Không ai đến Vancouver (Canada) mà không ghé thị trấn cổ Gastown và quên thăm chiếc đồng hồ hơi nước ở góc đường Cambie - Water. Không ai thăm chiếc đồng hồ Gastown mà không chờ nó “đổ chuông”.
Chừng đó đủ thấy sức hấp dẫn của biểu tượng “nặng ký” về cả nghĩa đen và nghĩa bóng của thành phố Vancouver cùng nhiều câu chuyện xoay quanh chiếc đồng hồ đặc biệt đang chờ bạn khám phá.
“Chàng thanh niên” bị lão hóa
Tháng 9.2012, đồng hồ hơi nước Gastown (Gastown steam clock) kỷ niệm 35 năm ngày ra đời tại Vancouver, Canada.
Hơn ba thập kỷ là con số quá khiêm tốn cho một biểu tượng thành phố và dường như không thể sánh ngang với tháp Eiffel - Paris, đấu trường Colosseum - Rome hay trong cùng quốc gia là tháp truyền hình CN - Toronto.
Nhưng bản thân Gastown Steam Clock vẫn lôi cuốn bao lữ khách dừng bước chỉ để nghe tiếng hú vui tai như chiếc đầu máy hơi nước truyền thống.
Vẻ ngoài của chiếc đồng hồ quả thật không giống với tuổi đời thanh niên của nó với phong cách cổ điển kiểu thế kỷ XIX.
“Từ ý tưởng muốn tạo nên một biểu tượng đi cùng lịch sử Gastown, tôi đã làm ra chiếc đồng hồ hơi nước sao cho trông nó có vẻ đã ở đây hàng trăm năm. Đa số du khách nghĩ rằng nó khoảng 100 tuổi”, Raymond Saunder, cha đẻ của chiếc đồng hồ cho biết.
Quả thật có rất nhiều lời trầm trồ ngạc nhiên khi anh hướng dẫn cho biết ngày ra đời của Gastown Steam Clock.
Năm 1977, chính quyền Vancouver đã đề nghị Saunders thiết kế chiếc đồng hồ trong kế hoạch phục hưng thành phố. “Đó là thử thách của tôi trong việc lần đầu tiên chế tạo chiếc đồng hồ hơi nước mà tôi không biết mình đang và sẽ phải làm gì. Nhưng may mắn mọi thứ đã trở nên tốt đẹp và tôi rất tự hào khi tác phẩm mình làm ra lại nổi tiếng như thế”.
Nhưng đã có ai tự hỏi tại sao chiếc đồng hồ lại đứng ở đây? Chả lẽ không có điểm đến hay thánh tích nào trong thành phố nên đến hơn là thăm chiếc đồng hồ Gastown? Lý do nằm ở những trang lịch sử của Vancouver hơn nửa thế kỷ trước.
Tony Campell và kế hoạch bị phá sản
Vào những năm cuối thập kỷ 60 thế kỉ XX, Gastown là một bức tranh cũ kỹ. Nhiều tòa nhà bị bỏ hoang hay dùng làm chỗ ở cho người thu nhập thấp. Thị trấn còn tập trung đầy dân hippy (người sống tự do phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi các hệ thống quy tắc chuẩn mực nào) do giá thuê nhà và đồ uống có cồn rẻ.
Thị trưởng lúc đó là ông Tom Campbell, thích phát triển thành phố theo hướng mở rộng đường sá. Làm việc với các nhà quy hoạch nội ô, Tom đưa ra bản kế hoạch định hình khu trung tâm, trong đó Chinatown, Strathcona, phố cổ Gastown sẽ được dỡ bỏ để tạo tiền đề cho những con đường lớn.
Ở Bắc Mỹ, các đô thị như Toronto, Seattle, Chicago đều có đường cao tốc chạy ngang thành phố rồi nối theo bờ sông hay bờ biển. Tom Campbell cũng muốn có hệ thống tương tự như vậy. Ngày nay bạn có thể ghé thăm bảo tàng Vancouver nơi trưng bày kế hoạch và mô hình chưa từng được xây dựng này.
Nhưng điều gì đã xảy ra? Tại sao thành phố lại không có con đường cao tốc 12 làn như Tom khát khao? Trở lại với những cư dân ở khu Chinatown, Strathcona và Gastown vào năm 1970, họ là một cộng đồng lớn đang sống rất yên bình, hạnh phúc. Trước áp lực di dời để nhường chỗ cho quy hoạch, họ vẫn kiên quyết không lay chuyển. Cuối cùng chỉ có những chiếc cầu cạn trên đường Georgia, Dunsmuir được xây dựng, khu Hogan’s Alley và khu người da đen bị phá hủy. Quan trọng nhất phố cổ Gastown vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Tiếp nối sự thành công trong việc giải cứu Gastown, chính quyền bắt đầu tập trung đầu tư, nhiều quỹ tiền tệ được giải ngân nhằm phục hồi những căn nhà cổ bị xuống cấp. Hoạt động kinh doanh bắt đầu trở lại và du khách được chào đón nồng hậu.
Năm 1977, Gastown đã được khoác chiếc áo mới. Ý thức được cần có một điểm nhấn để thu hút khách, nhóm chủ cửa hiệu quanh vùng đã đóng góp vào một quỹ chung. Trong khi đang suy nghĩ về cái gì đó lớn lao thì họ nhận thấy có hệ thống đường ống hơi nước chạy ngầm nối đến khu công nghiệp đi ngang Gastown, và nghệ nhân Raymond được mời đến.
Raymond và chiếc đồng hồ hơi nước độc đáo
Raymond Saunders là nghệ nhân làm đồng hồ nổi tiếng người Canada. Ông đã thiết kế hơn 150 tác phẩm nghệ thuật là đồng hồ, chủ yếu phục vụ cho mục đích trưng bày thu hút khách du lịch. Gastown Steam Clock có thể là chiếc đồng hồ hơi nước đầu tiên được làm một cách hoàn hảo, mặc dù vào thế kỷ XIX, kỹ sư người Anh John Inshaw đã tạo nên chiếc đồng hồ tương tự mang tên Birmingham pub.
Chiếc đồng hồ được cung cấp năng lượng từ hệ thống sưởi dưới lòng đất. Piston bên trong máy hơi nước của đồng hồ được kích hoạt và làm chuyển động hệ thống các bánh răng qua dây xích. Phương pháp này dựa trên chiếc đồng hồ được làm bằng tay ở Anh năm 1875.
Sauders sau này đã làm sáu chiếc đồng hồ hơi nước ở sáu điểm khác nhau như tại thành phố Otaru - Nhật Bản, bảo tàng ở bang Indiana (Mỹ). Ông cũng làm một chiếc nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập York House ở Vancouver năm 2010.
Nhưng Gastown Steam Clock không hoàn toàn chạy từ hơi nước. Bên trong đồng hồ có ba mô tơ chạy bằng điện, cấp nguồn cho những chiếc quạt, một giúp thổi hơi nước ra bên ngoài qua đỉnh đồng hồ bốn mặt và một kiểm soát các van có tác dụng cấp hơi để năm ống sáo bên trong phát ra âm thanh.
Ống sáo chính giữa lớn nhất sẽ kéo hồi dài mỗi tiếng đồng hồ, trong khi bốn ống còn lại cứ 15 phút lại ngân lên một lần. Du khách sẵn sàng đứng chờ 1/4 giờ đồng hồ chỉ để nghe được tiếng kêu là lạ quen quen, nhất là trong mùa đông, từng chùm hơi bốc lên nghi ngút kèm âm thanh của nó giúp họ xua đi cái lạnh giá.
Câu khắc trên chiếc đồng hồ ca tụng công cuộc phục hồi Gastown, cái hay là nội dung ấy không nhắc đến kế hoạch thất bại của Tom Campbell trong việc làm đường cao tốc. Bảng chữ trên chiếc đồng hồ nói gì? Xin mời bạn ghé thăm và nghe các hướng dẫn viên trò chuyện nhé!
Nam Trần
(Theo atlasobscura.com)
(Theo atlasobscura.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét