(Tin Nóng) Hầu hết du khách đến Bonn (Đức) đều được khuyên dành khoảng 1 giờ ghé thăm căn nhà của một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế kỷ 18, Ludwig van Beethoven.
Beethoven cất tiếng khóc chào đời vào một ngày mùa đông giá lạnh năm 1770 và lớn lên tại căn hộ số 20 đường Bonngasse, Bonn (thủ đô cũ của CHLB Đức). Căn nhà màu xanh xen kẽ các vạch đỏ khác biệt và nổi bật trong dãy phố khu vực trung tâm thành phố, gần bờ sông Rhine.
Nhà của Beethoven được xây từ thế kỷ 18, là một căn nhà gỗ nhỏ trong đó hơn chục phòng chức năng cũng nhỏ gọn. Đây là nơi thiên tài âm nhạc Beethoven sinh ra, lớn lên, chơi nhạc và sáng tác trước khi đến Vienna, Áo.
Với 5 euro cho vé vào cửa, không dùng cầu thang chính, khách sẽ được hướng dẫn qua gian trước của tầng trệt, nơi bán hàng lưu niệm gắn với cái tên Beethoven.
Bước ra khoảng sân sau nhỏ nhắn với hàng cây leo bám kín tường nhà, khách sẽ xếp hàng vào thăm căn hộ. Người hướng dẫn cho biết, vì tình trạng căn nhà gỗ không cho phép quá đông người tham quan một lúc nên thường hạn chế từng đợt người viếng thăm không quá 20.
Những căn phòng áp mái hiện không cho khách vào vì gỗ đã xuống cấp, không còn an toàn.
Dùng thiết bị hướng dẫn kỹ thuật số, khách sẽ theo chỉ dẫn ghi trên các mảnh giấy nhỏ tại cửa từng phòng và bấm số để nghe thuyết minh. Khách tự chọn ngôn ngữ phù hợp và bắt đầu chuyến du ngoạn từng căn phòng, nơi Beethoven sinh ra, chơi nhạc và sáng tác, nơi cất giữ các nhạc cụ ông từng dùng. Có phòng trưng bày những bản thảo âm nhạc và thư viết tay của Beethoven, những vật dụng cá nhân hay hình ảnh về gia đình.
Tuy nhiên, du khách không được phép quy phim, chụp ảnh khi tham quan phía trong căn nhà.
Sinh ra tại Bonn, Đức nhưng khi qua đời được chôn cất tại Vienna, Beethoven được thế giới ngưỡng mộ về tài năng xuất chúng trong sáng tác âm nhạc, để lại rất nhiều tác phẩm bất hủ sáng tác dành cho đàn piano, violon, hoặc cả dàn nhạc giao hưởng.
Du khách thăm nhà sẽ được nghe những bản Fur Elise, Moonlight Sonata… và nhiều bản sonate hay giao hưởng khác do Beethoven sáng tác được ghi sẵn trong thiết bị hướng dẫn và những câu chuyện phía sau các tác phẩm đó.
Hơn thế, ông còn được thế giới khâm phục về nghị lực phi thường. Dù thính giác bị mất từ trẻ nhưng ông vẫn sáng tác những bản nhạc bất hủ phổ biến cho đến nay, cũng như được dùng làm nền tảng giảng dạy âm nhạc hàng trăm năm qua.
Bài, ảnh: Kim Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét