Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Đi chợ Victor Hugo ở Toulouse nghĩ về di sản

Chưa biết nếp tẻ thế nào, thú vị ngay từ cái tên “Victor Hugo marche”. Tên một đại văn hào đặt cho một cái… chợ, vui thật chứ. Cỡ ông ấy theo ta thường hiểu, phải là một quảng trường, nhà hát kịch, hay bảo tàng gì đấy, đằng này một cái chợ, mà lại bán đủ thứ từ các loại rau củ quả bên ngoài, cho đến “hàng tôm hàng cá” bên trong. Cứ tưởng tượng ở ta, chợ “Hàng Da” xây lại xong đặt tên là chợ Nguyễn Du chẳng hạn, chắc là bị ném đá tan tành mây khói.
06_resize
Về kiến trúc nó thế nào? Một kiến trúc hiện đại của thập kỷ 70, một khối đồ sộ nhưng được làm nhẹ đi nhiều bởi những dải phẳng và răng cưa chạy ngang ở phần trên. Phía dưới là một dãy hành lang với kết cấu thép như được cấy vào khi cải tạo sau này. Phần trên là chỗ đậu xe, dưới là nhà hàng và tầng trệt là một cái chợ đúng như kiểu “chợ Hôm” nhà mình, nơi bán đủ thứ từ hải sản tươi sống cho đến thịt thà, thực phẩm chế biến như pate, jambon, xúc xích, fromage các loại và đặc biệt là món pate gan ngỗng của vùng Toulouse.
08_resize
Ngoài ra còn có nhiều quầy bánh mì đủ loại, thích nhất là mấy loại bánh làm kiểu nhà quê, bánh nhìn xù xì, đen đen ăn thì tuyệt hảo vì thơm và đậm vị.
Lại có cà quầy bar trong chợ, mới sáng ra đã thấy nhâm nhi vang, cà phê thì đã đành rồi, xong còn ôm hôn nhau chí chóe, đúng là dân Pháp. Ngay trên đầu cái chợ, ở tầng lửng là một nhà hàng hải sản cũng mang tên đại văn hào. Nghe nói ngon lắm nhưng rất tiếc chỉ mở cửa buổi trưa nên chưa kịp nếm.
Không phải một công trình đặc sắc và quá bắt mắt về kiến trúc nhưng cái hành lang thép phía dưới là một sự kết hợp độc đáo, một sự tương phản chất liệu và sự mở về không gian gây cảm giác rất thú vị. Các không gian chức năng được bố trí hợp lý, gian hàng rau, hoa, củ quả phía ngoài vừa tiện lợi cho mua bán, lại vừa tạo sự sinh động, lôi cuốn, mời gọi khách. Chả định mua gì mà cứ muốn la cà rồi cũmg phải rút ví ra.
01_resize
Phong cách này là một nét đặc trưng của thập kỷ 70 thế kỷ trước. Cũng “có nhiều ý kiến khác nhau” về giá trị công trình nhưng nó vẫn được xếp là di sản, một di sản của kiến trúc hiện đại!
Lâu nay ở ta hay nghĩ về “di sản” chỉ là những công trình kiến trúc, những vật thể và phi vật thể cổ xưa từ quá khứ. Nhưng thực ra khái niệm “di sản” không chỉ vậy, nó là những thứ, những giá trị có thể cao thấp khác nhau nhưng nó là những biểu trưng, những dấu ấn, di vật của một thời kỳ nào đó, dù rất xa xưa hay mới trong thời gian còn gần. Nó không chỉ là những thứ được xác nhận một giá trị khủng khiếp nào đó, mà nó có thể là những giá trị thông thường.
02_resize
Cách đây ít năm có một nhóm chuyên gia Pháp, trong đó có cả kiến trúc sư sang Hà Nội làm việc trong chương trình hợp tác về đánh giá, giữ gìn và bảo tồn di sản Hà Nội có đến một ngôi biệt thự cũ thời Tây. Khi đến đấy, ngoài căn nhà, họ rất chú ý đến một “di sản sống”, đấy là bà cụ già lọm khọm, một người phụ nữ từng học hành, đi làm việc ở Hà Nội thời thực dân. Họ hỏi bà đủ thứ chuyện, họ leo lên tầng thượng nơi giờ là kho chứa những thứ đồ cũ kỹ. Họ xem xét lục lọi, họ chú ý và nhặt từng bức ảnh cũ rơi đâu đó trên sàn nhà lên xem. Họ xoi xét, hỏi han tỉ mẩn… Hình như với họ, đấy cũng là một công việc và đối tượng để “khảo cổ”, khám phá về quá khứ.
Có những thứ hoàn toàn mất đi thì đành chịu. Người ta có thể phán đoán, nghiên cứu khảo sát theo nhiều cách khác. Nhưng những gì còn lại dù rất nhỏ, tưởng như vẩn vơ ất ơ nhưng chỉ cần gợi hoặc nói lên một chút gì là người ta vồ lấy như vồ những viên gạch cổ.
03_resize
Cho nên không thể coi “di sản” chỉ là những công trình cũ kỹ cổ xưa, dù nó có chứa đựng hay không một chút gì gọi là đời sống trong đó. Thời nào cũng có những “di sản” của nó, là những thứ in dấu ấn cần lưu giữ cho mai sau. Nhất là những vật thể mà trong đó có chứa những giá trị phi vật thể như linh hồn của thời đại. Cái chợ Victor Hugo này kiến trúc có nét đấy nhưng chưa phải là quá đặc săc. Thế giá trị của nó còn là gì mà gọi là di sản? Ngoài cái tinh thần kiến trúc của thập kỷ 70 còn là cái văn hóa chợ của dân Pháp, những sản phẩm, đặc sản, những biểu trưng của một nền sản xuất chế biến thực phẩm từ lâu đời. Những lề thói chợ búa, mua bán, hưởng thụ của người ta khi đi chợ… tất cả những thứ đấy gói trọn trong một tòa nhà thành một “di sản trọn gói” vừa là để lưu và cũng là để gìn giữ nó. Tất cả như là một cuộc vận hành đầy tự nhiên như là đời sống bắt nó phải thế, chứ không phải như ngưới ta “vẽ” ra nó là như thế. Chả ai phải cố gồng lên ở đây.
09_resize
Nhân đấy chợt nghĩ về thương xá Tax, một công trình vừa “dậy sóng” ở TP Hồ Chí Minh thời gian vừa qua. Thực ra về mặt “di sản đô thị” thì toàn bộ khu trung tâm quanh quẩn chợ bến Thành ra đến nhà thờ Đức Bà đổ dọc đường Đồng khởi xuống bờ sông là đáng giữ hết. Dù chỉ là những dãy nhà ngói một trệt một lầu dọc các đường Lê Thánh Tôn, cả dãy nhà ở Đồng Khởi trước khi Caravell khởi sự. Các dãy phố hàng vải của người Ấn ở Võ Duy Nghi (giờ là đường Ngô Đức kế) khu vực gần chợ cũ. Đây là những khu vực nhà cửa giá trị kiến trúc rất ít nhưng là những khu vực bán hàng theo từng sản phẩm đặc trưng, với phong cách đặc trưng của mỗi tộc người. Phố Lê Thánh Tôn là những hiệu giày nơi có nhiều ghệ nhân người Bắc di cư. Dãy nhà hai tầng đường Đồng Khởi trước thời Caravell là một loạt cửa hiệu đồng hồ…
07_resize
Cái ta tiếc không phải chỉ là tiếc những công trình kiến trúc (chỉ tiếc những kiến trúc có giá trị như khu vực Eden cũ, khu 213 Đồng Khởi… ), có những công trình trong đô thị có lịch sử ít giá trị kiến trúc bị phá hủy thực ra cái đáng tiếc không phải là giá trị công trình, mà là tiếc cái không gian chứa trong đó một đời sống, không khí “phường buôn bán”, những nề nếp kinh doanh, những nghề và sản phẩm tinh xảo, những nghệ nhân thủ công như những di sản đầy tinh hoa duy trì từ quá khứ. Công cuộc cải tạo tư bản tư doanh không chỉ đánh chết người giầu và người không giầu bị oan mà họ bị cho là bóc lột, cái mất đau đớn nhất là là làm những giá trị kia vĩnh viễn trở thành cát bụi, chỉ đọng lại trong một vài cái đầu hay hoài cảm rồi đến ngày chắc cũng hoàn toàn tiêu vong cả trong tâm trí.
10_resize
Cho nên cái Tax này cũng thế, thì đúng là mọt “di sản” thật, về kiến trúc nếu cải tạo đúng (mà cũng không quá khó) cũng có thể thành một kiến trúc đẹp có gíá trị trường tồn. Nhưng cái thành trì căn bản nhất tạo hồn cho nó để thực sự là một di sản đúng nghĩa thì đã chết lâu rồi. Cái cung cách mà nó chứa đựng trong đấy bao năm nay với bao nhiêu lần cải tạo kiểu chắp vá từ hình thức đến nội dung không rõ ràng, chả theo lề lối gì. Vừa những thứ hàng dởm rít, kiểu chợ bán sỉ, lại chen vào đây đó những thứ đắt tiền bóng lộn.  Một kiểu buôn bán chả ra ngô, chả ra khoai, cứ giữ rịt nó thế thì cái sự buôn bán cũng mãi sẽ là như thế, chỉ là một “di sản trong tâm tưởng”, một cái xác không hồn.
Thậm chí ngay cả những khu nhà tập thể thời bao cấp với các thành phần kiến trúc “lồng, vẩy” cũng có vài cái đáng là “di sản”ghi dấu ấn một thời nên lưu giữ.
Bài & Ảnh: Tạ Mỹ Dương
________
theo Tạp chí Kiến trúc nhà đẹp - số  3.2015

Không có nhận xét nào: