Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Đọc sách ở Paris

Buổi sáng tôi dậy trễ, ăn sáng uống sữa và túc tắc xách máy ảnh lang thang qua những con phố Paris. Khi nào mỏi chân thì tìm chỗ ngồi… đọc sách.
Tôi gọi những ngày ở Paris là những ngày không vội vã. Tôi đến chơi và lưu lại vài ngày với cô bạn thân, chúng tôi đã lâu lắm rồi không gặp. Buổi sáng tôi dậy trễ, ăn sáng uống sữa và túc tắc xách máy ảnh lang thang qua những con phố Paris. Khi nào mỏi chân thì tìm chỗ ngồi… đọc sách. Nắng đầu xuân trong vắt, rải vàng như mật. Gió lạnh khẽ khiến người ta không nhất thiết phải co ro. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn cho những ngày như thế. Hoặc chui vào một hiệu sách nhỏ tên là Shakespeare & Co. để ngửi mùi sách thom tho và sờ vào những gáy sách sờn cũ đầy mê hoặc, hay ngồi bên một hồ nước xao xác chim và vịt ở Jardin du Luxembourg, nghe những âm thanh trong trẻo và cứ thế đọc sách.
“Thư viện” Shakespeare and Co.
Nằm ngay cạnh sông Seine, nhìn ra nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng Shakespeare and Co. (S&C) lại khiêm tốn trên một con đường nhỏ mà nếu không chú ý kỹ, người ta dễ dàng bỏ qua, ngay cả những người đã từng đến. Quyển sách về du lịch mà tôi tham khảo trước khi tới Paris có nói rằng S&C được mệnh danh là một trong những tiệm sách cổ đẹp nhất thế giới, được mở từ năm 1951. Nhiều văn hào nổi tiếng thế giới thời kỳ này đã từng đến “ăn bánh uống trà” tại S&C với George Whitman - chủ nhân hiệu sách này. Không nhiều người biết rằng S&C từng là thư viện riêng của Whitman khi chàng sinh viên người Mỹ này theo học tại đại học Sorbone, Paris. Do đó, không khó hiểu khi có đến 90% lượng sách tại S&C là sách tiếng Anh. Nhân viên làm tại hiệu sách đương nhiên cũng phải thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy vậy, bạn tôi “bật mí” rằng sinh viên Mỹ biết tiếng Pháp vẫn được ưu tiên hơn sinh viên bản xứ biết tiếng Anh. Tôi đoán vì ông chủ S&C muốn tìm lại hình ảnh “thuở hàn vi” của mình.

Có thể ngồi ở Shakespeare and Co. đọc sách cả ngày
Tầng trệt là hiệu sách, nơi bạn có thể tìm thấy sách thuộc rất nhiều thể loại, từ kinh tế chính trị đến văn học nghệ thuật, cả cũ và mới. Có cả những quyển sách đã không còn lưu hành trên thị trường rất lâu rồi. Tôi nghe nói đã có những người trả rất nhiều tiền để mua những quyển sách cổ này nhưng S&C không đồng ý bán. Dù vậy, thỉnh thoảng bạn vẫn có thể tìm thấy ở S&C những quyển sách cũ với giá rất hời. Với tôi, S&C là một nơi đọc sách đặc biệt. Vì ở đó, người ta có thể mua sách và cầm ngay quyển sách ấy lên tầng trên ngồi đọc, trong một không gian thinh lặng và rộng mở.
Không bị ảnh hưởng bởi sự nổi tiếng và lượng du khách đông đúc đến mỗi ngày, tầng hai của S&C là một không gian hoàn toàn yên tĩnh để đọc sách. Nhỏ nhưng ấm cúng và độc đáo, không gian đọc của S&C là những kệ sách cũ thơm mùi thời gian, gáy sách đã sờn nhưng các trang giấy vẫn còn nguyên vẹn. Gian trong được bao quanh bởi những tủ sách choán hết các bức tường, với những chiếc ghế bọc nhung đỏ êm ái và gợi lên không gian xưa cũ. Nếu may mắn, thỉnh thoảng bạn có thể nghe được tiếng piano của một du khách nào đó dạo lên từ cây dương cầm nhỏ ở giữa phòng. Gian ngoài rộng hơn có cửa sổ nhìn ra nhà thờ Đức Bà Paris. Sàn nhà được lát gạch ô cờ đen trắng, và trong khi những người đến đọc sách ngồi lặng im, tôi cảm giác gian phòng như một bức ảnh phim trắng đen cổ điển. Tôi luôn bị thu hút bởi không gian tĩnh lặng này, mặc cho bên ngoài bức tường là ồn ào nhộn nhạo của du khách đến tham quan những địa điểm nổi tiếng nhất của thành Paris tráng lệ.
Phong cách Ý giữa lòng nước Pháp
Khu vườn mang tên Luxembourg, toạ lạc tại khu phố Latin ngay trung tâm Paris, sẽ là nơi đọc sách ngoài trời lý tưởng nếu bạn yêu thích thiên nhiên và không gian thoáng đạt. Luxembourg có lẽ là khu vườn nổi tiếng nhất Paris, thu hút không chỉ hàng chục ngàn du khách mỗi năm mà còn là điểm hẹn ưa thích của người dân thủ đô.
Trời vẫn còn chưa hết lạnh và hoa chưa kịp nở nhưng nắng đã lên. Chỉ cần như thế thôi cũng đủ thu hút người Paris đến vườn đi dạo, nói chuyện, sưởi nắng và dĩ nhiên là…đọc sách
Lần đầu tiên đến với Paris những ngày đầu xuân, tôi đi lang thang từ đại học Sorbone, dọc theo con đường Soufflot rộng lớn chừng 10 phút là đến vườn Luxembourg. Trời vẫn còn chưa hết lạnh và hoa chưa kịp nở nhưng nắng đã lên. Chỉ cần như thế thôi cũng đủ thu hút người Paris đến vườn đi dạo, nói chuyện, sưởi nắng và dĩ nhiên là…đọc sách. Đâu đâu cũng là những con người thanh lịch (dân Paris nổi tiếng ăn mặc đẹp), lúc nào âm nhạc cũng vang lên từ một góc vườn nào đó, không gian trong lành và tinh thần cởi mở.
Hàng ngàn mảnh giấy ở “Bức tường ghi chú” ở Shakespeare and Co., nơi du khách ghi lại cảm nhận của mình về hiệu sách
Tôi mở balô, ăn sandwich đã chuẩn bị sẵn cho bữa trưa và đọc sách quyển sách lấy từ nhà cô bạn. Bên cạnh hồ nước, một vài sinh viên khoa thời trang (tôi đoán thế) đang tạo dáng chụp ảnh trên những đôi giày cao và lạ. Xung quanh tôi, bọn trẻ con chạy nhảy hò hét, những cặp tình nhân đắm đuối hôn nhau và người ta ngồi sưởi cái nắng yếu ớt đầu xuân trên những chiếc ghế xanh. Tôi quay sang bắt chuyện với một cụ già đang ngồi nhìn bọn trẻ chơi đua thuyền giữa hồ, đôi môi bà tô son đỏ và thỉnh thoảng mỉm cười. Tôi không biết tiếng Pháp và bà không biết nhiều tiếng Anh, nhưng tôi đã có một cuộc nói chuyện ngắn thú vị với người phụ nữ “gốc thủ đô”. Nhờ bà mà tôi biết rằng vườn Luxembourg thật ra mang phong cách Ý chứ không phải kiểu kiến trúc vườn điển hình của người Pháp, vì người cho xây khu vườn này, hoàng hậu Marie de Médicis đã từng có thời gian dài sống ở Florence (Ý). Ngay cả cung điện Luxembourg trong khu vườn này cũng được thiết kế mô phỏng theo cung điện Pitti của Florence. Khu vườn đã qua nhiều lần tu sửa, cũng phần nào được “Pháp hoá” nhưng kiến trúc cơ bản thì vẫn được giữ nguyên.
Cung điện Luxembourg nhìn từ hồ nước
Khi tôi trở lại vào mùa hè, vườn Luxembourg đã xanh lá. Các bức tượng như thể cũng sinh động hơn trong ánh nắng chói chang. Người ta ngồi chật những băng ghế sắt bên dưới những tán cây, thưởng thức những màn trình diễn miễn phí của sinh viên nghệ thuật đến từ các trường đại học trong Paris. Bọn trẻ con vẫn tiếp tục trò chơi đua thuyền ở hồ nước lớn giữa khu vườn. Tất cả tạo nên một luồng âm thanh sôi động đầy sức sống. Với nhiều người, Paris là kinh đô ánh sáng, tráng lệ và hiện đại. Với riêng tôi, Paris đơn giản là những ngày cầm máy ảnh đi dạo, đến bất kỳ nơi nào cũng có thể ngồi xuống trong một không gian rộng mở, thư thái và luôn đầy ắp tiếng nhạc đường phố. Vì thế, tôi luôn mong trở lại Paris và ngồi đọc sách.
Thủy Tiên

Không có nhận xét nào: