng được tạo dựng trong lòng Couch Surfing tại các thành phố, dựa trên các ngành nghề, sở thích… với hơn 200 sự kiện được tổ chức mỗi ngày. Sau một thập kỷ, Couch Surfing đã trở thành thế giới để những tín đồ du lịch bụi chia sẻ văn hoá, kiến thức và giúp đỡ nhau trên hành trình đi qua những dải đất lạ.
Couch Surfing thay đổi tôi, và thế giới
Tôi ôm chầm lấy Bobbie và Mike (người Mỹ, 26 và 27 tuổi) khi họ vừa ra khỏi cửa ra sân bay Tân Sơn Nhất. Đã bảy tháng kể từ mùa hè tôi ở nhờ nhà cặp vợ chồng này khi đi qua Seattle (Mỹ), và giờ đây chúng tôi gặp lại nhau trên hành trình vòng quanh thế giới của họ. Cùng lúc, Malin (người Thuỵ Điển, 22 tuổi) cũng nhắn tin vừa đặt chân đến TP.HCM sau lần đầu cô bạn này tá túc tại căn hộ nhỏ của tôi hai năm trước. Chúng tôi cười với nhau và bảo “Thế giới đôi khi thật nhỏ bé”.
Một số thành viên cộng đồng Couch Surfing tại Hà Nội.
Trong hai năm cho ở nhờ và xin tá túc, danh sách bạn bè của tôi trải dài trên bốn châu lục. Vòng tròn Couch Surfing kéo chúng tôi lại gần nhau bất chấp mọi rào cản về địa lý, tôn giáo, màu da, trình độ… Ở đó chỉ có những con người không ngần ngại mở rộng trái tim, vòng tay và cánh cửa nhà mình. Trong xã hội công nghiệp ngày nay, những câu chuyện thoạt tưởng chỉ còn trong chuyện cổ tích như thế đang diễn ra rất thật ở thế giới Couch Surfing. Từ một ý tưởng nghe chừng thật kỳ quái, cộng đồng này đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận và đánh giá con người. Các Couch Surfers gắn kết với nhau hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng và không có gì khác hơn là phải tin tưởng để trở thành một thành viên của cộng đồng. “Chúng tôi muốn thế giới này nhỏ hơn và gần gụi với nhau hơn”, ban quản trị Couch Surfing nói.
  Couch Surfing có an toàn không?
Cho đến nay, phần lớn các trải nghiệm được ghi nhận trên Couch Surfing là tích cực. Tuy nhiên, vẫn xảy ra các trường hợp hiếm hoi như người ở nhờ bị cưỡng hiếp bởi chủ nhà, các vụ ăn cắp vặt… Couch Surfing khuyến cáo các thành viên luôn phải đặt an toàn là ưu tiên hàng đầu. Họ thậm chí có một đội “Tin tưởng và an toàn” để các thành viên báo cáo bất cứ trường hợp khẩn cấp nào.
Một hồ sơ Couch Surfer được cho là “đáng tin cậy” sẽ bao gồm những chi tiết cơ bản như miêu tả kỹ lưỡng về bản thân và nơi ở, danh sách nhận xét của các Couch Surfers khác, dấu hiệu Couch Surfer đã được xác nhận danh tính và địa chỉ, và cũng như được đánh giá mức độ tín nhiệm bởi các thành viên dày dặn kinh nghiệm khác.
Couch Surfing thay đổi thế giới từ những điều rất giản dị như thế. Và Couch Surfing cũng thay đổi cuộc đời tôi.
Tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền bằng việc ở nhờ. Tôi đi xa hơn, nhìn thế giới khác hơn và nhận ra cuộc sống cũng đang đối đãi với mình theo một cách tốt hơn, nhờ Couch Surfing. Với bất cứ người đam mê du lịch bụi nào, giấc mơ lớn nhất là được sống như một người bản địa, nhìn cuộc sống qua lăng kính của dân địa phương. Bằng Couch Surfing, tôi không phải là một người mới đến đang nhìn thành phố với con mắt lạ lẫm nữa, tôi ăn ở những nơi dân bản địa ưa chuộng, đến nơi vốn dĩ không có trong sách hướng dẫn du lịch và biết những điều vốn không được đề cập trên sách báo. Bằng Couch Surfing, tôi trở thành một phần của đô thị nơi mình đang viếng thăm, hít thở bầu không khí xa lạ một cách thân quen, và dĩ nhiên thôi, tôi có thể sẽ yêu nơi chốn mà mình chưa từng sinh ra ở đó.
Nhờ Couch Surfing, tôi cũng yêu thêm những ngõ ngách của thành phố nơi mình đang sống. Tôi tự hào kể cho những người bạn đến từ bốn phương trời lịch sử của những toà nhà, mua cho họ những thức ăn đường phố “ngon đến kinh ngạc” và cho họ thấy lòng mến khách nhiệt thành của người Việt Nam. Tôi trở thành một Couch Surfer, mở cánh cửa nhà mình rộng ra cả thế giới, đón chào những người bạn chưa bao giờ gặp mặt. Tôi cũng sẵn lòng gửi đi thông điệp cho tất cả các chủ nhà tôi xin ở nhờ “Tôi có thể ngủ trên giường, trên ghế xô pha, trên nệm, trên thảm, hay trên bất cứ chỗ trống nào còn lại trong nhà bạn. Vì tôi trông đợi được gặp và làm bạn với một người thú vị, hơn là tìm kiếm một chỗ ở miễn phí”.
Hình ảnh trên trang chủ của cộng đồng Couch Surfing toàn thế giới.
Sử dụng Couch Surfing một cách an toàn:
- Đọc kỹ và cẩn thận hồ sơ của Couch Surfer trước khi có ý định xin ở nhờ hoặc đồng ý cho ai tá túc trong nhà bạn. Đánh giá của các thành viên khác được coi là thông tin tin cậy và quý giá.
- Luôn tin vào trực giác và linh cảm của mình. Nếu cảm thấy bất cứ một dấu hiệu không an toàn, hãy đặt các câu hỏi trực tiếp cho người chủ nhà (trước khi gặp mặt) hoặc rời đi ngay lập tức (nếu đã đến ở).
- Không đưa các thông tin liên lạc cá nhân nếu bạn thấy không thoải mái hoặc khi chưa gặp mặt Couch Surfer.
- Tôn trọng sự khác biệt về văn hoá để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra do xung đột tôn giáo, tín ngưỡng, truyền thống.
- Nhận thức điều nên/không nên làm. Luôn hỏi trực tiếp chủ nhà ngay khi đến về các quy tắc trong nhà họ, cũng như thẳng thắn với người đến ở nhờ nhà bạn.
- Luôn có một kế hoạch dự phòng trong trường hợp bạn không thể đến ở hoặc phải rời khỏi nhà người cho ở nhờ.
- Viết đánh giá về chủ nhà hoặc người xin ở nhờ sau khi quá trình ở trọ kết thúc. Luôn trung thực và rõ ràng, vì sự an toàn của các thành viên khác sẽ dựa khá nhiều vào đánh giá của bạn.
- Báo báo bất cứ một trường hợp vi phạm nào hoặc không ngần ngại lên tiếng nếu có một kinh nghiệm xấu với Couch Surfer. 
Bài, ảnh: Đinh Hằng


Không có nhận xét nào: